(GD&TĐ) – Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo quân và dân cả nước đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Tiếp tục đọc
Thư viện
Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua ảnh (Kỳ 2)
(GD&TĐ) – Tháng 9/1945 câu kết với các đế quốc Mỹ, Anh và bọn phản động Quốc dân Đảng Trung Quốc, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, âm mưu xóa bỏ mọi thành quả của Cách mạng tháng Tám. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta vừa đánh trả bọn thực dân Pháp xâm lược ở miền Nam, vừa đối phó với bọn phản động Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc. Tiếp tục đọc
Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua ảnh (Kỳ 1)
(GD&TĐ) – Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình trí thức yêu nước ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tiếp tục đọc
Tầm vóc lịch sử và hiệu ứng xã hội của Cách mạng tháng Tám năm 1945
(TCTG) – Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của cuộc cách mạng làm thay đổi số phận của cả một dân tộc. Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân ta đã vùng dậy, lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc và phong kiến, lập nên chính quyền cách mạng do nhân dân làm chủ trong cả nước, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập tự do. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi cùng với bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và tuyên đọc đã khai sinh ra chế độ Dân chủ cộng hòa của Việt Nam. Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, chế độ thực dân phong kiến bị xóa bỏ, từ đây, Tổ quốc được độc lập, dân tộc và nhân dân ta được hưởng quyền tự do, hạnh phúc.
Ngót một thế kỷ với ách thống trị tàn bạo của đế quốc thực dân, nhân dân ta sống trong cảnh bị đọa đầy, đau khổ, bị chìm đắm trong những đêm dài tăm tối… đã chấm dứt. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thực sự là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại làm thay đổi số phận của cả một dân tộc, đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ tới tự do và làm chủ. Giải phóng để phát triển, giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc, mở ra những tiền đề và điều kiện để dân tộc ta chẳng những hồi sinh mà còn vững bước đi tới tương lai, trên con đường lớn của lịch sử Độc lập – Tự do và Hạnh phúc.
Là một cuộc cách mạng kiểu mới và điển hình trong một xã hội thuộc địa thực dân nửa phong kiến, Cách mạng tháng Tám, năm 1945 của Việt Nam được cổ vũ và chịu ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng tháng Mười Nga, năm 1917 và thời đại mới do chính cuộc cách mạng đó sinh thành. Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng chống đế quốc thực dân và phong kiến, đập tan mọi xích xiềng nô lệ, khẳng định những quyền cơ bản thiêng liêng của con người – quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Cách mạng đã thực hiện những quyền đó trên nền tảng của quyền tự quyết dân tộc, độc lập chủ quyền của dân tộc là cơ sở để thực hiện các quyền tự do, dân sinh và dân chủ của con người.
Tuyên ngôn Độc lập trở thành một văn kiện chính trị – pháp lý và thấm nhuần sâu sắc các giá trị nhân văn của thời đại mới đề cao dân chủ và tự do, công bằng và bình đẳng xã hội. Với con người – đó là quyền được tồn tại thực sự xứng đáng với những con người tự do, quyền được phát triển như một chủ thể nhân cách sáng tạo, ở đó, phẩm giá làm người được tôn trọng và những đè nén, áp bức, bất công làm nhục con người, thống trị dân tộc trong tình cảnh nô lệ bị xóa bỏ. Đi vào lịch sử và sống mãi với thời gian, Tuyên ngôn Độc lập gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, với ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bản Tuyên ngôn ấy thực sự là Tuyên ngôn Lập quốc, Tuyên ngôn Dựng nước của dân tộc Việt Nam trong thời hiện đại. Nó kế thừa truyền thống anh hùng, bất khuất của ông cha ta qua mọi triều đại, nó tiếp nối và phát triển sức sống mãnh liệt, giá trị và bản sắc văn hóa cũng như bản lĩnh chính trị của dân tộc ta qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước để làm thăng hoa trí tuệ và tâm hồn Việt Nam, chân lý và đạo lý Việt Nam trong kỷ nguyên độc lập tự do, trong thời đại mới mang tên Thời đại Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Tuyên ngôn Độc lập mang tinh thần cách mạng triệt để, thấm đượm một triết lý phát triển đồng thời là thông điệp phát triển của Việt Nam trong thời đại mới. Đó là một áng thiên cổ hùng văn tiếp nối liền mạch với các áng thiên cổ hùng văn trước đó của ông cha ta với những âm hưởng hào sảng của Lý Thường Kiệt, dũng khí mãnh liệt của Trần Quốc Tuấn, trí tuệ và nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, trù tính định liệu việc lớn để an dân trị quốc của Nguyễn Huệ – Quang Trung.
Cách mạng tháng Tám đã dẫn tới Tuyên ngôn Độc lập và Tuyên ngôn Độc lập đã tổng kết và nâng cao tầm vóc của cuộc Cách mạng vĩ đại này, không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn có vị trí và ý nghĩa xứng đáng trong lịch sử chính trị thế giới hiện đại. Lịch sử càng lùi xa, những tư tưởng, giá trị và những bài học kinh nghiệm của các cuộc cách mạng chân chính do sức mạnh đoàn kết và sáng tạo của nhân dân làm nên càng trở nên sâu sắc và sống động.
Nhớ lại hơn 80 năm về trước, khi Đảng còn chưa ra đời, cách mạng còn đang ấp ủ những mầm mống sinh thành, trong tác phẩm nổi tiếng “Đường Kách mệnh” (1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: Cách mệnh là phá cái cũ lỗi thời, lạc hậu đổi ra cái mới tiến bộ, phát triển. Người còn nói rõ, muốn làm cách mệnh xã hội, trước hết phải cách mệnh chính bản thân mình đã.
Bởi thế, muốn cho cách mệnh thắng lợi và đến nơi (tức là triệt để) thì Đảng cách mệnh, người cách mệnh phải có chủ nghĩa làm cốt, phải giữ chủ nghĩa cho vững và phải ít lòng tham muốn (ham muốn) về vật chất.
Trong hình thức dung dị của ngôn từ, đây thực sự là những quan niệm, những định nghĩa kinh điển về cách mạng và nhân cách của người cách mạng.
Với tư cách là tư tưởng, đây thực sự là những tư tưởng lớn, những dự cảm sâu sắc, ở tầm chiến lược, được vạch ra bởi một thiên tài – kết tinh sâu sắc và tốt đẹp nhất những tinh hoa của dân tộc và thời đại. Thiên tài ấy là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Thế kỷ XX – một thế kỷ anh hùng và bi tráng, thế kỷ đã sản sinh ra những cuộc cách mạng điển hình, mở đầu bằng Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, tiếp nối bởi Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam, Cách mạng 1949 của Trung Quốc cũng như Cách mạng Cuba những năm 60 và những cuộc cách mạng khác…
Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo
Hội đồng Lý luận Trung ương
Tâm Trang (st)
Cách mạng tháng Tám và bài học xây dựng nhà nước pháp quyền
Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ rũ bùn đứng dậy làm chủ nhân đất nước. Dẫu buổi đầu đầy cam go thách thức nhưng người dân Việt Nam đã tự tay thực hiện quyền làm chủ, cầm lá phiếu bầu nên Quốc hội, chọn những người ưu tú nhất vào bộ máy nhà nước để lãnh đạo nhân dân chống thù trong giặc ngoài giữ vững nền độc lập.
Những kinh nghiệm trong buổi đầu lập nước ấy đang được kế thừa và phát huy trong quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN theo đường lối của Đảng.
Năm nay đã vào tuổi 93, Giáo sư Lưu Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ – Pháp luật Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam dường như gắn trọn đời mình với sự nghiệp cách mạng mà ông đã nhiệt tình tham gia từ những năm đầu của cuộc kháng chiến kiến quốc. Mấy mươi năm công tác, dù ở cương vị nào, Giáo sư Lưu Văn Đạt cũng thể hiện sự uyên bác của một chuyên gia về pháp luật. Việc ra đời một nhà nước dân chủ ngay sau khi lật đổ ách thống trị thực dân phong kiến là một thành công vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị người cầm lái con thuyền cách mạng. Chính Người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho đường lối xây dựng nhà nước pháp quyền khi giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc. Bằng mục tiêu trong sáng, bằng uy tín, tài năng, đạo đức và tinh thần quyết tâm “dù có đốt cháy cả dải Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản quý giá về tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc trong quá trình xây dựng nhà nước cách mạng.
Giáo sư Lưu Văn Đạt chia sẻ: “Điều mà tôi tâm đắc nhất là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, trọng nhân tài của Hồ Chủ tịch. Bác nói là ai có tâm huyết thì Bác sẵn sàng tiếp nhận để làm việc cho đất nước. Lúc bấy giờ Đảng viên có bao nhiêu đâu, những người ngoài Đảng thì rất đông. Nhưng những người ngoài Đảng đều là những người ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Đảng và Hồ Chủ tịch. Hầu hết trí thức lúc bấy giờ đều đứng dưới lá cờ của Hồ Chủ tịch, sẵn sàng làm mọi việc giúp ích cho đất nước”.
