Kỳ 1 Khâm Thiên – căm thù và quyết thắng
Những “chiến sĩ áo trắng” (tác giả T.T)
QĐND – Đêm 26-12, sau những tràng bom Mỹ, 34 cán bộ y tế của 3 trạm y tế phố Khâm Thiên đã có mặt ở vị trí công tác. Bóng áo choàng trắng của họ lấp loáng trong ánh lửa bom. Họ như con thoi, nơi nào có người bị nạn là họ đến. Trong khi đó, cán bộ y tế Trạm 5 khu Ba Đình, Trạm 3 khu Hoàn Kiếm, Bệnh viện Xanh Pôn… cũng đến giúp sức.
Y sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân quàng túi thuốc qua vai cùng chị em Trạm y tế số 2 vượt qua những đống gạch đổ nát, băng về phía bom vừa nổ. Hơi bom và bụi cát làm cho chị tức ngực nhưng đôi chân cứ thoăn thoắt hướng về phía những người bị nạn mà chạy tới. Đêm 26-12 không phải phiên chị trực. Sau giờ làm việc ban ngày, chị về nhà ở khu phố Hoàn Kiếm. Nghe tin địch ném bom Khâm Thiên, Thanh Vân chạy đến ngay gặp Minh, y tá Nguyễn Thị Minh, lúc đó tạm thời thay mặt trạm trưởng, phân công: “Chị và chúng tôi đi cứu đồng bào ngay. Chúng ta quyết thắng giặc Mỹ! “.
Lực lượng vũ trang, nhân dân phố Khâm Thiên cấp cứu những người bị thương vì bom B-52 rải thảm. Ảnh tư liệu
Nguyễn Thị Minh tổ chức rất nhanh lực lượng cán bồ, bố trí phương tiện, thuốc cấp cứu, bông băng và phân công cụ thể từng mũi đi làm nhiệm vụ. Chị cũng tham gia một tổ cấp cứu. Cả đêm không chợp mắt, đầu nặng trình trịch và hai mắt cay sè, Minh vẫn tỉnh táo làm việc. Sự đau đớn của những người dân phố vì bom đạn Mỹ thôi thúc chị và các chị em khác làm việc không biết mệt mỏi.
Y tá Phạm Thị Xoài dẫn đầu một tổ 6 chị em xông xáo khắp nơi. Khi chưa tìm thấy người bị nạn, tổ chị Xoài đã moi từng hòn gạch, hất từng nắm cát, gượng nhẹ nâng người bị nạn ra khỏi hầm. Y tá Bùi Thị Sâm có bà ngoại ở phố Khâm Thiên. Nhà bà ngoại cũng bị hư hại vì bom Mỹ. Mặc dù vậy, chị Sâm vẫn kiên tâm làm việc hàng chục giờ liền tại trạm, kịp thời cứu chữa người bị nạn.
Lời kể của cô công nhân (T.T ghi)
Lúc đó em đang hàn những miếng sắt giữ thùng xe thì còi báo động vang lên. Em cắt điện, thu dọn đồ nghề chạy ra trận địa của xí nghiệp. Chớp đỏ nháy nháy rồi tiếng nổ liên hồi khiến mấy tấm tôn dựng ở cạnh rung lên, va vào nhau lanh canh. Bom địch nổ ở phía Tây Bắc xí nghiệp rồi, nghe gần quá, có lẽ ở Khâm Thiên. Thế rồi không biết sao em nghĩ ngay đến bố em làm ca sáng, bây giờ chắc đang ngủ. ông cụ gan lắm, có quyết liệt cũng chỉ nhảy xuống cái hố cá nhân đào cạnh nhà thôi. Nhìn những ánh chớp từ mặt đất lóe lên, em lo căn nhà của em trúng bom. Nhưng nghĩ đến trách nhiệm của mình là chiến sĩ tự vệ, em vẫn đứng tiếp đạn cho các anh ấy bắn. Trong ánh sáng của máy bay Mỹ cháy, em thấy anh Nghị, anh Đồng, anh Vân, chị Bích vẫn vững vàng trút lửa lên đầu quân giặc.
Còi báo yên. Cả xí nghiệp reo hò mừng chiến thắng Hà Nội bắn rơi 5 chiếc máy bay B -52. Em mừng quá, tay cầm que hàn, làm đến nhanh, cứ 3 phút xong một chiếc.
