Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (12-1972/12-2012)
QĐND – Chiến dịch phòng không năm 1972 (từ 18 đến 30-12-1972), đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, là chiến dịch phòng không quy mô lớn nhất trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo bước ngoặt chiến lược cho cách mạng nước ta. Thắng lợi của chiến dịch đánh dấu bước phát triển cao của nghệ thuật tạo lập thế trận, bố trí, sử dụng lực lượng linh hoạt; mưu trí sáng tạo trong cách đánh, nổi bật là việc tạo thế và giữ vững quyền chủ động chiến dịch.
Bằng các biện pháp trinh sát tổng hợp, ta chủ động tổ chức nắm được âm mưu, ý đồ của địch, dự kiến tương đối sát căn cứ chủ yếu, lực lượng, thời gian, hướng tiến công chiến lược của địch, để chủ động chuẩn bị trước cả về quyết tâm, kế hoạch, thế trận, lực lượng, cách đánh cũng như bảo đảm về vũ khí trang bị, kỹ thuật công binh, công trình, sơ tán, phòng tránh và tổ chức diễn tập thực binh kiểm tra khả năng chiến đấu của bộ đội… Quá trình chiến dịch, có nhiều tình huống phức tạp, song ta đã xử lý tốt, dựa trên nền tảng thế trận đã chuẩn bị sẵn.
Bộ đội Tiểu đoàn 78 (Trung đoàn tên lửa 257) phổ biến kinh nghiệm đánh máy bay B-52. Ảnh tư liệu
Trong quyết tâm, kế hoạch tác chiến, Hà Nội được lựa chọn là khu vực tác chiến chủ yếu, vì ta nắm tương đối sát âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ sử dụng đòn cuối cùng, dùng máy bay B-52 đánh tê liệt trung tâm đầu não của ta. Dự kiến sát các tình huống làm cơ sở để Bộ tư lệnh chiến dịch kiên quyết tập trung lực lượng tên lửa phòng không (lực lượng tác chiến chủ yếu) bảo vệ Hà Nội và chủ động xử trí tốt các tình huống chiến dịch. Trên hình thái chung của chiến dịch, ta không phân tán hỏa lực rộng để bảo vệ tất cả các mục tiêu trên vòng cung khu vực tác chiến chủ yếu vì lực lượng của ta có hạn, trong điều kiện địch đánh phá rộng khắp, ác liệt, tác chiến điện tử tinh vi, có những thủ đoạn ta chưa dự kiến hết…
Bộ tư lệnh chiến dịch đã dự đoán khá chính xác cả 4 hướng tiến công cơ bản (tây bắc, tây nam, nam, đông bắc) và xu thế phát triển của nó. Hướng tiến công chủ yếu của địch từ tây bắc xuống, lấy ngã ba sông Hồng (Việt Trì) làm điểm kiểm tra cuối cùng trước khi vào đánh Hà Nội, nên đã chủ động bố trí, sử dụng tập trung được lực lượng, tạo thế trận chiến dịch có lợi, đưa địch vào mưu kế, thế trận đã chuẩn bị sẵn của ta. Đây là hướng tiến công mà ta có thể lợi dụng địa hình, địa vật để xây dựng trận địa, bố trí lực lượng đón đánh địch vừa đạt mục đích bảo vệ được các mục tiêu chiến dịch trọng yếu, vừa tiêu diệt lớn máy bay địch.
Với thế trận ra-đa cảnh giới bố trí liên hoàn, từ xa kết hợp các loại máy, mạng trên các dải tần khác nhau, nên bộ đội ta đã phát hiện được B-52 rất sớm. Đây cũng là cơ sở để Bộ tư lệnh chiến dịch hoàn toàn giành thế chủ động hạ quyết tâm chiến đấu cho các đơn vị. Bộ đội không quân tích cực cất cánh cản phá các tốp B-52 ngoài tầm hỏa lực của tên lửa, buộc các tốp máy bay hộ tống B-52 phải cơ động đối phó, làm bộc lộ đội hình. Bộ đội tên lửa phòng không chủ động phát sóng, tìm mục tiêu trong nền nhiễu hỗn tạp, không đánh chặn từ xa, để cho chúng vào sâu vùng trời nội địa, phát huy hiệu quả đánh nhanh, đánh gần của tên lửa, kiên quyết đánh những trận then chốt tiêu diệt lớn B-52 trên bầu trời Hà Nội, làm suy giảm sức tiến công của địch, đẩy địch từ thế chủ động ban đầu thành thế bị động, lúng túng, xuống thang đánh phá. Lưới lửa phòng không tầm thấp của lục quân, dân quân, tự vệ, tàu chiến đấu của hải quân tập trung đánh máy bay chiến thuật bay thấp, luồn tránh ra-đa phòng không của địch lên cao, không cho chúng đánh bồi, đánh lén, bảo vệ trận địa tên lửa, sân bay và các mục tiêu trọng yếu…
Thực tế chiến dịch đã có sự vận dụng sáng tạo, độc đáo về kỹ thuật, chiến thuật, phương pháp điều khiển tên lửa phòng không và dẫn đường cho không quân tiêm kích chiến đấu với hiệu suất cao, liên tiếp giáng cho địch những đòn bất ngờ cả về chiến dịch và chiến thuật, buộc địch phải điều chỉnh kế hoạch trong thế bị động, tinh thần phi công hoang mang, ném bom bừa bãi ngoài mục tiêu. Những giá trị lịch sử của nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972 cần được nghiên cứu và vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện tác chiến mới.
TRẦN VĂN TOẢN
qdnd.vn