Khống chế sân bay quyết liệt, vẫn bị “đo ván”

QĐND Online – Khi lập kế hoạch chiến dịch tập kích đường không vào Hà Nội, Bộ chỉ huy không quân chiến lược Hoa Kỳ (SAC) biết rõ không quân nhân dân Việt Nam có Mig 21, mang theo 2 tên lửa. Đây là loại máy bay chiến đấu có ưu thế về khả năng lấy độ cao trong thời gian rất ngắn 225 m/s. Thực tế qua những lần đối mặt với biên đội Mig 21, Mỹ thấy rõ cách đánh rất táo bạo, nguy hiểm của những chiếc phi cơ này.

Từ nhận định đó, không quân Mỹ quyết tâm khống chế không quân Việt Nam ngay tại các sân bay, nhằm vô hiệu hóa Mig 21. Trước hết các đòn không kích sẽ được tập kích xuống các sân bay của Hà Nội và khu vực phụ cận, nhằm tước đi khả năng đưa lực lượng không quân Việt Nam vào chiến đấu.

Ngay ngày đầu tiên của chiến dịch, các sân bay chủ yếu như Nội Bài, Yên Bái, Hòa Lạc, Kiến An và sân bay Gia Lâm đã phải hứng chịu các trận không kích.

Sơ đồ sân bay Nội Bài bị bom B-52 và F-111 bắn phá đêm 18-12-1972 (Ảnh: tài liệu Nga)

Tối 18-12-1972 , 22 trái bom rơi trúng đường băng sân bay Nội Bài và 5 trái rơi trúng đường lăn. Còn tại sân bay Yên Bái, 4 quả bom rơi trúng đường băng và 7 quả trúng đường lăn; sân bay Hòa Lạc có 8 trúng đường băng và 14 trúng đường lăn; Kiến An có 9 trúng đường băng và 15 trúng đường lăn…

Ngoài đường băng và đường lăn, một số hạng mục công trình của sân bay cũng bị thiệt hại nặng (nhà chứa máy bay, đài kiểm soát không lưu, các dãy nhà công vụ), nhiều đường dây thông tin liên lạc, hệ thống các đài ra-đa kiểm soát cất hạ cánh (РСП) và thiết bị chiếu sáng các sân bay bị đánh hỏng.

Chi tiết về trận đánh vào Nội Bài, sân bay chính của Mig 21 được tóm lược như sau: Hồi 18 giờ 50 phút, 19 giờ 10 phút và 19 giờ 20 phút đêm 18-12-1972, các máy bay tiêm kích bom F-111A hoạt động đơn lẻ ở độ cao cực thấp, tấn công bất ngờ xuống sân bay. Tuy nhiên, đòn tấn công không mấy hiệu quả. Về tổng thể, sân bay không bị mất mức sẵn sàng chiến đấu.

Hồi 19 giờ 54 phút, tốp đầu tiên các máy bay ném bom chiến lược (3 chiếc B-52) trong đội hình “so le hàng ngang” giãn cách từ 700 đến 800m, trên độ cao 10.600m, cắt góc 650 so với trục đường băng đã ném bom xuống đường băng và đường lăn. Dải trúng bom oanh tạc từ mỗi máy bay B-52 có kích thước 150x1000m.

Hồi 19 giờ 57 phút, tốp thứ hai (3 chiếc B-52) cũng với đội hình “so le hàng ngang” trên cùng độ cao 10.600m, dưới góc 500 so với trục đường băng đã tiến hành trận không kích thứ hai.

Kết quả các đợt ném bom là 22 trái bom rơi trúng đường băng và 5 trái rơi trúng đường lăn chính. Đường băng sân bay Nội Bài bị vô hiệu hóa gần như suốt thời gian chiến dịch.

Thực hiện nhiệm vụ này “hăng” nhất là các máy bay tiêm kích bom F-111A, chúng chỉ hoạt động vào ban đêm.

Các máy bay F-111A tiếp cận sân bay ở độ cao 60m đến 300m, hướng bay cắt ngang đường băng ở góc từ 30 đến 600. Tuy nhiên, trong suốt cả chiến dịch, không có một máy bay Mig 21 nào của Không quân nhân dân Việt Nam tại các sân bay bị phá hủy hoặc bị hư hỏng. Đó là nhờ công tác phân tán, sơ tán máy bay trên các sân bay rất tốt. Cùng với việc được cất dấu, ngụy trang bí mật, còn nhờ các công trình trú ẩn được bảo đảm kỹ thuật tốt.

Chủ động tiến công B-52, Không quân nhân dân Việt Nam đã bố trí ở các sân bay xa Hà Nội, xuất kích đêm, chiếm độ cao bất ngờ lao vào chặn đội hình B-52 Mỹ. Như chiến công của biên đội Phạm Tuân, đêm 27-12-1972 (ngày thứ 10 của Chiến dịch), xuất kích từ sân bay Yên Bái, đã bắn rơi một B-52.

Ngoài ra, còn phải kể đến hàng vạn ngày công của nhân dân các tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, góp phần kịp thời “vá đường băng” suốt các đêm cuối tháng 12, để không quân ta bất ngờ bay lên, đánh thắng, trở về.

Đường Văn (sưu tầm)
qdnd.vn

Advertisement