Em hàn đến chiếc thứ 12 thì đồng chí tổ trưởng vỗ nhẹ vào vai em: “Phố Khâm Thiên bị bom, phân xưởng cho cô về xem gia đình thế nào! “
“Phố Khâm Thiên bị bom”. Em thật không ngờ. Vừa qua ngã tư Hàng Bột, rẽ vào phố quen thuộc của em, chao ơi, đường phố to đẹp và bằng phẳng là thế, bây giờ thì dây điện đứt dồn lại như mớ tóc rối, gạch ngói tung tóe lởm chởm như ruộng cày. Em dắt xe, chiếc xe trèo lên gạch nhảy chồm chồm. Ngôi nhà của em, ở đấy bố em chắc sắp đi làm ca 2, hiện ra kia rồi. Nhưng sao không thấy cây bàng trước cửa, không thấy tầng 2. Thôi đúng bị bom rồi. Em vứt xe, nhảy vào thì gặp bố em bước ra hỏi: “Con Hồng phải không? “. Em mừng quýnh reo lên: “Bố”. Bố em bảo: “Không lo, nhà mất sẽ làm nhà khác”. Em cũng nghĩ như bố em. Hai bố con em chạy sang nhà số 151 bên cạnh. Ngôi nhà này trúng một quả bom to, sập hoàn toàn. Hai bố con bẩy được một mảng tường lớn, hở ra một lỗ. Từ phía trong có tiếng gọi: “Cứu tôi với! “. “Anh Trình đấy phải không? ” Anh Trình là công nhân thợ tiện cùng làm việc ở xí nghiệp với bố em. Hai bố con em sau khi cứu được anh Trình, liền sang một số nhà khác giúp đỡ bà con. Sau đó, bố em bảo: “Bố phải đi làm, con phải trở lại vị trí sản xuất ngay đi, nhà chẳng còn gì phải thu dọn nữa!”.
Bố em và anh Trình đi, em cũng đi. Bây giờ đã có xe cần cẩu, máy húc đến cứu những người bị sập hầm. Em cảm động chảy nước mắt vì đồng bào mình chẳng sợ nguy hiểm, xông vào cứu giúp nhau. Em trở lại xí nghiệp tiếp tục hàn từ nửa đêm đến sáng, không nghỉ ca nữa.
Những cán bộ khối tận tụy (tác giả Thanh Hà)
Phó trưởng ban đại biểu dân phố khối 40 Đinh Văn Tý ở số nhà 173 phố Khâm Thiên. Bom Mỹ nổ gần làm nhà ông đổ sập phía trong. Dứt loạt bom, ông bật ra khỏi hầm và nghĩ ngay đến nhiệm vụ. Chung quanh, lửa cháy phừng phừng, khói bụi mù mịt và gạch ngói đổ ngổn ngang. ông quay về phía hầm gọi to: “Bà nó đâu, ra ngay làm nhiệm vụ! “.
Bà Đỗ Thị Ngãi, vợ ông là trưởng ban đại biểu phụ nữ khối, chính trị viên đội dân phòng. Lúc đó thành phố chưa báo yên, nhưng nhiều cán bộ khác của khối cũng đã có mặt. ông Tý bình tĩnh nhớ lại tất cả những hầm hố của từng gia đình trong khối mà ông và ban đại biểu đã vẽ sơ đồ, đánh dấu, lấy chuẩn từ nhiều tháng nay. Một quả bom cỡ lớn nổ sau nhà số 153, trong đó có gia đình ông Nguyễn Thiệu. Lấy chuẩn là cây sung, ông Tý hướng dẫn anh em bới, moi đúng cửa hầm cách hố bom không đầy 2m, 7 người trong gia đình ông Thiệu được cứu sống. ông Thiệu và con trai thấy người còn khỏe tham gia ngay vào đội cứu sập. Từ nơi này chuyển qua nơi khác, đến đâu ông Tý cũng nhanh chóng xác định vị trí cửa hầm, chỉ dẫn cho anh em moi. Làm việc suốt đêm, hai vợ chồng ông Tý cùng tập thể cán bộ khối và đội dân phòng khối 40 đã moi hầm, làm hô hấp nhân tạo, cấp cứu, cứu sống 77 người.
Những “tấm nhiễu điều”… (tác giả Nguyễn Ngọc Long)
Anh Tụ là xã viên của Hợp tác xã Văn Thể thuộc ngoại thành Hà Nội, nhà ở phố Khâm Thiên.
Đêm 26-12, máy bay Mỹ ập đến, rải thảm dọc phố anh ở. Nhà anh bị bom phá sập hoàn toàn. Anh cùng 4 người nữa bị vùi lấp ở dưới hầm. Đội cứu sập đã bới anh lên được từ đống gạch vụn nát cao mấy đầu người. Đầu, tay anh bị thương, mặt sưng húp.
Hợp tác xã chúng tôi đã cử hai đồng chí tổ trưởng, tổ phó sản xuất đến tìm để thăm hỏi anh, mang đến anh tấm lòng mừng vui, yêu thương, đùm bọc của mấy chục bà con trong xã. Đồ đạc của anh bị mất tất cả, trừ cái áo bộ đội màu cỏ úa và chiếc quần công nhân màu xanh bạc vẫn còn vết dầu mỡ mang trên người.
“ở trên xã, mọi người vẫn đi làm đông đủ và đều cả chứ?” – Anh Tụ hỏi những người đến thăm.
Câu hỏi của một người nằm dưới đống gạch vụn một ngày, một đêm sau trận B -52 là như vậy. Thật kỳ diệu! Không mảy may sợ hãi, chỉ căm thù bọn giặc Mỹ tàn bạo. Vẫn chỉ lo lắng, cái lo lắng thường ngày của một người xã viên mỗi ngày đi làm, đừng thiếu một ai.
Không chờ đợi làm thủ tục giấy tờ, đồng chí chủ nhiệm thay mặt bà con trong xã đề nghị trích quỹ một số tiền, cấp hai bộ quần áo và chăn ấm cho anh Tụ. Bà con xã viên ai cũng hài lòng về quyết định ấy. Còn anh Tụ, gò má sưng húp của anh long lanh hai dòng nước mắt.
Gia đình anh bị bom Mỹ đánh phá, anh chỉ căm giận mà không hề khóc. Nhưng trước tình thương yêu của tập thể bà con xã viên, đôi mắt anh lại ướt nhòa.
Giặc Mỹ hung ác, tàn bạo có thể cướp đi của chúng ta nhà cửa, đồ đạc. Nhưng chúng đừng hòng cướp đi được “tấm nhiễu điều” của tình thương từ nơi tim chúng ta. Tình thương yêu ấy sẽ là ngọn lửa thiêu cháy bọn xâm lược hung tàn.
Giặc phá, ta lại dựng! (tác giả Huy Lung)
Cô gái mặc áo bông xanh có nước da trắng hồng đứng trên miệng hố bom kia đang nhanh tay hất đất xuống lấp hố bom là xã viên hợp tác xã Nhị Hà. Cô cùng với các bạn nghề trong cơ sở sản xuất đã làm việc ở đây suốt mấy ngày nay rồi, hết lấp hố bom lại đi đào bới máy móc, dụng cụ.
Cạnh đó là bác Tích, chủ nhiệm hợp tác xã. Cái xẻng trong tay người cán bộ đứng tuổi này cứ mỗi lượt xúc lại như tìm tòi, xem xét: “Đây rồi, bộ phận đầu của máy đùn nhựa đây rồi! “.
Bọn cuồng chiến cho B-52 ném bom rải thảm hủy diệt phố Khâm Thiên, giết chết biết bao người già, phụ nữ và trẻ em, phá tan biết bao ngôi nhà trong đó có hợp tác xã của bác Tích. Nghe bác Tích reo mừng vì tìm lại được của cải cho tập thể, mọi người đều ngừng tay cuốc, tay xẻng. Họ xô lại giúp bác kéo đầu chiếc máy đùn lên. Cô gái mặc áo bông xanh lại thở phào nhẹ nhõm. Thế là lần thứ mấy mươi trong ngày rồi cô cũng không còn nhớ nữa, anh chị em tìm lại được máy móc, công cụ sản xuất. Và cả cái hố bom sâu hoắm trước mặt này nữa, mấy ngày vật lộn với nó rồi, mới thu hẹp được dần miệng phễu.
Sau khi đặt cái đầu máy vào đống tài sản của hợp tác xã vừa moi từ dưới đống đất lên, Chủ nhiệm Tích ngồi bệt xuống cạnh miệng hố bom, phác họa dự kiến tổ chức cơ sở sản xuất tương lai của mình cho mấy cán bộ quản lý sản xuất của ngành góp thêm ý kiến:
– Trước tiên, sẽ đắp một cái lò trấu tại đây để nướng và ép nhựa. Chỉ vài hôm nữa thôi, sau khi dựng xong mấy gian xưởng ở nền nhà cũ kia, hợp tác xã sẽ ép guốc nhựa để kịp lấy hàng bán Tết. Bộ phận nào khắc phục hậu quả cứ làm, còn tất cả lực lượng phải dồn vào sản xuất cái đã. Chưa có đủ nhà xưởng thì làm ngoài trời. Chưa kịp mắc điện để chạy máy thì dùng trấu, dùng than thay điện. Lũ giặc ném bom rải thảm hòng hủy diệt cuộc sống của chúng ta, nhưng nó quên rằng dân ta vốn có truyền thống “giặc phá, ta lại chữa”.
– Ấy, giặc phá, ta lại dựng, ta sản xuất chứ bác!
Cô gái mặc áo bông xanh nãy giờ mới chêm được một câu đúng chợ, đúng lúc. Cả tổ thợ đang khắc phục hậu quả cười tán thưởng. Những đường xẻng lại phóng vào đống đất chắc nịch. Đất đá đổ rào rào xuống hố bom…
– Các lực lượng vũ trang, nhân dân phố Khâm Thiên cấp cứu những người bị thương vì B -52 rải thảm.
HỒNG VÂN (biên soạn)
qdnd.vn