Thư viện

Tự phê bình và phê bình – vũ khí sắc bén ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh đi tới mùa XuânTrong bốn nhóm giải pháp về xây dựng Đảng do Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đề ra, thì “Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên” được Trung ương xác định là nhóm giải pháp số một. Điều đó cho thấy vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng của nhóm giải pháp này đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau (1). Người khẳng định: tự phê bình và phê bình có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải xem tự phê bình và phê bình như mỗi ngày soi gương, rửa mặt, để làm cho sạch sẽ cơ thể; mỗi cán bộ, đảng viên “Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình”(2). Theo Người, tự phê bình và phê bình là công cụ quan trọng nhất để xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Đoàn kết trong Đảng là đoàn kết thống nhất từ trong tư duy, nhận thức, lý tưởng đến hành động cách mạng hàng ngày.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Trong bao nhiêu năm hoạt động bí mật, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao và Đảng ta gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Đó là vì Đảng ta khéo dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình”(3) . Nên, trong Di chúc, Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Quán triệt và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Đại hội IV đến Đại hội XI của Đảng, trong nghị quyết của mỗi nhiệm kỳ đều nhấn mạnh đến việc thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả tự phê bình và phê bình để không ngừng xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong tình hình mới. Cùng với những thành tựu đạt được hết sức quan trọng, Đảng ta cũng thừa nhận vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X trình Đại hội XI thừa nhận: “Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội… Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng còn thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nền nếp, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, tự phê bình và phê bình yếu… Nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện. Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”(4).

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI tiếp tục chỉ rõ những vấn đề cấp bách, cần giải quyết ngay bởi nếu không giải quyết sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Một trong những vấn đề “nóng”, cấp bách là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân,… của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chẳng những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn diễn biến phức tạp hơn. Biểu hiện cụ thể của vấn đề trên là cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng; không trung thực, không thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình, thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức; sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm lệch lạc, sai trái. “Tình hình trên đây có nguyên nhân khách quan… Nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan: Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ. Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát…”(5). Nghị quyết một lần nữa khẳng định giải pháp đầu tiên là nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên, mà trước hết là các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng là khâu mấu chốt nhất, nhưng cũng có nhiều khó khăn nhất. Bởi vì, nó đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình. Nếu không hết lòng vì sự nghiệp chung, không có dũng khí, không thật sự cầu thị thì không dám nói hết khuyết điểm của mình và không dám phê bình người khác, nhất là phê bình cấp trên. Thái độ nể nang, hữu khuynh “im lặng là vàng”, hoặc thái độ cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình”. Và, Tổng Bí thư yêu cầu: quá trình kiểm điểm phải thực sự nghiêm túc, không làm lướt, làm qua loa, chiếu lệ, cần đưa tự phê bình và phê bình thành nền nếp trong sinh hoạt của Đảng.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng từ việc thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình

Đảng ta luôn khẳng định: Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén, là công cụ cho sự phát triển của Đảng. Mỗi đảng viên cần quyết tâm làm cho tự phê bình và phê bình trở thành tính tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, thành nền nếp trong sinh hoạt của Đảng. Do vậy, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, chúng ta cần:

Trước hết, phải nhận thức đúng mục đích của tự phê bình và phê bình là giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở đảng và toàn bộ hệ thống chính trị thấy và sửa chữa những khuyết điểm, làm cho tốt hơn, đúng hơn; để mọi người học ưu điểm của nhau, cùng giúp nhau tiến bộ. Tự phê bình và phê bình có vai trò hết sức quan trọng là xây dựng mối đoàn kết, tăng sức mạnh trong Ðảng.

Hai là, thực hiện tự phê bình và phê bình phải gắn với các nội dung liên quan đến tư cách của người đảng viên, gắn với trách nhiệm, quyền hạn của cá nhân, đơn vị, địa phương mình phụ trách; chỉ rõ những vấn đề làm được, chưa làm được, nguyên nhân và phương hướng khắc phục.

Thứ ba, phương pháp tự phê bình và phê bình là nêu ưu điểm, vạch khuyết điểm của mình trước và nêu ưu điểm, vạch khuyết điểm của đồng chí mình sau; kiểm điểm, phê bình phải trên tinh thần xây dựng, yêu thương, giúp đỡ đồng chí mình tiến bộ. Việc tự phê bình và phê bình phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kiên trì, bởi nếu không làm thường xuyên thì khuyết điểm ngày càng tăng, tích tụ ngày càng nhiều, ưu điểm cũng không được phát huy.

Đối với tổ chức đảng, thực hiện tốt chế độ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Khi tự phê bình và phê bình trong tập thể tổ chức đảng thì phải làm rõ kết quả thực hiện những công việc mà theo quy định phải do cả tập thể tổ chức đảng đó xem xét, quyết định. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng, hễ có khuyết điểm thì trách nhiệm thuộc về tập thể, còn khi có thành tích thì cá nhân các đồng chí lãnh đạo được hưởng. Kiểm điểm tổ chức thì phải căn cứ vào kết quả thực hiện nghị quyết đã ban hành, vì sao còn tồn tại, khuyết điểm. Để tránh tình trạng khuyết điểm là của chung tập thể, khi kiểm điểm đối với tập thể ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy trong việc thực hiện quy chế làm việc, thì phải kiểm điểm đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn trước hết của ban thường vụ cấp ủy, rồi sau đó mới đến cá nhân từng đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy, của tập thể thường trực cấp ủy trước rồi mới đến từng đồng chí thường trực cấp ủy.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI yêu cầu: Trong kiểm điểm phải có góp ý vào bản tự kiểm điểm của cấp mình, cấp dưới, của cấp trên, nếu làm chưa đạt thì phải làm lại; trong quá trình kiểm điểm, nếu các đoàn thể, quần chúng phát hiện những vấn đề còn chưa đúng, thiếu sót thì cá nhân, tổ chức phải nghiêm túc tiếp thu, bổ sung vào phần tự kiểm điểm, tự phê bình của mình. Kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong Đảng với phê bình của quần chúng là biện pháp khắc phục triệt để những khuyết điểm của tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc phê bình của quần chúng đối với Đảng là cung cấp thông tin quan trọng và cần thiết cho tổ chức đảng nghiên cứu, xem xét, đánh giá hoạt động của mình, đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên.

Thứ tư, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, người đứng đầu phải gương mẫu tự phê bình và khuyến khích người khác phê bình mình. Do vậy, khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải tuyệt đối tránh thái độ quy chụp, trù dập, gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền. Đối với các đảng viên khi phê bình người đứng đầu thì cần phải thẳng thắn, trung thực, không bao che, không phê bình theo kiểu cơ bản là ưu điểm. Người đứng đầu phải luôn lắng nghe ý kiến góp ý cho mình một cách chân thành, cởi mở và nếu có khuyết điểm thì phải nghiêm túc tiếp thu và sửa chữa. Người đứng đầu phải kiểm điểm nội dung về mối quan hệ với quần chúng, lắng nghe ý kiến góp ý, phê bình của nhân dân.

Thứ năm, đảng viên khi thực hiện tự phê bình và phê bình phải có động cơ trong sáng; phải đặt tự phê bình và phê bình với vấn đề đạo đức cách mạng trong một mối quan hệ biện chứng. Tự phê bình và phê bình không phải là đặc quyền của riêng một cá nhân nào, mà là quyền lợi, nghĩa vụ, là đặc trưng phẩm chất cao quý của tất cả những người cách mạng chân chính.

Thay lời kết

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được xem như một luồng sinh khí mới, được dư luận xã hội hưởng ứng và đặc biệt quan tâm. Bởi, thực hiện tốt Nghị quyết sẽ giúp cho Đảng có thêm năng lực, uy tín và sức mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Chính vì lẽ đó, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Tự phê bình và phê bình có vai trò đặc biệt quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng, qua đó góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Do vậy, mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác, trung thực, đánh giá cho thật khách quan. Tập trung kiểm điểm trách nhiệm đối với công việc, đối với đơn vị; phẩm chất cá nhân của mình về các mặt nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, quan hệ với quần chúng… để thấy rõ ưu điểm mà phát huy, nhận ra khuyết điểm mà sửa chữa, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng.

Tự phê bình và phê bình không những là nghệ thuật, văn hóa trong Đảng, là quy luật phát triển của Đảng mà còn là thước đo trình độ sinh hoạt dân chủ trong Đảng, là sợi dây liên kết, ràng buộc khăng khít giữa đảng viên với nhau, giữa đảng viên với tổ chức đảng, và giữa Đảng với nhân dân. Thực hiện tự phê bình và phê bình chính là để giải quyết những mặt đối lập, những khuyết điểm trong nội bộ Đảng, để tăng cường bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng của đảng chân chính. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những tổ chức đảng, đảng viên không thực hiện tốt nghị quyết, chỉ thị của Đảng về tự phê bình và phê bình, nhất là những người thành kiến, trù dập người phê bình; phải có biện pháp bảo vệ người phê bình dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời buộc người có khuyết điểm, bị phê bình phải sửa chữa khuyết điểm.

Tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều diễn biến phức tạp, thuận lợi – thách thức, thời cơ – nguy cơ đan xen nhau… đang đặt ra cho Đảng ta và toàn bộ hệ thống chính trị nhiệm vụ ngày càng nặng nề. Chính vì vậy, đẩy mạnh thực hiện tự phê bình và phê bình vừa là vấn đề cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, bởi lẽ nguyên tắc này là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, nhằm củng cố khối đại đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Vũ khí sắc bén này phải thường xuyên được sử dụng và mài dũa để có đủ khả năng ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng hiện nay, góp phần quan trọng cho công cuộc xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 267, 644

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 289 – 290

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr. 172, 174, 175

(5) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 23 – 24

 Theo Tạp chí Cộng sản
Tâm Trang (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement

Tự phê bình và phê bình thật sâu sắc, cụ thể

Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Tinh thần gương mẫu, nghiêm túc, kỹ lưỡng trong quá trình chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, được dư luận hoan nghênh. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xác định rõ những việc cần làm tiếp sau khi kiểm điểm, trong đó đáng chú ý là, tháng 9 năm 2012, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ họp lại để thông qua Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Bản tiếp thu giải trình, đánh giá chính thức về kết quả kiểm điểm và xem xét kỷ luật (có hay không, đến mức nào đối với tập thể và cá nhân) để báo cáo với Trung ương.

tu phe binhHội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng.

Trong tháng 9, các Đảng bộ cấp tỉnh và tương đương sẽ tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Quá trình chuẩn bị ở các nơi nổi lên một vấn đề nổi bật là, ý kiến đóng góp của các tổ chức Đảng, của các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo đều đề nghị phải hết sức rõ ràng, thẳng thắn, liên hệ một cách cụ thể, sâu sắc vào từng nội dung, từng giải pháp, tránh tình trạng phê bình, góp ý chung chung.

Một điểm chung chung thường thấy là khi phê bình, góp ý, nhiều đồng chí thường nói công tác xây dựng Đảng còn có nhiều mặt hạn chế, thiếu sót; công tác chính trị tư tưởng chưa được quan tâm. Nhưng nội dung của những công tác đó là gì thì hiểu không đầy đủ và không dẫn chứng được những việc cụ thể, nguyên nhân do đâu. Nói xây dựng Đảng là nói tới xây dựng tổ chức và xây dựng con người. Vậy thì khi liên hệ tình hình đảng bộ phải có những ý kiến cụ thể, đối chiếu với Điều lệ Đảng, với Nghị quyết để kiểm điểm. Xây dựng tổ chức chưa được quan tâm đúng mức, cụ thể là gì? Chẳng hạn không chăm lo kiện toàn các chi bộ; năng lực cấp ủy còn hạn chế, còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; nhiều năm không phát triển đảng viên, nhiều tháng không sinh hoạt chi bộ… Nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm thuộc về ai, biện pháp khắc phục như thế nào? Rồi nói về xây dựng con người: đảng viên trong chi bộ có thật sự gương mẫu, tiêu biểu cho phẩm chất, năng lực của tập thể đơn vị không; gia đình vợ con có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực hay không. Liên hệ một cách cụ thể như vậy thì sẽ tránh được lối nhận xét chung chung, đúng mà không trúng, phê bình theo kiểu “ném cát bụi tre”, không chỉ ra được căn bệnh để bốc thuốc.

Tương tự như vậy, bây giờ đi đến đâu cũng thấy nhiều người nói về tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống. Nhưng hỏi một số đồng chí thì thấy chưa hiểu đúng về suy thoái tư tưởng chính trị. Có trường hợp nhầm lẫn với suy thoái về chính trị. Có trường hợp nhầm lẫn với suy thoái về tư tưởng văn hóa, tư tưởng pháp luật… Nói một cách nôm na rằng, tư tưởng chính trị thể hiện rõ nhất lợi ích dân tộc được đặt lên trên hết. Yêu nước, thương dân đặt lên trên hết. Vì vậy, trong tự phê bình mình và phê bình đồng chí, khi nói suy thoái tư tưởng chính trị chúng ta có thể nêu những biểu hiện cụ thể, không hề trừu tượng. Ai đó xa rời quyền lợi dân tộc, quyền lợi của cộng đồng, sa vào lợi ích nhóm. Ai đó bàng quan trước những sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống xã hội, chỉ cốt lo cho riêng mình, gia đình mình, thờ ơ trước đời sống khó khăn, hoạn nạn của đồng bào, của bà con lối xóm, của những người chung quanh, chính là họ đã suy thoái về tư tưởng chính trị. Và điều này gần với suy thoái về đạo đức, lối sống.

Nói về kiểm điểm, liên hệ cụ thể, sâu sắc cũng cần chỉ rõ trách nhiệm của các đồng chí cấp ủy viên, lãnh đạo chính quyền, nhất là người đứng đầu, mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu rõ về mối quan hệ này. Rằng đồng chí Bí thư, đồng chí Chủ tịch đã “vào vai” đúng chưa, hay còn bao biện, lấn sân, hoặc vừa đá bóng vừa thổi còi, ngược lại là khoán trắng cho cấp dưới? Rằng đồng chí Phó Bí thư, lãnh đạo các ban của cấp ủy đã nắm vững chức trách, nhiệm vụ chưa, hay lại sa vào công tác của chính quyền, của chuyên môn.

Trong quá trình kiểm điểm, một vấn đề đang có những ý kiến khác nhau, đó là những thiếu sót, khuyết điểm nào thì công bố trong nội bộ và công khai tới đâu. Có đồng chí cho rằng, phê bình là phải nghiêm túc, thẳng thắn, phân tích, mổ xẻ đến cùng, có cả những bí mật về đời tư của cán bộ, vì vậy cũng nên “đóng cửa bảo nhau”, không phải cái gì cũng “phơi” ra cả. “Phơi” ra thì dễ bị kẻ xấu, kẻ cơ hội chính trị lợi dụng. Chúng ta đều biết, dân chủ, công khai thể hiện trí tuệ và văn minh của Đảng. Nếu ở nơi nào thiếu dân chủ, dân chủ hình thức, sẽ dẫn đến cấp dưới xa cấp trên, quần chúng xa cán bộ, nội bộ Đảng thiếu đoàn kết thống nhất. Đương nhiên, công khai đòi hỏi phải theo đúng các quy định của Đảng, pháp luật hiện hành và phù hợp nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhằm phát huy vai trò của tổ chức dân cử, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên.

Có hai loại ý kiến khác nhau là, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này rất khó đạt yêu cầu như mong muốn, vì đây là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, liên quan sinh mạng chính trị của mỗi đảng viên và tổ chức Đảng; vì chúng ta đã từng có nhiều lần tiến hành chỉnh đốn Đảng, nhưng kết quả không vững chắc, những thiếu sót chậm được khắc phục, có khi ngày càng nghiêm trọng hơn. Ý kiến thứ hai là, sau khi kiểm điểm, tình hình sẽ chuyển biến mau lẹ và cuộc chỉnh đốn Đảng lần này sẽ kết thúc tốt đẹp vào tháng 12 năm 2012 (!). Tuy nhiên, ý kiến thứ hai này đòi hỏi phải xử lý thật nghiêm túc, phải có hình thức kỷ luật nghiêm khắc, phải kiên quyết đưa những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy, bất kể người đó là ai, giữ cương vị gì, không có “vùng cấm”, “vùng tránh” trong Đảng. Cả hai loại ý kiến trên đều thể hiện sự quan tâm, mong muốn, ý thức trách nhiệm cao. Chỉ thị 15-CT/TƯ của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã nêu rõ: “Xây dựng Đảng là công việc hệ trọng, khi thực hiện phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan; giữ đúng nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích gây rối nội bộ; đồng thời không được để rơi vào trì trệ, hình thức, không làm chuyển biến được tình hình”. Phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế, chuyển biến từng bước, tiến bộ từng bước, nhưng phải bảo đảm vững chắc – đó là hướng đi và cách làm cả trước mắt và lâu dài.

Trong quá trình chuẩn bị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nhiều cấp ủy đã chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, coi đây là bước đột phá trong công tác chuẩn bị. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm tạo nên sự thống nhất cao về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong thực hiện Nghị quyết. Trong lúc này càng cần phải đấu tranh mạnh mẽ trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, mọi sự xuyên tạc của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, phê phán những biểu hiện sai trái, cực đoan, lợi dụng phê bình để kích động, gây rối, làm mất đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện Nghị quyết phải gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị; gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Không làm tốt công tác tư tưởng sẽ dẫn đến việc kiểm điểm một cách hình thức, chiếu lệ, không liên hệ sâu sắc tình hình tập thể và đối chiếu với bản thân. Nếu ở đâu đó còn có biểu hiện coi đây là vấn đề đã làm thường xuyên, thậm chí đã “yên tâm” rồi thì dễ chủ quan, dễ người dễ ta, bắt tay thỏa hiệp với nhau, nương nhẹ, bỏ qua cho nhau; ngược lại là phê bình theo kiểu “cháy nhà”, bới lông tìm vết, mạt sát, xúc phạm nhau, không có tình đồng chí thương yêu nhau, như Bác Hồ đã căn dặn./.

Theo nhandan.com.vn
Kim Yến (st)

bqllang.gov.vn

Bốn nguyên tắc tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Việt Nam - Hồ Chí MinhChúng ta vẫn thường xuyên nói “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “tự phê và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhưng gần như ai cũng thấy đó là điều không dễ. Rất nhiều người khi thực hiện tự phê bình luôn luôn bị ám ảnh bởi một sự lo sợ không khéo sẽ là: “Lạy ông tôi ở bụi này”…

Thực ra theo quan điểm của Hồ Chí Minh thì tự phê bình và phê bình  là vấn đề tất yếu của cuộc sống, là quy luật trưởng thành của Đảng. Con người sinh ra ai cũng có bản tính lương thiện. Quá trình lớn lên, trải qua các ứng xử với tự nhiên, xã hội hình thành nhân cách, cá tính khác nhau. Trong Đảng cũng vậy: “Đảng ta không phải ông thánh và cũng không phải từ trên trời rơi xuống, nó ở trong xã hội mà ra”. Vượt qua những giới hạn cụ thể, con người có thể trở thành anh hùng hoặc bộc lộ những yếu kém khuyết điểm. Khuyết điểm càng lâu càng bám vào cơ thể như bụi bẩn hàng ngày. Bởi thế theo Hồ Chí Minh tự phê bình để nhận rõ và gạt đi những bụi bẩn cũng “như công việc tắm gội, rửa mặt hàng ngày” không thể thiếu được. Hoạt động trong điều kiện càng nhiều khó khăn, đòi hỏi thử thách càng lớn, càng làm cho con người dễ sinh ra khuyết điểm. Cha đẻ của mọi thứ khuyết điểm là chủ nghĩa cá nhân. Theo Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Bệnh tham lam, lười biếng, ba hoa, bè phái, địa phương chủ nghĩa, ham danh vị, quân phiệt, quan liêu, xa rời quần chúng, hẹp hòi, chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa …. đều từ đó mà ra. Để điều trị các chứng bệnh ấy không có thuốc đặc hiệu nào hơn là tự phê bình và phê bình. Theo Hồ Chí Minh có thường xuyên tự phê bình và phê bình  mới giúp chúng ta thấy được khuyết điểm để sữa chữa, nhờ đó mà làm cho Đảng mạnh lên.

Tuy nhiên trong thực tế theo Hồ Chí Minh tự phê bình và phê bình là một việc làm không dễ. Tự phê bình và phê bình  là một vấn đề rất nhạy cảm, đụng chạm đến từng cá nhân, tổ chức. Tâm lý của con người là thích được khen hơn bị chê. Mọi người dễ cho rằng tự nói ra khuyết điểm, tự nhận khuyết điểm nghĩa là tự thừa nhận sự non kém của mình. Điều này dễ liên lụy đến uy tín, vị thế chức tước, địa vị và bậc thứ nghề nghiệp, vì “người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”. Bởi vậy phê bình đã khó, tự phê bình càng khó khăn hơn. Trong thực tế cuộc sống đã không ít trường hợp người ta mượn cớ tự phê bình để nhân đó phê bình mạnh mẽ hơn đồng chí của mình. Đối với những tập thể yếu kém, hoặc có vấn đề đoàn kết nội bộ; những tập thể, cá nhân đang chạy theo thành tích thì việc tự phê bình và phê bình thường thực hiện một cách hình thức. Người cho rằng: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh, phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà dấu bệnh không dám uống thuốc, để đến nổi bệnh ngày càng nặng… nể nang không phê bình để đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi đến nổi hỏng việc, thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ, nể nang không dám tự phê bình để cho khuyết điểm mình chứa chất lại, khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bao nhiêu năm hoạt động bí mặt, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao và Đảng ta gặp nhiều khó khăn nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, đó là Đảng ta khéo dùng cái vũ khí sắc bén tự phê bình và phê bình”.

Để sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình trong Đảng một cách có hiệu quả theo Hồ Chí Minh trước hết phải nhận thức đúng vấn đề. Theo Người: “Nhân vô thập toàn” nghĩa là con người thì ai cũng khó tránh khỏi sai lầm khuyết điểm; càng đảm nhiệm nhiều công việc thì càng dễ có sai lầm khuyết điểm nhiều hơn. Điều quan trọng là ở chổ có có dám tìm ra khuyết điểm để sữa chữa hay không. Theo Bác: “Một Đảng mà dấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sữa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Thế nhưng vì là một vấn đề khó nên tiến hành tự phê bình và phê bình cần nắm vững những nguyên tắc cơ bản, thể hiện tính Đảng, tính giáo dục, tính khách quan trung thực, thẳng thắn, dân chủ, đồng bộ sau đây:

1. Tự phê bình và phê bình  phải nhằm mục đích để giúp nhau tiến bộ nên động cơ phải trong sáng, dựa trên “tình đồng chí thương yêu nhau”; không vì phê bình mà công kích áp đặt khuyết điểm cho nhau. Khi phê bình người khác không được xoi mói “bới lông, tìm vết” để tìm cơ hội “hạ bệ’ lẫn nhau; “tránh công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”. Thực hành tự phê bình và phê bình  phải dân chủ, không mệnh lệnh, áp đặt.

2. Tự phê bình và phê bình  phải có thái độ kiên quyết không khoan nhượng. Hồ Chí Minh cho rằng: “Tự phê bình và sữa chữa có khi dễ, nhưng có khi cũng khó khăn, đau đớn vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác. Đó là một cuộc đấu tranh”. Vì thế thực hiện tự phê bình và phê bình  phải “Ráo riết, triệt để”, đúng mức, thật thà không nể nang, không thêm bớt. Thực hành tự phê bình và phê bình mà làm hời hợt, quanh co, chiếu lệ sai đúng không rõ ràng sẽ tạo môi trường cho khuyết điểm tồn tại và phát triển nặng thêm. Bởi vậy phải có thái độ khen chê đúng mức thì mới giúp cho người có khuyết điểm sữa chữa; đồng thời có ý nghĩa giúp người khác thấy đó mà đề phòng, tránh gặp khuyết điểm tương tự. Khuyết điểm sớm được sữa chữa sẽ dễ hơn khi để trở thành căn bệnh trầm kha. Vì Người cho rằng: “Người mắc khuyết điểm hôm nay, ngày mai chưa chắc đã mắc khuyết điểm. Người hôm nay chưa mắc khuyết điểm chưa chắc ngày mai cũng không mắc khuyết điểm”.

3. Tự phê bình và phê bình  muốn có hiệu quả tốt cần có phương pháp tốt. Tự phê bình và phê bình  phải “biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sữa chữa”. Tự phê bình và phê bình  phải được tiến hành trong tổ chức, chứ không phải gặp đâu nói đó. Người đứng đầu phải rất công minh, tạo được chỗ dựa tin cậy, khơi dậy được không khí dân chủ, thẳng thắn để ai cũng có thể nói rõ chính kiến của mình, không phải “thậm thà, thậm thụt” “ngồi lê mách lẻo”, “việc bé xé ra to” là nguyên nhân của sự mất đoàn kết.

4. Tự phê bình và phê bình  phải có thái độ chân tình cầu thị, nói đúng ưu điểm và khuyết điểm, phê bình phải đúng lúc, có hoàn cảnh thích hợp; phải biết lắng nghe và chờ đợi đồng chí tiếp thu để tránh việc làm cho người bị phê bình “nản chí, oán ghét”. Vì làm như vậy theo Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng khác “bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta thì ai cũng chán”.

Những tư tưởng quan trọng của Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình  trên đây, dù không có gì khó hiểu; nhưng với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và làm theo sự thật” như tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã đề ra, thì việc nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình  sẽ vô cùng có ý nghĩa trong việc triển khai Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”./.

Theo Trần Quang Trung/ baohtinh.vn
Tâm Trang
(st)
bqllang.gov.vn

Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Trải qua hơn 80 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, dạn dày kinh nghiệm, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng.

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI : Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đang được Ban chấp hành Trung ương Đảng quán triệt và triển khai thực hiện. Nghị quyết đã đánh giá tình hình công tác xây dựng Đảng trong những năm qua và chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản đẫn đến những hạn chế, yếu kém. Trong đó nhấn mạnh nguyên nhân: nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát.

Vấn đề này dã được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm, nhắc nhở cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, trong di chúc để lại cho Đảng, cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: ” Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(1). Vậy làm thế nào để Đảng ta có được điều đó? Bác đã chỉ ra : ” Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”(1). ở Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình đã trở thành một nguyên tắc không thể thiếu trong phong cách lãnh đạo của Người. Dù ở cương vị lãnh đạo cao nhất, Người vẫn thực hành tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, nêu tấm gương sáng về đức tính trung thực, thẳng thắn, về thái độ và phương pháp phê bình cho cán bộ, đảng viên noi theo.

Từ một quan niệm hết sức giản dị nhưng bao hàm tính triết lý và biện chứng sâu sắc: người đời không phải là thần thánh, không ai tránh khỏi khuyết điểm, Bác chỉ ra rằng:” Tổ chức đảng cũng vậy, Đảng không phải trên trời rơi xuống, ” Đảng là người, nên có sai lầm”, tức là cũng có lúc khoẻ mạnh, lúc ốm đau, bệnh tật. Đó là lẽ thường tình, không vì thấy ốm đau mà phát sinh tư tưởng lo sợ, bi quan, tuyệt vọng, giấu giếm bệnh tật trong mình”(2). Do đó, theo Bác có bệnh thì phải mạnh dạn, chủ động, khẩn trương, kiên trì chạy chữa. Hồ Chí Minh chỉ ra liều ” thần dược” để chữa trị các chứng bệnh trong cơ thể của tổ chức Đảng và mỗi cá nhân đảng viên là tự phê bình và phê bình : ” Tự phê bình là phương thuốc trị bệnh cứu mình, phê bình là phương thuốc trị bệnh cứu người”. Người nói: Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc, để đến nỗi bệnh càng nặng, không chết cũng “la lết quả dưa”(2).

Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên ” mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như con người cần không khí, không có không khí con người sẽ chết, không có tự phê bình và phê bình Đảng khó lòng mà tồn tại. Chủ tich Hồ Chí Minh khẳng định: ” Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình “để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng”(2).

Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất giúp Đảng ta ngày càng thêm mạnh, ngày càng phát triển, càng nâng cao hơn nữa năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Tự phê bình và phê bình giúp ta sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tiến bộ không ngừng. Bởi vậy, theo Bác, trong Đảng muốn đoàn kết chặt chẽ, ” ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình”. Có thực hành dân chủ rộng rãi thì tự phê bình và phê bình mới trở thành nền nếp thường xuyên trong sinh hoạt Đảng. Trong tác phẩm ” Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Bác viết: “Nếu cách lãnh đạo của ta không được dân chủ thì đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ không dám phê bình”.

Tự phê bình và phê bình là nhu cầu nội tại của tổ chức Đảng và đảng viên. Song sử dụng nó phải đúng mục đích thì mới có tác dụng, hiệu quả cao. Nếu sử dụng không đúng mục đích thì dù đó là vũ khí sắc bén cũng không tiêu diệt được kẻ thù, là “thần dược” cũng không trị được bệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: ” Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy phê bình mình cũng như phê bình người phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”. Do đó, tự phê bình và phê bình tức là gột rửa những thói hư tật xấu, những cái nhơ bẩn lây bám, xâm nhập vào con người chứ không phải cắt bỏ thân thể con người. Tư tưởng nhân văn, đề cao yếu tố con người của Hồ Chí Minh ở đây thật bao la, sâu sắc và chan chứa tình người. Bác Hồ đã từng phê phán: ” Ai hợp với mình thì người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng, nó làm hại đến sự thống nhất”.

Từ quan điểm xuất phát thể hiện tính dân chủ và nhân đạo cao cả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương pháp, hình thức và những yêu cầu để tiến hành tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả cao nhất:

Trước hết, phê bình phải đi đôi với tự phê bình và phê bình phải gắn liền với sửa chữa, với biểu dương khen thưởng. Nếu chỉ phê bình người khác mà không tự phê bình thì chẳng khác nào ” thầy thuốc chỉ đi chữa bệnh người khác mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa”. Tại buổi Lễ bế mạc lớp Bổ túc trung cấp (10/1947), Hồ Chí Minh đã nói: “Tự phê bình rồi lại phải phê bình người khác nữa…Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể Cụ” không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người…Thấy cái xấu của người mà không phê bình là một khuyết điểm rất to. Không phê bình, tức là để cho cái xấu của người ta phát triển”.

Tự phê bình và phê bình phải gắn với sửa chữa, tức là phải chỉ rõ ưu, khuyết điểm và phương hướng để phát huy hoặc khắc phục. Đồng thời phải gắn với động viên, khen thưởng, xử phạt rõ ràng.

Thứ hai, tự phê bình và phê bình phải đạt tới cái đích là làm rõ đúng, bảo đảm tính khách quan, trung thực, thẳng thắn và chân tình. Tự phê bình cũng như phê bình phải trung thực, không nể nang, không thêm bớt. Bác nhắc nhở: ” Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, ” trị bệnh cứu người”, chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm. Khi phê bình, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Trong lúc phê bình, khuyết điểm phải vạch rõ ràng, mà ưu điểm cũng phải nhắc đến. Một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau”.

Thứ ba, Khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải bảo đảm tính dân chủ, công khai. Công khai phân tích, nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm của mình, đồng chí mình và tổ chức đảng trước hội nghị, phê phán nghiêm khắc tình trạng ” ngồi lê đôi mách”, ” việc gì cũng không phê bình trước mặt mà để nói sau lưng”. Bác cho rằng: ” Kiểu phê bình như vậy là biểu hiện của bệnh “cá nhân””.

Tự phê bình và phê bình muốn đạt kết quả cao thì phải được tiến hành trong bầu không khí thật dân chủ, bình đẳng. Chỉ có dân chủ rộng rãi thì mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân mới tích cực, chủ động, nói thẳng, nói thật. Song mở rộng dân chủ trong tự phê bình và phê bình không có nghĩa là muốn nói gì thì nói, muốn phê thì phê. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì một cuộc tự phê bình và phê bình nghiêm túc là: ” Trong lúc thảo luận, mọi người được tự do hoàn toàn phát biểu ý kiến , dù đúng hoặc không đúng cũng vậy. Song không được nói gàn, nói vòng quanh”. ở đây, vai trò của đội ngũ cán bộ chủ chốt rất quan trọng, như Bác đã dạy: cán bộ cao cấp phải gương mẫu tự phê bình và phê bình trước.

Thứ tư, tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên, phê bình từ trên xuống và từ dưới lên, nhất là từ dưới lên, có như vậy mới đạt hiệu quả cao. Bởi vì, nếu chỉ phê bình một chiều thì như Bác so sánh cũng giống như người ” đi một chân, không thể đi được”.

Khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải đảm bảo đúng nguyên tắc, song cách thức tiến hành phải mềm dẻo, khéo léo. Nếu chỉ dùng phương pháp cứng rắn, mệnh lệnh, ép buộc thì rất khó tiếp thu. Phê bình không đúng lúc, đúng chỗ, không khôn khéo sẽ có tác dụng ngược lại thậm chí còn gây ra hậu quả khó lường bởi lẽ lời chê như một mồi lửa, lòng tự ái, kiêu căng của con người giống như một kho thuốc súng. Ngày xưa,Trang Tử cũng đã từng nói: Người chê ta phải là thầy ta, người khen ta phải là bạn ta, người nịnh hót ta là kẻ thù của ta.

Thứ năm, người và tổ chức được phê bình phải có thái độ thành khẩn, vui lòng để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét. Hết sức tránh thái độ ” giấu bệnh sợ thuốc”, bị phê bình thì im lặng, không tìm cách sửa đổi. Hồ Chí Minh gọi đó là “thái độ không thật thà, không đúng đắn” và thái độ đó sẽ dẫn đến hậu quả hết sức nghiêm trọng, bệnh ngày càng nặng thêm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Trong bất kỳ một tổ chức đảng nào, cho dù là tổ chức đảng cấp trên hay tổ chức đảng cấp dưới, bất kỳ một cá nhân đảng viên ở cương vị nào nếu không thấm nhuần tư tưởng tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cũng sẽ phạm phải những sai lầm lớn. Thực tế hiện nay, một số tổ chức đảng và đảng viên đã làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, trong các cuộc họp đã dám nói thẳng, nói thật ưu, khuyết điểm giúp tổ chức đảng và đồng chí mình phát huy, sửa chữa. Song bên cạnh đó, vẫn còn một số tổ chức đảng chưa phát huy tốt tinh thần phê và tự phê. Trong các cuộc hội nghị, cán bộ, đảng viên không dám góp ý kiến, đặc biệt là góp ý cho cấp trên, cho lãnh đạo vì sợ bị trù dập, không được thăng chức, nâng lương…Một số tổ chức đảng và đảng viên không góp ý cho tổ chức, cho đồng chí mình ngay trong cuộc họp mà lại đi nói sau lưng có tính chất ” kích động”, làm mất uy tín người khác. Bên cạnh đó vẫn còn một số cán bộ, đảng viên lợi dụng tinh thần phê và tự phê để chỉ trích, phê phán người khác với thái độ không thiện cảm, vì mục đích cá nhân” vạch lá tìm sâu”, ” chuyện bé xé ra to”, làm cho người bị phê bình không nhận ra được sai lầm để sửa hoặc có nhận ra họ cũng khó lòng mà sửa được. Bởi vậy, chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải bằng hành động thực tế, không nên hô hào, chỉ nói mà không làm hoặc nói nhiều làm ít.

Tự phê bình và phê bình là biện pháp quan trọng nâng cao trí tuệ, phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn trong Đảng, là quy luật sinh tồn và phát triển của Đảng. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi phải có tính Đảng và tính nguyên tắc cao, phải đảm bảo tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường được mối quan hệ chặt chẽ giữa đảng và quần chúng. Chủ tich Hồ Chí Minh đã tiếp thu, nghiên cứu, vận dụng và bổ sung sáng tạo quan điểm của Mác, Ăngghen, Lênin về vấn đề tự phê bình và phê bình một cách hết sức cụ thể và độc đáo. Chính vì vậy, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng nước ta đi đến thành công, xứng đáng và làm tròn vai trò lãnh tụ chính trị của giai cấp và của dân tộc. Ngày nay, khi toàn Đảng đang quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng, chúng ta càng thấm nhuần hơn tư tưởng tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này sẽ giúp chúng ta thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của đất nước, của dân tộc tới thắng lợi vẻ vang.

* Tài liệu dẫn và tham khảo:
1/ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh- NXB Chính trị quốc gia- Hà Nội- 1999.
2/ Hồ Chí Minh: Về tự phê bình và phê bình- NXB Sự thật- Hà Nội- 1986.
3/ Hồ Chí Minh toàn tập- NXB Chính trị quốc gia- Hà Nội- 1996.
4/ Xây dựng Đảng, rèn luyện đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh- NXB Quân đội nhân dân- Hà Nội- 2003.
5/ Nghị quyết số 12-NQ/TW – Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Đặng Thanh Vững
Phòng Đào tạo
truongleduan.quangtri.gov.vn


Xem Bài 1

Thật thà tự phê bình

Đảng ta là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động. Đảng lấy nguyên tắc tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta luôn luôn quan tâm và đòi hỏi các tổ chức Đảng, đảng viên phải thật thà tự phê bình và phê bình, coi đó là “thang thuốc hay nhất” để “phần tốt ở trong người nẩy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”(1).

Sau khi giành được độc lập, Nhà nước Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn chồng chất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm giáo dục cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Với bút danh Chiến Thắng, Người viết bài đăng trên Báo Cứu quốc số 5, ngày 26-9-1945 dưới nhan đề “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích”. Người yêu cầu đảng viên, cán bộ “cần phải có sự thành thực, tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi”(2), “đảng viên và cán bộ cần làm gương mẫu thật thà phê bình và tự phê bình để tự giáo dục mình và giáo dục nhân dân(3) và “cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu thật thà tự phê bình”(4). “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”(5).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình là “thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”(6). Tự phê bình và sửa chữa khuyết điểm là một cuộc đấu tranh tư tưởng giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa sự trung thực và thói man trá, giữa bản lĩnh và ươn hèn, do đó trên thực tế, nói tự phê bình thì dễ, nhưng làm thì khó vì nhiều người sợ rằng công khai thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm của mình sẽ làm mất thể diện, mất uy tín, sợ bị kỷ luật, có khi mất chức, mất quyền… do đó thường giấu giếm khuyết điểm hoặc đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, cho cấp dưới, cho đồng nghiệp hoặc người dưới quyền. Tự mình không vượt qua được chính mình, không chiến thắng được “kẻ địch bên trong” thì không thể giáo dục được quần chúng.

Đảng viên, cán bộ không thật thà tự phê bình là biểu hiện tư tưởng cơ hội, không trung thực với Đảng, không thật thà với đồng chí, đồng nghiệp. “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt, thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân”(7).

Thực hiện được tự phê bình và phê bình, tức là con người đã đạt đến trình độ làm chủ được bản thân, điều chỉnh hoạt động của bản thân và tổng hòa được các mối quan hệ xã hội một cách tự giác. Triết gia người Đức là I.Kant gọi trạng thái này là “tự luật”, nghĩa là con người hành động do sự thôi thúc tự giác của chính mình, chứ không bởi sự hối thúc của ngoại cảnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Trong kiểm thảo, phải làm cho mọi người tự động, tự giác thật thà nêu khuyết điểm của mình, thành thật phê bình anh em”(8). Thật thà tự phê bình và phê bình để gột rửa thói hư, tật xấu, hoàn thiện những khiếm khuyết về tư tưởng và hành vi, về đạo đức và lối sống, không những làm cho hình ảnh người đảng viên, cán bộ ngày càng đẹp lên trong con mắt của nhân dân, mà còn là động lực quan trọng góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Để đảng viên, cán bộ thật thà tự phê bình, trước hết cần chú trọng giáo dục, nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trau dồi phẩm chất, đạo đức, khơi dậy lòng tự trọng của mỗi cán bộ, đảng viên. Thật thà tự phê bình là trách nhiệm và là biểu hiện nhân cách cần có của người cán bộ cách mạng. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ, chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”(9).

Cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu gương mẫu thật thà tự phê bình và phê bình nghiêm túc không những sẽ nhận được tình cảm tin yêu, mến phục của quần chúng, uy tín của họ sẽ được giữ vững và nâng lên mà còn có tác dụng tích cực lôi cuốn  đảng viên, cán bộ trong đơn vị học tập, làm theo.

Ngược lại, cán bộ lãnh đạo, quản lý không gương mẫu, không thật thà và công khai tự phê bình, không vui vẻ tiếp thu phê bình, thậm chí có biểu hiện răn đe, trù dập người phê bình thì sẽ  tự đánh mất niềm tin yêu, mến phục của đảng viên và quần chúng, là môi trường thuận lợi cho chủ nghĩa cơ hội hoành hành và phát sinh những nhân tố mất ổn định. Thật thà tự phê bình là một trong những vấn đề mấu chốt, có tính đột phá góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng.

Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, ngày 28-2-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng”.

Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đòi hỏi mỗi đảng viên, cán bộ dù ở cương vị công tác nào, còn đương chức hay đã nghỉ hưu, đều phải có tinh thần tự giác rất cao, thật thà kiểm điểm tự phê bình, soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, phát huy những điều tốt đẹp, kiên quyết điều chỉnh những khiếm khuyết lệch lạc về tư tưởng chính trị, về hành vi, ứng xử trong cuộc sống hằng ngày, xứng đáng là người đảng viên chân chính, góp phần bảo vệ thanh danh cao cả của Đảng, khôi phục lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

(1)-Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, 2002, tập 10, trang 666, ,(2) tập 4, trang 26; (3) tập 6, trang 241; (4), (8) tập 6, trang 412; (5) tập 5, trang 584; (6) tập 6, trang 209; (7) tập 9, trang 228; (9) tập 10.

Theo Hồng Minh/ Báo Bắc Ninh
Tâm Trang (st)
bqllang.gov.vn

Tấm gương tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ: “Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát”(1). Nghị quyết đã đưa ra nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên và yêu cầu: “Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết, đề ra biện pháp khắc phục. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống; Các đồng chí ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế”(2); “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả”(3).

Bài viết này muốn đề cập đến tấm gương tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh để chúng ta cùng suy nghĩ, học tập, thực hiện tự phê bình và phê bình đạt kết quả tốt.

Khi nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí, cũng như người có bệnh, nếu giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng”(4). Vì vậy, Người yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh và Đảng sẽ khoẻ mạnh vô cùng”(5).

Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta rất vĩ đại, nhưng đầy khó khăn, thử thách, mới mẻ, nên sai lầm và khuyết điểm là điều không thể tránh khỏi. Đối với Đảng cầm quyền cũng vậy, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống”(6), nên Đảng có những sai lầm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sai lầm. Theo Hồ Chí Minh đó là: “Vì chúng ta kém về trình độ lý luận và về mặt nắm tình hình thực tế. Vì trong Đảng ta chưa xây dựng hẳn hoi các chế độ công tác thích hợp. Vì dân chủ nội bộ chưa thật mở rộng. Vì phê bình và tự phê bình chưa được phát huy nhất là phê bình từ dưới lên”(7).

Nói sai lầm, khuyết điểm là không tránh khỏi. Vậy thái độ của một chính Đảng cách mạng trước sai lầm của mình nên như thế nào. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có những khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm cách sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(8).  Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi, nhắc nhở mọi người, mà bản thân Người luôn luôn gương mẫu làm trước, thể hiện một sự nhất quán giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức. Hồ Chí Minh đã chân thành nhắc nhở đồng chí và các học trò của mình  không được ngần ngại trong việc góp ý cho mình. “Tôi làm điều xấu các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy lại lấy cớ “nể cụ” không nói là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần mà không nói cho người ta sửa, tức là hại người”(9). Trên tinh thần đó, Người viết bài “Tự phê bình” đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 28-01-1946. Hồ Chí Minh đã nêu lên nhiều việc lớn chưa làm được như: Các nước chưa công nhận quyền độc lập của ta; kháng chiến ở Nam bộ chưa thắng lợi; tệ tham nhũng chưa quét sạch; chính trị chưa vào nề nếp… Từ đó, Người kết luận: “Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng, những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi”(10).

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ở một vài nơi thuộc Liên khu IV cũ, một số cán bộ địa phương đã làm sai đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây ra oan ức cho đồng bào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giử thư cho đồng bào liên khu IV, trong đó Người tự nhận lỗi về mình: “Tôi phải thật thà xin lỗi những đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thực thà phê bình khuyết điểm của tôi – là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo” (11). Đây cũng là tấm gương sáng về tinh thần tự phê bình cho lãnh đạo các địa phương, các ngành, các cấp về trách nhiệm không thể thoái thác đối với những sai phạm của cán bộ dưới quyền mình.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) thảo luận về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã  tự phê bình và phê bình rất nghiêm túc là: “Đã quan liêu, không sát quần chúng, không sát thực tế, chỉ xem báo cáo, tin vào người báo cáo”. Về phương hướng sửa chữa, Người yêu cầu “Từ Trung ương đến chi bộ xã đều phải làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách; đều phải chống các tệ sùng bái cá nhân và quan liêu, mệnh lệnh; đều phải thật thà tự phê bình và phê bình thẳng thắn; đều phải thực sự dân chủ”(12). Sau này Hồ Chủ tịch đã thay mặt Đảng, Chính phủ tự phê bình và nhận lỗi trước Quốc hội và đồng bào. Đó thực sự là tấm gương sáng về tự phê bình và phê bình để cán bộ, đảng viên noi theo. Theo Người: “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm và e sợ quần chúng phê bình”(13). Đối với đa số người dân, niềm tin vào Đảng lãnh đạo, vào chế độ thường được xây dựng trên niềm tin vào đạo đức của những người cầm quyền, những cán bộ có chức, có quyền như Bác Hồ đã nói: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được, mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”(14).

Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện… Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm.

Thang thuốc đặc trị cho căn bệnh suy thoái đạo đức, lối sống lúc này chính là phải thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả, kiên quyết thực hiện theo Di chúc của Người: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng”(15).

Võ Thanh Bình
Trường Chính trị tỉnh Kon Tum
xaydungdang.org.vn

……………………………………

(1); (2); (3): NQHNTW4 Khóa XI của Đảng. (4); (5); (6); (8); (9) HCMTT – NXBCTQG H. 1995 (Tập 5. Tr 233, 239, 262, 261, 224).(7); (12) HCMTT – NXBCTQG H. 1996 (Tập 8. Tr 157; 255). (10) HCMTT – NXBCTQG H. 1995 (Tập 4. Tr 166). (11) HCMTT – NXBCTQG H. 1995 (Tập 6. Tr 65). (13) HCMTT – NXBCTQG H. 1996 (Tập 10. Tr 578). (14) HCMTT – NXBCTQG H. 1996 (Tập 7. Tr 59). (15) HCMTT – NXBCTQG H. 1996 (Tập 12. Tr 511).

Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Mỗi bước phát triển và sự trưởng thành lớn mạnh của Đảng, những thành quả cách mạng giành được đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, dù ở những tình thế khó khăn, những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, Đảng vẫn vững vàng đưa cách mạng nước ta vượt qua những cam go, những khúc quanh của lịch sử tiếp tục tiến lên. Đặc biệt trong bối cảnh thoái trào của CNXH, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ và hiện nay, với những cơn lốc xoáy suy thoái về tài chính, kinh tế toàn cầu nhưng nước ta vẫn vững vàng, giữ vững được ổn định chính trị, đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội, đời sống các mặt của nhân dân ta được cải thiện đáng kể; vị thế nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đã đạt được, thì trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng vẫn còn những hạn chế, bất cập, có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm, có những khuyết điểm, sai lầm nghiêm trọng. Nhất là khi thực hiện đường lối đổi mới, chuyển từ kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã để mặt trái của cơ chế thị trường thường xuyên tác động vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tình trạng trên, chẳng những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, tính chất sai phạm biểu hiện ngày càng nghiêm trọng hơn, với quy mô rộng hơn, không chỉ có đảng viên thường, còn có cả những đảng viên là cán bộ cao cấp giữ vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp, nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ đe dọa đến sự ổn định và phát triển của đất nước, sự tồn vong của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong đó, đánh giá về những hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Trung ương nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện vô nguyên tắc…”(1).

Với tinh thần của Đảng cách mạng, Trung ương đã nhìn thẳng vào sự thật, đề ra chủ trương, giải pháp để khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, Trung ương đã xác định lấy “Tự phê bình và phê bình (TPB và PB), nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của cấp trên” là nhóm giải pháp đầu tiên. Vì thế, hơn lúc nào hết, cần thấm nhuần và vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về TPB và PB. Bác từng chỉ rõ: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống… Đảng là người nên cũng có lúc sai lầm… Vì vậy, Đảng cách mạng cần TPB và PB như ta cần không khí”(2).

TPB và PB phải nhằm tu dưỡng phẩm chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Bởi trong hoạt động thực tiễn đa dạng và phong phú của thời kỳ quá độ, trong xã hội còn đan xen nhiều hình thái ý thức xã hội, nên phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên cũng bị tác động nhiều chiều, nhiều mặt của đời sống xã hội, cái cũ và cái mới cũng đan xen nhau. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều, hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen… vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân”(3). Người đã phân tích khá sâu sắc về tác hại của chủ nghĩa cá nhân là lấy của công vun vén cho lợi ích cá nhân, việc gì cũng lo cho lợi riêng mình, không lo cho lợi ích chung của tập thể. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa… coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền… cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm. Từ đó, Người khẳng định phải đấu tranh, phải TPB và PB để chống chủ nghĩa cá nhân. Muốn chống chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả cao thì phải bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thì mới đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

Đạo đức cách mạng không phải là bẩm sinh, vốn có mà cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, tu dưỡng một cách kiên trì, bền bỉ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện, củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(4). Theo Người, cán bộ, đảng viên là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ tuyên truyền, giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành, đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để từ đó đề ra chính sách cho đúng với nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu của thực tiễn. Vì thế cán bộ, đảng viên mà không có đạo đức tốt thì ảnh hưởng rất lớn đến quần chúng, đến uy tín của Đảng. “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”(5). Vì thế từng cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ giữ vị trí chủ chốt phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, TPB và PB, nói phải đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức và lối sống.

Chất lượng và hiệu quả của TPB và PB phải thể hiện ở hiệu suất công việc của mỗi cán bộ, đảng viên được nâng lên. Người cán bộ, đảng viên nếu chỉ có đạo đức tốt thì chưa đủ, còn phải có trình độ, năng lực để làm việc và tổ chức quần chúng hành động; thực hiện nói đi đôi với làm. Bác Hồ coi nói đi đôi với làm là nguyên tắc và chính cả cuộc đời cách mạng của mình, Người đã thường xuyên thực hành theo nguyên tắc đó. Đồng thời, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực hiện nguyên tắc đó một cách nghiêm chỉnh, không được nói suông, hứa suông. Nguyên tắc đó cũng đòi hỏi cán bộ, đảng viên: Việc gì có lợi cho dân, cho nước phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân cho nước thì hết sức tránh. Cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương kiểu mẫu về đạo đức và công việc như Bác Hồ từng chỉ rõ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”(7). Vì thế, Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên nói thì phải làm, phải thực sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Với Đảng ta, TPB và PB đã được coi là quy luật phát triển của Đảng, nhất là trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và trước thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống như hiện nay thì Đảng ta lại càng coi trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả của TPB và PB. Từ đó, khắc phục những khuyết điểm, sai lầm, chống chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện đạo đức cách mạng và lối sông trong sáng, lành mạnh, giữ gìn nhân cách của người cán bộ cách mạng và tư cách đảng viên cộng sản. Trong TPB và PB, cấp trên, trước hết là những cán bộ chủ chốt phải làm gương cho cấp dưới noi theo. Phải dám nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm TPB và PB, xem đó là cách tốt nhất để sửa mình, phát triển ưu điểm, sửa chữa những lỗi lầm, khuyết điểm để tiến bộ hơn. Từ đó, kịp thời biểu dương những cán bộ, đảng viên có phẩm chất cách mạng, đạo đức và lối sống trong sáng, tận tụy với sự nghiệp của Đảng, của dân. Đồng thời phải xử lý nghiêm và kịp thời thay thế những cán bộ, đảng viên phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống suy thoái, năng lực kém, không hoàn thành nhiệm vụ, tín nhiệm thấp, nặng chủ nghĩa cá nhân, sa vào quan liêu, tham nhũng… Có như vậy, mới giữ vững và phát huy truyền thống của một Đảng cách mạng chân chính, đã từng tôi luyện nên đội ngũ đảng viên có nhân cách toàn diện, không chỉ có lý tưởng cách mạng cao đẹp, mà còn biết hành động sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, được nhân dân tin tưởng, nguyện đi theo Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Chất lượng TPB và PB chỉ được thực hiện khi tổ chức đảng (TCĐ) trong sạch, vững mạnh, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của mình. Bởi tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, nơi trực tiếp rèn luyện, giáo dục và quản lý cán bộ, đảng viên. Đồng thời cũng là nơi tạo ra thiết chế phù hợp bảo đảm phát huy dân chủ thực sự, khích lệ tinh thần TPB và PB trong cán bộ, đảng viên. Không những thế, TCĐ còn có vai trò thông qua công tác quản lý và kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những khuyết điểm, thiếu sót của cán bộ, đảng viên để kịp thời phê bình, giáo dục, giúp cách khắc phục.

Thực tế hiện nay còn không ít TCCSĐ chưa thực sự vững mạnh, thậm chí yếu kém, dẫn đến chưa phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở; tính giáo dục và chiến đấu trong sinh hoạt đảng cũng như thực hiện nguyên tắc TPB và PB có nhiều hạn chế. Đúng như Hội nghị Trung ương 4, khóa XI nhận định: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít TCĐ còn thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nề nếp, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, TPB và PB yếu”.(8)

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt”(9). Xây dựng được chi bộ tốt hay nói như hiện nay là xây dựng được TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, sẽ tạo được sự đồng thuận và môi trường dân chủ thật sự trong Đảng để giải quyết tôt mọi công việc. Theo đó, TCĐ đủ sức để phát huy vai trò hạt nhân chính trị của mình; đủ sức quản lý, giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Có thể nói, chấn chỉnh tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên chính là nhân tố quan trọng bảo đảm nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nâng cao chất lượng và hiệu quả TPB và PB theo Tư tưởng Hồ Chí Minh và tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.

Ths. Đinh Phú Cường
Học viện Chính trị
xaydungdang.org.vn

————————–

(1,6) Văn kiện Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, NXBCTQG tr.24,29,32. (2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXBCTQG H.1995, tr.165; (3) Sđd, tập 9, tr.283, (4) Sđd, tập 5, tr.252-253; (5) Sđd, tập 7, tr.480; (7) Sđd, tập 3, tr.263; (8) Văn kiện Đại hội Đảng khóa XI, NXBCTQG-ST, H.2011, tr.174; (9) Sđd, tập 10, tr.532.

Tự phê bình và phê bình phải là vũ khí sắc bén

QĐND – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giáo dục cán bộ, đảng viên nắm chắc, khéo sử dụng vũ khí tự phê bình – phê bình và sửa chữa để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố chính quyền. Người khuyên: “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động đúng đắn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu vấn đề và tự giải đáp: “Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Internet

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình – phê bình thật dễ hiểu và dễ thực hiện. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc giải phóng dân tộc…, tự phê bình – phê bình được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện đúng đắn, nghiêm túc. Đây là vũ khí sắc bén, góp phần quan trọng nâng cao lòng yêu nước, tinh thần và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trước vận mệnh đất nước, đã làm nên những chiến thắng huy hoàng của dân tộc ta.

Tuy nhiên, hiện nay việc hiểu và thực hiện tự phê bình và phê bình ở một số địa phương, đơn vị, một số bộ, ngành, đang có những biểu hiện không đúng đắn. Chẳng hạn, có những kẻ, trước các kỳ đại hội, hoặc bổ nhiệm, thì tung tin, dựng chuyện cho “đối thủ”, rồi lợi dụng tự phê bình – phê bình hạ thấp uy tín để tranh chức, đoạt quyền. Đó đây vẫn còn biểu hiện tự phê bình và phê bình mang tính hình thức, tự phê bình thì nói về thành tích thật to lớn, sâu sắc, nhưng đề cập đến khuyết điểm chỉ kể ra cho gọi là có. Khi phê bình cấp trên, thì toàn nói về những khuyết điểm xét về hình thức có vẻ nghiêm trọng, nhưng thực chất là sự nịnh nọt, tâng bốc lẫn nhau, nhất là những kẻ cơ hội về chính trị… Chính vì vậy, các thế lực thù địch đã lợi dụng để ra sức tuyên truyền, xuyên tạc một cách hiểm độc về tư tưởng tự phê bình – phê bình của Hồ Chí Minh. Một mặt chúng cho rằng, tự phê bình và phê bình chỉ là công cụ để tranh giành quyền, chức trong bộ máy Đảng và chính quyền các cấp. Mặt khác, chúng tìm mọi cách lôi kéo, móc nối với những kẻ cơ hội trong Đảng sử dụng tự phê bình – phê bình để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta, nhằm thực hiện những ý đồ đen tối.

Để góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch và phát huy tốt hiệu quả của vũ khí tự phê bình và phê bình, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên và hiệu quả tự phê bình – phê bình. Trong đó tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, phải tổ chức học tập và quán triệt lại một cách nghiêm túc, sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình – phê bình.

Thứ hai, tổ chức hoạt động tự phê bình và phê bình trong các cấp bộ Đảng, chính quyền, nhất là cấp cơ sở một cách thường xuyên, liên tục và hiệu quả. Đây là giải pháp có tầm quan trọng bậc nhất và mang ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng Đảng, Nhà nước và quân đội ta trong sạch, vững mạnh.

Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa tự phê bình và phê bình với cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham ô, tham nhũng nhằm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện tốt giải pháp này cùng một lúc đạt được các mục tiêu sau: Giảm thiểu được những thiếu sót, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong bộ máy Đảng và chính quyền các cấp, trong thi hành công vụ: Phát hiện sớm các biểu hiện tham ô, tham nhũng, nhờ đó giảm thiểu tổn thất về tài sản và tiền bạc của Nhà nước và nhân dân, đồng thời, bảo vệ được cán bộ, đảng viên và uy tín của Đảng, Nhà nước: Hạn chế tối đa những kẽ hở, không để các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá.

Tóm lại, tự phê bình – phê bình là hoạt động mang tính tất yếu, thường xuyên, liên tục của một đảng cầm quyền như Đảng ta. Có làm tốt hoạt động này, thì Đảng mới vững mạnh, mới hoàn thành sứ mệnh của một đảng cầm quyền, lãnh đạo cách mạng nước ta đi đến thắng lợi.

Đại tá, PGS, TS Hoàng Minh Thảo
qdnd.vn

Gắn kiểm tra, giám sát với tự phê bình và phê bình

Nhằm kết hợp hiệu quả giữa công tác kiểm tra, giám sát với tự phê bình và phê bình (TPB và PB) cần thực hiện tốt mấy vấn đề sau: Thống nhất nhận thức về kết hợp công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng gắn với tự phê bình và phê bình. Củng cố, kiện toàn ủy ban kiểm tra các cấp vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ năng lực, trình độ, công tâm và trách nhiệm. Coi trọng chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, gắn kiểm tra giám sát với TPB và PB.

Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Bên cạnh sự tự giác thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Công tác này nhất thiết phải gắn bó mật thiết với TPB và PB một cách nghiêm túc. Lề lối làm việc phải dân chủ, cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, cấp dưới phải phê bình cấp trên. Giúp nhau kinh nghiệm và sáng kiến, giúp nhau tiến bộ. TPB và PB nhau theo tinh thần nhân ái và lập trường cách mệnh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác kiểm tra là bộ phận cấu thành quan trọng của công tác xây dựng đảng, được tiến hành dựa trên các nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng nhưng đồng thời phải làm tốt công tác TPB và PB. Trên cơ sở các nguyên tắc, Điều lệ Đảng về xử lý kỷ luật trong Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: phải gắn kết chặt chẽ, phát huy cao độ vai trò công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng theo Điều lệ Đảng trên cơ sở TPB và PB, lấy giáo dục thuyết phục, cảm hóa là chính, giúp đồng chí mình tiến bộ, giúp tổ chức đảng lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong giai đoạn cách mạng mới, trước những yêu cầu đặt ra từ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhằm không ngừng kiện toàn và nâng cao sức lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, đấu tranh thắng lợi trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên mặt trận chính trị tư tưởng, đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng càng phải gắn bó mật thiết với công tác TPB và PB. Việc kết hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra giám sát trong Đảng với công tác TPB và PB sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng đảng, xây dựng ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống cho mỗi cán bộ, đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu; nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng.

Nhằm kết hợp hiệu quả giữa công tác kiểm tra, giám sát với TPB và PB, cần thực hiện tốt mấy vấn đề sau:

Một là, thống nhất nhận thức về kết hợp công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng gắn với tự phê bình và phê bình.

Đối với đảng viên, cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ phụ trách công tác kiểm tra, giám sát, các tổ chức đảng và các cấp ủy cần phải có nhận thức đúng về sự kết hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát với TPB và PB. Đây còn là một trong những nguyên tắc trong công tác lãnh đạo của Đảng. Lãnh đạo ở đâu, lĩnh vực gì, nhiệm vụ nào đều phải gắn liền công tác kiểm tra giám sát ở lĩnh vực, nhiệm vụ đó.

Công tác kiểm tra, giám sát ở các tổ chức cơ sở đảng phải được tiến hành theo nguyên tắc Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của ủy ban kiểm tra cấp trên. Quá trình kiểm tra, giám sát phải gắn với TPB và PB để giáo dục, thuyết phục, uốn nắn đảng viên, cán bộ, định hướng công tác lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, tạo điều kiện phát huy dân chủ trong Đảng, giữ vững nguyên tắc và chế độ sinh hoạt đảng, làm cho Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo hoàn thành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Công tác kiểm tra, giám sát gắn với TPB và PB là nhằm làm cho tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, cán bộ, đảng viên luôn giữ vững định hướng chính trị, nhận thức tư tưởng, trau dồi phẩm chất đạo đức trong sáng. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách dân chủ, đúng nguyên tắc, gắn với tự trọng, tự giác trong TPB và PB.

Hai là, củng cố, kiện toàn ủy ban kiểm tra các cấp vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ năng lực, trình độ, công tâm và trách nhiệm.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong công tác kiểm tra, giám sát đòi hỏi phải làm tốt công tác củng cố kiện toàn cơ cấu ủy ban kiểm tra các cấp, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát đủ về số lượng và có năng lực và trình độ hoàn thành nhiệm vụ chức trách được giao.

Trước khi bắt đầu cho một nhiệm kỳ mới, các tổ chức đảng từ Trung ương tới cơ sở phải làm tốt công tác củng cố, kiện toàn ủy ban kiểm tra các cấp. Chức năng, nhiệm vụ của uỷ ban kiểm tra phải được xác định phù hợp với tính chất nhiệm vụ lãnh đạo của từng tổ chức đảng cụ thể. Điều đó cũng có nghĩa, ủy ban kiểm tra các cấp và đội ngũ cán bộ đảm trách công tác kiểm tra, giám sát phải được kiện toàn đồng bộ, ngang tầm với tính chất nhiệm vụ được giao. Yêu cầu đặt ra là: Đối với người cán bộ làm công tác kiểm tra phải tận tụy, công tâm, trung thực, liêm khiết, khách quan, dân chủ, có lý có tình, kiên quyết và khôn khéo; đối với ủy ban kiểm tra các cấp là sự dân chủ, đoàn kết, thống nhất, kỷ cương trên cơ sở các nguyên tắc được quy định trong Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Người cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát cũng như uỷ ban kiểm tra cần chủ động, đồng bộ, sâu sát, tỉ mỉ, khách quan, thận trọng trong mọi khâu, mọi bước của công việc kiểm tra, giám sát, đảm bảo tính công minh, chính xác, kịp thời.

Ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ đảm trách công tác kiểm tra, giám sát phải đóng vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra được lựa chọn phải thường xuyên học tập, tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, tự kiểm tra, giám sát mình và chịu sự giám sát, phê bình của cấp ủy, chi bộ và quần chúng; ra sức nâng cao trình độ mọi mặt, mẫn cán, nhạy cảm, tinh thông nghiệp vụ.

Ba là, coi trọng chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, gắn kiểm tra giám sát với TPB và PB .

Công tác kiểm tra được tiến hành theo phân cấp, cấp trên kiểm tra cấp dưới, ủy ban kiểm tra cấp ủy cùng cấp kiểm tra đảng viên thuộc quyền về chấp hành nguyên tắc, chế độ, phục tùng kỷ luật Đảng và thực hiện nghị quyết các cấp. Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành trên cơ sở nguyên tắc và Điều lệ Đảng. Trong đó, TPB và PB là nguyên tắc cơ bản trong sinh hoạt đảng mà các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên phải tự giác chấp hành. Việc kết hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát với TPB và PB là một giải pháp khoa học nhằm tăng cường sức mạnh và nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng, chủ động cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm và giải quyết dứt điểm các vụ việc trên cơ sở nguyên tắc Điều lệ Đảng.

Trung tá, Thạc sĩ Nguyễn Minh Đức
Trường Đại học Nguyễn Huệ
xaydungdang.org.vn

Trở về với Bác Hồ

Lãnh đạo các cấp ở trung ương và địa phương đang tự phê bình và phê bình. Từ lâu đã tắm từ vai, nay gội đầu rửa mặt thì thân thể mới nhẹ nhõm, thư thái đầu óc mới minh mẫn, trong sáng, cũng như cái nhà trước hết phải củng cố cái nóc, nhà dột thì bên trong dù tiện nghi sang trọng cũng ẩm mốc, mục nát hết, con người dù cường tráng, thông minh cũng dễ nhiễm bệnh, yếu hèn.

Thua lỗ nợ nần hàng trăm nghìn tỷ đồng, kéo theo tham nhũng,
lãng phí, mất mát cán bộ ở một số tập đoàn,
tổng công ty nhưng vẫn không ai chịu trách nhiệm
Ảnh: T.L

Từ xa xưa, dân ta vẫn nói “Quan đần, dân khổ, quan tham dân càng khổ.” Còn ngày nay, đổi mới, đi lên xã hội chủ nghĩa xã hội, quan đần cũng vẫn có, cụ thể là ở trung ương và địa phương đâu cũng có hiện tượng “người kém lại lãnh đạo người giỏi. Còn quan tham thì như báo chí đã nhận xét “đụng đến đâu cũng có tham nhũng”.

Hiểu rõ hiện tình đất nước như vậy mới thấy đợt tự phê và phê lần này của lãnh đạo các cấp, đặc biệt lãnh đạo trung ương, cơ quan đầu não có tầm quan trọng hết sức đặc biệt, trực tiếp liên quan đến sự tồn vong của chế độ, đến sự tồn tại của Đảng. Kết quả như thế nào còn phải chờ đợi nhưng đông đảo dân và cán bộ đã tỏ ra lạc quan, chỉ mong lãnh đạo các cấp học Bác Hồ, làm theo Bác, thế thôi, cũng đủ để dân được nhờ. Lại có mong ước cụ thể hơn, nghiêm khắc hơn, “lãnh đạo các cấp, lãnh đạo trung ương trở về với Bác Hồ”. “Trở về” vì bên cạnh thường xuyên học tập Bác làm theo Bác, cũng có lúc đã xa Bác, xa rời Tư tưởng Hồ Chí Minh là dân khổ, nước nghèo. Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Mặt trận bị thu hẹp, không còn kinh tế tư nhân, chỉ còn kinh tế quốc doanh và tập thể, hơn 10 năm trong cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, cả nước chịu đói nghèo. Đổi mới tại Đại hội Đảng lần thứ VI, đại đoàn kết dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc lại được thực hiện, ấm no hạnh phúc lại trở lại. Hoặc chưa xa Bác nhưng thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh chưa trọn vẹn, triệt để cũng rất cần tự kiểm điểm thành khẩn lấy Tư tưởng Hồ Chí Minh là điểm tựa vững chắc để Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Đợt tự phê bình và phê bình của lãnh đạo trung ương rất thiết thân với nhân dân vì mọi quyền lực nhân dân đã trao cho Đảng. Mấy năm gần đây nhân dân ngày càng lo lắng, không yên vì quyền lực ấy có vẫn còn toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân không khi tham nhũng, lãng phí không chỉ tiếp tục tăng và lan rộng, mà còn càng trở nên công khai, trắng trợn. Đặc biệt kỷ cương phép nước không còn nghiêm, thua lỗ nợ nần hàng trăm nghìn tỷ đồng, kéo theo tham nhũng, lãng phí, mất mát cán bộ ở một số tập đoàn, tổng công ty nhưng vẫn không ai chịu trách nhiệm. Trong dân ở đâu cũng đặt câu hỏi “Vậy thì gây tổn thất cho ngân sách nhà nước trầm trọng đến đâu mấy vị ấy mới chịu từ chức”. Ai cũng thừa biết, ở một số nước khác mà phạm tội như thế thì miễn bàn, không từ chức cũng bị cách chức ngay. Qua những sự việc cụ thể này mới thấy nhân dân nhiều nước, quyền lực đã được những người lãnh đạo do dân bầu thực thi nghiêm chỉnh quyết liệt, lãnh đạo càng lên cao gây tổn thất khoảng trên dưới một nghìn đô la Mỹ đã bị mất chức, còn ở nước ta gây tổn thất một triệu đô la Mỹ cũng vẫn an toàn tại chức, tiếp tục lên chức và chẳng xin lỗi nhân dân một câu; dân tình bị coi thường đến như vậy, quyền lực của dân có còn nữa không? Trên đã không nghiêm thì đương nhiên dưới cũng không nghiêm “trên nói dưới không nghe” vì trên thiếu gương mẫu. Nhân dân thấy quyền lực của mình đang bị nhiều người lãnh đạo buông lỏng, thậm chí một số người biến chất, tham nhũng đương chức đương quyền tận dụng quyền lực để bao che cho nhau và dựa vào tổ chức Đảng, đoàn thể trong ngành và cơ quan thuộc quyền để vu oan, gán tội cho người tốt dám đấu tranh là “bôi nhọ lãnh đạo, chống lãnh đạo” để trừng phạt người tốt. Người dũng cảm, “gặp sự bất bình chẳng thể tha” thường đơn độc, trơ trọi dù ở bất cứ cơ quan nào, người tốt, trung thực cũng là số đông nhưng không dám đứng về phía người dám đơn độc bảo vệ Đảng, sợ bị trù dập chưa nói đời sống khó khăn có thể còn bị mất lương, mất chức nên đành nhìn người tốt chịu tội.

24 năm đứng đầu Nhà nước, đứng đầu Đảng cầm quyền, vấn đề dân ủy quyền cho Đảng, mọi quyền lực đều do Đảng cầm quyền nắm giữ bao giờ cũng là vấn đề được Bác Hồ quan tâm nhiều nhất và có một sự chú ý thường xuyên hết sức đặc biệt. Khi quyền lực thuộc về đông đảo quần chúng nhân dân và những người đại biểu của nhân dân được giao cho nắm quyền lực không những là những người lãnh đạo mà còn là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân thì quyền lực sẽ phát huy mặt tích cực của nó. Ngược lại, khi quyền lực chỉ phụ thuộc vào một số ít người, thậm chí chỉ thuộc về một người, trở thành độc tài, chuyên chế thì tất cả những tiêu cực xấu xa của quyền lực sẽ lập tức bộc lộ. Bác Hồ đã nhìn thấy vấn đề cốt lõi của cách mạng là vấn đề chính quyền, vấn đề quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước thuộc về ai. Đảng cầm quyền chỉ có mục đích đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân như Bác Hồ thường nhấn mạnh “quyền lực chỉ thuộc về nhân dân”, bất cứ lúc nào chệch hướng, vô tình hay cố ý không thấy chỉ nhân dân mới được làm chủ đất nước thì quan liêu, cửa quyền, tham ô, lãng phí…. xuất hiện ngay và nạn nhân chỉ là dân.

Ta tiến nhưng chậm, ta đổi mới nhưng chưa triệt để chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại vẫn bao cấp nặng nề, vẫn chưa có cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, vẫn phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, cái cũ đã níu kéo làm cho ta đến nay mới gia nhập hàng ngũ nước có thu nhập trung bình trong khi một số nước khác từng là thuộc địa như ta đã và đang trở thành nước công nghiệp. Ta thua kém thiên hạ, nguyên nhân hàng đầu được nhân dân nói đến đã lâu, đến nay càng trở nên sâu sắc: bộ máy nhà nước rất thiếu người có thực tài, phẩm chất và năng lực trọn vẹn, thiếu đến nỗi gần đây cả ở địa phương và trung ương đều có hiện tượng khá phổ biến người kém lại lãnh đạo người giỏi. Người tài đức không thiếu nhưng không được trọng dụng chỉ vì ngoài Đảng. Lãnh đạo các cơ quan nhà nước ở trung ương, lãnh đạo UBND các cấp xã phường, huyện, quận, tỉnh, thành phố đều là đảng viên. Cái giá quá đắt dân tộc ta phải trả là với bộ máy nhà nước quá thiếu người tài giỏi, nền kinh tế ta yếu kém và nhân dân ta còn nghèo là tất nhiên. Một bi kịch lớn với chúng ta khi những người tài giỏi chỉ có thể phát huy tài năng ở nước ngoài, góp phần làm giàu cho nước ngoài và vẫn chưa có thể thi thố tài năng ở chính Tổ quốc mình. Người ngoài Đảng ở nước ta hiện nay khoảng 84 triệu, trong đó có nhiều người đức, tài trọn vẹn chưa được trọng dụng. Không ít người Việt ở nước ngoài không những được tin dùng còn giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước của thiên hạ. Nước Đức nền kinh tế phát triển nổi tiếng thế giới, đã giao chức Bộ trưởng Bộ Y tế cho một trí thức Việt Nam. Tổng lãnh sự Mỹ ở TP. Hồ Chí Minh là một người Việt Nam. Trung tá chỉ huy một chiến hạm Mỹ thăm TP. Hồ Chí Minh là một người Việt Nam. Trong đoàn của Tổng thống Pháp Mitterand sang thăm Việt Nam có hai trí thức Việt Nam. Đồng chí Đặng Hữu, Nguyên Trưởng ban Khoa giáo đã kể lại, báo chí Pháp đưa tin, không có người Việt thì ngành tin học ở Pháp sẽ suy sụp. Còn ở Thung lũng Silicon – khu công nghệ cao của Mỹ lớn nhất thế giới – có hơn một vạn người Việt Nam làm công nghệ thông tin, nhiều người giữ những vị trí quan trọng trong các hãng lớn của Mỹ, có người được trả lương 500 đôla Mỹ một giờ.

Từ lâu trong đông đảo cán bộ và nhân dân, nhiều người vẫn kiên trì đề nghị chọn lựa cán bộ vào các cơ quan lãnh đạo bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương cần thực hiện như khi Bác Hồ còn là Chủ tịch nước, chỉ căn cứ vào hai tiêu chuẩn đức và tài. Với Bác, hễ là người Việt Nam ai cũng yêu nước và đã yêu nước thì việc gì cũng làm được kể cả tham gia bộ máy nhà nước được giao chức vụ tương xứng với tài và đức, ngoài ra không còn tiêu chuẩn nào khác. Cơ sở xã hội của Nhà nước ta là dân tộc. Nhà nước càng lớn mạnh càng phải dựa vào cơ sở đó. Đoàn kết dân tộc trong bộ máy nhà nước là rất quan trọng, thước đo để thấy có đoàn kết không là căn cứ vào những người có thực tài, năng lực, phẩm chất vững vàng có được tin dùng không? Nếu không được tin dùng chỉ vì thành phần lý lịch hoặc chưa là đảng viên là hoàn toàn ngược với tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước. Những năm Bác Hồ là Chủ tịch, bộ máy nhà nước lúc nào cũng rộng mở để đón mọi người có đức có tài. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyền Chủ tịch nước là cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhân sĩ ngoài Đảng khi Bác Hồ sang Pháp, bốn tháng theo lời mời của Chính phủ Pháp; Chủ tịch Quốc hội là cụ Nguyễn Văn Tố, cũng là nhân sĩ ngoài Đảng; lần đầu tiên phong tướng trong quân đội ta, ngay sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Trung tướng Nguyễn Bình, lúc đó chưa là đảng viên. Đoàn kết trong bộ máy nhà nước lúc nào cũng là sự sát cánh của những lãnh đạo, những quan chức có năng lực quản lý đất nước, biết làm giàu cho đất nước và thấm nhuần tư tưởng của Bác nên đã thành thói quen chẳng bao giờ phải bận tâm bàn đến trong hay ngoài Đảng.

Sau khi đất nước độc lập và thống nhất, bộ máy nhà nước không còn rộng mở. Riêng hai tiêu chuẩn thành phần lý lịch và đảng viên đã hạn chế nhiều người có thực tài. Có lãnh đạo cho là đảng viên đều đã được thử thách, rèn luyện nên tăng cường đảng viên cho bộ máy nhà nước là cách tốt nhất để bộ máy trong sạch vững mạnh. Cố vấn Phạm Văn Đồng lại có ý kiến khác. Ngày 19-5-1999, nhân có Cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, báo Nhân dân đã đăng trang trọng trên trang nhất bài báo cuối cùng của Cố vấn Phạm Văn Đồng đầu đề “Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”. Xin trích một đoạn: Chúng ta thường được báo cáo rằng chất lượng tổ chức của Đảng và đảng viên là trong sạch, lành mạnh chiếm đến 70 – 80%. Nhưng thực sự đâu có vậy, đảng viên một phần không nhỏ không có phẩm chất chính trị, tư tưởng và tác phong của người cộng sản.

Tôi muốn đặc biệt nêu bật ba điểm rất quan trọng: về quan hệ của Đảng với công nhân, thành phần công nhân trong Đảng không nhiều. Về quan hệ của Đảng với tầng lớp trẻ, là số đông của dân cư nước ta, lớp trẻ không tha thiết vào Đảng. Về quan hệ của Đảng với trí thức, hiện nay trí thức cũng không quan tâm đến việc gia nhập Đảng. Ba lớp người này không muốn vào Đảng bởi vì họ thấy nhiều tổ chức Đảng và đảng viên chưa xứng đáng là đảng viên cộng sản, chưa xứng đáng với Đảng của Hồ Chí Minh”.

Những ý kiến trên đây của Cố vấn Phạm Văn Đồng càng nhắc nhở chúng ta, không nên tồn tại mãi đến hiện nay tình trạng chính quyền cấp xã, phường, huyện, quận, tỉnh, thành phố lên đến các thành viên Chính phủ đều là đảng viên, trong khi Nhà nước, chính quyền ta là của dân, do dân, vì dân. Mấy Đại hội Đảng vừa qua, góp ý kiến với Đại hội, vấn đề người ngoài Đảng tham gia lãnh đạo bộ máy nhà nước liên tiếp được nêu lên trên báo chí. Một số lão thành cách mạng trả lời báo chí về xây dựng Đảng cũng đề nghị chọn người vào các cương vị lãnh đạo Nhà nước không nên có tiêu chuẩn đảng viên.

Khi có đợt tự phê bình và phê bình của lãnh đạo các cấp, đặc biệt của lãnh đạo trung ương, nhiều người có suy nghĩ giống nhau, đây là dịp tốt nhất để một lần nữa và chắc chắn lần này mong ước thiết tha, khắc khoải từ lâu của mọi người sẽ được đáp ứng, bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp sẽ mở rộng cửa để thu hút mọi hiền tài và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiêu chuẩn để chọn người tham gia lãnh đạo bộ máy nhà nước đúng như Bác Hồ đã đề ra từ khi Nhà nước dân chủ cộng hòa vừa ra đời là Đức và Tài, Năng lực và Phẩm chất.

Thái Duy
daidoanket.vn

Tự phê bình và phê bình (14-6-1955)

Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng.

Cho nên đảng viên và cán bộ cần phải nâng cao giác ngộ tư tưởng ngǎn ngừa tự đại tự cao, mạnh dạn công khai tự phê bình, vui vẻ tiếp thụ lời phê bình của người khác.

Đối với tự phê bình và phê bình, có 3 thái độ khác nhau:

– Những đồng chí giác ngộ chính trị cao thì tự phê bình rất thật thà và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm. Khi phê bình người khác, các đồng chí ấy thành khẩn, nhẫn nại, giúp đỡ họ sửa chữa. Đối với những kẻ sai lầm rất nặng mà lại không chịu sửa đổi, thì các đồng chí ấy đấu tranh không nể nang.

Chúng ta phải học tập tinh thần và tác phong của các đồng chí ấy.

– Có một số ít người thì phê bình, giáo dục mấy cũng cứ ỳ ra, không chịu sửa đổi.

Đối với hạng người này, chúng ta cần phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Đảng, để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”.

– Thái độ của một số khá đông cán bộ là: Đối với người khác thì phê bình đúng đắn, nhưng tự phê bình thì quá “ôn hoà”. Các đồng chí ấy không mạnh dạn công khai tự phê bình, không vui lòng tiếp thụ phê bình – nhất là phê bình từ dưới lên, không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của mình, thường tìm những “khó khǎn khách quan” để tự biện hộ. Nói tóm lại: Đối với người khác thì các đồng chí ấy rất “mác xít”, nhưng đối với bản thân mình thì mắc vào chủ nghĩa tự do.

Nói chung, các đồng chí ấy rất trung thành với Đảng, với nhân dân; nhưng tư tưởng và tác phong chưa thuần, đang mang một ba lô chủ nghĩa cá nhân hoặc nặng hoặc nhẹ. Họ sợ mất “thể diện”, mất “uy tín”. Họ quên rằng không thực hiện tự phê bình và phê bình, thì nhiều khuyết điểm nhỏ sẽ cộng thành khuyết điểm to, nó sẽ rất tai hại cho công tác.

Chúng ta phải giúp đỡ các đồng chí này. Các tổ chức của Đảng thì cần mở rộng dân chủ nội bộ, thực hiện thường xuyên tự phê bình và phê bình – nhất là phê bình từ dưới lên. Toàn thể đảng viên – trước hết là các cán bộ phụ trách – phải làm gương mẫu tự phê bình và phê bình.

C.B.

—————————–

Báo Nhân dân, số 468, ngày 14-6-1955.
cpv.org.vn

Có phê bình phải có tự phê bình (4-7-1955)

Báo Nhân dân thường đǎng những bài của bạn đọc hoặc của phóng viên nhà báo phê bình khuyết điểm trong công tác của một số ngành và địa phương. Nói chung nhiều ý kiến phê bình đều có cǎn cứ và những vấn đề phê bình đều là những vấn đề có quan hệ đến đời sống nhân dân và công tác của Nhà nước.

Song phê bình không phải để có phê bình mà cần phải đi đến sửa chữa những khuyết điểm đã nêu ra nếu những khuyết điểm đó đúng. Sau khi báo nêu ý kiến phê bình đã có một số địa phương và cơ quan tự phê bình công khai trên báo và đề ra phương pháp sửa chữa khuyết điểm, như gần đây Tỉnh uỷ Cao Bằng đã gửi bài tự kiểm thảo đǎng báo. Đó là một điều rất tốt. Nhưng cũng còn nhiều việc phê bình nêu lên báo rồi không thấy những cơ quan hay địa phương có vấn đề lên tiếng, như đối với bài phê bình Tỉnh uỷ Thanh Hoá coi nhẹ lãnh đạo sản xuất, nhà ga Hà Nội có những hiện tượng lãng phí, v.v..

Mong rằng các cơ quan hay địa phương có những vấn đề báo đã nêu lên nên phát biểu ý kiến, nói rõ chỗ nào báo phê bình đúng, chỗ nào sai, và có khuyết điểm thì phải sửa chữa như thế nào. Có như thế thì phê bình mới có ích.

H.B.

——————————-

Báo Nhân dân, số 488, ngày 4-7-1955.
cpv.org.vn