Thư viện

Thư từ Trung Quốc, số 1 (12-11-1924)

Các nữ đồng chí thân mến,

Các đồng chí biết rằng nước tôi, Trung Quốc, bị kìm kẹp tàn nhẫn trong một cái kìm mà những đế quốc nước ngoài là một gọng và những tay sai trung thành của chúng – những bọn quân phiệt Trung Quốc – là gọng khác. Bọn chúng giúp nhau để bóc lột chúng tôi. Mỗi khi chúng thấy phong trào giải phóng nảy sinh – dù của đàn ông hay đàn bà – chúng không từ việc gì để bóp chết nó. Sự áp bức đè nặng lên chúng tôi, nhưng chúng tôi bị áp bức nặng nề hơn gấp nghìn lần đàn ông … Không có chút quyền tự do chính trị, kinh tế và xã hội, chúng tôi bị bóc lột gấp đôi bởi vì là lao động và vì là đàn bà. Việc không có học vấn, tính thụ động, tập tục còn làm cho những nỗi khổ cực của chúng tôi càng nặng nề thêm.

Tiếng vang của cách mạng Nga 3 làm cho chúng tôi dường như thoát khỏi cơn ác mộng đau đớn. Dần dần chúng tôi bắt đầu nghe, nhìn, suy nghĩ và trở nên ý thức được rằng chúng tôi cũng vậy, chúng tôi là những con người như những đàn ông, rằng chúng tôi cũng vậy, chúng tôi phải có quyền sống và làm việc, và sau hết rằng để giành được quyền đó, chúng tôi cũng phải đấu tranh như những đàn ông và cùng với đàn ông chống lại những kẻ bóc lột chúng tôi. Từ đó, những người tiến bộ nhất trong chúng tôi vào Đảng cộng sản, vào Thanh niên cộng sản; những người khác gia nhập đảng cách mạng là Quốc dân đảng. Đảng này có cảm tình thành thật với nước Cộng hoà Xôviết.

Nước Nga cách mạng không chỉ nêu một tấm gương mà còn cho chúng tôi người hướng dẫn nữa. Chúng tôi được may mắn là ở đây có nữ đồng chí, đồng chí Bôrôđin. Đồng chí này nỗ lực làm cho chúng tôi hiểu và làm việc trên con đường giải phóng. Đồng chí tổ chức, giáo dục, khuyến khích, làm thức tỉnh tại mọi nơi mà đồng chí đến. Khi làm cho chúng tôi cảm phục Cách mạng Nga, đồng thời, đồng chí cũng làm cho chúng tôi cảm thấy sự tất yếu của cách mạng Trung Quốc. Đồng chí có cách đặc biệt để nói chuyện với chúng tôi. Những lời rõ ràng, đơn giản và thành thực của đồng chí khiến chúng tôi hiểu được và suy nghĩ. Đồng chí biết khuyến khích những chị đã hiểu chút ít và làm cho những chị khác còn chưa hiểu thì hiểu. Các đồng chí biết rằng chúng tôi, phụ nữ Trung Quốc, còn rất lạc hậu, nhút nhát và hững hờ. Đó là một nhiệm vụ khá khó khǎn để làm cho chúng tôi đột nhiên thoát khỏi tập quán hàng nghìn nǎm đó, vậy mà đồng chí thân mến của chúng tôi đã làm cái đó khéo léo đến thế và ân cần niềm nở đến thế, nếu như tôi có thể bày tỏ như vậy. Các đồng chí hãy ghi nhận đây là một ví dụ: Tháng trước, tại buổi lễ kỷ niệm Cách mạng Nga, do lời kêu gọi của nữ đồng chí Bôrôđin, hơn 3.000 nữ công nhân và nữ sinh viên Quảng Châu đã đi biểu tình với nam giới và đã dự mít tinh. Sau khi nghe người đồng chí chúng ta nói trong một giờ mà bài diễn vǎn bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay kéo dài, một chị của chúng tôi đã đọc nghị quyết sau đây:

Hôm nay, chúng tôi ở đây để làm lễ kỷ niệm cuộc Cách mạng vĩ đại nhất mà lịch sử đã chứng kiến: Cuộc Cách mạng Nga. Chính nhờ cuộc cách mạng này mà cơ sở của quyền tự do chân chính và quyền bình đẳng thực sự đã được đặt ra cho loài người. Chính nhờ cuộc cách mạng này mà sự giải phóng phụ nữ sẽ có giá trị và có những ý nghĩa đầy đủ, trọn vẹn.

