Những con số góp phần làm nên Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”

QĐND – Cách đây 40 năm, quân và dân Việt Nam đã lập lên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Một trong những nhân tố góp phần đem lại chiến thắng vang dội này là sự giúp đỡ thiết thực và hiệu quả của bạn bè quốc tế, đặc biệt là về vũ khí, khí tài của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) anh em.

Tên lửa Sam-2 được sử dụng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh tư liệu

Trước tiên phải kể tới các loại pháo phòng không cỡ lớn, máy bay tiêm kích và tên lửa có thể chế ngự và tiêu diệt được máy bay B-52 – con chủ bài trong cuộc tập kích đường không của Mỹ tấn công ra miền Bắc. Theo thống kê của các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ đặt hàng, tiếp nhận, từ năm 1965 đến 1972, các nước XHCN đã giúp Việt Nam khoảng hơn 7000 quả đạn tên lửa SA-75, gần 5000 khẩu pháo cao xạ các loại, gần 5 triệu viên đạn pháo cao xạ các cỡ, hơn 400 trăm máy bay chiến đấu MIG-17, 19, 21, K6, K5, cùng hàng trăm ra-đa tiên tiến hiện đại.

Việt Nam đã đưa ngay các vũ khí, khí tài này vào khai thác và sử dụng, trực tiếp phục vụ cho cuộc chiến đấu chống lại hai cuộc chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra đối với miền Bắc, đồng thời bổ sung tiêu hao, biên chế cho các đơn vị mới được thành lập và chuyển phần lớn thành nguồn dự trữ chiến lược. Điều quan trọng là Việt Nam đã tính toán kỹ lưỡng để sử dụng hiệu quả và hợp lý các vũ khí này để vừa phục vụ chiến đấu, vừa có nguồn dự trữ chiến lược. Chẳng hạn, chính phủ Liên Xô trước đây chỉ cung cấp tên lửa SA-75 – loại hỏa lực chính tiêu diệt B-52, chủ yếu tập trung từ năm 1965 đến hết 1969. Nhưng ta đã có chiến lược sử dụng hợp lý nên vẫn có đủ nguồn đạn tên lửa cũng như các loại vũ khí hiện đại khác phục vụ cho các chiến dịch hoạt động quân sự lớn về sau. Chẳng hạn, trong Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, Việt Nam đã đưa 800 quả đạn tên lửa cùng khí tài vào bảo đảm chiến đấu. Ngoài ra, Việt Nam còn sử dụng gần 1000 quả tên lửa SA-75 cho chiến dịch phòng không cuối tháng 12-1972.

Nhờ số trang bị, khí tài và vũ khí của các nước bạn bè viện trợ, lực lượng Phòng không-Không quân miền Bắc được trang bị tương đối mạnh và tổ chức thành một mạng phòng không có tầm thấp, tầm trung bình và tầm cao. Tính đến trước ngày 18-12-1972, ngày Mỹ mở đầu cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 ra Hà Nội và Hải Phòng, chỉ riêng ở Hà Nội, quân và dân miền Bắc đã xây dựng được 30 trận địa cho tên lửa, hơn 100 trận địa cho cao xạ các loại… Trên chiến trường miền Bắc, từ Nghệ An trở ra, Việt Nam đã tập trung một lực lượng phòng không chủ lực mạnh nhất từ trước cho đến lúc bấy giờ cho cuộc quyết chiến trên không cuối tháng 12-1972 với Mỹ. Nhờ đó, quân và dân miền Bắc đã chủ động giáng trả kịp thời và hiệu quả máy bay, tàu chiến Mỹ ngay từ ngày đầu, trận đầu. Kết quả cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối năm 1972 là 81 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52, 5 F-111, 44 phi công đã bị lực lượng phòng không Việt Nam bắn hạ và bắt sống. Thắng lợi trong trận “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử này đã góp phần buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, cam kết rút quân và không can thiệp vào nội bộ Việt Nam.

Ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ cuối năm 1972, buộc địch phải khuất phục nhờ bắn hạ con chủ bài B-52 nhiều tới mức không thể chịu đựng. Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam là lực lượng bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất (29/34 chiếc), góp phần quyết định vào thắng lợi của chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội. Việt Nam đã quyết tâm sử dụng lực lượng tên lửa để tiêu diệt lực lượng tập kích chủ chốt B-52, chỉ giành tên lửa để đánh B-52 ban đêm còn lực lượng không quân và cao xạ tập trung đánh không quân chiến thuật vào ban ngày.

Việc Việt Nam sớm xây dựng được một hệ thống phòng không mạnh mẽ khiến chính Mỹ phải kinh ngạc và thừa nhận: “Lúc Mỹ khởi đầu chiến dịch ném bom miền Bắc năm 1965, miền Bắc Việt Nam không có máy bay phản lực, có rất ít sân bay, không có tên lửa, chỉ có một số ít súng phòng không lỗi thời. Nhưng năm 1967, các phi công Mỹ đã phải bay qua lưới phòng không kinh khủng hơn, nhiều hơn lưới lửa gặp phải ở Đức năm 1944… Tổn thất của Mỹ về máy bay và phi công đã gia tăng tỷ lệ thuận với mức độ phát triển hệ thống phòng không của Hà Nội”. Chính giới quân sự Mỹ cũng phải công nhận: “Bắc Việt Nam có một trong các hệ thống phòng không hiệu quả nhất trong lịch sử”. Và để có được hệ thống phòng không này, theo tướng 4 sao của Mỹ là Brúc Pan-mơ (Bruce Palmer) khẳng định: “Với sự giúp đỡ to lớn, chủ yếu là của Liên Xô, cuối cùng Hà Hội đã phát triển các hệ thống phòng không ghê gớm nhất mà các lực lượng chúng ta chưa bao giờ vấp phải”. Ông này cũng thừa nhận: “Tất nhiên người của họ được huấn luyện rất cẩn thận và được các chuyên gia Nga hướng dẫn tỉ mỉ để sử dụng những loại vũ khí phòng không tinh vi”.

Trên thực tế, bên cạnh giúp Việt Nam trang bị, vũ khí, các nước XHCN anh em cũng cử một đội ngũ chuyên gia quân sự giàu kinh nghiệm sang hướng dẫn quân và dân Việt Nam cách sử dụng những loại vũ khí này. Theo thống kê của các cơ quan chức năng Việt Nam, từ năm 1965 đến 1970, Liên Xô đã cử sang Việt Nam tổng số 3.935 chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra còn có một số chuyên gia quân sự của Triều Tiên, bộ đội phòng không của Trung Quốc sang giúp Việt Nam.

Trung tá NGUYỄN VĂN QUYỀN

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
qdnd.vn

Advertisement