Trận “Điện Biên Phủ trên không” trong ký ức các cựu chuyên gia Liên Xô (Kỳ 1)

QĐND – Nhắc tới chiến thắng oanh liệt của trận “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm của quân và dân ta không thể không nhắc tới sự giúp đỡ nhiệt tình của các chuyên gia quân sự Liên Xô trước đây. Vào những năm tháng bom đạn ác liệt ấy, nhờ sự truyền đạt và hướng dẫn tận tình của những người bạn tới từ nước Nga, quân và dân ta đã nhanh chóng làm chủ và sử dụng hiệu quả các vũ khí, khí tài trang bị cho lực lượng phòng không-không quân. Đã có hàng nghìn tướng lĩnh, sĩ quan, binh sĩ và hạ sĩ quan của Liên Xô tới làm việc tại Việt Nam vào thời kỳ ấy. Nay, khi chiến tranh đã lùi xa gần ngót nửa thập kỷ, những cựu chuyên gia này vẫn gặp nhau vào những dịp đặc biệt để cùng ôn lại những năm tháng “biết bao nghĩa tình” cùng sống, làm việc và chiến đấu với quân và dân Việt Nam.

Một cuộc gặp gỡ của các cựu chuyên gia quân sự Liên Xô từng làm việc tại Việt Nam

Các cựu chuyên gia Liên Xô ngày đó giờ đây đang cùng tham gia sinh hoạt tại “Tổ chức Xã hội liên khu vực của các cựu chiến binh tại Việt Nam”. Hằng năm, vào những dịp kỷ niệm chiến thắng lịch sử của quân và dân Việt Nam như ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Ngày Quốc khánh (2-9) hay Ngày truyền thống của lực lượng không quân, hải quân Việt Nam, họ lại cùng nhau họp mặt. Mỗi lần gặp là họ cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của nhân dân Việt Nam, đánh giá mối quan hệ hữu nghị hai nước Việt – Nga và cùng nhau thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp này bằng những việc làm thiết thực. Vì vậy, dù nhiều chục năm đã qua đi, ký ức về những năm tháng “không thể nào quên” ấy trong mỗi người dường như vẫn vẹn nguyên. Vào những ngày này, khi Việt Nam đang tưng bừng trong không khí kỷ niệm tròn 40 năm Chiến thắng lịch sử “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, các cựu chuyên gia Liên Xô lại gặp nhau và cùng sống lại những ký ức về chiến thắng lịch sử, vang dội thuở nào.

Tất cả họ không thể nào quên những hình ảnh tang thương ở Việt Nam khi Mỹ tiến hành chiến dịch bắn phá miền Bắc, với nhà cửa bị tàn phá, người dân vô tội bị giết hại. Tình hình lúc ấy hết sức cam go cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Và điều để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong mỗi người chính là ý chí bất khuất và tinh thần chiến đấu quả cảm của một dân tộc có truyền thống yêu nước, đã góp phần đem tới chiến thắng lẫy lừng của trận “Điện Biên Phủ trên không”.

Thượng tướng A-na-tô-li Khiu-pê-nhen là người giữ cương vị Trưởng Đoàn cố vấn quân sự Liên Xô tại Việt Nam giai đoạn cuối cùng và trong thời gian lâu nhất (12-1972/1-1975). Trước ông lần lượt có 5 vị tướng đã đảm nhiệm cương vị này từ năm 1965, khi không quân Mỹ bắt đầu tăng cường ném bom miền Bắc Việt Nam. Ông Khiu-pê-nhen nhận định: “Rất đúng khi gọi sự kiện tháng 12-1972 là trận Điện Biên Phủ trên không của Việt Nam. Mà Điện Biên Phủ của Việt Nam cũng giống như trận Xta-lin-grát của Liên Xô… Điện Biên Phủ của Việt Nam đã kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Điện Biên Phủ trên không đã buộc Đế quốc Mỹ phải rút hết về nước. Khi đó, cuộc đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam ở Pa-ri về chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam đang hết sức căng thẳng. Phía Mỹ đã đưa ra những điều kiện mà Việt Nam không thể chấp nhận… Và thế là những trận dội bom xuống Hà Nội đã diễn ra với mưu đồ hủy diệt một đất nước, khuất phục một dân tộc. Nhưng chúng đã không thể đạt được mưu đồ. Bằng truyền thống lịch sử đánh thắng nhiều giặc ngoại xâm, dân tộc Việt Nam đã tiếp tục giành thắng lợi”.

Với ông Phi-líp-pốp (Philippov), một chuyên gia phòng không dày dạn kinh nghiệm đã cùng các chiến sĩ Việt Nam chiến đấu ở khu 4 thời kỳ 12 ngày đêm năm 1972, hình ảnh những người lính Cụ Hồ, những người dân Việt Nam trong chiến đấu đã để lại rất nhiều ấn tượng và sự cảm phục. Ông luôn nhắc đi nhắc lại câu “cảm ơn nhân dân Việt Nam” bởi chính thời gian có mặt ở Việt Nam đã cho ông nhiều trải nghiệm bổ ích. Ông kể: “Vào thời điểm khi tôi sang Việt Nam, các đồng chí Việt Nam đã nắm khá tốt các kỹ thuật quân sự. Trước một cuộc tấn công bằng đường không, các chiến sĩ quân đội Việt Nam luôn sẵn sàng trong tư thế giáng trả… Nhờ các đồng chí Việt Nam, chúng tôi đã rút ra được những kinh nghiệm về việc sử dụng các loại vũ khí để chống lại các phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ. Chính vì thế, chúng tôi cũng phải nói “cảm ơn các bạn Việt Nam”.

Ký ức về những ngày tháng chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam dưới bầu trời Hà Nội cũng in đậm trong tâm trí bác sĩ quân y Vích-to Ma-nhi-tren-cô (Victor Marnhitrenko). Ông kể: “Tôi vẫn nhớ rất rõ mọi chuyện trong những năm tháng ở Việt Nam. Ấn tượng sâu đậm về Việt Nam sẽ còn theo tôi đến hết cuộc đời. Đó là những hồi còi và hiệu lệnh báo động, rồi máy bay Mỹ liên tục giội bom… Tôi vẫn thường kể cho các đồng chí của mình về những ký ức của cuộc chiến tranh mà tôi đã có dịp chứng kiến. Nhân dân Việt Nam thật ngoan cường, họ đã chịu đựng không biết bao nhiêu hy sinh, gian lao, vất vả. Tôi tin thế hệ trẻ Việt Nam sau này lớn lên đều sẽ hiểu và trân trọng những hy sinh của những thế hệ cha ông đi trước”.

Bài và ảnh: THU THANH
(từ LB Nga)
qdnd.vn

Advertisement