Dư luận quốc tế về trận “Điện Biên Phủ trên không”
QĐND – Bước sang năm 1972, tình hình nước Mỹ “rối như tơ vò”, chiến tranh Việt Nam đã “dìm” xã hội Mỹ vào cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội nghiêm trọng, nạn thất nghiệp tăng, nội bộ mâu thuẫn sâu sắc. Tiếp đó, những cuộc đấu tranh công khai và bí mật giữa Chính phủ Việt Nam và Mỹ vẫn diễn ra quyết liệt trong các tháng 8, 9 và 10-1972. Ngày 8-10-1972, ta đưa ra bản dự thảo Hiệp định mà mỗi bên đều chấp nhận được và thống nhất ký tắt tại Hà Nội vào ngày 22-10-1972 và ngày 31-10-1972.
Bệnh viện Bạch Mai sau một đợt ném bom của máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu
Kế hoạch ném bom hủy diệt lớn
Thế nhưng, tháng 12-1972, cuộc đàm phán hòa bình lại bế tắc. Để bảo đảm đi tới một hiệp định cho phép Mỹ rút quân khỏi cuộc chiến tranh “trong danh dự”, Tổng thống Ních-xơn đe dọa sẽ tiến hành một cuộc ném bom hủy diệt lớn. Sau khi đơn phương hoãn ngày ký Hiệp định, sức ép của Quốc hội và nhân dân Mỹ càng tăng đối với Ních-xơn và Chính phủ của ông ta, dẫn đến sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp nước Mỹ.
Nội tình trong nước như vậy, còn trên bàn đàm phán, Mỹ bị ta phản ứng quyết liệt, nên “Tổng thống Ních-xơn đã ra lệnh tiến hành chiến dịch ném bom Bắc Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972, dưới tên gọi Lenebacker II với mục đích là đưa cuộc đàm phán hòa bình ở Pa-ri đi đến kết thúc”.
Vì sao Ních-xơn lại hành động điên cuồng như vậy, dù biết chắc chắn rằng sẽ vấp phải sự phản đối dữ dội cả trong nước và quốc tế? Tính toán của Ních-xơn đã lộ rõ: Sử dụng B-52 với quy mô, cường độ cao, đánh phá ác liệt vào Thủ đô và hải cảng quan trọng nhất của đối phương nhằm thay đổi một số điều trong dự thảo Hiệp định tháng 10-1972, có lợi cho Mỹ, ngụy; đồng thời nhằm biểu dương sức mạnh bằng không quân trong việc hủy diệt các mục tiêu của đối phương bằng vũ khí thông thường; đe dọa sử dụng con bài này trong tương lai nếu chế độ ngụy gặp nguy kịch. Nhưng bao trùm lên tất cả là thông điệp của Ních-xơn: “Mỹ đã nói là làm”!.
Trong thời gian 12 ngày đêm đó, hơn 20.000 tấn bom – cả bom điều khiển và bom thường – được thả chủ yếu xuống Hà Nội, Hải Phòng và lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh, B-52 được phép góp phần không hạn chế. Trước sức công phá ấy, giới quân sự Mỹ cho rằng các trung tâm dân cư cũng như các mục tiêu quân sự sẽ bị quét sạch và trong phần lớn các trường hợp, khu vực mục tiêu chỉ còn là những đống gạch vụn. Giô-dép A. Am-tơ, tác giả cuốn “Lời phán quyết về Việt Nam” cho biết: “Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã ném bom Hà Nội, Hải Phòng với sự tàn bạo hơn bao giờ hết trong lịch sử chiến tranh Việt Nam” .
Khi chiến sự xảy ra, giới báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà nhiếp ảnh, và nhất là các phóng viên truyền hình đã đổ xô đến Hà Nội. Một số tác giả thu lượm rất nhanh những thông tin cần thiết qua các buổi thông báo hằng ngày được gửi tới SAC (Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ) và Lầu Năm Góc. Tin tức được chuyển tải rất nhanh về tòa soạn hoặc đài truyền hình trong khi chiến sự còn đang tiếp diễn, điều đó đã kịp thời cung cấp cho công chúng Mỹ và nhân dân thế giới những hình ảnh ghê tởm nhất mà đế quốc Mỹ sử dụng bom B-52 rải thảm tại Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác ở miền Bắc Việt Nam.
Sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Việt Nam
Hành động chiến tranh tàn bạo của Mỹ đã gây xúc động sâu sắc lương tri của nhân dân tiến bộ. Dư luận thế giới phản ứng mạnh mẽ, từ người đứng đầu các Chính phủ, tổ chức xã hội, chính khách, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, đến người lao động bình thường, kể cả nước đồng minh với Mỹ và ở ngay nước Mỹ. Chỉ một ngày sau khi đế quốc Mỹ sử dụng bom B-52 bắn phá miền Bắc Việt Nam (19-12-1972), hãng Thông tấn xã Liên Xô đã lên tiếng mạnh mẽ: “Nhân dân Liên Xô căm phẫn tố cáo các hành động kẻ cướp mới đó của giới quân phiệt Mỹ, đòi chúng phải ngừng ngay hành động này và đòi Mỹ phải nhanh chóng ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, nếu Chính phủ Mỹ bất chấp nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam, nhân dân Mỹ và nhân dân toàn thế giới, một mực theo đuổi chiến tranh xâm lược, thì nhân dân Trung Quốc sẽ trước sau như một “kiên quyết thi hành nghĩa vụ quốc tế của mình, dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam cho tới thắng lợi hoàn toàn”.
Chính phủ các nước biểu thị sự phản đối mạnh mẽ, sự lên án nghiêm khắc nhất đối với chính sách tàn phá và hủy diệt trên quy mô lớn mà Ních-xơn mưu toan dùng để ép Việt Nam phải chấp nhận tối hậu thư của chúng, hòng chia cắt lâu dài đất nước và duy trì chính quyền bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Mỹ G. Hôn khẳng định rõ ràng: “Kết quả việc Mỹ ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam làm uy tín của Mỹ trên thế giới tụt xuống mức thấp chưa từng có. Phản ứng trên khắp thế giới sẽ càng thêm gay gắt”.
Tại Pháp, phong trào đấu tranh ủng hộ Việt Nam rầm rộ. Đảng Cộng sản Pháp liên tiếp có những bài phát biểu đanh thép trên truyền hình vạch rõ cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Xã luận Báo Nhân đạo không chỉ kiên quyết ủng hộ Việt Nam dưới mọi hình thức mà còn vạch trần sự trở mặt của Mỹ, sự dối trá của Ních-xơn và khẳng định: “Mỹ có biện bạch như thế nào đi nữa, cũng không gì có thể bào chữa được cho việc tiếp tục và tăng cường sự tàn sát. Và kẻ nào muốn làm nhẹ tội cho Ních-xơn đều là đồng lõa”.
Trước những hành động tội ác của đế quốc Mỹ gây ra cho miền Bắc Việt Nam, Đảng xã hội Áo nghiêm khắc yêu cầu: “Chính phủ Mỹ hãy chấm dứt lập tức những cuộc ném bom giết người này đối với một nước nhỏ đã được thử thách bằng một cuộc chiến tranh kéo dài hàng chục năm, hãy ký Hiệp định ngừng bắn”.
Bức thư đầy tâm huyết của Đan-tơ Cruých, một thành viên trong chính quyền địa phương Bô-lô-nhơ ở I-ta-li-a đã gửi đến Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri và bày tỏ: “Chúng tôi luôn ở bên cạnh các đồng chí trong những giờ phút khủng khiếp này… Cách đây 3 ngày, hàng chục nghìn người đã biểu tình tuần hành dưới trời mưa như trút nước… Dân tộc Việt Nam tuyệt vời mãi mãi ở trong trái tim chúng tôi”.
Sự thật về tội ác và sự lật lọng của đế quốc Mỹ được phơi bày, càng làm cho dư luận thế giới đứng về phía Việt Nam.
Trung tá, TS Trương Mai Hương
qdnd.vn
(Còn nữa)