QĐND Online – Buổi lễ ra mắt cuốn sách “Đối mặt với B-52” và gặp gỡ các nhân chứng lịch sử của 12 ngày đêm năm 1972, diễn ra tại Thư viện Hà Nội vào ngày 4-12, do Nhà xuất bản Trẻ phối hợp với Công ty Tomorrow Media tổ chức đã giúp người đọc hồi tưởng lại ký ức của một thời Hà Nội kiên cường chiến đấu, làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.
Cuốn sách tập hợp lời kể của 116 nhân chứng đã chứng kiến những năm tháng Hà Nội bị B-52 tàn phá. “Đối mặt với B-52” chia làm 3 phần, cuốn sách đi theo mạch thời gian từ thời điểm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại, cuộc sống của người Hà Nội những năm 1966-1972 và quá trình Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu làm thế nào để hạ được “pháo đài bay” B52. Tiếp theo là quãng thời gian 12 ngày đêm người Hà Nội kiên cường trong cuộc chiến chống lại đạn bom của Mỹ trút xuống Thủ đô. Phần III là câu chuyện của Hiệp định Paris dưới tác động của “Điện Biên Phủ trên không”.
Đọc cuốn sách “Đối mặt với B-52”, độc giả sẽ thấy “Dẫu phố phường bị giặc tàn phá đau thương, ghi chiến công tuyệt vời, một Điện Biên chói sáng, Hà Nội ơi… trong bom đạn vẫn ngời ánh sáng tương lai, ta đứng trên đầu thù, tự hào thay dáng đứng Việt Nam”.
Ông Phùng Tửu Bôi, sinh năm 1958 (Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ Lâm nghiệp) kể: “Những năm chiến tranh, bom đạn như cơm bữa, cứ nghe còi báo động thì biết phải chui vào đâu rồi. Cơ quan cũng có hầm, ngoài đường cũng có, nhà nào cũng có hầm. Nhưng cũng nguy hiểm, tôi có anh bạn mất con trong hầm ở nhà. Chuẩn bị đi sơ tán, bố mẹ mải thu dọn quần áo, đồ đạc buộc lên xe đạp, để mấy đứa nhỏ chơi với nhau. Một lúc sau, không thấy con, tưởng nó đi chơi ngoài đường, cả nhà chạy đi tìm thì thấy con đã chết trong hầm trú ẩn ngập nước trong nhà. Hà Nội hồi ấy vắng, có một điều lạ là khi bom đạn thì yên ắng nhưng khi có tiếng còi báo đã hết ném bom thì đường phố lại tấp nập, mọi người đi lại, làm việc ngay. Tôi thấy, hồi ấy tinh thần hay lắm, giúp người ta vượt qua mọi thứ, ai cũng có thể làm được nhiều việc, sẵn sàng xông vào để cứu người này, giúp người khác”.
Buổi lễ ra mắt cuốn sách “Đối mặt với B-52” và gặp gỡ các nhân chứng lịch sử của 12 ngày đêm năm 1972
“Hồi ấy, chúng tôi luôn tâm niệm “ăn cũng B-52, ngủ cũng B-52”, lúc nào cũng nghĩ cách làm thế nào để đánh được B-52”, ông Đỗ Mạnh Hiến (Binh chủng Rađa) khẳng định.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân, nguyên phó trưởng khoa Ngoại bệnh viện Bạch Mai nhớ lại: “Trời hôm ấy lạnh lắm. Khi máy bay cường kích ném bom xong bỏ đi thì nghe B-52 bay trên bầu trời. Tôi cùng một số nhân viên còn lại chui xuống hầm trú ẩn. Còi báo yên, ra khỏi hầm thì trước mắt tôi là quang cảnh nhà cửa bị tàn phá. Khối nhà dưới thuộc khoa Da liễu và khoa Tai mũi họng bị sập”.
Diễn viên nổi tiếng người Mỹ Jane Fonda đã viết trong hồi ký khi kể về những ngày cô đến Hà Nội năm 1972 như sau: “Tôi lái xe đến Bệnh viện Hữu nghị Việt –Xô để khám chân. Phiên dịch của tôi tên là Chi. Tôi nói với các bác sĩ, tôi là người Mỹ và câu giới thiệu này gây xôn xao xung quanh. Tôi tìm một biểu hiện hằn thù trong mắt những người tôi thấy. Nhưng tuyệt nhiên không có gì. Những ánh mắt không hận thù ấy ám ảnh tôi suốt nhiều năm sau khi cuộc chiến chấm dứt”.
Nguyên phóng viên ảnh Báo Phòng không – Không quân Nguyễn Xuân Ất cho biết: “Nhà tôi ở phố Khâm Thiên. Đêm 26-12, khi địch đánh vào khu phố, tôi có mặt ở nhà nên chụp được cảnh B-52 cháy ngay trong nội thành. Khoảng 22 giờ 15 phút ngày 26-12 thì có tiếng còi báo động, vẫn như những ngày trước, còi rú lên, loa báo máy bay địch đến gần, cách Hà Nội bao nhiêu cây số. Lúc nghe loa báo, tôi đang ở giữa phố, tôi chạy về nhà, lấy máy ảnh ra sân “trực chiến”. Khi thấy bầu trời bừng sáng, tôi chụp được 2 kiểu ảnh B-52 cháy. Xong việc, tôi mới xuống hầm trú ẩn”.
Hình thức tái hiện lịch sử qua lời kể trong cuốn sách “Đối mặt với B-52” đem đến cho độc giả một tác phẩm có giá trị và sự cảm nhận lịch sử gần gũi, chân thực.
Tin, ảnh: Khánh Huyền
qdnd.vn