Thay mặt cho tất cả các chị em, cảm ơn nữ đồng chí và cam kết làm việc hết sức mình để hợp sức vào sự chiến thắng cuối cùng của

cách mạng thế giới, mở đầu một cách thắng lợi bởi giai cấp vô sản anh hùng nước Nga.

Nghị quyết này đã được biểu quyết nhất trí với tiếng hô to:

Cách mạng Nga muôn nǎm!

Cách mạng Trung Quốc muôn nǎm!

Đả đảo chủ nghĩa đế quốc!

Người ta chưa bao giờ thấy phấn khởi nhiều như thế trong phụ nữ chúng tôi! Đó thật sự đã là cuộc cách mạng nhỏ!

Trong thư sau, tôi sẽ cho các đồng chí biết chúng tôi hoạt động ở đây như thế nào. Trong khi chờ đợi niềm vui được đọc thư các đồng chí, thay mặt các đồng chí của tôi, xin gửi đến các đồng chí lời chào chân thành nhất.

Quảng Châu, 12-11-1924. LOO SHING YAN1)
Nữ đảng viên Quốc dân đảng

cpv.org.vn

Advertisement

Thư gửi một đồng chí trong Quốc tế Cộng sản (22-12-1924)

Đồng chí thân mến,

Tôi gửi đến đồng chí một báo cáo về tình hình Đông Dương. Tôi đã tìm thấy ở đây vài người Đông Dương mà với họ, tôi hy vọng làm được việc gì đó. Xin đồng chí chỉ thị cho những đồng chí người Nga ở đây cũng nhận trách nhiệm về các công việc của Đông Dương, bởi vì một mình tôi không thể làm nhiều được. Tôi đang công tác ở hãng Rôxta. Tôi chỉ gặp đồng chí Malaca một lần; đồng chí ấy ốm và nói với tôi rằng đồng chí cố gắng trở về nước. Tôi nghĩ rằng đồng chí ấy đã về rồi, bởi vì đã rất lâu tôi không gặp nữa.

Tôi sẽ gửi đến đồng chí một báo cáo về công tác chính trị của tôi tiếp sau. Địa chỉ của tôi: ông Lu, Hãng thông tấn Rôxta, Quảng Châu. Nếu đồng chí viết thư về thì nhờ đồng chí nhắn các đồng chí chúng ta gửi những thư của tôi đến đây cho tôi. Tôi tin rằng thế nào cũng có một vài cái.

Chào cộng sản.
Quảng Châu, ngày 22-12-1924.
NGUYỄN ÁI QUỐC

—————————–

Thư đánh máy bằng tiếng Anh, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh
cpv.org.vn

Thư gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản (5-1-1925)

Đồng chí thân mến,

Quốc dân đảng Đông Dương vừa được thành lập vào ngày 3 tháng này với 3 đảng viên lúc bắt đầu.

Một người sẽ được phái đi Trung Kỳ và Lào. Một người khác (chưa phải là đảng viên) sẽ được phái đến Bắc Kỳ để lấy 5 người đi Quảng Châu học cách làm công tác tổ chức.

Tôi nghĩ có thể tìm nam thanh niên để gửi đi học ở Trường đại học Mátxcơva 8 . Xin đồng chí vui lòng cho biết có thể cho tôi gửi bao nhiêu sinh viên.

Đồng thời, tôi xin đồng chí chỉ thị cho các đồng chí Nga ở đây cũng nhận trách nhiệm về các công việc của Đông Dương bởi vì có một mình, tôi không thể làm quá nhiều việc được.

Quảng Châu, ngày 5-1-25.
Chào cộng sản

N.A.Q

—————————-

Thư đánh máy bằng tiếng Anh, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh
cpv.org.vn

Thư gửi cho một đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản Pháp (19-2-1925)

Quảng Châu, ngày 19-2-1925

Đồng chí thân mến,

Tôi không biết đồng chí là ai, nhưng tôi đoán rằng đồng chí phải là Maran. Có đúng vậy không? Trước khi đi, tôi đã yêu cầu Đảng gửi đến tôi báo chí và các tài liệu khác cho công tác tuyên truyền. Tôi ở Trung Quốc đã 5 tháng nay, và tôi chưa nhận được gì cả. Tôi hoàn toàn không biết những gì đã xảy ra trong Đảng và ở châu Âu.

ở đây, có nhiều công tác phải làm, mà công tác thì rất thú vị, ở trong Đảng Trung Quốc cũng như ở trong Đảng mới của An Nam mà chúng tôi đang xây dựng.

Tôi gửi đến đồng chí bản sao bức thư của tôi gửi Đoàn Chủ tịch. Trong thư có 3 nội dung:

1) Yêu cầu kinh phí – vì tôi không thể xin ở Đảng khi mà Đảng không có đồng nào, đồng chí hãy cố gắng để Đoàn Chủ tịch đáp ứng yêu cầu của tôi. Không được như vậy sẽ không có tiền để làm việc có kết quả.

2) Đề nghị gửi sinh viên – Đối với một thuộc địa như Đông Dương, chúng tôi phải có ít nhất 10 sinh viên – tuyên truyền viên. Nhưng chúng tôi có thể gửi 5 hay 7 người. Điều chủ yếu là cho tôi biết càng sớm càng tốt con số được chấp nhận để tôi có thể chọn trong số những người đang ở Trung Quốc hay phải đi tìm người ở

trong nước. Với cả hai đề nghị này, tôi chắc rằng đồng chí sẽ phải đấu tranh vất vả; vì đồng chí Tơranh đã đấu tranh vất vả cho việc đi của tôi.

3) Về tài liệu tuyên truyền – Tôi chẳng có gì cả trừ phi đồng chí viết một bức thư thúc giục rất khẩn cấp cho Ban Bí thư hay cho Bộ Chính trị của Đảng. Địa chỉ của tôi là: Lý. Hãng thông tấn Rôxta- Quảng Châu – Trung Quốc.

Báo chí nói rằng Misen Mácty đã ra khỏi Đảng và cũng khuyên Ǎngđrê làm mạnh hơn nữa. Có đúng không?

Tôi quên một việc khá quan trọng. Đồng chí hỏi Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng chúng ta: Nguyễn Thế Truyền có phải là đảng viên hay không? Nếu đúng là đảng viên, phải chỉ thị cho Truyền gia nhập nhóm lập hiến, vừa được tổ chức ở Pari để làm hạt nhân.

Tôi tin tưởng ở đồng chí và gửi tới đồng chí lời chào cộng sản anh em.

NGUYỄN ÁI QUỐC

——————————–

Tài liệu tiếng Pháp, lưu tại Viện Hồ Chí Minh
cpv.org.vn

Thư trả lời ông H. (Thượng Huyền) (9-4-1925)

Tôi xin cảm ơn ông đã gửi cho tôi hai tập viết của ông: Cách mệnh (1). Tôi đã đọc cả hai tập ấy. Ông còn yêu cầu tôi góp ý kiến nhận xét. Vâng, xin chiều theo ý ông!

Đứng về mặt phê bình, nghĩ như thế nào tôi xin nói thẳng với ông như thế ấy. Tôi không chắc rằng tất cả những nhận xét của tôi đều sai cả; nhưng xin ông cứ bác bỏ những nhận xét nào ông cho là khó hiểu. Việc trao đổi này sẽ có lợi cho cả hai chúng ta.

Trước hết tôi xin nói rằng tôi rất phấn khởi thấy ông đã dũng cảm và thiện ý viết hai tập này. Dũng cảm là vì ông đã viết bằng quốc ngữ 2 về một đề tài khá rộng mà từ trước đến nay chưa ai dám đề cập đến. Còn tinh thần thiện ý thì đã thể hiện rõ ở trên 32 trang giấy mà ông đã viết. Tất nhiên là 32 trang ấy chưa đủ để in thành sách. Nhưng nếu viết để đǎng báo, thì cũng đã khá tốt rồi!

Bài viết của ông có nhiều điển tích và dẫn chứng lịch sử. Điều đó chứng tỏ rằng ông rất thích đọc sách.

