Giám đốc UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tiến sĩ Modagat Ahmed khẳng định, Hồ Chí Minh sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là một người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này.
Tư tưởng Hồ Chí Minh – theo cách nói của Cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng – là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng biết bao giá trị, giá trị đó nói cho cùng là giá trị văn hóa mà chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu.
Tổ chức UNESCO đánh giá Chủ tịch Hồ Chí Minh theo chức năng của một tổ chức giáo dục, khoa học, văn hóa thế giới: Người đã để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại, góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả và khát vọng lớn lao của nhân loại tiến bộ là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Hồ Chí Minh đã có sự đóng góp quan trọng về nhiều lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, nghệ thuật. Người là hiện thân cho khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đưa ra một cách lập luận để hiểu ý nghĩa của bản Nghị quyết của UNESCO: Tôi hình dung Hồ Chí Minh là người đem lại ánh sáng, ánh sáng văn hóa, ánh sáng cách mạng cho nhân dân ta và góp phần đem lại ánh sáng cho nhân dân nhiều nước khác, để xua tan bóng tối của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, của dốt nát, đói nghèo, bệnh tật đè nặng lên cuộc sống của các dân tộc bị áp bức.
Như vậy, văn hóa có tầm quan trọng to lớn và ý nghĩa cách mạng sâu xa đối với vận mệnh của nhân dân các nước.
Văn hóa còn được nhận thức là hiểu biết, hiểu biết làm người, hiểu biết xử sự, xử thế. Và xử sự, xử thế trong xã hội có áp bức, bóc lột giai cấp, dân tộc và con người là làm cách mạng. Hiểu sứ mệnh và sức mạnh của văn hóa như vậy – cái mà kẻ thù của loài người rất căm ghét – mới thấy hết tầm vóc, trí tuệ văn hóa Hồ Chí Minh – Người để lại cho hôm nay và muôn đời mai sau những giá trị văn hóa vĩnh hằng.
Trong lòng nhân loại tiến bộ, Hồ Chí Minh hiện thân cho nền văn hóa tương lai. Ðó là một nền văn hóa luôn có sự kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa với cách mạng, cách mạng với văn hóa. Trong thế kỷ 20,
Hồ Chí Minh đủ trí tuệ và bản lĩnh, giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa thực dân, mà chống chủ nghĩa thực dân là đạt tới đỉnh cao giá trị nhân văn, giá trị văn hóa của loài người. Sự nghiệp văn hóa Hồ Chí Minh luôn có sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, dân tộc với quốc tế, phương Ðông với phương Tây. Giờ đây người ta nói nhiều tới sự đối thoại và đa dạng văn hóa, điều mà cách đây sáu mươi năm Hồ Chí Minh đã từng đề cập một cách sâu sắc và giải quyết thành công. Người phủ nhận lời tiên tri nhuốm mầu huyền thoại của một trí thức người Anh là Kipling: Ðông là Ðông, Tây là Tây, hai bên không bao giờ gặp nhau. Theo Hồ Chí Minh, triết lý đạo Khổng cũng như triết lý phương Tây đều đề cao một nguyên tắc đạo đức: điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác.
Triết lý sống của Hồ Chí Minh là ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ, bị áp bức. Trong khi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đem quân xâm lược Việt Nam, Hồ Chí Minh nói với nhân dân các nước đó rằng máu nào cũng là máu, người nào cũng là người. Một thanh niên Pháp, Mỹ hy sinh, tôi cũng đau lòng như một thanh niên Việt Nam hy sinh. Hồ Chí Minh hiện thân cho một chủ nghĩa nhân văn cao cả – chủ nghĩa nhân văn cách mạng và hành động. Người cũng hiện thân cho khát vọng của loài người về tự do, hạnh phúc, hòa bình; về các giá trị chân – thiện – mỹ. Người trả lời rõ ràng, ngắn gọn, đầy đủ với các nhà báo: yêu nhất điều thiện, ghét nhất điều ác. Thiện ở đây là hòa bình, độc lập, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến bộ, giàu mạnh.
Hồ Chí Minh hiện thân cho nền văn hóa hòa bình. Người chủ trương đối thoại thay cho đối đầu. Nhà ngoại giao Pháp Jean Sainteny là một người đối thoại chính của Hồ Chí Minh trong những cuộc đàm phán với Pháp đã phải thừa nhận trong tác phẩm mang tựa đề “Lịch sử một nền hòa bình bị bỏ lỡ” rằng Hồ Chí Minh có một sự hiểu biết văn hóa rộng lớn, thông minh, vô tư, tạo ra uy tín không có gì so sánh nổi. Một nền hòa bình bị bỏ lỡ vì Chính phủ Pháp không hiểu và đánh giá đúng nhân vật này.
Giám đốc UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Tiến sĩ Modagat Ahmed khẳng định Hồ Chí Minh sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là một người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này.
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động. Nhưng nói như Tiến sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô V.M Sonsev, trong mọi biến đổi cũng có một số điểm quan trọng không hề thay đổi. Ðó là lý tưởng xã hội chủ nghĩa, các tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, tự do, dân chủ và công bằng xã hội, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, người theo chủ nghĩa quốc tế đã cống hiến trọn đời mình cho những lý tưởng đó.
Thế giới càng biến đổi càng phải nhìn nhận đúng vai trò của văn hóa và giá trị văn hóa. Bởi vì xét đến cùng thì “Sự thăng hoa của văn hóa là đỉnh cao nhất của sự phát triển”. Xét trên ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh là một con người kỳ diệu cho tất cả mọi thời đại. Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa chân chính. Bởi vì người làm cách mạng không chỉ giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, mà còn vì một khát vọng cao quý nhất là giải phóng con người thoát khỏi nền văn hóa nô dịch, chống lại sự tha hóa con người. Cuộc đời hoạt động và sự nghiệp vĩ đại của Người là tấm gương cao đẹp, trong sáng về một quan niệm nhân sinh về thế giới, tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn mới, kết tinh những tư tưởng, tình cảm, những ước mơ lớn của nhân loại. Ðúng như lời phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới Romet Chandra: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.
PGS, TS Bùi Ðình Phong
Bạn phải đăng nhập để bình luận.