Bảo đảm kỹ thuật cho đánh liên tục dài ngày và những trận then chốt

QĐND – Trong Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, lực lượng Phòng không – Không quân (PK-KQ) mà nòng cốt là bộ đội Tên lửa phòng không đã đập tan cuộc tập kích bằng không quân chiến lược B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận. Trong trận quyết chiến chiến lược ấy, công tác bảo đảm kỹ thuật cho các lực lượng tham gia chiến đấu đóng vai trò hết sức quan trọng, bảo đảm cho các đơn vị hỏa lực đánh liên tục dài ngày; đánh những trận then chốt, quyết định…

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, sự hiệp đồng tác chiến giữa các quân binh chủng là yếu tố vô cùng quan trọng đóng góp vào chiến thắng cuối cùng. Tuy nhiên, mỗi quân binh chủng lại có yêu cầu nhiệm vụ riêng nên công tác bảo đảm kỹ thuật cũng có những nội dung khác nhau.

Đối với bộ đội ra-đa, đây là lực lượng đầu tiên phát hiện B-52 vào đánh Hà Nội. Trong suốt chiến dịch, bộ đội ra-đa luôn chủ động, kịp thời thông báo, chỉ thị mục tiêu cho các lực lượng tên lửa, pháo phòng không, dẫn đường cho không quân ta. Để thực hiện nhiệm vụ đó, công tác kỹ thuật được bảo đảm tốt từ trước khi chiến dịch diễn ra. Chỉ riêng trong hai tháng 10 và 11-1972, ngành kỹ thuật đã thực hiện bảo quản định kỳ năm được 17 trạm ra-đa, trong đó, Xưởng A38 thực hiện kiểm tra, hiệu chỉnh các máy đo cho 25 trạm ra-đa, sửa chữa khôi phục được 40% Vi-kô, 30% máy hỏi bị hỏng. Các trạm kỹ thuật, trung đoàn ra-đa được trang bị mới hoặc bổ sung các bộ đồ sửa chữa vô tuyến, cơ khí. Hệ số kỹ thuật ra-đa cảnh giới, dẫn đường đến thời điểm trước ngày 18-12, khu vực Hà Nội đạt 96,5%; khu vực Tây Bắc đạt 95,4%; khu vực Bắc bộ đạt 95%.

Công tác bảo đảm trang bị ra-đa được thực hiện song song với bảo đảm kỹ thuật. Quân chủng PK-KQ cấp mới 6 bộ ra-đa P-12 cho Binh chủng Ra-đa, cấp đổi 3 bộ ra-đa P-12 cũ cho các Tiểu đoàn: 93, 73, 52 và cấp mới 12 máy nổ cho các đơn vị ra-đa. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo đó, đêm 18-12, Trạm Ra-đa 45 đã kịp thời phát hiện sớm và xác định chính xác 7 tốp với 21 chiếc B-52 tiến đánh Hà Nội khi chúng còn cách xa 500km. Do được báo động kịp thời nên lực lượng PK Hà Nội đã chuyển cấp sớm, góp phần tạo điều kiện cho các đơn vị hỏa lực bắn rơi máy bay B-52 ngay trận đầu.

Kiểm tra việc lắp ráp đạn tên lửa phục vụ chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Trong toàn bộ chiến dịch, các đài ra-đa, nhất là các đài ra-đa tầng cao mở máy trung bình 10-13 giờ (ngày, đêm), nhiều trạm phải mở máy 15-17 giờ (ngày, đêm). Các lực lượng bảo đảm kỹ thuật thường xuyên bám máy, túc trực kịp thời, khắc phục các hỏng hóc xảy ra. Trong chiến dịch, lực lượng ra-đa đã phát hiện 165 tốp B-52, trong 17 đợt tập kích, Trung đoàn Ra-đa 291 đã phát hiện xa, báo động cho các lực lượng PK Hà Nội và Hải Phòng sớm từ 30 đến 60 phút. Trong số các tốp B-52, có 10 tốp được phát hiện cách xa Hà Nội 900km, 56 tốp cách Hà Nội 500-700km, góp phần bảo đảm tình báo ra-đa cho các đơn vị hỏa lực tiêu diệt mục tiêu. Cùng với nhiệm vụ bảo đảm tốt việc chỉ thị mục tiêu cho các đơn vị hỏa lực, lực lượng ra-đa còn dẫn đường cho không quân ta tiêu diệt địch. Đặc biệt, đêm 27-12, các đại đội ra-đa 22 và 50 đã phát hiện, dẫn đường cho biên đội của phi công Phạm Tuân; đêm 28-12 dẫn đường cho phi công Vũ Xuân Thiều bắn rơi máy bay B-52.