Nhờ vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng được một Chính phủ đủ sức lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc thành công. Những trí thức phong kiến như Phạm Khắc Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn… rồi những trí thức mới như Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng… đều là nhân tài Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài cũng trở về góp sức xây dựng đất nước.
Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: Thắng lợi lớn nhất, triệt để nhất của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là đánh đổ chế độ nô lệ, xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước do dân và vì dân. Cuộc bầu cử Quốc hội tháng 1/1946 và sau đó là thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu là một bước đi có tính chiến lược, thể hiện sự tài ba của Bác. Bài học lớn trong xây dựng nhà nước của cuộc Cách mạng tháng Tám là sự thay đổi bản chất nhà nước. Nói như Bác Hồ là: “Nhà nước ấy không phải để đè đầu cưỡi cổ dân như chế độ thực dân phong kiến, mà bộ máy Chính phủ từ trung ương đến địa phương phải là công bộc của dân, phục vụ nhân dân”.
Theo Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến khi Người gửi bản yêu sách 8 điều đến Hội nghị Versaill xây năm 1919. “Tám điểm yêu sách, đầu tiên Cụ chú ý vấn đề pháp luật, trong đó có một câu là “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Trong tác phẩm Đường kách mệnh thì Cụ lại nói là cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều. Đấy chính là quyền làm chủ, quyền lợi, quyền lực. Cuộc bầu cử tháng Giêng năm 46 để khẳng định cơ sở pháp lý của nhà nước. Nhà nước này là Nhà nước hợp hiến, hợp pháp, do dân cử, xác định không những cơ sở thực tế mà còn là cơ sở pháp lý của Nhà nước trong đối nội và đối ngoại” – Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc nói.
Phó Giáo sư Sử học Lê Mậu Hãn cho rằng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã khẳng định tư thế của một dân tộc khát khao tự do, một quốc gia khát khao độc lập. Cả đời bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh đạo cách mạng thành công đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ là để thực hiện cho được hoài bão xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tư tưởng ấy là bài học rất quý. Phó Giáo sư Lê Mậu Hãn cho rằng: “Thắng lợi đó là thắng lợi của tư tưởng nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh mà Đảng tổ chức lãnh đạo. Và trong cuộc bầu cử đó toàn dân có quyền ứng cử và bầu cử. Cho nên đó là thắng lợi của tư tưởng dân tộc bình đẳng, dân chủ và đại đoàn kết. Đó là một bài học kinh nghiệm có giá trị đặc biệt khi hiện nay đặt vấn đề phải tích cực phát huy quyền dân chủ tự do cho nhân dân để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đang tiến lên trong điều kiện khó khăn”.
Theo Giáo sư Lưu Văn Đạt, để xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh, không phải ở luật pháp – tức pháp trị, mà cái chính là đạo đức của người cán bộ cách mạng – tức đức trị. Tính vì dân của nhà nước phải được thể hiện bằng những việc hết sức cụ thể: “Có một phương châm Hồ Chủ tịch đề ra là cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Điều này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong kỳ nhậm chức cũng đã nhắc lại. Tôi nghĩ rằng nếu như tất cả công chức, viên chức của nhà nước, các nhà lãnh đạo luôn suy nghĩ đến phương châm đó chắc chắn là nhà nước pháp quyền của chúng ta sẽ thực sự là của dân, do dân và vì dân. Bởi vì cuối cùng là vì dân, vì dân là vì lợi ích của nhân dân, cái gì có lợi cho nhân dân thì làm”.
Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XI xác định: Không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Việc nhanh chóng tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XIII và hoàn thiện bộ máy nhà nước vừa qua đã thể hiện quyết tâm ấy của toàn Đảng toàn dân ta.
Đất nước đang kỳ vọng ở đường lối đổi mới của Đảng, vào quyết tâm của Chính phủ nói không với nạn quan liêu tham nhũng, quyết tâm xây dựng bộ máy công quyền hết lòng phục vụ dân, để nhà nước ta thực sự là nhà nước pháp quyền, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ./.
Huyền Trang (st)
Theo Vân Thiêng/vov.vn
Quảng trường Ba Đình lịch sử và ngày lễ Độc lập 2/9/1945
Vườn hoa Rond Point Puginier nhìn từ phía Đông Nam, sau là Vườn hoa Ba Đình rồi trở thành Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ảnh Internet
Quảng trường Ba Đình được xem là quảng trường lớn nhất Việt Nam, nằm trên đường Hùng Vương và trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính nơi đây đã lưu giữ dấu ấn nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc ta. Đặc biệt, cách đây tròn 66 năm, vào ngày 2/9/1945, ngay tại Quảng trường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Quảng trường Ba Đình xưa là cửa phía Tây của Thành cổ Hà Nội. Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội đã phá thành vào năm 1894 và tại cổng phía Tây này, Pháp cho xây một vườn hoa nhỏ đặt tên là Rond Point Puginier, còn gọi là Quảng trường tròn (rond point: điểm tròn) hay Vườn hoa Puginier (Puginier là tên một vị cha cố). Xung quanh Vườn hoa Puginier này một số công trình công sở, biệt thự được xây dựng. Một trong những công trình được xây dựng sớm là Phủ Toàn quyền (1902), sau này là Phủ Chủ tịch. Về sau thêm các công trình quan trọng khác là trường Albert Sarraut (1919), nay là Cơ quan Trung ương Đảng và Sở Tài chính (1925), nay là Trụ sở Bộ Ngoại giao.
Cái tên Quảng trường Ba Đình do bác sỹ Trần Văn Lai, người giữ chức Thị trưởng thành phố từ ngày 20/7 đến 19/8/1945 đặt tên. Sở dĩ, Thị trưởng Trần Văn Lai đặt tên là Ba Đình vì ông cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng đã chống Pháp rất anh dũng ở căn cứ Ba Đình huyện Nga Sơn, Thanh Hoá vào những năm cuối thế kỷ XIX.
Tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân của quân và dân ta giành được thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng tháng Tám thành công đã đập tan xiềng xích nô lệ kéo dài hàng nghìn năm của chế độ phong kiến, xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, nhân dân ta từ địa vị nô lệ đã vươn lên trở thành những người chủ của đất nước, tự quyết định vận mệnh của dân tộc mình dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 22/8/1945, Bác Hồ rời Tân Trào về Thủ đô Hà Nội. Sáng ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong số các quyết định của cuộc họp này, Thường vụ nhất trí chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ Lâm thời ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9; Chủ tịch Hồ Chí Minh phụ trách thảo bản Tuyên ngôn độc lập.
Có nhiều địa điểm được đưa ra lựa chọn để làm nơi diễn ra sự kiện trọng đại: Lễ Độc lập. Lúc đầu khu Quần ngựa hoặc Đông Dương học xá (Đại học Bách Khoa bây giờ) được đưa vào danh sách lựa chọn nhưng song không phù hợp vì thấy quá xa trung tâm Hà Nội lúc đó. Nếu chọn Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố thì lại sợ quá chật chội. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Quảng trường Ba Đình (Vườn hoa Ba Đình lúc đó) đã được chọn là nơi diễn ra lễ Độc lập, cho dù lúc bấy giờ xung quanh địa điểm này còn có những cơ quan như Phủ Toàn quyền, Thành Hà Nội… là những nơi vẫn còn khá nhiều lực lượng thù địch với cách mạng đang chiếm đóng.
Ngày 28/8/1945, Ban Tổ chức ngày lễ Độc lập được thành lập. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) làm Trưởng ban, chịu trách nhiệm lo liệu công tác tổ chức ngày lễ Độc lập với một mệnh lệnh: “Đây là sự kiện lịch sử lớn kết thúc Cách mạng tháng Tám và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” kèm theo một lời khích lệ đầy tin tưởng: “Việc khó mới giao cho chú!”. Công tác chuẩn bị tổ chức ngày lễ Độc lập được tiến hành gấp rút, tất cả những người tham gia thực hiện nhiệm vụ cao cả ấy đều nỗ lực hết mình, làm việc suốt ngày đêm không mệt mỏi với tinh thần trách nhiệm cao.
Công việc dựng lễ đài bắt đầu từ ngày 28/8 và phải hoàn tất trong ngày 1/9. Theo dự tính, lễ đài phải đủ cao, đủ rộng để 2/3 số dân nội và ngoại thành Hà Nội tham dự có thể nhìn thấy. Là người có kinh nghiệm tổ chức nên ngay lập tức, ông Nguyễn Hữu Đang cho mời các kiến trúc sư để thiết kế lễ đài, đồng thời cho gọi thợ mộc thi công. Lễ đài mừng ngày Độc lập, công trình kiến trúc vĩ đại được làm bằng gỗ, ván, đinh và vải. Thời gian thiết kế và thi công vẻn vẹn trong vòng 48 giờ, yêu cầu chặt chẽ không được chậm trễ, nếu chậm 1 giờ là lỡ thời cơ công bố văn kiện “Tuyên ngôn Độc lập”. Và cuối cùng thì công việc cũng đã hoàn thành theo đúng dự kiến.
