Đánh phản nhiễu điện tử, hạ gục B-52 Mỹ

QĐND – Từ một trưởng xe, kiêm sĩ quan điều khiển tên lửa, phát triển thành Trung đoàn trưởng (các trung đoàn: 238, 281, 258), rồi về công tác ở Phòng 22 Bộ Tham mưu quân chủng, Trợ lý tác chiến huấn luyện của Binh chủng tên lửa… trực tiếp “nằm vùng” ở các tiểu đoàn, cùng chiến đấu với các kíp chiến đấu để nghiên cứu cách đánh, nên Đại tá Trần Xuân Khuyến tích lũy nhiều kinh nghiệm đánh phản nhiễu điện tử của không quân Mỹ. Nhân dịp này, ông kể về kinh nghiệm đánh B-52 trên bầu trời Thủ đô Hà Nội.

“Cuộc chiến đánh trả máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội đã lùi xa 40 năm nhưng dấu ấn của cuộc chiến và những kinh nghiệm xương máu của bộ đội tên lửa phòng không vẫn còn lưu lại mãi trong tâm trí chúng tôi – những người trực tiếp chiến đấu. Với tôi, những trận bộ đội tên lửa phòng không đánh phản nhiễu điện tử của không quân Mỹ là một kỳ tích trong lịch sử chiến tranh. Kết quả là, trong 34 máy bay B-52 Mỹ bị hạ có 18 chiếc rơi tại chỗ; hàng chục máy bay cường kích bị diệt. Đó là cái giá mà bọn giặc trời phải trả.

Thế nào là đánh phản nhiễu điện tử?

Đánh phản nhiễu điện tử là chống lại nhiễu điện tử công nghệ cao của đối phương. Nhiễu điện tử công nghệ cao nhằm vô hiệu hóa ra-đa dẫn đường để cho máy bay cường kích, máy bay chiến lược B-52 dễ dàng xâm nhập bầu trời, không bị phát hiện. Cách đánh phản nhiễu điện tử phát sinh từ khi có chiến tranh điện tử công nghệ cao. Đó là quy luật tất yếu của chiến tranh đất đối không.

Máy bay của địch phát ra tần số (siêu cao tần) cộng hưởng với tần số của máy phát đài điều khiển tên lửa làm cho máy thu bị nhiễu nặng không bắt được tín hiệu mục tiêu. Muốn tiêu diệt được B-52 và máy bay cường kích gây nhiễu điện tử trong và ngoài đội hình, ta phải nghiên cứu tổ chức đánh phản nhiễu điện tử. Đó là đỉnh cao của chiến tranh điện tử, đòi hỏi bộ đội tên lửa phòng không của ta phải mưu trí sáng tạo và dũng cảm.

Các trận đánh mở đầu

Nhờ có trận đánh trượt B-52 của Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238 tại Nông trường Quyết Thắng vào năm 1967, tiểu đoàn đã nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm. Trận này ta không đánh được B-52 mà đánh nhầm máy bay cường kích F của chúng vì thế coi như không hoàn thành nhiệm vụ. Đài điều khiển phát sóng được khoảng 20 giây thì trúng tên lửa chống ra-đa của địch làm hư hỏng khí tài và gây thương vong cho cán bộ và chiến sĩ của tiểu đoàn.

Được trung đoàn bổ sung khí tài và kíp chiến đấu, Tiểu đoàn 84 khôi phục lại sức chiến đấu và rút ra những kinh nghiệm xương máu. Nên trận đánh ngày 17-9-1967, đơn vị đã bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên khi ở Vĩnh Linh. Từ kinh nghiệm này, quân chủng biên soạn tài liệu, phổ biến đến từng đơn vị, ngày đêm tập luyện các phương án đánh B-52.

Trưa ngày 17-12-1972, Ních-xơn (Tổng thống Mỹ) ra lệnh mở cuộc tiến công đường không chiến lược vào miền Bắc nước ta thì đêm 18-12-1972, chúng bắt đầu cuộc tiến công vô nhân đạo này bằng máy bay ném bom chiến lược B-52.

Vào lúc 19 giờ 44 phút đêm 18-12-1972, các tốp tiêm kích hộ tống B-52, các tốp F mang tên lửa sơ-rai đã vượt qua tầm hỏa lực của tên lửa ta. Các tốp B-52 đi đầu đã vào vùng hỏa lực. Cả Hà Nội đang yên tĩnh, nín thở, bỗng như nổ tung. Các tiểu đoàn tên lửa ở hướng tây và tây bắc đồng loạt phóng đạn tên lửa. Tiếng tên lửa xé không khí bay vút lên gầm rít, cùng với tiếng máy bay cường kích, máy bay B-52, tiếng bom đạn nổ ầm ầm như sấm dậy. Trời Hà Nội tưởng chừng như vỡ tung. Loạt đạn đầu không có B-52 rơi, các tốp B-52 đi sau đang bay vào khu vực hỏa lực của Tiểu đoàn 78, Trung đoàn 257. Đơn vị này được giao nhiệm vụ tiêu diệt tốp “B-52 mang ký hiệu 957”. Tiểu đoàn đã phóng đạn tiêu diệt tốp 957 bằng phương pháp điều khiển 3 điểm, 2 quả đạn được điều khiển tốt, nhưng không thành công.

Qua trận đánh trượt này của Tiểu đoàn 78, chúng ta đã kịp thời rút ra những kinh nghiệm rất thiết thực, đó là phương pháp xử lý của kíp chiến đấu trước và sau khi phóng tên lửa vào khu vực tín hiệu B-52 trên nền dải nhiễu, tiểu đoàn trưởng phải lệnh chuyển sang phương pháp điều khiển vượt nửa góc bám sát tự động. Qua trận đánh này lãnh đạo chỉ huy quân chủng điện cho các kíp chiến đấu phải kịp thời rút kinh nghiệm, bình tĩnh mưu trí, không sợ tên lửa sơ-rai của địch, mạnh dạn phát sóng đài điều khiển tên lửa ở cự ly thích hợp, khi xuất hiện tín hiệu B-52 trên màn hiện sóng, chuyển phương pháp điều khiển thích hợp.

Lúc 20 giờ 13 phút, tốp B52 mang “số hiệu 671” từ hướng Tam Đảo bay xuống đánh ga Đông Anh. Chỉ huy trung đoàn ra lệnh cho các tiểu đoàn 57, 59, 94 tiêu diệt. Tiểu đoàn 59 ở trận địa Tó bám sát dải nhiễu xác định là B-52 và phát lệnh tiêu diệt tốp 671 bằng phương pháp điều khiển ba điểm. B-52 trúng đạn bốc cháy rơi xuống cánh đồng xã Phủ Lỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Được tin Tiểu đoàn 59 bắn rơi tại chỗ B-52, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài điện cho Sư đoàn Phòng không 361 đi xác minh. Vừa lúc đó đồng chí Võ Công Lạng, Trung đoàn phó mang về một mảnh xác máy bay B-52G có gắn phù hiệu nắm đấm và tia chớp của không quân chiến lược Hoa Kỳ.

Lúc 4 giờ 39 phút ngày 19-12-1972, tại trận địa Chèm, Tiểu đoàn 77 phát hiện tốp B-52 từ hướng tây vào đánh Hà Nội. Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn và kíp chiến đấu phát sóng đài điều khiển ở cự ly thích hợp bắt được tín hiệu B-52 trên nền dải nhiễu cực mạnh. Tiểu đoàn trưởng lệnh tiêu diệt bằng phương pháp điều khiển vượt nửa góc bám sát tự động và phóng 2 quả. B-52 bốc cháy, rơi xuống cánh đồng xã Tam Hưng, Quốc Oai, Hà Tây.

Đêm 26-12-1972, bộ đội phòng không – không quân ta thắng lớn. Không quân Mỹ đã ngấm đòn. 22 giờ 36 phút ngày 26-12-1972, Tiểu đoàn 76 ở trận địa Dục Tú dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Lê Văn Hệ, kíp chiến đấu đã bám sát dải nhiễu sáng nhất “tốp B-52 mang số hiệu 599”. Tiểu đoàn trưởng lệnh tiêu diệt bằng phương pháp điều khiển ba điểm phóng 2 quả. B-52 bốc cháy rơi xuống gần cửa hàng ăn uống Tương Mai (nay thuộc quận Hoàng Mai).