Đối với Bộ đội Tên lửa, đây là lực lượng chủ công của chiến dịch nên công tác bảo đảm kỹ thuật cũng đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Trước chiến dịch, ngành kỹ thuật đã chủ động khảo sát, đánh giá thực trạng các bộ khí tài tên lửa PK, hầu hết qua 6 đến 7 năm chiến đấu liên tục, có giờ tích lũy cao từ 6000 đến 10.000 giờ, cần phải trung tu, đại tu, khí tài cấp 1 chỉ còn 14%, trong đó cấp 3 và 4 tới hơn 50%. Số bệ phóng của các tiểu đoàn hỏa lực trung bình chỉ còn 4/6 bệ tốt, có tiểu đoàn chỉ còn 2 bệ. Trong khi đó yêu cầu của Quân chủng đối với các tiểu đoàn hỏa lực tên lửa ở Hà Nội, Hải Phòng để chuẩn bị đánh B-52 phải bảo đảm 100% khí tài tốt, đồng bộ đủ 6 bệ phóng, đạn tên lửa đủ cơ số ở 4 tuyến…

Ngày 25-8-1972, sau khi thực hiện sơ tán các kho xưởng về vị trí mới, quân chủng tổ chức Hội nghị Kỹ thuật để bàn chuyển hướng sản xuất, sửa chữa trang bị, vật tư, phụ tùng cho phù hợp với yêu cầu tác chiến mới. Các xưởng không triển khai dây chuyền trung tu đồng bộ toàn đài điều khiển mà thực hiện sửa chữa xe lẻ, khối lẻ, phụ tùng vật tư lẻ, các dây cáp và động cơ. Tổ chức các đội cơ động cùng đơn vị trực tiếp sửa chữa hỏng hóc của khí tài tại trận địa. Các nhà máy A31, A34, A35, A38, mặc dù trong điều kiện sơ tán, nhưng chỉ trong thời gian ngắn (từ tháng 8 đến 10-1972), đã phục hồi được số lượng lớn các xe lẻ, đài điều khiển tên lửa, bệ phóng, ăng-ten, khối lẻ của tên lửa, đài ra-đa cảnh giới, dẫn đường, ra-đa ngắm bắn của pháo PK, dây cáp biến thế, động cơ các loại… kịp thời cung cấp cho các đơn vị chiến đấu và dự trữ.

Để chủ động bảo đảm vật tư cho công tác sửa chữa, khắc phục khó khăn trong điều kiện chiến đấu ác liệt, Cục Kỹ thuật đã có nhiều phương án bảo đảm, hiệp đồng với các cơ sở công nghiệp địa phương như Nhà máy Điện cơ Hà Nội cuốn hàng trăm động cơ các loại; liên hệ với Cục Vật tư (TCHC) xin dây cáp các loại đưa về Xưởng A31 sản xuất các loại cáp theo tiêu chuẩn kỹ thuật của khí tài tên lửa, ra-đa… giúp cho việc sửa chữa, thay thế ở đơn vị được nhanh chóng… Với sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Bộ tư lệnh và sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành nhất là các nhà máy, xưởng nên trước khi bước vào chiến dịch, VKTBKT được chuẩn bị tốt, nguồn dự trữ tương đối dồi dào đủ sức hoạt động trên khắp chiến trường, nhất là lực lượng tên lửa phòng không.

Trong chiến dịch, công tác bảo đảm kỹ thuật đáp ứng tốt yêu cầu chiến đấu. Ngày 22-10-1972, địch ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra, ta tiếp tục hoàn thành công tác chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đánh trả những bước leo thang mới. Ngày 31-11, quân chủng tổ chức Hội nghị Kỹ thuật nhằm kiểm tra lần cuối công tác bảo đảm cho bộ đội chuẩn bị đánh B-52; khẩn trương bảo dưỡng định kỳ năm luân phiên tại các đơn vị, sao cho công tác định kỳ phải xong trước tháng 12-1972 mà không ảnh hưởng đến SSCĐ. Trong định kỳ, kết hợp sửa chữa các hỏng hóc, phục hồi các tham số kỹ thuật của khí tài ở mức tốt nhất. Sau định kỳ, ổn định chất lượng đồng bộ, Cục Kỹ thuật cấp trực tiếp, bổ sung các vật tư linh kiện dự trữ đến các trung đoàn không qua sư đoàn để bảo đảm thời gian nhanh nhất. Như vậy, công tác bảo đảm kỹ thuật đã chủ động đi trước một bước. Đến ngày 17-12, ở Hà Nội có 8/12 tiểu đoàn; Hải Phòng có 7/8 tiểu đoàn; Bắc đường số 1 có 3/3 tiểu đoàn hỏa lực SSCĐ. Trong chiến dịch, khí tài hoạt động liên tục nhiều giờ ít hư hỏng; một số đơn vị bị địch đánh vào trận địa, hỏng khí tài như các Tiểu đoàn 76, 77 (ngày 20 và 22-12), nhưng đội ngũ cán bộ kỹ thuật cùng các chuyên gia Liên Xô và đơn vị sửa chữa, bảo đảm phục hồi ngay trong ngày.

