Ba lần được gặp Bác Hồ

“Ba lần được gặp Bác là những kỷ niệm quý giá tôi không bao giờ quên. Những lời dạy của Bác đã thấm sâu vào trái tim, khối óc, giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ suốt chặng đường công tác và cả khi đã về hưu”, ông Trung xúc động nói.

>> Tình yêu thương làm thay đổi đời người

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ, ông Kiều Chí Trung lại dẫn cháu nội đến thăm bia kỷ niệm ngày Bác về thăm đập sông Đáy (Đan Phượng, Hà Nội). Ông tâm sự: “Nhờ Người mà tôi đã học được rất nhiều điều trong công tác cũng như đời sống. Tôi muốn con cháu mình được biết những câu chuyện sinh động về Người”.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe đã suy giảm nhiều nhưng kỷ niệm về những lần được gặp Bác vẫn còn nguyên vẹn trong ông Trung.

Ông Kiều Chí Trung quê gốc ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Năm 19 tuổi, ông tham gia cách mạng, hăng hái hoàn thành nhiều công tác về thanh niên, quân sự và được bổ nhiệm làm phó chủ tịch xã Cát Tài. Năm 1953 – 1954, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, ông lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên, góp phần “chia lửa với Điện Biên”. Năm 1955, ông được chọn ra Bắc tập kết.

Ông Trung dẫn cháu thăm bia tưởng niệm Bác Hồ về thăm đập sông Đáy (Đan Phượng, Hà Nội).

Tháng 6/1955, lần đầu tiên ông Trung được gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm và nói chuyện với cán bộ miền Nam tập kết, học tập ở đoàn 301. “Người ân cần hỏi han về cuộc sống của chúng tôi, hỏi chúng tôi có gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hay không, có nhớ nhà nhiều không…  rồi dặn dò chúng tôi cố gắng học tập tốt để giúp ích cho nước nhà. Cách nói chuyện thân tình và cởi mở của lãnh tụ làm chúng tôi xúc động vô cùng”.

Lần thứ hai ông Trung được gặp Bác khi đang làm thủy lợi tại Phủ Lý (Hà Nam). Bác về nói chuyện với nhân dân, lãnh đạo địa phương. Vừa nghe tin, ai ai cũng hồi hộp và háo hức. Dù đã được gặp Bác một lần nhưng ông Trung cũng không khỏi bồi hồi xúc động. Những câu chuyện sinh động về cách nghĩ, cách làm của Bác đã để lại cho ông những bài học sâu sắc trong việc làm thủy lợi.

Năm 1957, ông Trung được điều về làm trưởng ban quản lý công trình phân lũ đập sông Đáy, công trình bảo vệ Thủ đô. Đây là nơi ông được gặp Bác Hồ lần thứ ba và cũng là lần gặp để lại những ấn tượng sâu sắc nhất. “Sáng 17/7/1962, một tin vui lớn từ Thủ đô báo về, Bác Hồ sẽ đến thăm công trường tu bổ đập sông Đáy. Mọi người sung sướng đến bàng hoàng, tôi nghĩ đến Bác, bận trăm công nghìn việc mà vẫn thấu hiểu những khó khăn trước mùa lũ bão của chúng tôi”, ông Trung nói.

Bác Hồ về thăm đập Đáy năm 1962. (Ảnh tư liệu)

Ông Trung kể lại, Bác và các đồng chí lãnh đạo cùng đi lần lượt kiểm tra công trường đập sông Đáy rồi chỉ tay, bảo mọi người vào điếm canh đê làm việc tiếp. Bác nghe đại diện Bộ thủy lợi, UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Đông, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) báo cáo phương án phòng chống lụt bão và tiến độ thi công tu bổ đập sông Đáy. Bác yêu cầu tỉnh Sơn Tây cấp đủ đá, Hà Đông phải huy động nhân lực, Hà Nội đảm đương phần kỹ thuật.

Bác bảo: “Lụt nó không chờ các chú đâu, vì vậy các chú định làm mấy ngày nữa thì xong?”. Ông Trưởng ty Thủy lợi Hà Nội (Sở Thủy lợi Hà Nội) đáp: “Báo cáo Bác, bảy ngày xong ạ”. Bác cười nói: “Bác cho cả tám ngày. Nếu tám ngày không xong thì xấu hổ đấy”. Mọi người hứa làm thật tốt nhiệm vụ được giao. Bác vui vẻ hỏi: “Bây giờ ai phụ trách?”. Một đồng chí thưa: “Báo cáo Bác, đồng chi Kiều Chí Trung, trưởng ban công trình ạ!”. Bác nhìn ông Trung bằng cái nhìn tin tưởng. Ông Trung xúc động và hứa: ‘Cháu sẽ cố gắng làm đúng như lời Bác!”. Tan cuộc họp, Bác ra về thì dân công trên công trường và nhân dân vùng lân cận được tin đã kéo đến đông nghịt. Tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” vang dậy cho tới khi Bác rời khỏi công trường.

Làm theo lời Bác, suốt 6 ngày đêm, ông Trung cùng anh em cả hai công trường tu bổ đập Đáy và đập Tràn, hoàn thành trước thời hạn hai ngày. Ông Trung lại vinh dự được giao thảo báo cáo gửi lên để Bác vui lòng.Năm 1987, ông Trung được nghỉ hưu. Tuy nhiên, nhớ lời dạy của Bác Hồ, ông  tiếp tục các công tác xã hội ở xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng như tham gia Hội đồng nhân dân xã, Mặt trận Tổ quốc và các hội đoạn khác.

Minh Nhương

baodatviet.vn

Advertisement