Hà Nội 12 ngày đêm – Bản Anh hùng ca Máu và Hoa – Bài 3: Hà Nội quật cường

Trong những ngày cuối tháng 12-1972, quân và dân Thủ đô đã anh dũng, kiên cường chống trả lại một đội quân mạnh gấp nhiều lần với những loại vũ khí tối tân, hiện đại vào bậc nhất như: “Thần sấm”, “Con ma”, “Siêu pháo đài bay- B52”… Tuyên bố đưa Hà Nội quay trở về thời kỳ đồ đá của Mỹ đã phá sản hoàn toàn trước tinh thần quật cường của người Hà Nội.

Một trong những máy bay của Đoàn 921 anh hùng,
đơn vị đã bắn rơi 137 máy bay Mỹ

Ảnh: HOÀNG LONG

Tương quan lực lượng

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Trung tướng Phạm Tuân – Anh hùng lực lượng vũ trang, người trực tiếp chiến đấu trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không cho biết, do liên tiếp thất bại tại chiến trường miền Nam, giặc Mỹ đã leo thang bắn phá miền Bắc với ý định đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá. Để đạt được mục đích san phẳng Hà Nội, Mỹ đã huy động tất cả những vũ khí tối tân nhất mà họ có lúc bấy giờ như F105 (Thần sấm), F4 (Con ma), F100, F111 và đặc biệt là “Siêu pháo đài bay – B52”, dồn dập dội bom Hà Nội.

“Siêu pháo đài bay – B52” là loại máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang bom hạt nhân và bom thông thường với số lượng lớn (khoảng 30-40 tấn). B52 là niềm kiêu hãnh của không lực Hoa Kỳ, họ rêu rao dưới cánh B52 không một sinh vật nào có thể tồn tại được. Không chỉ vậy, mỗi lần phi đội B52 cất cánh vào Hà Nội oanh tạc là có hàng đàn “Thần sấm”, “Con ma” mang theo bom, tên lửa không đối đất, không đối không bay theo hộ tống, đánh phá các trận địa phòng không (pháo cao xạ, tên lửa), đồng thời đánh chặn máy bay tiêm kích của ta để bảo vệ B52. Đó là chưa kể trước khi phi đội B52 vào đã có rất nhiều máy bay chiến thuật F111 vào trinh sát, RB66 gây nhiễu sóng ra đa.

Trong khi đó, không quân ta chỉ gồm những chiếc Mig 17, Mig 19 và thêm vài chiếc Mig 21 để đối đầu với các loại máy bay tiêm kích, cường kích vô cùng tối tân của Mỹ. Lực lượng phòng không của ta lúc đó chủ yếu là trọng liên và pháo cao xạ: 14,5 ly; 23 ly; 40 ly; 57 ly; 85 ly và lớn nhất là 100 ly. Tên lửa của ta lúc đó chỉ có Sam 2.

Tìm cách đánh

Trung tướng Phạm Tuân hồi tưởng: “Từ năm 1967, Bác Hồ đã dự đoán: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh phá Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị…. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Do vậy, quân đội ta đã có sự chuẩn bị cho những trận chiến khốc liệt nhất khi đối đầu với máy bay ném bom chiến lược B52…”. Trận quyết chiến trên bầu trời Hà Nội có sự đồng tâm hiệp lực của cả 3 thứ quân: Dân quân tự vệ, bộ đội địa phương và quân chủ lực, quyết tâm đánh thắng kẻ thù ngay từ khi chúng tới. “Người Hà Nội lúc đó, từ dân thường đến cán bộ, chiến sĩ phòng không – không quân đều hừng hực khí thế quyết tâm đánh tan âm mưu rải thảm Hà Nội của đế quốc Mỹ. Mỗi người một việc, tất cả sẵn sàng cho trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Thủ đô…”, Trung tướng Phạm Tuân kể lại.

Anh hùng Phạm Tuân

Theo Trung tướng Trần Hanh – Anh hùng Lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ngày đó, để có thể chắc thắng khi B52 vào ném bom Hà Nội, phi công ta phải rèn luyện kỹ năng cất và hạ cánh ở những điều kiện địa hình hết sức phức tạp: Đường băng chỉ rộng 15m, trong khi đường băng chính rộng 60m (phòng trường hợp đường băng bị đánh phá không cất cánh được), đường đất nện (được “lu” qua vài lần bằng xe tải) tại các sân bay dã chiến… Lực lượng phòng không thì được đưa vào “thử lửa” với B52 tại các chiến trường khốc liệt như Quảng Bình, Quảng Trị. Ngày 17-9-1967, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn tên lửa 238 đã bắn rơi 2 chiếc B52 đầu tiên trên chiến trường Vĩnh Linh. Trận đánh đã giúp cho bộ đội tên lửa có được kinh nghiệm bước đầu về nhận biết tín hiệu B52 trên màn hiện sóng qua bản vẽ, những quy luật hoạt động của máy bay chiến thuật trong điều kiện nhiễu điện tử.

