Hướng tới kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”
Cuộc chiến điện tử
QĐND – Theo tài liệu từ các chuyên gia Liên Xô (trước đây), bắt đầu từ tháng 9 và 10 năm 1967 trên màn hình của trạm điều khiển tên lửa bắt đầu xuất hiện những trường hợp đơn lẻ nhiễu chủ động trên kênh điều khiển tên lửa. Các kỹ thuật viên đã không thực sự chú ý đến hiện tượng này, mà cho đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Việc địch phát hiện và gây nhiễu trên tần số điều khiển của tên lửa là rất khó có thể xảy ra, tần số điều khiển là chỉ số tuyệt mật của mỗi tổ hợp tên lửa. Việc phát hiện ra tần số này bằng trinh sát điện tử là rất khó. Tuy nhiên, nếu địch gây nhiễu trên tần số này các tổ hợp tên lửa của ta sẽ bị vô hiệu hóa, trạm điều khiển tên lửa sẽ bị “bịt mắt” không nhìn thấy các tên lửa của mình.
Ngày 15-12-1967, tình hình bất ngờ thay đổi theo chiều hướng không có lợi cho bộ đội tên lửa của ta. Tình huống ta không ngờ đến đã xảy ra, máy bay địch gây nhiễu hàng loạt vào tần số của đài điều khiển tên lửa. Các đài điều khiển bị vô hiệu hóa, tên lửa phóng lên mất điều khiển và rơi xuống. Theo thông tin thu thập được từ các phi công Mỹ bị bắt ta đã khẳng định máy bay địch được trang bị máy phát nhiễu chống tên lửa. Rõ ràng tần số điều khiển tên lửa đã bị lộ, rất có thể Mỹ đã lấy được tần số này sau khi phân tích tổ hợp tên lửa S-75 mà Israel chiếm được trong cuộc chiến 6 ngày tại Trung Đông tháng 6-1967. Vấn đề cấp bách đặt ra lúc này là, cần có những giải pháp kỹ thuật ngay lập tức để phục hồi khả năng chiến đấu của tên lửa phòng không.
Giải pháp đối phó duy nhất lúc bấy giờ là thay đổi tần số đài điều khiển. Mặc dù việc mở khí tài và thay đổi tần số lúc đó bị cấm vì lý do bảo mật, nhóm chuyên gia Liên Xô đã họp và quyết định tăng tần số của đài điều khiển thêm 3Mhz. Đại sứ Liên xô Sherbakov I.S. đã nhận hoàn toàn trách nhiệm về quyết định này. Tết dương lịch năm 1968 do thời tiết xấu, địch ngừng ném bom, ta đã có nhiều thời gian hơn để thay đổi lại tần số của các tổ hợp tên lửa. Các kỹ sư Liên Xô đã phụ trách một khối lượng công việc khổng lồ – thay đổi tần số, kiểm tra, thử nghiệm hoạt động của hàng nghìn tên lửa và đài điều khiển. Đầu năm 1968, Mỹ bắt đầu tấn công Hà Nội trở lại và tiếp tục bị bất ngờ, các thiết bị gây nhiễu của địch đã hoàn toàn không còn tác dụng, các tổ hợp tên lửa của ta đã sẵn sàng hoạt động trên tần số mới.
Tổ hợp tên lửa S-75 Dvina thừa sức tiêu diệt B-52 mà không cần “nối tầng”. Ảnh tư liệu.
Cùng với việc thay đổi tần số, nhiều cải tiến khác cũng đã được thực hiện nhằm tăng tầm hỏa lực, tăng khả năng chống nhiễu của tổ hợp tên lửa. Trong đó hiệu quả nhất là phương pháp điều khiển thụ động và kỹ thuật “phóng giả”. Phương pháp điều khiển thụ động giúp ta vô hiệu hóa tên lửa Shrike. Kỹ thuật “phóng giả” sử dụng máy phát tín hiệu mô phỏng theo tín hiệu phóng của tên lửa, máy bay địch khi phát hiện tín hiệu phóng lập tức thực hiện những kỹ thuật bay cơ động tránh tên lửa, phá vỡ đội hình chiến đấu và giúp ta phân biệt được trên màn hình ra-đa đâu là máy bay B-52.
Đối đầu với B-52
Năm 1972, sau 3 năm ngừng ném bom, Mỹ trở lại ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ hai, đỉnh điểm là chiến dịch ném bom 12 ngày đêm vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận tháng 12-1972. Đây là chiến dịch ném bom lớn nhất trên thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Địch đã huy động một lực lượng lớn không quân chiến thuật, không quân chiến lược và không quân từ tàu sân bay vào chiến dịch này. Máy bay ném bom chiến lược B-52 được dùng làm phương tiện tấn công chủ lực nhằm phá hoại các trung tâm công nghiệp lớn. Nhiệm vụ đánh trả B-52 được đặt lên vai của Binh chủng Tên lửa.
