Cơ động linh hoạt, đón đánh hiệu quả

Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 / 12-2012)

QĐND – Vừa ra đời, còn non trẻ, nhưng chỉ 7 năm sau, bộ đội tên lửa Việt Nam đã chủ động nghênh chiến, giáng trả đích đáng cuộc tập kích đường không ồ ạt của “pháo đài” bay B-52 vào Hà Nội tháng 12-1972… Bài học từ chiến dịch 12 ngày đêm rất phong phú, trong đó có một bài học mà cho đến nay, không chỉ với LLVT nhân dân Việt Nam, mà quân đội nhiều quốc gia vẫn đang dày công nghiên cứu, phát triển, đó là cơ động để đánh thắng.

Cơ động nghi binh “gài bẫy”

Mỹ gọi là SAM-2, nhưng người Nga đặt tên từ lúc khai sinh cho tên lửa này là CA-75 Dvina.

Tham gia giành chiến thắng trận đầu cho binh chủng tên lửa phòng không của Việt Nam, Dvina đã diệt một máy bay F4C hiện đại của không quân Mỹ ở độ cao 7000m vào tháng 7 năm ấy.

Nhờ tính năng cơ động tốt, các tiểu đoàn tên lửa của Việt Nam ngay trong đêm đã bí mật cơ động rời trận địa. Các chiến sĩ tên lửa thông minh đã nhanh chóng thu hồi bộ vũ khí rất cồng kềnh, với hàng chục xe đại xa, mỗi xe nặng hàng chục tấn, rút khỏi trận địa lặng lẽ như hôm họ lặng lẽ, trật tự tới đây.

Bộ đội tên lửa đưa đạn vào bệ phóng. Ảnh minh họa/tư liệu.

Cơ động không chỉ để bảo toàn, phòng tránh, mà là để “giăng bẫy”. Ngày sau, thêm 3 máy bay của Mỹ tiếp tục phải đền tội, khi chúng định thực hiện đòn trả đũa tên lửa Việt Nam, ngay chính trên trận địa còn khét lẹt mùi thuốc phóng Dvina. Rất khôi hài là những trái đạn giả ngày hôm sau làm toàn bằng cót tre, đã nhử hàng đàn máy bay vào làm mồi cho đạn pháo tầm thấp.

Trong suốt 7 năm chiến đấu với không quân chiến thuật, chiến lược Mỹ, tên lửa Việt Nam đã thực hiện hàng trăm lần cơ động. Gần thì chục cây số, xa thì ngót ngàn cây số, từ miền Bắc vào tận Cồn Tiên, Dốc Miếu, chiến trường Quảng Trị, để lại những bài học quý giá về cơ động đánh địch. “Khúc ruột miền Trung” không chỉ dài, mà cứ 20 cây số lại có một con sông. Cơ động khí tài nặng nề trong chiến tranh, dưới bom đạn tuyến lửa qua sông, qua phà không hề dễ dàng.

Cơ động “tìm diệt” trong tuyến lửa

Sĩ quan điều khiển Võ Trí Trư, một người đã tham gia đánh AC-130 ở Quảng Trị, trong đội hình Trung đoàn 238, anh nhiều lần nói với chiến sĩ trẻ, khí tài tên lửa CA-75 thuộc dòng “công tử”, hiện đại, rất “khó chiều”. Mỗi khi hành quân, việc thu hồi rất tốn công sức, thời gian. Phải dùng xe cẩu từng mô-đun ăng-ten, hạ xuống êm nhẹ, rồi quay tời, kích bệ, tháo lắp hàng trăm đầu cáp nguồn, cáp tín hiệu. Tới trận địa mới, lại cẩu, lại kích, lại định hướng ăng-ten… phải hiệu chỉnh hàng loạt các thông số cơ khí, định vị, mã-cốt… cấp nguồn, kiểm tra đồng bộ đài-bệ-đạn…

Khí tài khi hành quân dễ bị rung, xóc do cơ động, hay bị ẩm ướt do khí hậu nhiệt đới gây chập cháy, sai lệch tham số… Đưa được một bộ khí tài vào trận địa tuyến lửa phải mất hàng tháng trời, đã có nhiều hy sinh, tổn thất.