Bây giờ tôi xin bắt đầu nhận xét. Tôi luôn luôn nhớ rằng phê bình thì dễ, còn sáng tác nghệ thuật thì khó. Ví như, khi xem một bức tranh vẽ, chỉ ra được những sai sót hoặc nêu lên được những ưu điểm này nọ, thì dễ. Khi nghe một người khác dạo một bản nhạc, tôi có thể nhận xét anh ta chơi có hay hay không. Còn nếu ông bảo tôi hãy cầm bút vẽ bức tranh ấy hoặc cầm lấy nhạc cụ có dây kéo cho ra tiếng, thì tôi chịu…

Trên đây tôi có nói rằng, bài viết của ông có nhiều điển tích, nhưng tôi ngại điển tích ông nêu ra quá nhiều. Dùng điển tích là tốt, nhưng nếu lạm dụng sẽ làm cho độc giả khó chịu. Bởi vì tính chất cao xa, thâm thuý của các điển tích thường cũng hay bao hàm những ý nghĩa mơ hồ có thể làm cho người ta hiểu lầm. Một câu tục ngữ Pháp có nói: “Hứa hẹn nhiều bơ hơn là bánh mì”. Tôi nghĩ rằng một tác phẩm vǎn chương không cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên soạn tốt. ý kiến của tôi dựa vào hai câu trích dẫn sau làm bằng chứng:

Trong sách Luận ngữ, chúng tôi dẫn câu này: Tǎng Tử trả lời “Tất nhiên”. Câu ấy chỉ gồm có một từ. Một từ mà cũng đã rất đủ để thể hiện cả nghị lực và toàn bộ kiến thức của Tǎng Tử. Khi đọc từ ấy, lẽ nào người ta không hình dung được niềm vui sáng lên trong cái nhìn của Khổng Tử và tâm trạng vui của vị sư phụ đang đàm đạo với môn đệ.

Tôi thách ai có thể thêm, bớt một chữ nào trong câu ấy. Đó là lối hành vǎn thật sự trong sáng và cao xa.

Có một lần, một vị tướng của Napôlêông đệ nhất bị bao vây ở Oatéclô. Kẻ địch ra lệnh cho ông ta đầu hàng; ông đáp cộc lốc: “Cứt”. Câu nói ấy chỉ có một từ, lại là một từ tục tĩu. Nhưng trong tình thế nguy kịch nghiêm trọng ấy của vị tướng, nghìn lời nói khác cũng không thể nào thể hiện được hơn lòng dũng cảm và sự khinh bỉ của ông đối với kẻ thù. Và chỉ một lời đáp ấy cũng đủ để vị tướng củng cố được đội ngũ của mình. Chỉ câu nói ấy cũng đủ làm cho tên ông vang dội khắp châu Âu. Nó còn được ghi vào biên niên sử cho đến ngày nay và người Pháp ai cũng biết đến lời đáp ấy.

Vì vậy, một lối hành vǎn giản dị, chính xác hơn hẳn cái lối hành vǎn rườm rà, hoa mỹ.

Ngôn ngữ của ta còn nghèo. Khi nói, chúng ta phải vay mượn nhiều từ ngữ nước ngoài, nhất là từ ngữ Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng lạm dụng từ ngữ Trung Quốc chỉ làm cho vǎn thêm khó hiểu, trừ những từ thông dụng mà ai cũng đã biết và trừ những từ mới, như người bônsêvích, chủ nghĩa bônsêvích, tài chính… Ông nói, chúng ta phải giúp cho đồng bào ta làm quen với những từ mà nay họ chưa hiểu, lâu rồi họ cũng sẽ hiểu. Có thể làm như vậy được, nếu ông chỉ nghĩ đến viết cho họ tác phẩm vǎn học… Còn nếu tác phẩm của ông lại định dùng để tuyên truyền thì đó phải là một tác phẩm ai đọc cũng hiểu được. Một tác phẩm hành vǎn hay mà khó hiểu thì chẳng có ích gì. Ví như, bảo đồng bào chúng ta hãy lắng nghe một người Pháp hay một người Trung Quốc hát: dù cho những ca sĩ ấy là những nghệ sĩ tuyệt vời đi nữa thì họ cũng không lôi cuốn được đồng bào ta.

Tôi xin chia những điều phê bình của tôi thành hai phần: phần thứ nhất nói về hình thức bài viết của ông, và phần thứ hai nói về nội dung.

cpv.org.vn

Gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế nông dân (27-10-1925)

Các đồng chí thân mến,

Những thư của các đồng chí đề các ngày 1, 2, 13, 17, 18, 30 tháng 8 và các ngày 1, 2, 5, 7, 9 tháng 9 đến tôi cùng vào một ngày: ngày 14 tháng 10.