Cũng trong đêm 26-12, Tiểu đoàn 79 phát sóng đài điều khiển và phát hiện được tín hiệu B-52 trên nền dải nhiễu cực mạnh “B-52 đang bay lượn vòng lớn”, Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Chiến lệnh dùng phương pháp điều khiển vượt nửa góc bám sát hỗn hợp phóng 1 quả tên lửa, B-52 trúng đạn rơi xuống địa phận tỉnh Sơn La.

Trận chiến đấu đêm 26-12-1972 diễn ra rất ác liệt. Bộ đội tên lửa và pháo cao xạ 100mm ở Hà Nội – Thái Nguyên đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi 8 máy bay B-52, có 5 chiếc rơi tại chỗ. Đây được coi là trận then chốt của Quân chủng Phòng không – Không quân ta đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược của không quân Mỹ, nó có tính quyết định, làm thay đổi tình thế chiến dịch, làm suy sụp tinh thần giặc lái B-52. Nhà Trắng, Lầu Năm Góc ngán ngẩm và thất vọng.

Vào lúc hơn 23 giờ đêm 27-12-1972, Tiểu đoàn 72 ở trận địa Đại Chu, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt phát sóng đài điều khiển bắt tín hiệu B-52 trên nền dải nhiễu rất mạnh, trắc thủ góc tà bắt được B-52 trước cự ly bám theo góc tà, sau đó trắc thủ phương vị cũng bắt được mục tiêu. Tiểu đoàn trưởng quyết định dùng phương pháp điều khiển vượt nửa góc, bám sát tự động bắn 2 quả đạn và đã hạ B-52 tại chỗ (xác B-52 rơi xuống thôn Ngọc Hà, Hà Nội).

Những nhân tố tạo nên thắng lợi

Sau này, càng nghiên cứu tôi càng nhận thấy, nguyên nhân thắng lợi thì có nhiều, nhưng nguyên nhân trực tiếp chính là con người: Từ người chỉ huy lãnh đạo cao nhất đến các chiến sĩ trắc thủ tay quay, họ là những con người hoàn hảo trong chiến đấu. Đó là các kíp chiến đấu tài ba, mưu trí, dũng cảm của các tiểu đoàn tên lửa. Đó là những cán bộ chỉ huy lãnh đạo, các sĩ quan điều khiển và các trắc thủ, dám đánh, biết đánh, tìm ra chỗ yếu để bắn trúng, máy bay địch. Họ là những con người có bản lĩnh chiến đấu vững vàng, được huấn luyện hết sức bài bản, được trải nghiệm gần chục năm trời chiến đấu với không quân chiến lược Mỹ ở các chiến trường, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu, được giúp đỡ thường xuyên của cán bộ tham mưu, tác chiến, kỹ thuật, hậu cần, các nhà nghiên cứu khoa học để nghiên cứu tìm ra cách đánh B-52 có hiệu quả cao nhất.

Bộ đội tên lửa phòng không đã nắm vững và phát huy cao độ tính năng chiến thuật, kỹ thuật của khí tài CA-75M, kết hợp chặt chẽ giữa chiến thuật – kỹ thuật xạ kích, thao tác của kíp chiến đấu, bố trí đội hình chiến đấu linh hoạt, có trận địa chốt, có trận địa cơ động vòng ngoài, trận địa dự bị, trận địa dã chiến, cơ động lực lượng nghi binh, ngụy trang, trận địa giả làm giảm uy lực của bom đạn địch, giảm thương vong tổn thất cho ta. Bộ đội tên lửa càng đánh càng trưởng thành, càng tinh nhuệ, thiện chiến.

Bộ Tổng tư lệnh, lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân đã chỉ đạo đánh B-52 từng trận, kịp thời rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm những trận đánh hay và những trận đánh chưa tốt. Tôi cho rằng đấy là những yếu tố cơ bản tạo nên thắng lợi “Điện Biên Phủ trên không”.

Đại tá TRẦN XUÂN KHUYẾN
qdnd.vn

Advertisement