Tiểu đoàn 67, Trung đoàn 236, trên cung đường 100km phải hành quân nhích từng cây số, mất hai tháng trời. Tiểu đoàn này bị địch chặn đánh 21 lần, trong đó một lần bị B-52 rải thảm làm hỏng xe khí tài, hệ thống dẫn sóng, thiệt hại 4 xe chở đạn tên lửa, cả xe chở dầu, nhiều xe kéo. Không ít chiến sĩ thương vong.

Nhờ tổ chức cơ động tốt, dẫu bệ đạn, xe khí tài rất nặng nề, dọc đường qua phà, qua ngầm, có lúc tên lửa phải rọi đèn “rùa” đưa từng xe đạn vào trận địa lúp xúp cây dại vùng giới tuyến quân sự… nhưng vượt qua bom đạn cày đạn xới, theo vệt xích bệ phóng, chiến sĩ tên lửa đã triển khai khí tài hiện đại, tìm diệt, bắn rơi B-52 ở chiến trường, rút ra bài học quý bắn máy bay B-52 trong nhiễu.

Đối đầu với loại máy bay chuyên bắn chặn xe cơ giới AC-130, các bệ phóng tên lửa đã cuộn xích, cơ động tìm trận địa lợi thế, liên tiếp trong hai tháng, bắn rơi 3 chiếc AC-130, khiến địch không dám bén mảng dò tìm, đánh phá. Xe của đoàn 559 lại vượt cung, băng tuyến, chạy suốt ngày đêm chở hàng vào tiền tuyến.

Cơ động đánh trả B-52

Lực lượng không quân nhà nghề Mỹ biết rõ tính năng lợi hại của tên lửa CA-75 Dvina. Trong chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II, tập kích vào Hà Nội, tháng 12-1972, chưa nói đến hệ thống gây nhiễu, chỉ nói đến đội hộ tống của không quân chiến lược B-52, lực lượng này rất chú tâm xăm xoi trận địa Dvina để đánh phá. Qua 2 đêm đầu oanh tạc, nhận thấy đối thủ đe dọa lớn nhất đối với B-52 là tên lửa chứ không phải không quân, Bộ chỉ huy 57 của Mỹ ở Thái Bình Dương ra lệnh cho các liên đội không quân chiến thuật tập trung các loại máy bay cường kích F4, F105, F111 săn lùng gắt gao các trận địa tên lửa để chế áp, dọn sạch đường bay cho B-52 đột nhập không phận Hà Nội.

Phải nói đến loại tên lửa cao tốc dòng Shrike, chuyên bắn phá khí tài vô tuyến điện tử. Năm 1967, tập đoàn không quân số 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương “tiêu tốn” 1.322 quả Shrikes ở Bắc Việt Nam. Đầu năm 1968, tên lửa tìm diệt ra-đa loại mới AGM-78 được đưa tới. Nó bay nhanh hơn và xa hơn Shrike, đắt gấp 10 lần, hai trăm nghìn USD/quả. Đây là những vũ khí diệt Dvina khá nguy hiểm. Nhưng “gần 150 bệ phóng Dvina, quây tụ thành những nhóm tối đa 6 bệ tại khoảng 30 trận địa, Bắc Việt đã di chuyển bệ phóng một cách thường xuyên, đến nỗi máy bay Mỹ tấn công một trận địa tên lửa có thể chỉ gặp phải súng phòng không hạng nặng”(Tài liệu của Không quân Mỹ).

Còn các nhà khoa học quân sự Nga là Đại tá, Tiến sĩ Alexcander Malgin Giáo sư Viện Hàn lâm quân sự, giảng viên Viện khoa học phòng thủ hàng không vũ trụ Liên bang Nga; Đại tá, Tiến sĩ Mikhain Malgin Chuyên viên Viện nghiên cứu khoa học quân sự Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã tổng hợp như sau: “Đợt tấn công thứ 1 chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II, không quân chiến thuật Mỹ đã tập kích 12 đòn tấn công vào trận địa tên lửa gây tổn thất cho 7 phân đội (trung bình hai bệ phóng chịu một tên lửa Shrike). Các tiểu đoàn đã di chuyển 6 lần để đánh trả”.

Đợt 2 hệ số cơ động của các đơn vị tên lửa tăng cao, 12 lần cơ động sang vị trí mới (tương đương khoảng 4 lần cơ động trong một tháng).

Đợt 3 Mỹ đã tấn công vào các trận địa tên lửa 55 lần, 20 phân đội bị tổn thất, trong đó có 8 khẩu đội bị trúng tên lửa Shrike. Trong đợt này, các đơn vị tên lửa đã 20 lần cơ động trận địa, khiến hiệu quả đánh trúng hạ xuống rất thấp”. Không còn sự minh chứng nào xác thực hơn về ý thức cơ động để bảo toàn và đánh thắng của bộ đội tên lửa.

