Ra trận dưới đuốc lửa B-52

QĐND – Đúng những ngày quân và dân Hà Nội bước vào 12 ngày đêm Chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” thì Trường Sĩ quan Lục quân 1 (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn) diễn ra một sự kiện làm những người trong cuộc khó quên: Khóa học 33-Tiểu đoàn 9 được lệnh kết thúc trước một năm trong chương trình đào tạo 3 năm, học viên tốt nghiệp phần lớn lên đường vào mặt trận nhận nhiệm vụ chiến đấu (tiểu đoàn có 251 học viên tốt nghiệp, trừ 9 đồng chí được chọn ở lại trường công tác, số còn lại được điều về các đơn vị chiến đấu).

Do tiểu đoàn sơ tán rải rác ở các xã Đồng Trúc, Hạ Bằng, Thạch Thất (Hà Tây cũ) không có điều kiện làm lễ tốt nghiệp tập trung, ngày 21-12-1972, sau lễ tổng kết khóa học của từng đại đội, học viên được quán triệt sẵn sàng về các đơn vị chiến đấu nhận nhiệm vụ, phần lớn các đơn vị đang trong mặt trận phía Nam.

Đêm hôm ấy, 23-12, trong lúc trên bầu trời Thủ đô, bao trùm cả vùng Sơn Tây, tiếng máy bay các loại ầm ì; tiếng tên lửa, pháo cao xạ của ta nổ giòn phía Hà Nội, bắc sông Hồng; các đại đội của tiểu đoàn được lệnh báo động, từng người ba lô gọn gàng lặng lẽ ra vị trí tập kết. Không lâu sau, ai về đơn vị nào, hướng nào đã yên vị trên xe có ký hiệu của đơn vị đó. Lệnh xuất phát, đoàn xe bật đèn gầm, xuyên đêm thẳng hướng Hà Đông-Giáp Bát-Hà Nội.

Khi đoàn xe đi qua Văn Điển, Giáp Bát, cảnh tượng tàn khốc của chiến tranh đập vào mắt anh em. Những căn nhà bên đường vừa bị trúng bom địch, khói bom vẫn âm ỉ tỏa lên làm mỗi người đều căm phẫn tội ác tày trời của địch. Trước đó, ngày 22-12, được biết máy bay B-52 đã rải thảm, đánh phá Bệnh viện Bạch Mai, ga Giáp Bát, Văn Điển, Gia Lâm, giờ ai cũng nóng lòng, muốn nhanh chóng có mặt ở chiến trường.

Sau mấy ngày hành quân, đoàn quân đã có mặt tại địa điểm tập kết bàn giao cho Bộ tư lệnh Mặt trận B5 tại Bãi Hà (Vĩnh Linh) đúng thời gian quy định, an toàn và từng người được khẩn trương biên chế về đơn vị chiến đấu.

Lúc này, anh em được Bộ tư lệnh Mặt trận quán triệt: Sau thất bại choáng váng trong Chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ sẽ phải ký Hiệp định Pa-ri kết thúc chiến tranh, các đơn vị chiến đấu được bổ sung cán bộ chỉ huy, được đào tạo cơ bản là rất quý sẽ giúp đơn vị tăng cường sức chiến đấu mở rộng vùng giải phóng trước khi hiệp định được ký kết. Hiểu như thế, anh em ai cũng khâm phục sự tính toán chiến lược của trên và càng tự hào về sự có mặt ở chiến trường lúc này.

Những ngày sau đó, hầu hết các đồng chí vừa về đơn vị đã tham gia chiến đấu bảo vệ tuyến phòng thủ Quảng Trị. Một số đồng chí đã anh dũng hy sinh trước khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực như Nguyễn Hữu Hoãn (Quảng Bình), Phùng Thiên Hổ… khi tham gia đánh trận Thượng Đức.

Do yêu cầu nhiệm vụ, một số sau đó được lệnh trở ra miền Bắc bổ sung cho Bộ tư lệnh Thiết giáp đào tạo chỉ huy xe tăng. Và trong đội hình xe tăng các hướng dũng mãnh tiến về giải phóng Sài Gòn (tháng 4-1975) đều có anh em tham gia.

Trong khói lửa chiến tranh, hầu như lớp tốt nghiệp đặc biệt này đều phấn đấu hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Có những người là vinh dự có mặt trong thời khắc vẻ vang kết thúc chiến tranh như Trương Quang Siều, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 đã chỉ huy đơn vị đánh chiếm Đài phát thanh ngụy quyền Sài Gòn. Sau đó còn đi tìm, động viên nhân viên kỹ thuật của đài trở lại vị trí làm việc để phát sóng lời đầu hàng quân giải phóng vô điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu.

Đó còn là Trung tướng Nguyễn Văn Đạo, trưởng thành nhanh trong chiến đấu và xây dựng, năm 2006 là Tư lệnh Quân khu 1; Phan Khuê Tảo là Tư lệnh Quân đoàn 1, Phó đô đốc, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân; Bùi Duy Nhâm, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XII… Ở đâu, làm việc gì những học viên Khóa 33 cũng phát huy truyền thống vẻ vang từ cái nôi đào tạo của Trường Sĩ quan Lục quân 1 anh hùng, luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đại tá TRỊNH THANH PHI, cựu học viên Đại đội 31
qdnd.vn

Advertisement