Cho đến năm 1972, các tổ hợp tên lửa S-75 của ta đã có nhiều cải tiến đáng kể, nhưng không có chuyện cải tiến để nối tầng tên lửa. Bởi lẽ việc nối tầng tên lửa là không cần thiết. Tên lửa S-75 tiêu diệt rất hiệu quả những mục tiêu ở tầm cao, máy bay do thám U-2 có tầm bay cao nhất thế giới lúc bấy giờ cũng đã bị tên lửa S-75 bắn rơi ở Liên Xô và Cu-ba. Để đánh được B-52 cần phải đối phó với nhiễu điện tử. Bay kèm B-52 là đội hình máy bay chiến đấu yểm trợ và máy bay tác chiến điện tử phát nhiễu, vì vậy nhiều đài ra-đa P-12 của tổ hợp tên lửa S-75 bị nhiễu nặng không thể phát hiện và bắt mục tiêu. Ta đã dùng loại ra-đa không bị địch gây nhiễu cải tiến ghép nối với đài điều khiển tên lửa, đảm bảo phát hiện kịp thời và tiêu diệt máy bay B-52.
Các chuyên gia quân sự Liên Xô giao lưu với các học viên trường Phòng không – Không quân dịp Tết dương lịch năm 1972. Ảnh tư liệu.
Một cải tiến quan trọng khác là việc lắp kính tiềm vọng trên an-ten của xe thu phát. Thiết bị ngắm quang học này còn có thể sử dụng để điều khiển bắn với phương pháp bắn 3 điểm mà không cần bật ra-đa. Bản chất của phương pháp bắn này là tên lửa được điều khiển sao cho 3 điểm – xe thu phát, tên lửa và mục tiêu luôn nằm trên một đường thẳng, vì vậy có thể ngắm bắn bằng phương pháp quang học, không cần bật ra-đa, chống được nhiễu điện tử và tránh được tên lửa tự dẫn Shrike. Tuy nhiên, hiệu quả bắn và độ chính xác của phương pháp này không cao. Bộ đội tên lửa ta đã sáng tạo thêm phương pháp bắn “vượt nửa góc”, thay vì nằm trên cùng 1 đường thẳng với mục tiêu, tên lửa bay đón trước mục tiêu nửa góc, đảm bảo bắn chính xác hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi bộ đội phải được huấn luyện nhuần nhuyễn, có bản lĩnh, lòng dũng cảm, chủ động bật ra-đa “vạch nhiễu tìm thù”, đối phó kịp thời với tên lửa tự dẫn Shrike.
Tối 18-12-1972, những tốp B-52 đầu tiên cất cánh từ căn cứ Anderson tấn công miền Bắc. Chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” mở màn. Tên lửa của ta đã chủ động sẵn sàng đón đánh địch và tiêu diệt máy bay B-52 ngay trong những ngày đầu tiên của chiến dịch. Theo số liệu từ các đơn vị tên lửa, trong suốt chiến dịch đã có gần 1.700 lượt máy bay đi vào vùng hoạt động của các tổ hợp tên lửa, trong đó 390 lượt là máy bay B-52. Tên lửa ta đã bắn 181 lượt và tiêu diệt 54 máy bay, trong đó có 31 máy bay B-52. Đây là một kết quả bắn xuất sắc. Trong các cuộc chạm trán sau này giữa tên lửa phòng không và máy bay ném bom, cho dù sử dụng các hệ thống tên lửa hiện đại hơn nhưng chưa có nước nào đạt được kết quả chiến đấu như thế.
Không quân Mỹ cũng chưa bao giờ phải chịu những thiệt hại lớn như vậy. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tỷ lệ thiệt hại của không quân Mỹ là 9 máy bay trong 1000 lượt bay, trong chiến tranh Triều Tiên là 4 máy bay, còn trong tháng 12-1972 là 27 máy bay. Cùng thời gian này các tổ hợp tên lửa S-125 hiện đại hơn cũng đã bắt đầu được triển khai nhưng chưa kịp tham gia chiến đấu. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu S-125 được triển khai kết hợp với S-75 thì không quân Mỹ chỉ có thể trụ được một tuần. Hãng tin AP đã nhận định: “Với tốc độ bị bắn rơi như thế này thì chỉ sau ba tháng, B-52 sẽ tuyệt chủng”.
Mức độ thiệt hại này khiến Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền bắc. Chiến dịch ném bom “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá” đã thất bại thảm hại, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán Pa-ri chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” và kết quả cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân dân ta trên chiến trường miền Nam, đã mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã viết thêm những trang vàng trong truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta. Không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc Việt Nam, Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” còn góp phần tăng thêm sức mạnh thế tiến công trên toàn thế giới. 40 năm đã trôi qua, bài học chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cho đến nay và mãi về sau vẫn còn nguyên giá trị.
—————–
Kỳ 1: S-75 trên bầu trời Việt Nam
PHÙNG KIM PHƯƠNG (*)
qdnd.vn
(*) Trong bài có sử dụng một số tài liệu của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô.