Hiệp đồng chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng

Bản lĩnh – trí tuệ Việt Nam

QĐND – Theo phân tích của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các tướng lĩnh – những người trực tiếp tham gia chiến dịch, một trong nhiều nguyên nhân làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là các lực lượng phòng không quốc gia và phòng không nhân dân đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ. Bằng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không quốc gia, phòng không nhân dân, quân và dân ta đã tạo nên hệ thống hỏa lực phòng không rộng khắp, hiểm hóc, nhiều tầng, nhiều lớp; sử dụng cả lối đánh phân tán và tập trung; đánh máy bay địch bằng mọi quy mô; đánh địch từ xa đến gần; đánh bằng cả lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động; đánh địch từ tầm thấp, đến tầm trung và tầm cao; đánh địch đến từ mọi hướng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến đấu và chiến thắng không quân Mỹ.

Trước hết phải nói đến sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị của bộ đội Phòng không – Không quân (PK-KQ) – lực lượng nòng cốt của chiến dịch. Bằng những vũ khí, trang bị, khí tài chưa thật hiện đại so với địch nhưng các đơn vị bộ đội: Ra-đa; Không quân tiêm kích; Tên lửa phòng không; Pháo cao xạ, đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với nhau trong thế trận chiến tranh nhân dân, tạo thành lực lượng PK-KQ chủ lực mạnh đủ sức chiến đấu và chiến thắng.

Bộ đội ta chuẩn bị tên lửa trong chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh tư liệu.

Mặc dù địch tìm đủ mọi cách để “bịt mắt” ta. Mỗi chiếc B-52 là một trung tâm tác chiến điện tử và đi theo nó thường có nhiều máy bay chiến thuật hộ tống, gây nhiễu. Nhưng với chức năng là lực lượng trinh sát, quản lý vùng trời, ngay trong trận đánh đầu tiên vào đêm 18-12-1972, Bộ đội Ra-đa, trực tiếp là các kíp trắc thủ của Đại đội 45 thuộc Trung đoàn Ra-đa 291 đã “vạch nhiễu tìm thù” kịp thời phát hiện, khẳng định chính xác B-52 khi chúng cách Hà Nội khoảng 500km, báo động cho các lực lượng PK-KQ sớm 25 phút để chuyển cấp SSCĐ… Với những kinh nghiệm chống nhiễu trước đó và từ trận đầu ra quân, trong suốt 12 ngày đêm của chiến dịch, Bộ đội Ra-đa luôn phát hiện sớm và xác định chính xác B-52, để thông báo, báo động cho các đơn vị, các lực lượng chuyển cấp SSCĐ, hạ quyết tâm sử dụng hỏa lực, bảo đảm bắn rơi B-52. Việc báo động sớm đã giúp nhân dân kịp thời sơ tán, xuống hầm trú ẩn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về con người. Mặt khác, Bộ đội Ra-đa đã cung cấp tình báo cho các đơn vị hỏa lực, dẫn đường cho bộ đội Không quân đánh địch trên không…

Khi mà máy bay Mỹ tập trung đánh phá các sân bay hòng vô hiệu hóa khả năng cất cánh của không quân ta, được Bộ đội Ra-đa thông báo sớm, được Bộ đội Phòng không chi viện, bảo vệ, lực lượng Không quân tiêm kích của ta đã chủ động sơ tán, bố trí máy bay ở các sân bay dã chiến, rồi từ đó bất ngờ xuất kích đánh chặn máy bay địch từ xa. Đặc biệt phi công Phạm Tuân đã trở thành người đầu tiên bắn rơi pháo đài bay B-52 của Mỹ trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”… Bị không quân ta đánh chặn tiêu hao, đội hình của không quân Mỹ bị chia cắt, phân tán, rối loạn khiến cho cường độ nhiễu giảm đáng kể… Đây chính là điều kiện thuận lợi để Bộ đội Tên lửa ta “vít cổ” pháo đài bay B-52 Mỹ. Trong 12 ngày đêm của chiến dịch, Không quân tiêm kích Việt Nam đã bắn rơi 7 máy bay các loại, trong đó có 2 chiếc B-52.

Lực lượng chủ yếu đánh B-52 trong suốt chiến dịch là Tên lửa phòng không. Lực lượng tên lửa đã được bố trí tập trung trên các hướng chủ yếu. Đặc biệt, 50% lực lượng Tên lửa phòng không được tập trung cho địa bàn Hà Nội. Do không quân Mỹ chủ yếu dùng B-52 đánh phá vào ban đêm, ban ngày chúng sử dụng máy bay chiến thuật, do đó ban ngày quân và dân ta sử dụng Pháo phòng không, Không quân tiêm kích tập trung đánh máy bay chiến thuật để bảo vệ các trận địa tên lửa và các mục tiêu quan trọng. Lực lượng tên lửa được dành ưu tiên chủ yếu để đánh B-52 vào ban đêm… Sự hiệp đồng chặt chẽ, chi viện kịp thời của Ra-đa, Pháo phòng không, Không quân tiêm kích, đã giúp bộ đội Tên lửa bắt, bám, đánh B-52 hiệu quả ngay trong đêm đầu tiên của chiến dịch (18-12). Đặc biệt ngay sau khi Tiểu đoàn 78, Trung đoàn Tên lửa phòng không 257 phóng quả đạn đầu tiên mở màn cho chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, vào 20 giờ 13 phút Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa phòng không 261 phóng 2 quả đạn hạ 1 máy bay B-52 rơi xuống cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh (nay là Đông Anh, Hà Nội). Đây là chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị ta bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội. Những ngày kế tiếp, các đơn vị Tên lửa liên tục bắt, bám, đánh trúng đội hình B-52 của địch, lập công xuất sắc… Trong cả chiến dịch, bộ đội Tên lửa đã bắn rơi 36 máy bay các loại, trong đó có 29 pháo đài bay B-52.

Sát cánh cùng các lực lượng còn có bộ đội Pháo Phòng không. Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, ban ngày, Pháo Phòng không phát huy cao độ khả năng, tập trung đánh các loại máy bay chiến thuật của địch khi chúng đánh phá các sân bay, trận địa tên lửa và các mục tiêu quan trọng. Ban đêm Pháo Phòng không trực tiếp tham gia đánh các máy bay chiến thuật bay thấp gây nhiễu và hộ tống trong đội hình pháo đài bay B-52. Trong toàn bộ chiến dịch, lực lượng Pháo Phòng không đã bắn rơi 29 máy bay chiến thuật các loại, đặc biệt pháo 100mm đã bắn rơi 3 máy bay B-52.

Cùng với lực lượng phòng không quốc gia, lực lượng phòng không nhân dân đã có những đóng góp quan trọng làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Trong 12 ngày đêm của chiến dịch các đơn vị thuộc lực lượng phòng không của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ chủ yếu được bố trí đón lõng bắn máy bay bay ở tầm thấp và tầm trung. Trong cả chiến dịch, lực lượng phòng không nhân dân đã bắn rơi 9 máy bay các loại.

Bằng việc tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng phù hợp, có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, chúng ta đã phát huy mọi khả năng, sức mạnh tổng hợp của các lực lượng nhằm lập thế, tạo lực có lợi để thực hiện “thắng giặc bằng thế”. Từ chỗ tưởng chừng như không thể bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 chúng ta đã buộc pháo đài bay B-52 của Mỹ rơi tơi tả trên bầu trời miền Bắc. Sau 12 ngày đêm hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, ngoan cường, mưu trí, dũng cảm, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay của giặc Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 chiếc F-111 và 42 máy bay chiến thuật các loại. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành biểu trưng cho sức mạnh tinh thần, sức mạnh tổng hợp từ sự hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Bài học kinh nghiệm quý báu về sự phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng trong chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn có ý nghĩa hết sức quý giá trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN hiện nay.

PHÙNG KIM LÂN
qdnd.vn

Advertisement