QĐND – Có mặt tại Việt Nam với nhiệm vụ phó trưởng đoàn chuyên gia phòng không, phụ trách công tác chính trị trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, Thiếu tướng A-na-tô-li Pô-dơ-đê-ép (Anatoli Pozdeev) cũng như những đồng nghiệp của mình, không thể quên những năm tháng ở Việt Nam. Sâu nặng hơn, ông “không thể tha thứ” cho những kẻ đã gieo bom đạn lên mảnh đất yêu hòa bình Việt Nam. Thiếu tướng Pô-dơ-đê-ép chia sẻ: “Tôi không bao giờ có thể quên những làng quê bình dị, những khu sinh thái tươi đẹp đã bị bom đạn tàn phá. Không biết bao nhiêu triệu gia đình Việt Nam đã có người thân thiệt mạng, hy sinh trong cuộc chiến. Rồi những em nhỏ vô cùng đáng thương trong cảnh bom đạn, giết chóc ở miền Trung Việt Nam. Tôi là người chứng kiến những điều đó và không bao giờ có thể tha thứ, nhưng không phải là đối với nhân dân Mỹ mà là những thế lực đã điều lính Mỹ tới gây chiến tranh ở Việt Nam…”. Thiếu tướng Pô-dơ-đê-ép tâm sự: “Những người từng chứng kiến các cảnh tượng đó như chúng tôi đã không thể sống bình yên, dù đã 40 năm trôi qua”.
Những kỷ vật liên quan tới Việt Nam được Thiếu tướng Pô-dơ-đê-ép gìn giữ cẩn thận
“Tôi đã hiểu được vì sao Việt Nam thắng lợi khi chứng kiến những cụ già, phụ nữ nghèo khổ ở địa phương nhưng luôn sẵn sàng chắt chiu, dành dụm tất cả cho tiền tuyến. Cũng chính bởi những điều đó mà tôi phải nói lên lời cảm ơn đối với những người dân bình thường Việt Nam, đối với những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Xin bày tỏ niềm khâm phục đối với nhân dân Việt Nam, những người đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc mình. Tôi đã gặp Anh hùng phi công Phạm Tuân, người đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ B-52 trên không”. Thiếu tướng Pô-dơ-đê-ép luôn cảm thấy bồi hồi mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm mà ông còn nhớ gắn với từng địa danh, từng con người ở mảnh đất hình chữ S. Ông vẫn giữ gìn cẩn thận những bức ảnh, những kỷ vật mang về từ Việt Nam thời ấy và có dịp lại mang ra cho mọi người cùng hồi tưởng…
Thiếu tướng Pô-dơ-đê-ép năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ông về hưu đã lâu, nhưng không cho phép mình nghỉ ngơi mà vẫn tiếp tục tham gia công tác trong Hội Hữu nghị Xô-Việt, rồi sau này là Hội Hữu nghị Nga-Việt. Hiện ông là Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt và hằng ngày ông vẫn đến văn phòng trụ sở Hội đặt tại Học viện Kinh tế và Pháp luật Mát-xcơ-va. Như ông tâm sự, ông “đến để được sống với một miền ký ức thật sâu đậm và đầy tính nhân văn”.
Những hình ảnh về một dân tộc anh hùng, về một cuộc đấu tranh không cân sức nhưng hết sức ngoan cường của quân và dân thủ đô Hà Nội trong trận “Điện Biên phủ trên không” năm 1972 cũng đã được những cựu chuyên gia Liên Xô ghi lại trong cuốn sách nhan đề “Chiến tranh Việt Nam là thế đó (1965-1973)”, xuất bản vào năm 2005. Dịp đó, mặc dù là kỷ niệm tròn 60 năm chiến thắng phát-xít Đức, nhưng những người cựu binh từng ở Việt Nam lại quyết định phát hành cuốn sách này để “những người trong cuộc” như họ có dịp viết ra, hay in lại những ký ức, những phân tích, đánh giá về một cuộc chiến và cũng là để tỏ lòng ngưỡng mộ về một dân tộc anh hùng. Cuốn sách tập hợp 29 bài viết về những trải nghiệm rất sâu sắc, rất sống động và bổ ích ở Việt Nam của các cựu chuyên gia. Những bài viết với những tựa đề khác nhau đã thể hiện được rất rõ những khía cạnh đáng nhớ của cuộc chiến đầy gian khổ, khốc liệt nhưng cũng rất oai hùng của dân tộc Việt Nam.
Đó là các bài viết “Những hồi ức về cuộc chiến tranh Việt Nam” của Thiếu tướng Bê-lốp; “Khẩu đội chiến đấu của chúng tôi” của Thiếu tướng Ca-na-ép; “Giai đoạn kết thúc của cuộc chiến tranh trên không” của Thượng tướng Khiu-pê-nhen, Chủ tịch Hội đồng Thống nhất Liên hiệp Cựu chiến binh của binh chủng Phòng không; “Đã có bao điều trải qua ở Việt Nam…” của Thiếu tướng Đem-sen-kô; “Thử lửa” của Thiếu tướng Pô-dơ-đê-ép; “300 ngày trên đất nước Việt Nam anh hùng” của Đại tá Sô-dơ-ra-nốp; “Cuộc chiến tranh Việt Nam qua sự đánh giá của người đã tham gia” của Đại tá Cô-na-cốp; “Những năm tháng không thể nào quên” của nữ quân nhân Rô-xli-a-cô-va; v.v.. Vào năm 2007, được sự đồng ý của các tác giả, cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt và năm 2008 đã ra mắt bạn đọc Việt Nam. Đây cũng là một cách thiết thực tỏ lòng tri ân đất nước và nhân dân Liên Xô đã gửi những người con thân yêu của mình sang giúp đỡ nhân dân Việt Nam chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược.
Bài và ảnh: THU THANH (từ LB Nga)
Trận “Điện Biên Phủ trên không” trong ký ức các cựu chuyên gia Liên Xô (Kỳ 1)