Lời dặn của Bác nâng đỡ và theo trung tá Huỳnh Văn Rều suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, băng qua những dãy núi chót vót của rừng Trường Sơn, vượt trận địa đầy bom rơi pháo nổ với cái chết luôn rình rập từng ngày.
“Tình yêu thương bao la của Bác có sức lay động và cảm hóa con người rất lớn. Tôi học ở Bác phong cách giản dị, gần gũi và luôn quan tâm đến mọi người”, trung tá Huỳnh Văn Riều, nguyên Chính trị viên đại đội 4, Trung đoàn 228 pháo cao xạ phòng không, tâm sự với chúng tôi trong chuyến trở về chiến trường xưa ở tỉnh Kontum.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, mang trong người chất độc da cam/dioxin và nỗi đau không thể có con, ông Huỳnh Văn Riều trở về mảnh đất miền Nam yêu thương, tiếp tục cống hiến sức mình cho đất nước, như lời Bác dặn dò năm nào.
Ba lần gặp Bác Hồ
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất thép thành đồng, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, 16 tuổi, ông Riều thoát ly đi kháng chiến, làm liên lạc cho Ủy ban Kháng chiến hành chính của xã Phước Hiệp. Khi tập kết ra Bắc, ông học kyx thuật vô tuyến điện, sau đó trở thành chính trị viên của Đại đội 4, Trung đoàn 228 pháo cao xạ phòng không 57 mm (thuộc Sư đoàn phòng không 367).
Trung tá Huỳnh Văn Riều (bên phải) trong hành trình trở về chiến trường xưa. Ảnh: Minh Chánh
Ông Riều nhớ mãi lần đầu gặp Bác, tháng 6.1958, trong đợt đón tiếp đoàn công tác của đồng chí Vô-rô-xi-lốp, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô (cũ) sang thăm Việt Nam. Lúc đó, ông Riều đứng trong đội ngũ vừa đón vừa bảo vệ đoàn. “Xe chở Bác từ cầu Long Biên vào Phủ Chủ tịch. Bác vẫy tay chào mọi người, tôi nhìn Bác, đôi mắt Người sáng ngời, da dẻ hồng hào, nụ cười ấm áp. Hình ảnh ấy in đậm trong lòng tôi”, ông Riều nhớ lại.
Ngày 22/12/1961, khi đang ở trạm chỉ huy của Bộ tư lệnh phòng không Sư đoàn phòng không 367, ông Riều lần thứ hai được gặp Bác. “Sở chỉ huy thông báo Bác đến thăm đơn vị hôm nay. Ai cũng hồi hộp.
9h, Bác đến. Bác thăm nhà ăn đầu tiên, rồi ghé xem nhà vệ sinh, sau đó mới đến phòng khách. Mọi người rất xúc động, Bác quan tâm đến cuộc sống đời thường của anh em vậy đó”, ông Riều kể. Sau khi vào phòng khách, Bác ân cần hỏi han mọi người và dặn dò các chiến sĩ, sĩ quan làm tốt nhiệm vụ, thông tin chính xác, cố gắng giữ vững bầu trời miền Bắc.
“Bác hỏi chúng tôi: “Ở đây có cháu nào người miền Nam không?”. Trong đơn vị ngày ấy chỉ có tôi và anh Nguyễn Văn Ri là dân miền Nam, nhưng tôi xúc động quá, anh Ri trả lời thay. Bác nhìn chúng tôi trìu mến và dặn dò: “Mỹ ngụy đang giày xéo quê hương miền Nam từng giờ từng ngày. Các cháu là con em miền Nam, phải học tập cho giỏi, chiến đấu cho cừ, góp phần đấu tranh giải phóng miền Nam, các cháu nhé!”. Bác nói ngắn gọn, giản dị nhưng chúng tôi ghi lòng tạc dạ sâu sắc”, ông Riều kể lại.
Lời dặn dò ấy đã nâng đỡ và theo ông suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, băng qua những dãy núi cao chót vót của rừng Trường Sơn, vượt qua những trận địa đầy bom rơi pháo nổ với cái chết luôn rình rập từng ngày.
Luôn làm theo lời Bác
Phường Cầu Kho, quận 1, nơi trung tá Riều sinh sống, một thời nổi tiếng vì tệ nạn mua bán ma túy. Năm 2004, thành phố thí điểm thành lập tổ cán sự xã hội, gồm các đảng viên hưu trí và cán bộ lão thành, chịu trách nhiệm tình nguyện quản lý và hỗ trợ những người hồi gia. Ông Riều lập tức đăng ký vào tổ này.
Sau gần 5 năm tổ cán sự xã hội hoạt động, tình trạng buôn bán ma túy công khai ở địa bàn giảm gần 90%, nhiều người hồi gia được vay vốn và có việc làm ổn định.
“Tôi luôn xác định, anh bộ đội Cụ Hồ phải thể hiện phẩm chất cả khi đã ngưng cầm súng. Phần lớn các cháu nghiện ma túy đều là con em người lao động nghèo, nên mình phải cố gắng giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ họ”, ông Riều tâm sự. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng vị trung tá này chưa khi ngơi nghỉ. Ông đến từng nhà các đối tượng hồi gia, trò chuyện và động viên từng người.
Năm 2007, được biết anh Đoàn Văn Thành ở khu phố 1, vừa hồi gia nhưng đã tái nghiện, ông Riều qua nhà anh Thành và nhắn nhủ với gia đình: “Khi nào Thành về nhà thì báo nó ra gặp chú. Chỉ cần nó hứa không hút ma túy thì chú đảm bảo công an không bắt”. Ông Riều tất tả chạy ngược chạy xuôi giới thiệu anh Thành vay vốn từ Qũy hỗ trợ người nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS. Cho tới nay, anh Thành vẫn giữ lời hứa xưa, chăm chỉ chạy xe ôm, sống hạnh phúc bên người vợ và đứa con đang tượng hình trong bụng mẹ.
“Con cám ơn chú đã giúp con, cho con cơ hội hoàn lương. Con hứa sẽ trở thành người tốt”, anh Thành viết thư gửi vị trung tá này.
Giữa năm 2008, ông Riều khởi xướng chương trình “Bạn giúp bạn” – một mô hình sinh hoạt nhóm đầu tiên của thành phố giữa các cán sự xã hội và người sau cai nghiện. Đều đặn mỗi tháng một lần, tổ cán sự xã hội tổ chức cho các đối tượng sau cai trên địa bàn phường (sau này nhân rộng ra toàn quận 1) gặp gỡ, sinh hoạt tập thể, giao lưu ca hát. Thỉnh thoảng, “Bạn giúp bạn” lại có kế hoạch đi dã ngoại. Những chuyến đi xa lên rừng xuống biển kéo mọi người xích lại gần nhau và không lưu luyến ma túy. “Chỉ cần vậy là tôi vui rồi, cháu ạ!”, ông Riều cười. Nụ cười hiền lành và mãn nguyện.
15 năm là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, 5 năm làm tổ trưởng tổ cán sự xã hội phường, bước chân ông Riều đã “mòn” tất cả con đường lớn đường nhỏ của phường Cầu Kho.
Năm 1969, trung tá Huỳnh Văn Riều bị nhiễm chất độc da cam trong một lần chạy xuống trận địa tìm đồng đội. Cùng thời điểm này, người pháo binh được tin Bác mất; anh cùng đồng đội nén chặt nỗi đau da cam/dioxin, làm lễ tang Bác. Rưng rưng nước mắt, ông thề: “Vì Tổ quốc, chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng”. |
Thu Thảo