Và ngày mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân mong đợi đã đến. Ngày 2/9/1945, khắp mọi nẻo đường, con phố trên Thủ đô Hà Nội đều tung bay cờ, hoa và khẩu hiệu chào đón sự kiện trọng đại có một không hai của dân tộc. Những ai có dịp chứng kiến giờ phút thiêng liêng của lịch sử sẽ không thể quên không khí, bối cảnh Quảng trường Ba Đình ngày lễ Độc lập năm ấy. Một biển người đứng chật Quảng trường rạng rỡ, hân hoan, náo nức, hồi hộp chờ đợi giây phút vị lãnh tụ kính yêu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Họ giương cao cờ, hoa và biểu ngữ, môi nở nụ cười, miệng hát vang bài ca cách mạng. Rừng cờ tung bay phấp phới trước gió mùa thu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh Internet
Đúng 2 giờ chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ kaki giản dị bước lên lễ đài với tư cách là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời. Bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, Người đã đọc bản Tuyên ngôn lịch sử của dân tộc Việt Nam. Cả biển người im lặng phăng phắc lắng nghe từng câu, từng chữ của Người. Trước toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới, Hồ Chủ tịch đã trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Sau khi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, toàn thể thành viên trong Chính phủ làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã trình bày tình hình trong nước và chính sách của Chính phủ. Tiếp đến là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu báo cáo về việc Đoàn đại biểu Chính phủ đi tước ấn kiếm của Bảo Đại. Đại biểu Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng nói về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Minh và hô hào quần chúng nhân dân đoàn kết ủng hộ Chính phủ, thi hành triệt để chương trình kiến quốc của Việt Minh. Cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh lên lễ đài một lần nữa, Người kêu gọi nhân dân kiên quyết hy sinh để giữ vững nền độc lập mới giành được. Lễ mít tinh đã chuyển thành một cuộc tuần hành rầm rộ trong thành phố.
Kể từ đây, một kỷ nguyên mới bắt đầu mở ra cho dân tộc ta: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân lao động sau những năm tháng nô lệ đã rũ bùn đứng lên trở thành con người tự do, người chủ của đất nước. Ba ngày sau đó, ngày 5/9/1945, với tư cách là chủ nhà, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã đón tiếp quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta.
Sau lễ Tuyên bố độc lập, Quảng trường Ba Đình có tên mới là Quảng trường Độc lập. Những năm sau đó, cùng với bao thăng trầm, đổi thay của đất nước, Quảng trường Ba Đình cũng đã mấy lần đổi tên. Sau năm 1954, có ý kiến lấy tên là Quảng trường Độc lập nhưng Bác Hồ đề nghị giữ cái tên Ba Đình. Ngày Bác mất, Quảng trường Ba Đình lịch sử là nơi diễn ra lễ truy điệu Người. Sau này, Đảng và Nhà nước đã quyết định khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính tại lễ đài, nơi được dựng lên để Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình.
Quảng trường Ba Đình ngày nay. Ảnh Internet
Đã 66 năm trôi qua kể từ lễ Độc lập 2/9/1945, Quảng trường Ba Đình vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa cho đến tận ngày nay. Nơi đây đã chứng kiến bao sự kiện lớn, đánh dấu những bước trưởng thành của cách mạng nước nhà trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong suốt những năm qua, Quảng trường Ba Đình lịch sử thường xuyên được chọn là nơi để tổ chức các cuộc mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại hoặc đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến thăm Việt Nam. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động chính trị – văn hóa lớn có ý nghĩa giáo dục truyền thống, đạo đức cho các thế hệ con cháu Lạc Hồng./.
Thu Hiền (Tổng hợp)
bqllang.gov.vn
Những kỷ niệm thiêng liêng ngày Độc lập

Lễ đài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945
(VOV) – 66 năm qua với biết bao “vật đổi sao rời”, nhưng những kỷ niệm sâu sắc về ngày 2/9/1945 mãi mãi ghi đậm trong khối óc và trái tim của những người lính… Thời khắc lịch sử ngày 2/9/1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cách nay đã 66 năm. Những người chiến sỹ trẻ nhiệt huyết, hăng hái xung phong, tích cực tham gia vào các hoạt động cách mạng ở Hà Nội năm xưa, nay đã trở thành những người lính già đầu bạc, mắt mờ và đi lại cũng khó khăn. Những người còn lại còn rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay.
Trong câu chuyện với chúng tôi về ngày độc lập đầu tiên ấy, mỗi người lính già đều không giấu nổi niềm tự hào. Có thể thấy ở họ vẫn toát lên tinh thần sục sôi cách mạng, ý chí chiến đấu để thoát khỏi ách áp bức nô lệ mà khi đó, họ đã là những nhân chứng sống, nhân chứng lịch sử của ngày tháng hào hùng không thể nào quên…
Tiếng Bác Hồ rung động mãi trong tim…
Tiếp chúng tôi trong căn phòng rộng hơn 20m2 nằm sâu trong ngõ Vĩnh Tuy, Hà Nội, ông Phạm Thế Cường (tức Phạm Đình Cảnh – tên gọi lúc tham gia hoạt động cách mạng) năm nay đã ngoài 80 tuổi. Tuổi cao khiến việc đi lại của ông Cường trở nên khó khăn, nhưng trí nhớ thì vẫn còn minh mẫn.
Ông bảo, những đồng đội cũ cùng lứa tuổi với ông giờ đã ra đi gần hết, những người còn sống sức khỏe đã yếu, vài người có bệnh tai biến, phải sống cuộc sống thực vật. Rồi cũng có người vừa mới hôm qua còn gọi điện cho ông hẹn hò tham dự buổi hòa nhạc “Còn mãi với thời gian” vào ngày 2/9 tới, giấy mời còn chưa đến tay thì đã ra đi mất rồi…
Đột nhiên ông hạ giọng nói: “Thời gian đối với tôi vô cùng quý giá, nó có thể tính bằng giây, bằng phút. Hôm nay tôi còn có thể nói chuyện được với anh chị, nhưng không biết ngày mai có còn không?”… Ngừng một lát, ông bồi hồi kể lại hồi ức về quãng đời hoạt động của mình cách đây 66 năm…
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bố mẹ mất sớm phải ở với chị họ. Năm 16 tuổi, tôi tham gia hoạt động trong Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu. Đây là một đơn vị bộ đội địa phương do Xứ ủy và Thành ủy trực tiếp chỉ đạo, mang danh nghĩa như một đoàn thể quần chúng có vũ trang. Thành viên của đội đều là những đoàn viên đã được rèn luyện và thử thách của đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh.

Ông Phạm Thế Cường
Lúc đầu, đội được sử dụng để bảo vệ các cơ quan lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Mặt trận Việt Minh ở cấp Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác. Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu được giao cử 2 đơn vị (Đơn vị Tô Hiệu và Trần Quốc Toản) đến Quảng trường Ba Đình dự lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.
Đơn vị Tô Hiệu của ông Cường có vinh dự đặc biệt là đứng ngay ở hàng đầu sát lễ đài, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, như một hàng rào danh dự, trực tiếp bảo vệ lễ đài. Tất cả anh em đều rất xúc động một phần vị sự tin cậy của Đảng, một phần vì lòng náo nức được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ kính yêu, người lãnh tụ tối cao của dân tộc Việt Nam. Mọi người rất phấn khởi. Anh em số đông là thanh niên trẻ, sôi nổi”.
Ông Cường nhớ lại, ngày 2/9 cách đây 66 năm: “Hôm ấy, tham dự mít tinh gồm đủ mọi thành phần, mọi tầng lớp xã hội: công nhân, dân quân, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, các cụ phụ lão, các nhà sư…
Ánh mắt ông Cường rực sáng lên khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam: “Ngày hôm đó trời nắng, oi bức, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trong trang phục giản dị, áo ka ki cao cổ, chân đi dép cao su trắng. Cả biển người im phăng phắc lắng nghe Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Lời Người điềm đạm, nhưng cương quyết, từng lời nói đi vào tâm khảm người nghe, tràn đầy tình cảm sâu sắc và ý chí kiên quyết”.
Có lẽ với ông Cường, tiếng hô “Xin thề!” của hàng vạn chiến sỹ đồng bào và câu hỏi chân tình “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” của Bác Hồ trong giờ phút thiêng liêng ấy là điều mãi mãi không thể nào quên. Ông Cường chia sẻ: “Có nhiều người dân vừa khóc vừa hô “Xin thề!” và tôi hiểu rằng, những người như chúng tôi, từ thân phận đói nghèo, nô lệ, nay trở thành người dân của nước Việt Nam độc lập. Đấy là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao mà chỉ những ai đã trải qua mới thấu hiểu”.
“Đó là những ngày tháng gian khổ, hào hùng nhưng cũng hạnh phúc nhất cuộc đời tôi. Những tư tưởng mới trong bản Tuyên ngôn độc lập đã thấm sâu trong tâm trí chúng tôi. Chúng tôi đã thấy giá trị của độc lập, thấy trách nhiệm thiêng liêng phải bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập mới giành được…” – Ông Cường nói trong xúc động.