Mưu trí, quật cường

Từ kinh nghiệm có được khi đối đầu với B52 trước đó, lực lượng phòng không đã có cách bố trí trận địa xung quanh Hà Nội hết sức khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất khi B52 xâm phạm bầu trời Thủ đô. Ngoài tập trung bố trí các trận địa trong nội đô lấy hạt nhân là trung tâm Hà Nội, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, trung tâm chỉ huy… lực lượng phòng không còn bố trí các trận địa vòng ngoài để bảo vệ các kho xăng, sân bay, đảm bảo cho không quân có thể cất cánh bất cứ lúc nào. Về phía không quân cũng đã có sự chuẩn bị, bố trí hết sức mưu trí, tài tình cả xung quanh Thủ đô (Đa Phúc, Gia Lâm) và các vùng phụ cận (Yên Bái, Thọ Xuân, Anh Sơn, Kiến An) để có thể vừa bảo vệ bầu trời Hà Nội, vừa có thể đánh chặn máy bay Mỹ từ xa, không cho chúng vào ném bom Hà Nội.

Trung tướng Trần Hanh kể: “22 giờ ngày 27-12-1972, Phạm Tuân được lệnh xuất kích tại sân bay Yên Bái. Sở chỉ huy tại Chùa Trầm dẫn đường cho anh bay thấp vượt qua nhiều “hàng rào” tiêm kích F4, gần đến đội hình B52 đang bay từ hướng Sơn La về Hòa Bình thì vọt lên độ cao trên 11km (bay trên đội hình B52), mở đến tốc độ 1.600km/h tiếp cận rất nhanh máy bay địch. Còn cách khoảng 3km, nhận lệnh từ Sở chỉ huy: “Uống cả 2 chai”, Phạm Tuân phóng cả 2 quả tên lửa vào một chiếc B52 rồi vọt lên cao. Một quầng lửa bùng lên, vậy là lực lượng không quân đã bắn rơi chiếc B52 đầu tiên. Hôm sau, cũng vào giờ đó, phi công trẻ Vũ Xuân Thiều được lệnh cất cánh. Tuy nhiên sau khi bắn hạ được một chiếc B52 anh đã hy sinh cùng với chiếc Mig 21.

Trung tướng Trần Hanh còn kể nhiều câu chuyện hết sức cảm động về những người anh hùng khác trong trận chiến 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Từ những dân quân tự vệ tại các nhà máy, từ các anh bộ đội địa phương với những vũ khí thô sơ như súng cối, súng trung liên… đến lực lượng chủ lực là bộ đội phòng không – không quân, đều không ngại hy sinh xương máu để bảo vệ bầu trời Hà Nội. Như phi công trẻ Hoàng Tam Hùng – con trai của một Phó Thủ tướng – xung phong xuất kích chiến đấu với các loại “Thần sấm”, “Con ma”, “Siêu pháo đài bay – B52”… để rồi hy sinh anh dũng, góp phần bảo vệ Thủ đô. Với những con người mưu trí, dũng cảm như thế, với tinh thần quật cường của quân và dân Thủ đô nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung, việc đế quốc Mỹ thua đau trên bầu trời Hà Nội là điều tất yếu.

Không thể nào tin được…

“Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội” – Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp gọi điện thoại xuống các sư đoàn biểu dương bộ đội Phòng không Hà Nội vào những ngày này cách đây vừa tròn 40 năm. “Cả nước đang hướng về. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi chặt chẽ cuộc chiến đấu của Hà Nội” – Đại tướng nhấn mạnh. Chưa bao giờ sứ mệnh của các anh lại cao cả, thiêng liêng đến vậy. Bởi vì, cũng đêm 21, rạng sáng 22 tháng 12 cách đây 40 năm, đúng 21 giờ 37 phút đêm, địch huy động 24 lần chiếc máy bay B – 52 và 36 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống vào đánh sân bay và Bệnh viện Bạch Mai, Giáp Bát, Văn Điển… Ngoài ra, 30 lần chiếc F4, F105 vào đánh phá các khu vực Bắc Giang, ga Kép, sân bay Yên Bái, cảng Hải Phòng, Cát Bi và An Lão (Kiến An). Bây giờ, nhìn phố xá sầm uất, ít ai có thể hình dung ngày ấy Bệnh viện Bạch Mai bị đánh bom B52 thế nào. Nếu chỉ là 1,2 lần thì còn có thể nghĩ là chúng ném bom nhầm mục tiêu nhưng đằng này lại là 4 lần. Không thể tin được đế quốc Mỹ lại dã man như thế. Bây giờ, những nhân chứng còn sống như BS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện này, giai đoạn 1969-1982, vẫn còn ám ảnh về những ngày tháng đó. Đau thương, oanh liệt mà cũng thật là đẹp tình người. “Chưa bao giờ Bạch Mai có một tập thể đoàn kết, hết mình như thế” – ông nhớ lại. Ngày này các đây 40 năm, 27 bác sĩ, y tá, hộ lý và cán bộ của Bệnh viện này bị bom Mỹ sát hại, cùng 1 bệnh nhân. Khi có báo động, các bệnh nhân được ưu tiên chuyển vào hầm trú ẩn trước. Các bác sĩ, y tá , hộ lý ở lại phía cửa hầm. Mới hay chính vào những tháng ngày đau thương nhất của Hà Nội, của cả nước, Máu và Hoa hòa quện vào nhau, dệt nên bản anh hùng ca bất diệt.

Trần Ngọc Kha

Lê Anh Đức
daidoanket.vn

Advertisement