QĐND – S-75 (SAM-2) là vũ khí chủ lực của lực lượng PK -KQ trong kháng chiến chống Mỹ. S -75 (Systema 75 – hệ thống 75) là tổ hợp tên lửa phòng không thứ 2 được Liên Xô chế tạo sau tổ hợp S -25. Các nước phương Tây gọi tổ hợp là SA -2 hoặc SAM -2 (viết tắt của Surface to Air Missile – tên lửa đất đối không). Chiến trường Việt Nam cũng đã khiến S -75 trở thành hệ thống tên lửa được đưa vào sử dụng với quy mô lớn nhất và hiệu quả nhất trên thế giới. Không chỉ tiêu diệt máy bay, tên lửa S -75 còn tạo ra khủng hoảng về tâm lý trong đội ngũ phi công Mỹ. Trong chiến tranh thế giới thứ 2 và chiến tranh Triều Tiên, người Mỹ chưa bao giờ đối mặt với thứ vũ khí chính xác đến thế. Khi đã lọt vào vùng hỏa lực của tên lửa phòng không này thì việc bị bắn hạ là gần như không thể tránh khỏi. Sự vận dụng sáng tạo chiến thuật tên lửa phòng không đóng vai trò rất lớn trong thắng lợi của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sự giúp đỡ từ những người bạn Xô -viết
Tháng 8-1964, Mỹ dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ” kiếm cớ cho máy bay ném bom bắn phá một số nơi trên miền Bắc. Từ tháng 3-1965, Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, bắt đầu chiến dịch ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, song song với đó là việc tiến hành “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam.
Các chiến sĩ Tiểu đoàn Tên lửa 77, Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng PK -KQ) chuẩn bị chiến đấu trong những ngày cuối tháng 12-1972. Ảnh tư liệu
Trong thời gian này, các đơn vị phòng không của Việt Nam đã được tăng cường, củng cố nhanh chóng. Những tổ hợp tên lửa phòng không S -75 Dvina đầu tiên đã được triển khai ở Việt Nam vào giữa năm 1965 với sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Liên Xô. S -75 là tổ hợp tên lửa được thiết kế để tiêu diệt những mục tiêu ở tầm cao, có tầm hoạt động từ độ cao 0, 5km đến 30km (máy bay B -52 tấn công Hà Nội, Hải Phòng chỉ bay ở độ cao 10km, các máy bay chiến đấu có trần bay khoảng 15-17km), Việt Nam đã được Liên Xô viện trợ phiên bản đầu tiên S -75 Dvina. Hệ thống tên lửa S -75 ở Việt Nam lúc bấy giờ dùng quả đạn tên lửa V -750V, có 2 tầng, tầng 1 là tầng gia tốc, dùng nhiên liệu rắn, tự tách khỏi tên lửa 5 giây sau khi phóng, tầng 2 là tầng hành trình, dùng nhiên liệu lỏng. Tầng thứ nhất bay trong quỹ đạo không điều khiển, tầng thứ hai bay có điều khiển. ở Việt Nam đã sử dụng phiên bản đầu tiên S -75 Dvina.
Tháng 4-1965, nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên đến Hà Nội với nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất giúp Việt Nam xây dựng, huấn luyện những đơn vị tên lửa phòng không đầu tiên. Những chuyên gia này được lựa chọn từ những kỹ thuật viên, kíp chiến đấu, sĩ quan chỉ huy ưu tú và kinh nghiệm nhất theo tinh thần: Tự nguyện. Việc huấn luyện các tiểu đoàn tên lửa đầu tiên được tiến hành theo nguyên tắc “làm theo những gì tôi làm”.
Chỉ sau hai tháng, 2 trung đoàn tên lửa đầu tiên đã SSCĐ. Ngày 24-7-1965, tốp 4 chiếc máy bay F -4 Phantom đã chạm trán loạt hỏa lực tên lửa phòng không đầu tiên của Việt Nam. Phi công Mỹ đã không hề đề phòng hỏa lực tên lửa và chủ quan bay theo đội hình “duyệt binh” sát nhau, 3 chiếc F -4 bị bắn rơi tại chỗ, 1 chiếc quay đầu chạy thoát. Sau thắng lợi đầu tiên, trong vòng một tháng, tên lửa phòng không của ta đã tham gia 5 trận đánh, tiêu diệt 14 máy bay địch. Trong những trận đánh đầu tiên, các chuyên gia Liên Xô trực tiếp vận hành cùng với các kíp chiến đấu của bộ đội tên lửa Việt Nam. Sau khi bộ đội tên lửa Việt Nam tự vận hành được S -75, đoàn chuyên gia chỉ để lại 10-15 người trong mỗi trung đoàn với nhiệm vụ cố vấn và phụ trách sửa chữa kỹ thuật, bộ phận còn lại chuyển sang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Trong hồi ký, Đại tá Vla -đi-mia-phi-àö-rốp – một trong những chuyên gia quân sự Liên Xô có mặt tại Việt Nam từ đầu năm 1965, đã kể lại một câu chuyện khá thú vị: Đầu tháng 12-1965, một đơn vị tên lửa phòng không Việt Nam tự lực hạ một máy bay Mỹ mà không cần sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô. Viên phi công bị bắt làm tù binh và được dẫn đến đơn vị tên lửa đã bắn hạ máy bay của anh ta. Viên phi công yêu cầu cho gặp những người Liên Xô đã bắn hạ máy bay của mình. Chúng tôi giải thích: “Chính người Việt Nam đã lập nên chiến công ấy” nhưng viên phi công nọ vẫn không tin và khăng khăng nói rằng: “Tôi không tin đâu. Dù sao tôi cũng cảm thấy có bàn tay người Nga ở đây”. Cùng lúc đó, tại Liên bang Xô -viết, những trung tâm huấn luyện đặc biệt cũng được thành lập. Trong thời kỳ 1966-1967, những trung tâm này đã đào tạo cho Việt Nam 5 trung đoàn tên lửa (gần 3 nghìn người).
