Tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động: Một thời tay búa, tay súng

QĐND – Những ngày này của mùa đông 40 năm trước, cả Hà Nội kiên cường chống trả với “pháo đài bay B-52” và làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy. Thời điểm đó, hòa chung khí thế sục sôi, những công nhân tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động, nay là Công ty TNHH một thành viên Mai Động vừa miệt mài tham gia sản xuất, vừa vững vàng trên mâm pháo đánh quân thù. Những người lính thợ đã đoàn kết, dũng cảm bắn hạ một máy bay F111A “cánh cụp cánh xòe” của đế quốc Mỹ.

Chiến sĩ Trung đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động bên mâm pháo và lẵng hoa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng mừng chiến công (2-1-1973). Ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu

Máy vẫn chạy dưới mưa bom, bão lửa

Đã 40 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của ông Nguyễn Văn Trung, nguyên Chánh văn phòng Công ty TNHH một thành viên Mai Động về 12 ngày đêm Hà Nội “đất rung, ngói tan, gạch nát” vẫn hiện hữu, vẹn nguyên. Ngày ấy, ông Trung là thành viên của Trung đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động. Đội tự vệ gồm 11 người, nhưng trong chiến dịch 12 ngày đêm năm đó, khẩu đội thường xuyên trực chiến gồm 6 người, gồm: Khẩu đội trưởng Thái Văn Quang, các chiến sĩ Phạm Thị Viễn, Đỗ Thị Dần, Ngô Thị Hiếu, Đặng Văn Sinh và Nguyễn Văn Trung, được giao nhiệm vụ bảo vệ khu vực nhà máy. Ông Nguyễn Văn Trung kể rằng, mới đầu, anh chị em thay phiên nhau trực, một tuần tham gia tự vệ, một tuần về nhà máy tham gia sản xuất. Đầu năm 1972, khi đế quốc Mỹ đưa không quân đánh vào Hà Nội, đội tự vệ được giao 2 khẩu pháo 14,5 ly, biên chế rời vị trí sản xuất để trực chiến 24/24.

Ngày ấy, nhà máy chủ yếu sản xuất ống nước, cung cấp cho toàn thành phố. Để tránh thiệt hại, đảm bảo duy trì sản xuất, một số phân xưởng như máy tiện, máy bào… phải sơ tán chuyển về các trường học. Riêng phân xưởng đúc, do không thể di chuyển được nên vẫn ở lại (địa điểm số 310 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng).

Nhấp chén trà nóng, nụ cười hồn hậu, ông Trung kể: “Ngày ấy, bộ phận đúc phải làm trong đêm nên những ống nước bằng thép cao vút được đúc ra lò sáng rực như cột lửa và dễ dàng trở thành mục tiêu của địch, gây nguy hiểm cho nhà máy và dân cư xung quanh. Để khắc phục, anh em chúng tôi đã có sáng kiến “may áo” cho những cột lửa ấy bằng cách làm những cánh cửa, bọc xung quanh để nhà máy an toàn sản xuất”.

Chiến công của những người thợ

Trò chuyện với chúng tôi, người thợ-người tự vệ năm xưa nay đã ngoài 60 tuổi vẫn không quên những ngày tháng hào hùng. Ban ngày, họ trực chiến máy bay cường kích của địch, còn ban đêm thì chia nhau trực. Những đêm đầu (từ ngày 18 tới ngày 20-12-1972), trong đợt tập kích chiến lược bằng B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Trung đội được giao phục vụ chiến đấu cùng trận địa pháo 100mm của Quân chủng Phòng không – Không quân, cách nhà máy 300m. Nhiệm vụ chính của Trung đội là lắp ngòi nổ, chuyển đạn, cứu thương, cứu sập hầm… Sau đó, Trung đội được di chuyển ra trận địa mới ở Vân Đồn, đây là trận địa pháo cao xạ của một đơn vị chính quy vừa rút đi và cũng mới bị ném bom. Từ vị trí này, tầm bao quát rất rộng, nhìn thẳng sang vòm cầu Long Biên, pháo ta có thể đón lõng máy bay tiêm kích của địch đến từ hướng dãy Tam Đảo, theo mặt nước sông Hồng vào Hà Nội thả bom. Chỉ huy trận địa là Trung úy Hoàng Minh Giám, một sĩ quan trẻ thuộc Ban Cao xạ của Quân khu Thủ đô. Khoảng 20 giờ ngày 22-12-1972, đơn vị được cấp trên báo máy bay địch đang tiến vào Hà Nội, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Mặc dù, máy bay tiêm kích của địch nhỏ, lại bay tầm thấp, nên ra-đa không thể phát hiện được. Tuy vậy, với kinh nghiệm dày dạn trận mạc của Trung úy Hoàng Minh Giám, toàn Trung đội dũng cảm chiến đấu, bắn hạ chiếc F111A. “Lúc đó, cả khẩu đội chỉ biết ôm nhau hò reo vui mừng. Phần thưởng ý nghĩa nhất lúc đó là 5 thùng lương khô do đồng chí Trần Duy Hưng – Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội mang tới động viên anh em” – ánh mắt ông Trung đầy tự hào khi nhớ tới giờ phút lịch sử đó.

Trong buổi Giao lưu nghệ thuật “Viết tiếp bản hùng ca” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 15-12 vừa qua, cô công nhân tự vệ Phạm Thị Viễn năm xưa không giấu được niềm tự hào khi chia sẻ chiến công đêm 22-12-1972: “20 giờ 30 phút, còi báo động rú lên, toàn thành phố tắt điện. Máy bay Mỹ xuất hiện, bay thấp dọc sông Hồng. Một lúc sau, nhận được lệnh bắn của chỉ huy, chúng tôi đồng loạt bắn. Ở vị trí pháo thủ số 1, tôi nhìn thấy rất rõ chiếc máy bay rẹt qua đầu, phần đuôi của nó đang bốc lửa… 30 phút sau, một chiếc xe quân sự chạy vào báo tin vui, trận địa chúng tôi vừa hạ được chiếc máy bay F111A “cánh cụp cánh xòe”. Đó là chiến công của cả tập thể Trung đội tự vệ nhà máy cơ khí Mai Động” – bà Phạm Thị Viễn xúc động cho biết.

Mấy ngày sau, bom Mỹ tiếp tục dội xuống. Trận địa pháo cao xạ của Trung đội tự vệ nhà máy liên tục trực chiến. Hà Nội bị đánh phá ác liệt, nhưng bằng sự chiến đấu kiên cường, trong 12 ngày đêm, quân dân Thủ đô đã làm nên khúc tráng ca trên bầu trời Hà Nội.

Sau 40 năm, những người thanh niên tuổi đôi mươi năm ấy nay đã thành ông, thành bà. Có người tuổi cao đã về hưu, người còn khả năng thì tiếp tục ở lại cống hiến cho nhà máy. Họ cũng chính là những người góp phần đưa nhà máy trở thành một doanh nghiệp hàng đầu, có truyền thống và thương hiệu mạnh về sản xuất các loại công cụ: Rèn-dập-ép, khoan-doa-mài phụ kiện ống, trụ nước… Nhà máy xứng đáng được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Mỹ và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Hà Nội hôm nay đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nhà máy Cơ khí Mai Động khi xưa giờ đây cũng đã trưởng thành và không ngừng phát triển. Với thế hệ những người công nhân tự vệ của 40 năm trước, đó sẽ mãi là những ngày đẹp nhất trong cuộc đời mình.

VŨ DUNG – MINH MẠNH
qdnd.vn

Advertisement