Dòng ký ức hùng tráng làm ông Cường như quên đi thực tại, một hồi lâu ông mới kể tiếp, sau ngày 2/9/1945, ông Cường tiếp tục tham gia tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu. Năm 1986, ông về nghỉ hưu và được phong hàm Đại tá.
Trải qua 41 năm trong quân ngũ, dù có nhiều khó khăn, nhưng niềm tự hào nhất của ông là được chiến đấu cho đến ngày giành độc lập 30/4/1975. Ông Cường có 4 người con, trong đó có người trai đầu đã hy sinh vì Tổ quốc. Và cha ông cũng là liệt sỹ.
Tất cả như vừa mới hôm qua…
Rời nhà ông Cường, chúng tôi tìm gặp bà Lê Thị Thanh, nguyên là Hiệu phó trường Cao đẳng sư phạm mẫu giáo Trung ương. Trong những ngày mùa thu cách mạng năm 1945, bà Thanh tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc, rồi trở thành nữ chiến sỹ của Trung đoàn Thủ đô có mặt trong 60 ngày đêm chiến đấu quyết tử bảo vệ Hà Nội.
Cũng giống như ông Cường, bà Thanh hồ hởi khi kể về kỷ niệm của một thời oanh liệt: “Là học sinh yêu nước trường Trung học Nguyễn Huệ – Hà Nội, tôi sớm được giác ngộ cách mạng. Năm 16 tuổi, tôi được phân công làm tình báo, liên lạc viên và đi rải truyền đơn ở nhiều nơi. Có lần, trong khi làm nhiệm vụ, tôi phải đi qua những ngôi mộ của các đồng đội đã hy sinh, tôi sợ lắm! Nhưng, tôi tự trấn an tinh thần bằng cách nghĩ về họ lúc còn sống và khe khẽ cất tiếng hát. Sau đó một thời gian, trong một đợt địch càn quét, tôi đã dũng cảm bắn chết 1 tên giặc Pháp và được tham gia các buổi mít tinh ở Làng Cót, Hà Nội”.
Trong cuộc đời mình, có lẽ giây phút được tham gia và chứng kiến không khí của ngày chiến thắng, ngày độc lập 2/9 cách đây 66 năm là điều hạnh phúc và cảm giác khó tả đối với không chỉ riêng bà Thanh mà với nhiều người. Cảm xúc đó còn lưu lại mãi cho đến tận bây giờ.

Bà Lê Thị Thanh
Bà Thanh hồi tưởng: “Tôi nhớ ngày 2/9/1945, lúc đó quần chúng đi lại rất đông ở các khu phố của Hà Nội, các cửa hàng cửa hiệu phần lớn là đóng cửa và treo cờ hoa mừng ngày độc lập. Những đoàn người rầm rập kéo về Quảng trường Ba Đình: Phụ nữ nội thành mặc áo dài trắng, phụ nữ ngoại thành áo nâu quần đen, chít khăn mỏ quạ. Thanh niên áo sơ mi cộc tay, quần soóc, công nhân quần áo xanh, các đoàn tu sĩ thiên chúa giáo áo đen, các em thiếu nhi áo trắng, quần soóc xanh”.
“Buổi sáng 2/9, tôi cùng các chị em trong đoàn phụ nữ cứu quốc đến từng gia đình vận động họ tham gia cuộc mít tinh vào buổi chiều cùng ngày. Đến 14h, đoàn phụ nữ cứu quốc tiến về Quảng trường Ba Đình rực rỡ cờ hoa với những tiếng hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh!”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh!”. Đoàn phụ nữ cứu quốc của chúng tôi được đứng vị trí đầu tiên. Khoảng 14h30, bà Dương Thị Thoa (tức Lê Thi) trong đoàn được Ban Tổ chức cử lên kéo cờ độc lập cùng với bà Đàm Thị Loan”.
Cả biển người bỗng im phăng phắc để lắng nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Lần đầu tiên được nhìn thấy Người, tôi đã nhận thấy ở Người sự giản dị và gần gũi” – Bà Thanh hào hứng kể.
Câu chuyện của bà Thanh kể về ngày độc lập như vừa mới đây thôi. 66 năm trôi qua, nay bà Thanh đã bước sang tuổi 81 nhưng tinh thần vẫn vô cùng minh mẫn. Bà phục vụ trong quân ngũ đến khi 53 tuổi mới chuyển sang ngành giáo dục và làm Hiệu phó của trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương cho tới khi nghỉ hưu. Giờ đây, cứ mỗi dịp tháng 8 hàng năm, bà và các đồng đội cũ lại gặp nhau, ôn lại kỷ niệm xưa. Thi thoảng, ngày độc lập đầu tiên ấy, bà và đồng đội ôn lại như để tiếp thêm ý chí, nghị lực cho thế hệ con cháu…
Câu chuyện của những người lính đã đi qua ngày tháng hào hùng như ông Phạm Thế Cường, bà Lê Thị Thanh cùng biết bao người chiến sỹ khác về ngày 2/9/1945 sẽ không chỉ là dòng sự kiện trong trang sử vàng vẻ vang của dân tộc. Ký ức Cách mạng mùa thu tháng Tám cùng hình ảnh Bác Hồ trong ngày độc lập đầu tiên ấy, chắc hẳn sẽ còn đọng mãi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Đó như một bài học truyền thống, soi rọi cho các thế hệ sau tiếp nối truyền thống của cha anh trên con đường cách mạng, sống, chiến đấu, lao động, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Theo vov.vn
Huyền Trang (st)
Tuyên ngôn độc lập “Là hoa quả của sự đổ máu và hy sinh tính mạng”!
Ngày hội non sông trên Quảng trường Ba Đình. Ảnh: Sỹ Minh
Đó là kết luận được tác giả Trần Dân Tiên viết ra trong tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (Nxb Văn học 1970, trang 110) như một lời nhắn nhủ đến mỗi thế hệ người con Việt Nam luôn biết trân trọng giá trị của độc lập tự do, biết hy sinh lợi ích riêng tư để quyết bảo vệ, giữ gìn độc lập tự do của Tổ quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Và một điều hiển nhiên là, sẽ yêu quý độc lập tự do hơn, khi chúng ta thấu hiểu sự hy sinh xương máu của bao thế hệ ông cha ta đã ngã xuống qua mấy ngàn năm lịch sử, từ đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc đến đánh thắng đế quốc Âu – Mỹ và tên phát xít Nhật ở phương Đông cũng vì để đổi lấy nền độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam hôm nay! Một dân tộc nhỏ bé, đất không rộng người không đông như Việt Nam nhưng đã gan góc, kiên cường đến lạ thường, trở thành một điều hiếm thấy trong lịch sử nhân loại từ cổ tới kim.
Trên thực tế, để có bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với thế giới ngày 2/9/1945 tại Ba Đình (Hà Nội), toàn thể dân tộc ta phải chiến đấu kiên cường suốt 87 năm trời, kể từ khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công đánh chiếm bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) ngày 01/9/1858. Ngay từ khi Pháp đánh chiếm Đà Nẵng, các tầng lớp từ nhân dân đến nho sĩ và quan lại đã vùng lên đấu tranh quyết liệt để giữ nền độc lập cho dân tộc.
Trước hết phải kể đến cha con Trương Định – Trương Quyền, rồi Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân, hai anh em Phan Tôn – Phan Liêm…rồi một số quan lại yêu nước như đốc học Phạm Văn Nghị đem 300 quân tình nguyện từ Bắc vào kinh đô Huế xin được lên đường giết giặc, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương cùng con trai đã anh dũng hi sinh khi bảo vệ thành Hà Nội năm 1873, đến Tổng đốc Hoàng Diệu kiên cường đánh Pháp giữ thành Hà Nội năm 1882. Nhiều tri thức nho sỹ còn dùng ngòi bút làm vũ khí đánh giặc như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị…
Tiếp đến là các phong trào đấu tranh để đòi lại nền độc lập cuối thế kỷ XIX, trong đó phải kể đến phong trào Cần vương dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Thuyết, khởi nghĩa Ba Đình, Hùng Lĩnh, Hương Khê ở Trung kỳ; khởi nghĩa Sông Đà, Bãi Sậy ở Bắc kỳ… diễn ra rầm rộ nhưng cuối cùng trước sau đều kết thúc thất bại. Sang đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước và cách mạng theo khuynh hướng dân chủ diễn ra rầm rộ, tiêu biểu là cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Đến lượt Bác Hồ với những hoạt động không biết mệt mỏi cùng với sức mạnh tổng lực của nhân dân theo con đường chủ nghĩa Mác – Lênin, thành lập một chính đảng của giai cấp vô sản, kinh qua 15 năm chiến đấu, cuối cùng đã làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại, độc lập tự do đã về với Tổ quốc Việt Nam sau 61 năm rơi vào tay giặc (1884 -1945).
Khi cuộc Cách mạng tháng Tám đang tiến đến những thắng lợi cuối cùng thì cũng là lúc Bác Hồ viết ra những dòng đầu tiên trong bản Tuyên ngôn độc lập nhằm khẩn trương tuyên bố với đồng bào và thế giới sự ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Bác Hồ viết Tuyên ngôn trong bối cảnh lịch sử hết sức đặc biệt, ở thời khắc gấp rút của cách mạng, trong thời gian chỉ 3 ngày, tại phòng ăn ở số 48 Hàng Ngang, dưới thân phận bí mật…, nhưng nó được coi là “áng thiên cổ hùng văn” và được đưa vào chương trình dạy học phổ thông từ mấy năm nay.
Ngày 27/7/1945, Thường vụ Trung ương họp, rồi Hội đồng chính phủ lâm thời họp, bàn nhiều việc quan trọng, trong đó có việc tổ chức lễ tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945, Bác Hồ phụ trách soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Từ ngày 28/8/1945, tức là ngày 21/7/Ất Dậu (1) – khi mà nhân dân ở Hà Tiên và Đồng Nai giành được chính quyền về tay nhân dân, Bác Hồ bắt đầu viết Tuyên ngôn. Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập tại tầng 2, nhà ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ ở số 48 phố Hàng Ngang – một gia đình doanh nhân giàu lòng yêu nước.
Suốt 3 ngày, với tâm lực, trí tuệ và bản lĩnh của một vị lãnh tụ cách mạng luôn canh cánh nỗi lòng vì độc lập cho dân tộc, vì hạnh phúc ấm no cho nhân dân; từng trải nghiệm hoạt động cách mạng từ Đông sang Tây với chiếc máy đánh chữ đã sử dụng hồi ở căn cứ địa Việt Bắc, Bác Hồ đã viết xong bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 30/8 – ngày mà vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị trước đông đảo nhân dân tại Ngọ Môn kinh đô Huế và nộp ấn kiếm cho Chính phủ cách mạng lâm thời. Viết xong, Bác mời một số đồng chí để trao đổi, góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên Ngôn độc lập này rồi ngày hôm sau, tức 31/8 Bác bổ sung, chỉnh sửa một số điểm và chỉ còn chờ ngày được tuyên bố.
2 giờ chiều ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nền dân chủ cộng hoà trước đông đảo nhân dân trong và ngoài nước rằng:
“..Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay,…đứng về phe Đồng minh chống phát xít. Dân tộc ấy phải được tự do,…phải được độc lập!…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (2).
Những câu chữ chứa đựng hồn non sông nước Việt ấy là nỗi lòng hoạt động cách mạng suốt 35 năm của Bác. Chính vì vậy mà ngày 30/8/1945, sau khi đọc bản thảo cho những người công tác thân cận nghe và hỏi ý kiến họ, Bác Hồ đã không dấu nổi sự sung sướng nói rằng: “Trong đời tôi, tôi đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy”. Sung sướng vì đây là “kết quả của những bản yêu cầu gửi cho hội nghị Véc-xây mà Bác Hồ đã viết năm 1919 và chương trình Việt Minh Bác viết năm 1941. Hơn nữa, bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của những bản tuyên ngôn khác và tinh hoa của tiền bối như các cụ Thủ Khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của nhiều người khác, của bao nhiêu sách báo truyền đơn bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước từ hơn 80 năm trước”. Nó còn “là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường,… là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam”(3).
Bản tuyên ngôn đó có tính dân tộc, lại có tính quốc tế, vừa có ý nghĩa lịch sử lại có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Nó có tác động trực tiếp đến sự thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và công cuộc xây dựng CNXH hiện nay. Giành – giữ và củng cố độc lập dân tộc không chỉ là nhiệm vụ của thời chiến mà còn là nhiệm vụ quan trọng của toàn dân tộc ta ở thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước trên con đường CNXH. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, khi mà sự hội nhập để phát triển đã trở thành tất yếu thì vấn đề giữ vững nền độc lập để không bị phụ thuộc vào các nước lớn về nhiều mặt, đặc biệt là kinh tế và văn hoá luôn đặt ra cho chúng ta những thách thức không nhỏ./.
_________________
Chú thích:
(1), Theo Vũ Kỳ, Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2005, tr.17.
(2), Hồ Chí Minh toàn tập, t.3, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2000, tr.555-557.
(3) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học 1970, tr.110.
Theo Lê Đức Hoàng
Huyền Trang (st)
Cảm nhận của một người Mỹ về ngày lễ độc lập của Việt Nam
Năm 1975 đã kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Trong khi người Việt Nam hân hoan với thắng lợi vừa giành được, thì ở bên kia bờ đại dương có những người Mỹ đang cố gắng trả lời câu hỏi là tại sao Mỹ thua Việt Nam. Năm 1980, Archimesdes L.A. Patti đã xuất bản cuốn sách “Why Việt Nam” (Tại sao Việt Nam) để góp phần trả lời câu hỏi đó. Tiến sĩ Trần Viết Nghĩa (Khoa Lịch sử, ĐHQG Hà Nội) tóm lược cảm nghĩ của sĩ quan tình báo Mỹ về ngày lễ độc lập trong cuốn sách này.
Patti nguyên là một sĩ quan tình báo OSS ở Trung Quốc trong Thế chiến hai. Trong năm 1945, Patti từng gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số nhà lãnh đạo cao cấp khác của Việt Nam, và là một trong số rất ít người Mỹ đã tham dự buổi lễ độc lập của Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình.
Ngày 22.8.1945, Patti đáp máy bay từ Côn Minh đi Hà Nội để giải quyết vấn đề tù binh ngoại quốc ở Đông Dương. Trên đường từ sân bay Gia Lâm về Hà Nội, Patti thấy có nhiều biểu ngữ và lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh tràn ngập phố xá. Hà Nội thanh bình sau ngày Việt Minh giành được chính quyền.
Trưa 29.8.1945, Hồ Chủ tịch cho xe đón Patti đến phố Hàng Ngang gặp Người. Người thông báo cho Patti về phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới ở Bắc Bộ phủ, quyết định lấy ngày mùng 2 tháng 9 là ngày độc lập. Người sẽ công bố nền độc lập dân tộc, ra mắt các thành viên Chính phủ với nhân dân và chương trình hành động của Chính phủ cho mọi người đều biết.
Điều đặc biệt là Patti được Hồ Chủ tịch cho xem bản thảo Tuyên ngôn độc lập. Patti rất ngạc nhiên khi trong mấy câu đầu nhắc đến một số danh từ rất quen thuộc và giống với Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776. Patti hỏi Người có ý định sử dụng câu đó không. Người cười nhã nhặn và hỏi lại Patti một cách dịu dàng: “Tôi không thể dùng được câu ấy à?”. Patti cảm thấy ngượng ngập và lúng túng khi trả lời: “Tất nhiên, tại sao không”.
Sau khi yêu cầu người phiên dịch đọc lại đoạn đầu một lần nữa, Patti nhớ lại thì thấy các danh từ đã được chuyển vị và nhận xét các chữ “tự do” và “quyền sống” đã bị thay đổi. Người liền nói: “Đúng, không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do”.
Sáng ngày thứ bảy – mùng 1 tháng 9, Patti đi một vòng quanh Hà Nội và nhận thấy: “Ai cũng bận rộn, hớn hở và vội vàng, nhưng không ai tỏ ra hấp tấp. Trước cửa nhà, trên ban công, ngoài cổng ra vào đầy các loại cờ đỏ, hoa, đèn. Nhiều toán người hăm hở giăng lên ngang trên đường phố, những khẩu hiệu hô hào “Độc lập và tự do cho Việt Nam”, và hoan nghênh Đồng Minh”. Chiều cùng ngày, Patti được Hồ Chủ tịch mời đến ăn cơm. Hồ Chủ tịch mở đầu câu chuyện bằng việc Patti đi thăm phố phường Hà Nội có thỏa mãn về những điều được nghe và thấy không. Patti trả lời rằng ông ấn tượng mạnh mẽ đối với công tác chuẩn bị buổi lễ và sự cởi mở của những người dân mà ông đã bắt chuyện.
Ông Hoàng Minh Giám phấn khởi thông báo cho Patti biết dân chúng đã tự bỏ tiền ra để sửa sang, làm sạch và trang trí thành phố phục vụ ngày lễ. Patti hỏi trong ngày lễ độc lập có diễu binh không. Ông Võ Nguyên Giáp trả lời cũng muốn có một số đội diễu binh, nhưng bộ đội vừa mới ở rừng về nên không có đủ thời gian diễn tập, vì vậy những đơn vị chỉ sắp hàng đứng tại chỗ. Sau bữa cơm thân mật, Hồ Chủ tịch mời Patti uống cà phê. Người ôn lại những sự cộng tác của Người với người Mỹ tại Trung Quốc và rừng núi Bắc Kỳ, bày tỏ mong muốn người Mỹ ủng hộ nền độc lập của nước Việt Nam.
Đến buổi trưa, nhóm của Patti đi đến Quảng trường Ba Đình. Nhóm chọn một địa điểm thuận lợi ngay trước lễ đài. Đội danh dự trong trang phục mũ bấc, đồng phục kaki, quần soóc, tất cao và vũ khí mới. Đây là lực lượng được huấn luyện, trang bị và có kỷ luật nhất. Ngoài ra, còn có các đội dân quân, tự vệ với nhiều loại vũ khí khác nhau.
Patti cảm thấy không khí oi bức, nhưng đôi lúc có vài cơn gió nhẹ làm phấp phới cả biển cờ trên quảng trường. Bất chợt, có tiếng còi và hiệu lệnh quân sự phát ra từ các đội hình. Đội danh dự và các đơn vị bộ đội đứng thẳng. Mấy phút sau nổi lên tiếng hô “Bồng súng chào”. Trên lễ đài, mọi người đều mặc đồ trắng, thắt cavát và đầu để trần, trừ Hồ Chủ tịch mặc đồ kaki màu sẫm.
Sau khi nghe Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, Patti khó nắm bắt được nội dung của Tuyên ngôn, dù đã có người phiên dịch, nhưng cảm nhận được “cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa là ông đã thấu tới tận quần chúng”.
Sau ngày độc lập, Patti còn ở lại Việt Nam thêm một thời gian nữa, chứng kiến thêm nhiều khó khăn mới của nước Việt Nam, được tiếp kiến thêm với Hồ Chủ tịch và một số nhà lãnh đạo khác của Việt Nam. Trước khi về Mỹ, Patti được Hồ Chủ tịch mời dự tiệc chia tay.
Trong buổi chia tay, ông Võ Nguyên Giáp đã đánh giá cao sự giúp đỡ của “Người Mỹ ở Côn Minh” – trong đó có Patti – đối với Việt Nam trước khởi nghĩa. Ông chúc Patti lên đường may mắn và tỏ ý mong rằng Việt Nam sẽ sớm có một người bạn ở Washington. Điều này làm cho Patti ngạc nhiên và xúc động, vì trước đó ông Giáp không bao giờ để lộ ra bất cứ một tình cảm nào đối với Mỹ và cá nhân Patti. Hồ Chủ tịch chia sẻ với Patti sự thất vọng khi Mỹ từ chống thực dân lại đang trang bị và tiếp tế cho quân Pháp tái xâm lược Đông Dương. Người nói với Patti: “Điều đó, họ sẽ phải trả bằng một giá đắt”./.
Theo TS Trần Viết Nghĩa
Huyền Trang (st)
GS Hoàng Minh Giám kể về những ngày vận nước “nghìn cân treo sợi tóc” (P 11)
(DVT.vn) – Năm 1952, Paul Mus viết sách cho biết, hồi đầu năm 1947, Ballaert cho rằng chỉ cần ba tuần lễ là y “đè bẹp cuộc kháng chiến của Việt Nam”!
Năm năm sau, trong quyển sách Việt Nam, cuộc chiến tranh xét về mặt xã hội học (Vietnam, sociologie d’une guerre) xuất bản năm 1952, P. Mus có phê phán nội dung của bản thông điệp mà ông ta đã có trách nhiệm chuyển đến Hồ Chủ tịch tại thị xã Thái Nguyên. Người cố vấn đặc biệt, phái viên của Bollaert kể rằng, lúc đó bọn thực dân Pháp ở Paris và Sài Gòn đều nhất trí cho rằng chúng nắm chắc chiến thắng trong tay rồi, chẳng bao lâu nữa chúng sẽ đè bẹp cuộc “kháng chiến của Việt Nam”, vậy không nên nhận đàm phán.
Đình Tân Trào không xa trụ sở Bộ Ngoại giao.
Theo tác giả, bộ trưởng Bộ chiến tranh của Pháp lúc bấy giờ nhận định rằng: “Vấn đề quân sự ở Đông Dương có thể coi như xong rồi” (il n’y a plus de problème militaire en Indochine); một nhân vật quan trọng trong giới Pháp khẳng định: “Chỉ ba tuần lễ nữa thôi! Mọi điều sẽ được giải quyết tốt, miễn là không đặt vấn đề đàm phán!” (Encore trois semaines! Tout ira bien, pourvu que l’on ne négocie pas!).
Đường về…
… châu tự do Sơn Dương.
Và chính vì thế, khi nói đến ngừng bắn, thực dân Pháp đã đưa ra những điều kiện phi lý, mà bản thân P. Mus cũng nghĩ rằng phía Việt Nam không thể nào chấp nhận.
Khi Paul Mus ra về rồi, Bác và chúng tôi còn ngồi lại khoảng một tiếng nữa để đợi cho ông ta đi xa rồi mới về nơi ở. Lúc đó, vào khoảng 1 giờ sáng, Bác không về chỗ ở của mình mà về Sơn Dương, chỗ cơ quan Bộ Ngoại giao.
Việc Bác Hồ từ nơi nào đến gặp Paul Mus, việc đó, ngoài anh Phan Mỹ thì không ai biết cả. Bác bảo tôi: “Bây giờ chú về với tôi bằng xe com-măng-ca”. Lúc ấy xe đã đợi sẵn ở đó, theo sự bố trí của anh Phan Mỹ.
Lúa không lo giặc về khi mùa màng thôn quê (lời bài hát của Văn Cao).
Chúng tôi đi xe tới đèo Khế thì trời bắt đầu sáng. Bác bảo chúng tôi: “Thôi, chúng ta xuống đi bộ, vì nếu đi xe, máy bay địch dễ phát hiện”. Tôi và Bác đi bộ về khu tự do Sơn Dương và ghé vào chỗ Bộ Ngoại giao. Tôi hứa với Bác là sẽ nhớ và viết lại lời của bức thư thông điệp mà Bollaert gửi Bác qua Paul Mus. Hai ngày sau, tôi gửi bài viết đó cho văn phòng của Bác.
Lúc ở Việt Bắc, tôi thỉnh thoảng mới gặp Bác ở các cuộc họp Hội đồng Chính phủ. Còn ngày thường gặp Bác rất khó vì Bác hay thay đổi chỗ ở và Bác giữ nguyên tắc bí mật, tránh tiếp xúc nhiều, đồng chí Phạm Văn Đồng lúc đó ở gần Bác và ít khi thay đổi chỗ ở. Bác bảo tôi: “Nếu chú có việc gì quan trọng mà không gặp trực tiếp Bác được, thì báo cáo với chú Tô” (bí danh của anh Đồng).
Trong các cuộc họp ở Hội đồng Chính phủ, ở Việt Bắc, Bác là người phát biểu đầu tiên. Bác nói độ 10 đến 15 phút về tình hình thế giới, sau đó nói về vấn đề chính của cuộc họp, ví dụ về Bản tuyên bố của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1950), về việc sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước, về kế hoạch cải cách ruộng đất và v.v.
Ta yêu những rừng Việt Bắc/ Nơi ta khôn lớn nên người (thơ Nguyễn Đình Thi).
Còn anh Văn thì báo cáo về tình hình quân sự. Cũng có lúc, anh Tạ Quang Bửu hoặc anh Hoàng Anh báo cáo về việc triển khai hoặc kết quả các chiến dịch. Thường thường, các buổi họp của Hội đồng Chính phủ nhanh, gọn.
Các cơ quan bộ ở Việt Bắc lúc đó cũng ít người. Đông nhất là văn phòng của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khoảng 30 đến 40 người. Phần lớn các bộ đóng trụ sở ở ATK Sơn Dương, cũng có một số bộ phận khác đóng rải rác ở các tỉnh xung quanh.
Mình về rừng núi nhớ ai/ Trám bùi để rụng, măng mai để già (thơ Tố Hữu).
Trụ sở Bộ Ngoại giao của ta lúc đó đóng ở gần một làng hẻo lánh cách huyện lỵ Sơn Dương khoảng 11 km. Đóng trụ sở ở gần Bộ Ngoại giao còn có các bộ khác như: Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ (Bộ Nội vụ lúc đầu do cụ Tôn Đức Thắng làm Bộ trưởng một thời gian ngắn, sau đó Bác mời cựu khâm sai Bắc Kỳ là cụ Phan Kế Toại lên giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ), Bộ Lao động…
Từ chỗ Bộ Ngoại giao chúng tôi đi tiếp quãng nữa thì tới con suối Lê, qua suối Lê đi tiếp một đoạn nữa thì tới xã Tân Trào, nơi có đình Tân Trào – địa điểm Bác họp và ra Lệnh Tổng khởi nghĩa 1945.
Những ngày sống bên con suối Lê, Tân Trào thật là gian khổ. Nhưng, về sau nhớ lại, chúng tôi luôn cảm thấy rằng đó là những ngày đẹp nhất, thiêng liêng nhất trong cuộc đời của nhiều người chúng tôi.
Hà Nội, năm 1986
H. M. G.
(Ảnh: Internet)
GS Hoàng Minh Giám kể về những ngày vận nước “nghìn cân treo sợi tóc” (phần 10)

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ tại Hà Nội.
(DVT.vn) – Tháng 4/1947, tại vùng căn cứ kháng chiến Thái Nguyên, Hồ Chủ tịch tiếp đặc phái viên của cao ủy Bollaert, bác bỏ những yêu sách láo xược của phía Pháp.
Sau ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), quan hệ ngoại giao giữa ta và Pháp còn rất thưa thớt. Ngoài một vài bức điện hoặc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho đại diện Chính phủ Pháp (Léon Blum, Moutet), có một vài cuộc tiếp xúc giữa đại diện Chính phủ ta với các lãnh sự Mỹ, Anh, Ấn Độ và đại biểu Hội Chữ thập đỏ quốc tế; các cuộc tiếp xúc đó là do Pháp đề nghị, nhằm giải quyết cái gọi là “vấn đề tù binh Pháp”.
Hạ tuần tháng 4/1947, ta gửi cho Pháp một thông điệp đề nghị ngừng bắn. Lúc đó đô đốc d’Argenlieu cao ủy Pháp tại Đông Dương đã bị về vườn và cao ủy mới là Bollaert đã đến Đông Dương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày đầu kháng chiến ở căn cứ địa Việt Bắc.
Một ngày đầu tháng 5/1947, có cuộc gặp gỡ giữa tôi và lãnh sự Anh Tressor Wilson gần cầu Đuống. Sau mấy phút trao đổi ý kiến về “vấn đề tù binh” và tình hình chung, viên lãnh sự Anh nói:
– Ông có biết ông Paul Mus? Ông ấy nói đã có dịp gặp ông ở Hà Nội và đã được yết kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày 19 tháng 12/1946.
– Có, đúng như vậy.
– Ông P. Mus muốn gặp ông. Ông ấy đã đi theo tôi đến phía bên kia cầu Đuống, cách đây độ một cây số, và đang chờ ở đó. Nếu ông đồng ý tiếp, thì ông ấy sẽ đến ngay.
– Ông ấy muốn gặp tôi về việc gì? Ông có biết không?
– Ông ấy nói rằng có một việc rất quan trọng, và ông ấy tha thiết muốn gặp ông. Hiện nay ông ấy là một người giúp việc thân cận, một cố vấn của cao ủy Bollaert.
– Được. Nhờ ông báo cho ông P.Mus rằng tôi vẫn sẵn sàng gặp ông ấy.
Một lát sau, P.Mus đến. Sau khi chào hỏi, ông ta vào đề ngay:
– Tôi có một việc rất quan trọng, bí mật và gấp, muốn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi được ủy nhiệm chuyển trực tiếp đến Chủ tịch một thông điệp của cao ủy Bollaert. Nếu có thể, tôi sẵn sàng đi theo ông ngay bây giờ.
– Rất tiếc. Đi ngay bây giờ thì không được. Tôi sẽ báo cáo với Chủ tịch. Tôi sẽ trả lời cho ông biểt quyết định của Người. Ông cho biết nên trả lời cho ông bằng con đường nào, vừa nhanh chóng vừa đảm bảo bí mật?
– Cảm ơn. Đề nghị ông trả lời cho tôi bằng điện đài.
Các chiến sĩ vệ quốc quân lên đường chiến đấu chặn bước tiến của quân thù.
P. Mus đọc một câu có nghĩa lóng, và nói tiếp: “Bắt đầu từ ngày kia, mỗi buổi sáng, hồi 9 giờ, bộ phận nghe đài của chúng tôi sẽ đón nghe đài của các ông, nghe được câu lóng đó, tôi sẽ đến địa điểm này, đúng giờ hẹn, để được dẫn đến gặp Hồ Chủ tịch và trao trực tiếp bản thông điệp của cao ủy Bollaert.
Sau đó, điện đài của ta báo cho phía Pháp biết Hồ Chủ tịch bằng lòng tiếp đặc phái viên của cao ủy Bollaert. Đúng hẹn, người của ta chờ P. Mus ở cầu Đuống và dẫn vào vùng giải phóng. Để bảo đảm bí mật và vì các đường cái đã bị dân công đào, cắt, ông ta đã phải đi bộ qua các làng phần lớn đã sơ tán, và đi ban đêm. Và một buổi tối trung tuần tháng 5/1947, P. Mus đã được Hồ Chủ tịch tiếp, lúc đó khoảng 22 giờ, tại Thái Nguyên.
Phát thanh truyền lệnh kháng chiến toàn quốc tại Hà Nội.
Thị xã Thái Nguyên đã tản cư triệt để, và tiêu thổ kháng chiến. Các đồng chí bảo vệ đã tìm được một ngôi nhà tuy không nguyên vẹn, nhưng cũng còn được một gian tương đối khả quan, có bàn và ghế, có thể dùng làm nơi Bác tiếp người phái viên bí mật của Bollaert.
Tôi chờ P.Mus và đưa ông ta vào gian nhà yết kiến Hồ Chủ tịch. Dưới ánh sáng của ngọn đèn măng-sông, tôi cảm thấy ông ta xúc động được gặp Bác, được Bác tiếp, giản dị, lịch sự như lúc ở phòng khách tại nhà 12 Ngô Quyền, Hà Nội.
P. Mus cảm ơn Hồ Chủ tịch đã vui lòng cho ông ta gặp để làm nhiệm vụ do cao ủy Đông Dương giao cho và xin phép đọc cho Bác nghe (đọc thuộc lòng) bản thông điệp không ghi vào giấy (messenger verbal) của Bollaert, trả lời bức thư đề nghị ngừng bắn của Chính phủ ta đề ngày 25/4/1947.
Thông điệp của Bollaert nêu lên bốn điều kiện cho ngừng bắn:
1- Quân đội Việt Nam phải nộp vũ khí cho Pháp.
2- Quân đội Pháp được quyền đi lại tự do trên đất nước Việt Nam.
3- Chính phủ Việt Nam phải trả lại cho Pháp tất cả những người nước ngoài (ý nói: người Nhật và người Pháp) đã chạy sang phía Việt Nam.
4- Chính phủ Việt Nam phải trao cho Pháp tất cả những người nước ngoài (ý nói người Nhật và người Pháp) đã chạy sang phía Việt Nam.
Sau khi nghe những điều kiện láo xược đó của cao ủy Pháp, Hồ Chủ tịch nghiêm nét mặt, nhưng bình tĩnh và giọng nói ôn tồn. Người nói:
– Ông Mus, tôi biết ông đã tham gia cuộc kháng chiến chống Hitler của nhân dân Pháp, điều đó có đúng không?
– Thưa Chủ tịch, đúng.
– Vậy ông hãy trả lời tôi: Nếu ở địa vị tôi, ông sẽ có thái độ thế nào với bản thông điệp của ông Bollaert? Ông có nhận những điều kiện đó không?
P. Mus lúng túng… Bác nói tiếp:
– Tôi nghe nói ông Bollaert cũng đã tham gia cuộc kháng chiến chống Hitler và có thành tích. Những điều kiện ông ấy đòi chúng tôi phải đầu hàng. Ông Mus, bản thân ông có nghĩ rằng chúng tôi có thể đầu hàng không? Lại còn điều kiện liên quan đến những người nước ngoài đứng trong hàng ngũ kháng chiến Việt Nam chống thực dân. Phải là một con người hèn mạt, mới chấp nhận điều đó. Nếu tôi chấp nhận, tôi là kẻ “hèn mạt” (Si j’acceepte, je serais un lâche). Và tôi nghĩ rằng trong Liên hiệp Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn mạt (Je pense que dans l’ Union française, il ne doit pas y avoir de place pour des lâches).
P. Mus im lặng, gật đầu, tỏ ý đồng tình. Rồi nói:
– Tôi hiểu, thưa Chủ tịch, tôi hiểu…
Thế rồi không nói đến bản thông điệp nữa.
Bác giải thích về lập trường của Chính phủ và nhân dân ta: Yêu chuộng hòa bình, muốn có quan hệ tốt với nhân dân Pháp, nhưng kiên quyết kháng chiến để bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc mình.
P. Mus thừa nhận rằng đó là những tình cảm và ý chí chính đáng, hứa sẽ báo cáo với cao ủy Bollaert những ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông ta chúc sức khỏe Bác, và lúc chào từ biệt, tỏ ra cảm động thực sự. Lời cuối cùng của ông ta lúc ra về là:
– Chúc Chủ tịch dũng cảm (Du courage, Monsieur le Président!).
Bác đáp lại:
– Luôn luôn! Tất nhiên! (Toujours! Naturellement!).
Một sự việc nhỏ có lẽ đã làm cho P. Mus ngạc nhiên: Khi cuộc tiếp kiến kết thúc, các đồng chí phục vụ đã bưng ra mấy cốc rượu sâm banh để Bác mời khách uống trước khi ông ta rút lui vào bóng tối đêm khuya.
(Còn nữa)
GS Hoàng Minh Giám kể về những ngày vận nước “nghìn cân treo sợi tóc” (P 9)

Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946
(DVT.vn) – Hội nghị Fontainebleau thất bại. Bác Hồ ký với Moutet bản Tạm ước, rồi rời Toulon ngày 19/9/1946 cùng một số trí thức Việt kiều: Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước…
Về chương trình nghị sự, hai đoàn quyết định một chương trình gồm 5 điểm:
1- Vị trí của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, và quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước ngoài;
2- Liên bang Đông Dương;
3- Vấn đề thống nhất ba kỳ và trưng cầu dân ý;
4- Vấn đề kinh tế;
5- Dự thảo một hiệp ước.