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, đoàn chuyên gia Liên Xô đã đóng góp đáng kể trong hoàn thiện kỹ thuật, chiến thuật phòng không, bảo đảm kỹ thuật, cải tiến và hoàn thiện những tổ hợp tên lửa nhằm đối phó với nhiễu điện tử. Hàng nghìn sĩ quan, chiến sĩ, bác sĩ và kỹ thuật viên đã tình nguyện rời xa đất nước hòa bình, no đủ, đến giúp đỡ Việt Nam trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn và nguy hiểm của thời chiến, nhiều người đã đổ máu và hy sinh trên trận địa, họ vẫn cố gắng hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế, đóng góp lớn vào chiến thắng chống chủ nghĩa đế quốc tại Việt Nam.
“Điệu nhảy với tử thần”
Tháng 4-1966, sau 3 tháng tạm ngừng ném bom, không quân Mỹ đã trở lại miền Bắc. Sau khi nghiên cứu kỹ hoạt động của tên lửa phòng không ta, Mỹ đã có nhiều thay đổi đáng kể. Điểm yếu của hệ thống S -75 trong tiêu diệt mục tiêu ở tầm thấp đã bị khai thác triệt để. Địch chuyển sang hoạt động ở tầm thấp để tránh bị ra -đa phát hiện, chấp nhận mạo hiểm nằm trong tầm hỏa lực của pháo cao xạ và súng máy phòng không. Không quân Mỹ đã trang bị rộng rãi tên lửa tự dẫn chống ra -đa Shrike, và huấn luyện thuần thục những kỹ thuật tránh tên lửa như: Bổ nhào thoát xuống tầm thấp, đột ngột chuyển hướng 90 hoặc 180 độ. Các phi công Mỹ gọi những kỹ thuật này là “điệu nhảy với tử thần”.
Các chuyên gia quân sự Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh do nhóm chuyên gia quân sự cung cấp
Sự đối đầu giữa tên lửa S -75 và tên lửa Shrike là những cuộc chiến quyết liệt mà chiến thắng được quyết định trong từng giây. Việc đối phó với tên lửa tự dẫn Shrike đòi hỏi phải có sự bình tĩnh, kinh nghiệm và kỹ thuật nhuần nhuyễn. Tên lửa Shrike tự dẫn lần theo tín hiệu ra -đa của đài điều khiển tên lửa. Sau khi phát hiện tên lửa Shrike tách khỏi máy bay trên màn hình ra -đa, các trắc thủ đài điều khiển chỉ có chưa đầy 1 phút để xoay chùm tia ra -đa sang hướng khác, tên lửa Shrike sẽ theo chùm tia bay lệch đi, sau đó tắt tín hiệu ra -đa, tên lửa Shrike mất mục tiêu và bay theo hướng lệch. Việc xoay chùm tia ra -đa đồng thời cũng khiến tên lửa đã phóng của ta bị mất điều khiển. Về sau tổ hợp S -75 đã được cải tiến, bổ sung khả năng bám mục tiêu ở chế độ thụ động, không bị máy bay địch phát hiện, tránh được tên lửa Shrike, giảm đáng kể thương vong và thiệt hại về khí tài.
Phục kích
Sử dụng các tổ hợp tên lửa gồm biên chế thu gọn phục kích máy bay địch là chiến thuật được bộ đội tên lửa sử dụng rất rộng rãi. Các tổ hợp thu gọn này chỉ có khoảng 2-3 bệ phóng (biên chế đầy đủ là 6 bệ phóng), rút bớt xe trinh sát, chỉ thị mục tiêu và các bộ phận phụ khác nhằm đạt độ cơ động cao và tốc độ triển khai – thu hồi nhanh, kín đáo, bí mật. Những trận địa phục kích được bố trí tại những vị trí mà không quân địch không ngờ tới, đánh máy bay địch bất ngờ và hiệu quả.
Sau mỗi trận đánh, các tổ hợp tên lửa được bộ đội ta nhanh chóng thu hồi và rút khỏi trận địa, thay vào đó là trận địa giả gồm những quả tên lửa bằng tre và cót ép được sơn và ngụy trang như tên lửa thật. Thông thường, ngay ngày hôm sau địch sẽ triển khai đánh phá trận địa mà chúng phát hiện. Tuy nhiên, chúng không ngờ đã lọt vào cái bẫy chết người của bộ đội ta. Việc hạ thấp độ cao để đánh phá tổ hợp tên lửa khiến máy bay địch lọt vào giữa vùng hỏa lực của pháo phòng không đã được bố trí xung quanh trận địa tên lửa giả. Các chuyên gia Liên Xô từng tham chiến tại Việt Nam đã rất ấn tượng với cách nghi binh sáng tạo này khi mà chính họ, nhìn từ xa cũng không thể phát hiện đâu là trận địa tên lửa giả, đâu là trận địa tên lửa thật.
PHÙNG KIM PHƯƠNG
qdnd.vn
(Còn nữa)
* Trong bài có sử dụng một số tài liệu của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô.