Cuộc sống-Trang viết
QĐND – Máy bay ném bom F111A (mang được 10 tấn bom) được Mỹ đưa vào hoạt động trên chiến trường Việt Nam từ tháng 3-1968. Tháng 9-1972, Mỹ đưa thêm hai đội F111A gồm 48 chiếc tăng cường đánh phá miền Bắc. Loại máy bay này có thể thay đổi cánh để tăng giảm tốc độ nên được mệnh danh là “cánh cụp, cánh xòe”. F111A có thể bay men theo địa hình ven sông, ven biển, triền núi cực thấp nên dễ thoát khỏi sự bủa vây của lưới lửa phòng không. Giá của mỗi chiếc F111A theo thời giá năm 1972 là 15 triệu đô-la, không hề rẻ hơn B-52.
Xác máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B-52.
Hiện đại, khôn ngoan như vậy nhưng ngày 17-10-1972, một chiếc F111A bị dân quân xã Tiền Châu (Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc) dùng súng máy phòng không bắn rơi tại chỗ, bắt sống hai phi công là Giêm A-lơn và Alen Ốp-tơn. Sung sướng trước thành tích trên, nhân dân ta đã làm bài vè, được truyền tụng rộng rãi: “Nhãn hiệu tối tân, cánh cụp xòe/ Nghe mồm giặc Mỹ, tưởng rằng ghê/ Cụp! Cụp! Đạn ta tuôn đỏ rực/ Xòe! Xòe! Xác nó cháy xanh lè/ Khoe bịp hết thời: Xòe mặt Ních/ Ăn đòn nhục nhã, cụp râu Le/ Cánh chửa kịp xòe, đuôi đã cụp/ Vừa xòe sang đã… cụp tai de!”.
Trong cuộc tập kích chiến lược cuối tháng 12-1972 trên bầu trời Hà Nội, F111A cũng được quân đội Mỹ sử dụng trong đội hình cùng máy bay B-52 đánh phá miền Bắc. Và giống như B-52, “cánh cụp, cánh xòe” cũng không thoát khỏi sự trừng phạt của quân và dân ta. 19 giờ 8 phút ngày 18-12-1972, mở đầu cuộc tập kích, đài quan sát của ta ở Tam Đảo phát hiện nhiều tốp F111 bay vào Hà Nội để hủy diệt các sân bay hòng làm tê liệt hoạt động của không quân ta và đánh phá các trận địa tên lửa, pháo phòng không khu vực nội thành. Có đợt, địch huy động tới 25 lần chiếc F111A hoạt động xen kẽ giữa các đợt rải thảm của B-52.
Trong 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, 5 chiếc F111A phải đền tội. Đặc biệt, Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm-Hai Bà Trưng với chỉ 19 viên đạn đã diệt một máy bay F111 vào đúng đêm 22-12-1972. Chiếc này rơi xuống huyện Lương Sơn (Hòa Bình) và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Bài và ảnh: VÂN NGỌC
qdnd.vn