Thành lập các tiểu ban:
1- Tiểu ban chính trị (gồm tất cả hai đoàn);
2- Kinh tế – Tài chính;
3- Văn hóa;
4- Quân sự;
5- Chương trình nghị sự.
Lâu đài Fontainebleau.
Ngày 13/7 bắt đầu thảo luận vấn đề 1.
Ngày 12. Bác mở Hội nghị báo chí để trình bày lập trường của Việt Nam. Bác nói: “Quan hệ giữa Pháp và Việt Nam phải do một Hiệp ước quy định.
Về kinh tế và văn hóa, chúng tôi tán thành một “liên kết” (association) với nước Pháp trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp (dans le cadre de l’Union Française).
Lý do tồn tại của Liên bang Đông Dương là sự cần thiết phải phối hợp các hoạt động (coordonner les activités) của Việt Nam, Lào và Campuchia. Nó phải chủ yếu là kinh tế (économique). Liên bang Đông Dương không được biến thành một Phủ toàn quyền trá hình (gouvernement général déguisé).
Nam bộ là đất của Việt Nam, là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi. Một cuộc trưng cầu ý dân (référandum) sẽ tốn kém lắm. Nếu chúng ta có thể thỏa thuận với nhau và miễn tổ chức trưng cầu ý dân thì tốt hơn. Nếu không thể miễn, thì chúng ta sẽ tổ chức một cách thành thực và thẳng thắn, và kết quả sẽ cũng thế thôi.
Phái đoàn Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau năm 1946.
Người Pháp sẽ có quyền tiếp tục lập các xí nghiệp (entreprises), quyền tự do kinh doanh của họ sẽ giống như người Việt Nam…”
Ngay từ lúc các tiểu ban bắt đầu thảo luận các vấn đề ghi trong chương trình nghị sự, rõ ràng là quan điểm của hai bên xa nhau rất nhiều, nếu không muốn nói là trái ngược nhau.
Các tiểu ban làm việc một tuần, rồi hai tuần, rồi ba tuần, vẫn chưa kết thúc được vấn đề nào. Ngày 26/7, chính trưởng đoàn Pháp Max André đã phải thốt lên:
– Bao thời gian đã trôi qua! Các tiểu ban của chúng ta chưa “xây dựng” được gì cả? Vì sao?
Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng nói thẳng:
– Cái gì cản trở chúng ta, làm cho chúng ta chưa kết luận được một điểm nào? Đó là sự thiếu lòng tin cậy.
Ngày 26/7, có tin d’Argenlieu đã có một hành động mới, nhằm phá hoại Hội nghị: Ông ta triệu tập một hội nghị sẽ họp ngày mồng 1/8 tại Đà Lạt; thành phần hội nghị đó gồm những đại biểu của Nam kỳ, Campuchia, Lào, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và những quan sát viên miền Nam Trung kỳ, để thảo luận vấn đề “Liên bang Đông Dương”.
Hôm đó, mở đầu buổi họp Tiểu ban chính trị, anh Đồng phản đối quyết định của Cao ủy Đông Dương, vì nó là một sự vi phạm Hiệp định 6/3 tiếp theo nhiều vi phạm khác, một chứng cớ “mới” của chính sách “việc đã rồi” mà “chúng tôi kịch liệt phản đối”.
Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và thiếu nhi Việt kiều.
Anh Đồng nhờ Max André chuyển lời phản đối đó cho Chính phủ Pháp, và mong được trả lời càng sớm càng tốt.
Ngày mồng 1/8, Tiểu ban nghiên cứu vấn đề Liên bang Đông Dương bắt đầu họp, anh Đồng đứng dậy và nói:
“Ngày 26/7, tôi đã nhờ ông trưởng đoàn Pháp chuyển một thư phản đối về việc triệu tập Hội nghị họp ngày hôm nay tại Đà Lạt. Chúng tôi vẫn chưa được trả lời. Lập trường của chúng tôi là:
Nêu vấn đề Nam bộ nam Trung bộ và Liên bang Đông Dương là do các nhà chức trách Pháp ở Nam kỳ quyết định, thì Hiệp định sơ bộ 6/3 không có giá trị, và Hội nghị Fontainebleau không có lý do tồn tại; nếu Hiệp định sơ Bộ 6/3 có giá trị, thì chỉ Hội nghị Fontainebleau có thẩm quyền để thảo luận vấn đề nói trên.
Vì lòng tự trọng, chúng ta phải chấm dứt tình trạng nhập nhằng này, và đình chỉ Hội nghị của chúng ta cho đến khi nào cái nhập nhằng đó chấm dứt”.
Thế là buổi họp chấm dứt. Và Hội nghị cũng chấm dứt bởi vì, sau đó, chỉ có những cuộc gặp và trao đổi ý kiến lẻ tẻ, không có cuộc họp giữa hai Đoàn. Bác quyết định sẽ rời nước Pháp ngày 14/8.
Ngày 8/8, Max André nói với ta: Hội nghị Đà Lạt do d’Argenlieu triệu tập ngày 1/8 chỉ để trao đổi ý kiến, không quyết định gì cả, và đề nghị Hội nghị Fontainebleau lại họp.
Bác quyết định hoãn ngày về nước, và ngày 12/8 tuyên bố với báo Libération: “Tôi không đặt điều kiện cho việc tiếp tục Hội nghị. Và ngày 15/8, Bác tuyên bố với báo Franc-Tireur: “Tôi đến đây để xây dựng hòa bình. Tôi không muốn về nước với hai bàn tay không. Tôi muốn đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể, sự hợp tác mà chúng ta đều mong muốn”.
Trong lúc đó, cũng có những lời phát biểu “ngược dòng” của một số nhân vật Pháp như de Gaulle và Herriot.
De Gaulle cảnh cáo: “Có nguy cơ tan rã Liên hiệp Pháp”.
Herriot lên tiêng: “Nếu Liên hiệp Pháp không có quyền quyết định về vấn đề ngoại giao và quốc phòng của các thành viên, thì còn gì là Liên hiệp Pháp?”.
Bắt đầu từ ngày 3/9, ta và Pháp thỏa thuận cử một tiểu ban gồm bảy đại biểu: ba người Pháp (Pignon, Torel, Gouron) và bốn người Việt Nam (Phạm Văn Đồng, Phan Anh, Trịnh Văn Bính, Dương Bạch Mai) dự thảo trong bảy ngày (3-10/9) một thỏa thuận về các vấn đề cơ bản là:
1- Độc lập của Việt Nam
2- Vấn đề ngoại giao
3- Vấn đề quân sự
4- Vấn đề Nam bộ
Nhưng sau bảy ngày, tiểu ban ấy không đi đến một thỏa thuận nào cả.
Thế là Hội nghị Fontainebleau đã kết thúc ngày mồng 10/9/1946, nếu không nói là ngày mồng 1/8/1946.
Đoàn ta rời Paris ngày 13/8 đi Toulon và ngày 16/8 xuống tàu Pasteur về nước.
Bác cũng về bằng tàu thủy, để có thể nghỉ ngơi. Chiếc tàu Dumont d’Urville mà Chính phủ Pháp dành cho Bác bị hư hỏng nhẹ, cần sửa chữa, cho nên Bác ở lại Paris thêm mấy ngày. Sáng 14/8, Bác gặp Moutet, trao đổi ý kiến về vấn đề ký một Tạm ước (Modus Vivendi), rồi Bác đi chào tạm biệt Bidault. Nửa đêm hôm đó, Bác gọi điện thoại cho Moutet, đến nhà ông ta, thảo luận thêm về nội dung bản Tạm ước, và ký bản đó với Moutet.
Nội dung bản Tạm ước không giải quyết cụ thể vấn đề nào cả, chỉ nêu những thỏa thuận về nguyên tắc mà những tiểu ban hỗn hợp (commissions mixtes) sẽ cụ thể hóa cách thức thực hiện. Như thế có nghĩa là cuộc đàm phán sẽ tiếp tục, một hiệp định đầy đủ và dứt khoát (un accord total et définitif) sẽ được thảo luận trong cuộc đàm phán sắp tới, chậm nhất vào tháng 1/1947.
Bác rời Paris ngày 16/9 và ngày 19 rời Toulon về nước.
Ngày 18/10, d’Argenlieu đón Bác ở vịnh Cam Ranh, trao đổi ý kiến về vấn đề thực hiện bản Tạm ước.
Bác về đến Hải Phòng ngày 21/10/1946. Bác đã cử một phái đoàn đại diện Chính phủ ta tại Pháp, gồm: Hoàng Minh Giám (trưởng đoàn) và hai đoàn viên (Trần Ngọc Danh, Dương Bạch Mai).
Bác đã nhận một số Việt kiều tình nguyện về nước hoạt động, phục vụ đất nước: Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân, Đặng Chấn Liêu, Lâm Ngọc Huấn, Trần Đại Nghĩa…
(Còn nữa)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.