Sang giai đoạn 2 của chiến dịch, địch tăng cường đánh phá các trận địa tên lửa, các Tiểu đoàn: 57, 94, 87 bị đánh hỏng nặng phải khắc phục mất nhiều thời gian, mặc dù máy bay địch đánh phá ác liệt nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật vẫn kiên trì, dũng cảm bảo đảm tốt khí tài chiến đấu.

Bảo đảm đạn cho chiến dịch là nhiệm vụ hết sức nặng nề và quan trọng, nếu khí tài tốt mà đạn dược không tốt cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ. Đến hết tháng 11-1972, bốn dây chuyền đã sửa chữa 220 quả đạn tốt trên tổng 300 quả đạn hỏng từ các đơn vị đưa về. Một số dây chuyền sửa chữa khối lẻ của A31 triển khai ở vị trí của A34 cũng sửa chữa tốt 600/1000 khối lẻ hỏng kịp thời cung cấp cho các tiểu đoàn kỹ thuật sản xuất và lắp ráp đạn. Trước chiến dịch, quân chủng còn liên tục tổ chức các Hội nghị Kỹ thuật rà soát lại phương án lần cuối… Thực tế đợt 1 của chiến dịch, trong các ngày 18, 19 và 20-12, máy bay B-52 đánh phá ác liệt các mục tiêu ở Hà Nội. Các tiểu đoàn hỏa lực bảo vệ Hà Nội đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi nhiều B-52, tiêu thụ lượng lớn đạn tên lửa. Cán bộ, chiến sĩ các tiểu đoàn kỹ thuật cũng thấm mệt, năng suất sản xuất đạn giảm dần. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật vẫn quyết tâm cao, với kế hoạch sản xuất hợp lý nên các đơn vị vẫn đủ đạn chiến đấu…

Cùng với bảo đảm cho các lực lượng, ngành kỹ thuật đã chủ động quan tâm bảo đảm kỹ thuật cho máy bay của không quân huấn luyện, chiến đấu. Trong suốt chiến dịch, các sân bay luôn là mục tiêu B-52 đánh phá ác liệt nhằm ngăn chặn không quân ta cất, hạ cánh. Mặc dù bị đánh phá, song lực lượng kỹ thuật vẫn phải thường xuyên bám sát các sân bay, tranh thủ sửa chữa máy bay cho phi công luyện tập thành thạo động tác chuẩn bị tái xuất kích. Lực lượng của cả 4 chuyên ngành máy bay động cơ, vô tuyến điện tử, vũ khí hàng không và thiết bị hàng không đều phải sẵn sàng làm nhiệm vụ. Đặc biệt, luyện tập lắp ráp tên lửa K.9 – loại tên lửa phục vụ cất cánh bằng đường băng ngắn phải thành thạo, nhanh; bảo đảm sau khi máy bay hạ cánh kiểm tra bổ sung dầu, lắp tên lửa đối không, tên lửa cất cánh đường băng ngắn trong phạm vi 15 phút máy bay có thể cất cánh tiếp. Sau các đợt địch đánh phá hỏng sân bay, ta chưa kịp sửa chữa đường băng, máy bay vẫn phải hạ cánh xuống đường băng xấu, với hàng chục lần chuyến bị gẫy càng hoặc móp méo các chi tiết nhưng đội ngũ kỹ thuật đã kịp thời khắc phục đưa máy bay vào chiến đấu được ngay. Công tác kỹ thuật đã bảo đảm cho máy bay ta xuất kích đánh hàng chục trận, bắn rơi 5 máy bay Mỹ gồm 3 máy bay F-4, 1 máy bay A3.J và 2 chiếc B-52.

Thực tiễn công tác bảo đảm kỹ thuật trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 đã để lại nhiều kinh nghiệm quý. Đáng chú ý là ở thời điểm năm 1972, VKTBKT của Quân chủng PK-KQ thuộc loại hiện đại nên công tác đảm bảo kỹ thuật phải được chủ động từ sớm và có nhiều phương án vừa bảo đảm chiến đấu thường xuyên, vừa bảo đảm cho tác chiến liên tục, dài ngày, nhưng phải biết tập trung cho đánh những trận then chốt, quyết định và bảo đảm cho đánh B-52…

Đại tá BÙI DUY HÙNG, Chính ủy Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ
qdnd.vn

Advertisement