QĐND – Tên lửa SAM2, qua bàn tay tài hoa và cái đầu thông minh của bộ đội phòng không Việt Nam đã trở thành nỗi khiếp đảm của B-52 Mỹ. Nhưng ít người biết, để lập nên những kỳ tích trong 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, tên lửa đã có trận đánh hợp đồng “liên hoàn kế” cùng các loại pháo phòng không đầu tiên từ ngày 24-7-1965.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳ, một chiến sĩ tham gia trận đánh đó, kể rằng: Trận này, 2 tiểu đoàn tên lửa 63 và 64 thuộc Trung đoàn 236 tham gia. Để phối hợp, Quân chủng Phòng không – Không quân điều động thêm Trung đoàn 220 pháo cao xạ 100mm và Trung đoàn 234 pháo cao xạ 57mm cùng một số đơn vị khác tham gia.
Cựu chiến binh Trung đoàn 236 gặp mặt, ôn lại chiến thắng trận đầu.
Trận địa chủ yếu thuộc địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội). Ta bố trí ba cụm liên kết, lấy các tiểu đoàn tên lửa làm cơ sở. Cụm 1 được bố trí ở Đồi Chùa; cụm 2 ở Võ Khuy và cụm 3 ở giữa. Kế hoạch của ta là dùng tên lửa đánh máy bay địch, cao xạ chỉ đánh bảo vệ tên lửa khi máy bay địch vào trận địa. Tên lửa đánh xong thì đưa mồi nhử là tên lửa “cót tre” (làm bằng cót tre) vào thế chỗ để nhử địch, tạo thế liên hoàn để đánh lớn.
13 giờ 53 phút ngày 24-7-1965, hai tiểu đoàn tên lửa tập trung diệt tốp máy bay F4C của địch ở độ cao 8km đang trên đường vào ném bom Hà Nội. Bị đánh bất ngờ, địch không kịp trở tay. Ngay đêm đó, hai tiểu đoàn tên lửa của ta rút ra ngoài, bố trí trận địa gần đó, ngụy trang kín đáo để chuẩn bị đánh bồi. Tại trận địa cũ, ta bố trí tên lửa cót tre lừa địch. Ngày 25-7, địch không dám bén mảng đến khu vực. Ngày 26-7, chúng mới dùng máy bay trinh sát tầm cao BQM và máy bay trinh sát chiến thuật RF101 vào dò la để chuẩn bị trả đũa. Hai máy bay trinh sát lại bị ta bắn hạ trong ngày 26-7 càng khiến địch cay cú. Ngày 27-7-1965, địch sử dụng 48 máy bay của hai biên đội U-bon và Tắc-ly phối hợp đánh phá hai trận địa tên lửa cót tre của ta. Chúng đã mắc bẫy. Các loại pháo phòng không cùng tên lửa thật của ta chỉ chờ lúc ấy, bắn rơi tại chỗ 5 máy bay, bắn bị thương hai chiếc khác và bắt được nhiều giặc lái.
Trận đầu ra quân của tên lửa, ta đã dùng “liên hoàn kế” đánh cho Mỹ bại hoại. Từ đây, bộ đội tên lửa liên tục phát huy ưu thế, cách đánh độc đáo của ta để tiêu diệt nhiều máy bay địch. Đỉnh cao là Chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, tên lửa đã lập công xuất sắc, được nhân dân yêu mến tặng cho danh hiệu “Rồng lửa Thăng Long”.
Bài và ảnh: TRÚC LINH-BẢO ANH
qdnd.vn