Nhiều người trong chúng ta ngân nga ca khúc “Em ơi Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang nhưng không phải ai cũng biết ca từ ở đó được lấy ra từ một trường ca cùng tên dài tới 24 đoạn với 272 câu thơ của nhà thơ tài hoa Phan Vũ. Một trường ca được sáng tác trong 10 ngày của tháng 12 năm 1972, giữa những lần tiếng còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn vang lên và giọng Hà Nội chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B52 vào thành phố.
Bức tự họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái được vẽ vào đêm 19-12-1972
với khung cảnh chớp lửa của đạn bom, trong đợt oanh kích bằng B52 của Mỹ.
Ông tự vẽ mình với một cặp mắt mở to,
thể hiện một sự đón nhận đau đớn trước
hi sinh của những con người Hà Nội, nhưng bức họa cũng thể hiện
một tinh thần không sợ hãi
(bức tự họa này hiện ở trong tay một nhà sưu tập người Mỹ)
Thuở sinh viên, tôi từng chép tay toàn bộ trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” vào cuốn sổ, và đinh ninh những câu thơ tài hoa và lãng mạn ấy phải được “chưng cất” giữa những ngày Hà Nội bình yên của một tâm hồn đang yêu. Mãi sau này mới biết những câu thơ như những trang nhật ký tâm hồn Hà Nội ấy được viết vào những ngày mùa đông 1972, khi B52 điên cuồng trút bom xuống Hà Nội. Năm 2009, trong đêm thơ nhạc “Phan Vũ và Em ơi, Hà Nội phố” do Đài Tiếng nói Việt Nam và Thư viện Hà Nội tổ chức, nhà thơ Phan Vũ đã kể lại: “Những ngày đó tôi và họa sĩ Bùi Xuân Phái rủ nhau đi lang thang trong đêm. Ông vẽ phố, còn tôi nghĩ về phố. Tôi viết bài thơ ấy trong khoảng 10 ngày. Nhà tôi ở phố Hàng Bún. Chiến tranh, người ta đi vắng hết. Bom đạn, cây cối nhà cửa đổ nát”.
Nhà thơ Phan Vũ, sinh năm 1926, nổi tiếng về tài hoa và hào hoa. Ông làm thơ, như trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” đạt tới độ mẫu mực. Ông là tác giả của nhiều kịch bản điện ảnh và sân khấu nổi tiếng như: vở kịch “Lửa cháy lên rồi” (giải thưởng Văn học năm 1955), “Thanh gươm và Bà mẹ”, kịch bản phim “Dòng sông âm vang”… Ông là đạo diễn các phim: “Người không mang họ”, “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại” (phim về nữ anh hùng Võ Thị Sáu). Sau này, khi định cư ở TP. Hồ Chí Minh, lúc ở tuổi ngoài 70, ông cầm cọ vẽ và hơn 10 năm qua, ông có hàng chục cuộc triển lãm tranh trong nước và quốc tế. Phan Vũ còn nổi tiếng đào hoa với những mối tình đẹp như thơ mà nguyên mẫu trong bức tranh “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” chỉ là một trong số đó. Còn người vợ ông yêu quí chính là cố nghệ sĩ Phi Nga – nữ diễn viên nổi tiếng đóng vai chính trong bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam “Chung một dòng sông”.
“Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” – tranh của Phan Vũ
Cả một trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” dằng dặc, không có một câu nào nhắc tới những từ như khi viết về chiến tranh người ta vẫn hay viết. Không một câu lên gân, không hô hào. Da diết với những hoài niệm về một Hà Nội kiêu sa, tài tình trong khắc họa những ngày Hà Nội đau thương vì bị hủy diệt:
Một tháng chạp
Con đường ngẩn ngơ
Dãy phố không người ở
Những khu trắng nằm trong tọa độ
Sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ
Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa
Tất cả thí thân cho một mất một còn
Lời thề ra đi của những người bỏ phố
“Còn một đống gạch còn trở về nhà cũ!”
Một tháng chạp
Phường phố rền vang còi hụ
Cái chết đến tự phương nào?
Cách Thủ đô bao nhiêu cây số?
Giọng Hà Nội thật ngọt ngào
Cô gái loan truyền tin bão lửa
“Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào!”
Một tháng Chạp
Cây bàng mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Nóc phố mồ côi mùa đông…
Tháng Chạp năm ấy in hình bao mộ phố…
Nhưng trên tất cả, Hà Nội vẫn vang lên “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”. Bây giờ, nhìn về Hà Nội 12 ngày đêm 1972, qua trường ca “Em ơi, Hà Nội phố”, thấy diệu kỳ một Hà Nội trong đau thương vẫn tĩnh tại, đài các, kiêu sa, nồng nhiệt một tình yêu xứ sở và lạc quan lạ thường:
Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rủ
Điệp vàng rực rỡ.
Cánh tay trần trên gác cao khép cửa.
Những gót son dập dìu đại lộ.
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào
Ta còn em tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa,
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa
Ngõ phố nào in dấu hài hoa…?
Có những nhà nghiên cứu đã đếm trong trường ca này, 24 đoạn là 24 lần Phan Vũ gọi: Em ơi, Hà Nội phố. Còn điệp khúc “Ta còn em” được nhắc tới mấy chục lần như một lời khẳng định đầy kiêu hãnh: Hà Nội mãi còn, một Hà Nội “nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa”.
40 năm sau chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, 40 năm ra đời trường ca “Em ơi, Hà Nội phố”, vọng lại trong lòng người những câu thơ khắc khoải:
Tháng Chạp
Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa
Đã có tên
Trong vòng hoa tưởng niệm
Một tháng Chạp
Trắng khăn sô
Khói hương dài theo phố…
Một tháng chạp
Thâu đêm
Mẹ
Thức
Hóa vàng…
Đã qua đi những ngày tháng Chạp “in hình bao mộ phố”, nhưng một tâm hồn Hà Nội giữa chiến tranh vẫn lãng mạn, kiêu sa với những câu thơ tài hoa vào bậc nhất của nền thơ ca hiện đại thì mãi còn, tạc lên một tượng đài Hà Nội bất tử.
Cẩm Anh
daidoanket.vn