Nếu tính cả năm 1972 đầy thử thách, năm mà Ních-xơn chủ trương đánh phá ồ ạt, sử dụng cả bom la-de, tên lửa cao tốc cải tiến loại mới Standard AGM-78 có đầu dẫn dải rộng, nhớ tọa độ mục tiêu, tấn công các trận địa tên lửa 200 lần. Các đơn vị tên lửa phải cơ động rút khỏi trận địa 98 lần, nhờ cơ động tốt, hiệu quả tấn công của địch giảm xuống rất thấp.

Chỉ tính trong khoảng thời gian 6 tháng, từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1972, Mỹ tấn công vào các trận địa tên lửa 166 lần. Tính chung tên lửa di chuyển trận địa, trung bình 4 đến 5 lần trong một tháng. Đó là tần suất cơ động rất cao với khí tài nặng nề, cồng kềnh, mà vẫn bảo đảm tham số để chiến đấu. Công lao này thuộc về đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên dày dạn kinh nghiệm của chúng ta.

Một hành động quả cảm, không thể quên, đó là giữa năm 1972, tại trận địa Kép Hạ, Lục Ngạn, Hà Bắc, Thượng úy Kharitonop, một chuyên gia kỹ thuật người Nga, đang sửa khí tài cho Tiểu đoàn 72, thì bị máy bay Mỹ bắn vào trận địa, Kharitonop bị thương. Chính trị viên phó tiểu đoàn Nguyễn Long Hiếu kể lại, anh đã cùng đơn vị động viên bộ đội đến bệnh viện tiếp máu cho Kharitonop. Nhưng vết thương quá nặng, Thượng úy Kharitonop đã anh dũng hy sinh trong niềm tiếc thương vô hạn của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 72 đoàn Nam Triệu.

Trong 12 ngày đêm xáp mặt với B-52, Sư đoàn 361 đã chỉ đạo các đơn vị tên lửa vùng Hà Nội thường xuyên cơ động, đánh trả địch tại các trận địa, đến nỗi không còn khái niệm trận địa cơ bản, trận địa dự bị. Bởi tại trận địa dự bị, tên lửa cũng lập công xuất sắc.

Trong khoảng 7 năm, tên lửa Dvina tại Việt Nam đã cơ động hàng trăm lần, tham gia đánh 3.452 trận, phóng 5.885 quả đạn, bắn rơi 788 máy bay các loại hiện đại của không quân Mỹ, trong đó có 366 chiếc rơi tại chỗ. Tháng 12-1972, có 29 chiếc máy bay B-52 bị tên lửa ta bắn rơi. Xác suất trúng rất cao, một đạn tên lửa trung bình hạ 0,34 máy bay.

Cơ động tên lửa thời hiện đại

Từ những kinh nghiệm cơ động đánh địch thắng lợi, lý luận quân sự Việt Nam đã khẳng định cơ động lực lượng là một nội dung quan trọng trong hoạt động tác chiến chiến dịch phòng không, nhằm mục đích tạo lập và chuyển hóa thế trận có lợi, bảo toàn lực lượng, tạo bất ngờ, chớp thời cơ đánh trả có hiệu quả các đòn tiến công đường không, bảo vệ vững chắc mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch.

Quá trình cơ động, có thể vận dụng phương pháp cơ động lần lượt; thậm chí chỉ cơ động một phần khí tài chủ yếu, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ động nghi binh, lừa địch, bảo đảm cơ động an toàn, đánh thắng. Thật ý nghĩa khi từ trận đầu tiên, bộ đội tên lửa Việt Nam ra quân, đã thực hiện tốt hành động tác chiến đầy hiệu quả này.

Cơ động để đánh địch tập kích đường không, những giá trị phổ biến của nghệ thuật quân sự đã trở thành lý luận chung cho nhiều quốc gia. Vấn đề còn lại là ý chí quyết thắng và sự sáng tạo không ngừng của người sử dụng vũ khí đó. Điều này, những chiến binh tên lửa Việt Nam đã tự tin cơ động, nghênh chiến đánh thắng ngay từ những tháng năm vừa mới ra đời.

TRẦN DANH BẢNG
qdnd.vn

Advertisement