QĐND – Lớp trẻ chúng tôi may mắn được hòa mình vào cuộc gặp mặt thân mật mang nhiều ý nghĩa của các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn Tên lửa 263 – Trung đoàn đã vinh dự lập nên chiến công bắn hạ tại chỗ chiếc máy bay B-52 đầu tiên của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Bắc, tạo niềm tin và cơ sở kinh nghiệm cho quân, dân ta làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ” trên không năm 1972, được tổ chức vào sáng 22-11, tại Bảo tàng Phòng không – Không quân. Mặc dù 40 năm đã trôi qua, nhiều người đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi gặp lại, các CCB vẫn vanh vách gọi tên nhau và những kỷ niệm về ngày chiến đấu gian khổ, oanh liệt cứ như những thước phim tài liệu hiện về.
Hồi tưởng lại những ngày tháng hào hùng ấy của đơn vị, ông Đào Đoàn Thế Hùng, Trưởng ban liên lạc truyền thống CCB Trung đoàn 263, nguyên cán bộ tác chiến Trung đoàn giai đoạn 1972 nhớ lại: Trung đoàn Tên lửa 263 được thành lập vào tháng 5-1966. Đây là giai đoạn vô cùng ác liệt của cuộc chiến đấu đánh trả sự phá hoại của không quân Mỹ ở miền Bắc. Thực hiện chủ trương tác chiến linh hoạt, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã cơ động khắp địa bàn Thủ đô Hà Nội. Năm 1967, biết trước ý đồ của giặc Mỹ sẽ dùng B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “muốn bắt cọp phải vào tận hang cọp”, Trung đoàn 263 được cấp trên điều vào tuyến lửa Nghệ An, Quảng Bình để phục kích, nghiên cứu phương pháp đánh B-52. Ngay từ tháng 9-1967, khi máy bay B-52 của Mỹ đánh phá ra miền Bắc và các tỉnh phía Nam Khu 4, các đơn vị phòng không của ta đã tham gia chiến đấu với B-52 nhưng phần lớn các trận đánh đều chưa đạt được hiệu quả, chưa bắn rơi tại chỗ máy bay B-52. Trong những ngày tháng 10 và nửa đầu tháng 11 năm 1972, máy bay B-52 tiếp tục đánh phá ngã ba Đồng Lộc, ngã ba Vọt và các khu căn cứ, làng mạc ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và gây ra nhiều tổn thất, đau thương cho quân và dân ta. Đáp trả lại những tội ác kinh hoàng của kẻ thù, các lực lượng phòng không của ta đã tổ chức nhiều trận chiến đấu với B-52 và được cấp trên đánh giá đạt hiệu suất tốt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu bắn hạ tại chỗ “Pháo đài bay” của Không quân Mỹ. Vì thế trận đánh thắng B-52 đêm 22-11-1972 đã trở thành trận chiến thắng vô cùng ý nghĩa không chỉ đối với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 263 mà còn đối với quân và dân cả nước. Đây là trận chiến đấu đầu tiên chúng ta đã bắn rơi B-52 tại chỗ mà đế quốc Mỹ phải thừa nhận. Ngay sau sự kiện trên xảy ra, hãng thông tấn UPI của Mỹ đã viết: “Một chiếc B-52 đã bị tên lửa Bắc Việt bắn trúng và rơi xuống biên giới Lào-Thái Lan, cách sân bay U-ta-pao (Thái Lan) 64km”… Theo ông Hùng và các CCB, trước đó đã có tư tưởng bi quan cho rằng, với vũ khí trang bị hiện có chúng ta không thể bắn hạ B-52… Do đó trận chiến đấu đầu tiên bắn rơi tại chỗ B-52 đã góp phần hết sức quan trọng củng cố niềm tin vững chắc cho bộ đội ta.
Các CCB Trung đoàn Tên lửa 263 bên xác máy bay B-52 bị bắn rơi năm 1972, hiện trưng bày tại Bảo tàng Phòng không – Không quân
Chia sẻ về những kinh nghiệm rút ra từ chiến thắng của Trung đoàn Tên lửa 263, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân chủng PK-KQ, Trưởng ban liên lạc Bộ đội Tên lửa cho biết: Sau chiến thắng oanh liệt ngày 22-11-1972 của Trung đoàn 263, các kinh nghiệm quý báu và bài học bắn rơi máy bay B-52 đã nhanh chóng được Quân chủng PK-KQ tổ chức rút kinh nghiệm và phổ biến cho các đơn vị cùng học tập. Đó là những kinh nghiệm về kỹ thuật, chiến thuật, như: Đánh tập trung, dùng lực lượng từ 2 tiểu đoàn tên lửa trở lên cùng đánh một lúc; tổ chức bố trí trận địa ôm sát mục tiêu ở cự ly xạ kích tốt; Nhất quyết phải phân biệt và loại trừ được các sóng nhiễu từ các máy bay B-52 giả, bắt chính xác các giải nhiễu của B-52; xác định tín hiệu B-52 trên nền nhiễu và tìm cách chống lại tên lửa của địch nhằm đối phó với các đài ra-đa điều khiển tên lửa của ta… Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, chiến công và bài học kinh nghiệm của Trung đoàn 263 không chỉ giúp củng cố vững chắc niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ PK-KQ mà còn với quân và dân cả nước trong nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng. Chiến thắng ấy đã góp phần bổ sung nghệ thuật tác chiến, phương án chiến đấu để làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” những ngày sau đó.
Mặc dù bị thua đau nhưng với bản chất hiếu chiến và tàn bạo, từ ngày 18 đến ngày 30 tháng 12-1972, đế quốc Mỹ tiếp tục tiến hành chiến dịch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng… nhưng chúng đã bị thất bại thảm hại. Do đó 7 giờ 30 phút ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam tại Pa-ri để bàn về hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Trong khi chờ đợi đến ngày ký hiệp định, đế quốc Mỹ lại huy động máy bay B-52 đánh phá vô cùng ác liệt tại địa bàn Khu 4 nhằm mục đích cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam và tàn phá các khu căn cứ của ta. Hồi 3 giờ ngày 14-1-1973, Trung đoàn 263 lại tổ chức cho 2 tiểu đoàn 43 và 56 đánh tập trung vào 1 tốp B-52 và bắn rơi tại chỗ 2 chiếc trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An). Đây cũng là hai chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.
Có thể nói trận đánh đầu tiên bắn rơi tại chỗ B-52 và trận chiến cuối cùng với B-52 bắn rơi tại chỗ 2 chiếc là những kỷ niệm chiến đấu không bao giờ quên của những chiến binh Trung đoàn Tên lửa 263. Chiến công bắn rơi chiếc máy bay B-52 đầu tiên của không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Nhưng cũng theo các CCB Trung đoàn Tên lửa 263 Anh hùng, giá trị hơn cả là bài học về xây dựng, củng cố niềm tin chiến thắng cho bộ đội và nhân dân. Chính niềm tin vững chắc, tinh thần quyết thắng đã giúp cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 263 tiếp tục lập nên nhiều chiến công góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Và theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay bài học đó vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt trong điều kiện tác chiến công nghệ cao.
Bài và ảnh: MAI CHU ANH
qdnd.vn