QĐND – Đại đội 12, Trung đoàn ra-đa 290 và Đại đội 16, Trung đoàn ra-đa 291, qua nhiều năm trực chiến đã rèn luyện được nhiều kíp trắc thủ giỏi. Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, quê làng Bát Tràng Hà Nội, nguyên trắc thủ ra-đa Đại đội 12 kể: Hầu hết anh em trong đài ra-đa của đơn vị “nhắm mắt” cũng đọc thuộc các tọa độ có hàng trăm tín hiệu địa vật, dễ làm cho ta lẫn với tín hiệu máy bay bay thấp.
Tối 18-12-1972, đại đội của đồng chí Hòa đã phát hiện sớm máy bay B-52 trên hành lang bên kia dãy Trường Sơn, từ hướng Tây bay về phía Bắc Lào, đó là nhờ các trắc thủ biết điều chỉnh các núm, nút trên mặt máy, sao cho tín hiệu máy bay hiện ra rõ nhất, dù trong khoảnh khắc rất ngắn.
Loại ra-đa P-35, từng được bộ đội ta sử dụng hiệu quả trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối năm 1972.
Tại một trận địa ở Nghệ An, các trắc thủ ra-đa P-35 Nguyễn Văn Cầu và Nguyễn Văn Xích tập trung cao độ. Tháng 12-1972, ra-đa P-35 còn lại ở đại đội đều trực chiến tốt, với 6 máy thu, 6 cánh sóng chồng lên nhau. Khi máy bay B-52 bay vào, tín hiệu nhiễu của “bầy đàn” B-52 quá mạnh, khiến cho màn hình trắng xoa. Rút kinh nghiệm, các anh chỉ mở một máy thu, điều chỉnh hệ cơ khí “chúc, ngẩng” ăng-ten cho búp sóng máy thu ở góc phát hiện B-52 tốt nhất (ta phán đoán chúng bay ở độ cao từ 9 đến 12km). Sau đó các anh khéo léo điều chỉnh giảm độ khuyếch đại máy thu, để kéo tín hiệu nhiễu xuống thấp nhất. Quả nhiên, trong nền nhiễu giảm, bất ngờ xuất hiện tín hiệu B-52. Các anh đồng thanh đọc to các tọa độ để đài trưởng Tích và đại đội trưởng Nguyễn Văn Thuần phân tích nhanh rồi khẳng định B-52 sẽ đánh vào Hà Nội. Đại đội trưởng Thuần kể: Giảm khuyếch đại máy thu mà vẫn nhận ra B-52, phải là trắc thủ giỏi mới dám làm, vì muốn giảm tín hiệu nhiễu xuống nhiều lần, thì cũng phải giảm khuếch đại máy thu xuống một phần.
Trong đêm 18-12, Tham mưu phó binh chủng ra-đa Hứa Mạnh Tài trực ở Hà Nội đã trao đổi trực tiếp với đại đội trưởng Thuần những nội dung chỉ đạo quan trọng. Cựu chiến binh Tài, nhà ở phố Phan Huy Ích Hà Nội, khi còn sống, ông từng đến Báo Quân đội nhân dân kể lại: “Tôi rất thận trọng khi Đại đội 45 báo cáo trực tiếp phát hiện B-52. Tôi rất tin ở anh em trắc thủ, họ tinh mắt, nhạy cảm và thông minh. Những lần vào thăm Đại đội 45, nhìn họ điều chỉnh các núm, nút để triệt nhiễu “giảm tín, giảm tạp”, tôi biết anh em đã rất “nhuyễn” nội dung thao tác. Ông còn suýt xoa tiếc rẻ, giá còn một số đài ra-đa đo cao PRV-11, “nó” chắc chắn cũng lập công, vì đài này công suất phát sóng cao, nếu nó trực, cánh sóng hẹp của nó rất lợi hại. Nhưng các đài này bị tên lửa cao tốc standard Mỹ bắn hỏng khá nhiều, ta sửa chữa không kịp.
Các đài ra-đa của các Trung đoàn 290 và 291 đã báo động sớm cho Hà Nội truớc khoảng 35 phút, để tên lửa, pháo phòng không đĩnh đạc chờ địch vào để “khai hỏa”.
Năm 1973, các anh Nguyễn Văn Cầu và Nguyễn Văn Xích được ra Sơn Tây, học ở Trường Sĩ quan Phòng không. Nguyễn Văn Cầu ở lại trường làm giáo viên ra-đa. Nguyễn Văn Xích về làm cán bộ tại Trung đoàn 290. Năm 1976 anh Xích là chỉ huy Trạm ra-đa 41-SơnTrà, sau khi Đà Nẵng giải phóng
Bài và ảnh: TRẦN DANH BẢNG
qdnd.vn