1/ Số tiền các đồng chí gửi cho sẽ do đồng chí Bôrôđin xử lý theo sự chỉ dẫn của các đồng chí. Bản thanh toán về số tiền đó sẽ được gửi đến các đồng chí sau. Việc xuất bản các tài liệu, việc cử người đi tuyên truyền, và việc gửi đều đặn các tin tức cho các đồng chí sẽ được thực hiện. Song việc cử người trong số các đồng chí đi Mátxcơva – theo ý kiến của tôi – thì chưa được vì tất cả các đồng chí chúng ta bây giờ đang cần ở đây. Không có ai trong số họ biết tiếng nước ngoài.

2/ Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân đảng không hề cử một đoàn đại biểu nông dân nào. Không ai biết ông Cho-ngao là ai.

3/ Tôi gửi đến các đồng chí một báo cáo về công tác nông dân ở tỉnh Quảng Đông. Bản báo cáo đó trả lời những vấn đề trong thư của các đồng chí đề ngày 5-9-25.

4/ Thư gửi Quốc tế thứ hai 36 đǎng ở tờ “Dân quốc nhật báo”, cơ quan của Quốc dân đảng; và báo “Con đường công nhân”.

5/ Tôi yêu cầu các đồng chí gửi cho chúng tôi những tài liệu bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, nhưng không bằng tiếng Đức bởi vì chúng tôi không hiểu tiếng Đức.

Xin gửi các đồng chí lời chào cộng sản .

Quảng Châu, ngày 17-10 NILỐPXKI

———————–

Tài liệu tiếng Anh, lưu tại Viện Hồ Chí Minh
cpv.org.vn

Gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế nông dân (5-11-1925)

Các đồng chí thân mến,

Những báo cáo và nghị quyết sau đây của Phân bộ Quốc dân đảng Quảng Đông sẽ cho thấy rằng:

1/ Nông dân bị sự áp bức của bọn kỳ hào, bọn kẻ cướp, bọn tham quan ô lại, bọn hương dũng, bọn quân phiệt, bọn địa chủ, bọn cho vay nợ, bọn độc quyền.

2/ Những yêu sách mà họ nhất trí đưa ra là giảm thuế, dẹp yên bọn cướp, giải tán hương dũng.

3/ Học vấn của họ nói chung là rất thấp.

4/ Do truyền thống gia trưởng, người đại diện cho tất cả các thành viên trong gia đình mình, nên người phụ nữ nông dân không- hoặc không được phép – tham gia hoạt động của tổ chức.

5/ Họ tán thành cương lĩnh của Đảng Cộng sản (1) khi nỗi lo của họ về “xã hội hoá phụ nữ” được xua tan.

6/ Họ có thể chịu sự hy sinh to lớn để bảo vệ giai cấp của họ hoặc để ủng hộ Chính phủ cách mạng.

7/ Phong trào đang được tổ chức và được lãnh đạo bởi các đồng chí cộng sản của chúng ta dưới danh nghĩa Quốc dân đảng.

8/ Bức thư của đồng chí gửi cho tôi (ngày 17 tháng 8) chỉ rõ rằng: “Hiện thời sự tham gia của Hội nông dân Trung Quốc vào Quốc tế Nông dân chỉ thuần tuý mang tính chất tuyên cáo. Chúng ta sẽ phải làm gì để cho sự tham gia đó trở thành thực sự ?

9/ Tôi chưa chính thức liên lạc được với Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân đảng 1 như đồng chí đã chỉ thị, tôi sẽ hỏi các đồng chí của chúng ta ở đấy xem tôi được giới thiệu chính thức thì hơn hay làm việc thông qua các đồng chí Trung Quốc của chúng ta thì hơn. Trong thư sau, tôi sẽ báo cáo về vấn đề đó.

10/ Tôi không nhận được một tuyên ngôn nào từ đồng chí Hanlơ.

11/ Tôi không nhận được một đề cương nào về vấn đề nông dân Trung Quốc như đồng chí nói là đã gửi cho tôi.

12/ Cùng với bản báo cáo này, tôi gửi tới đồng chí một vài tấm ảnh và một vài tập sách mỏng do Phân bộ nông dân Quốc dân đảng xuất bản.

Xin gửi lời chào cộng sản.

Quảng Châu, ngày 5-11-1925. NILỐPXKI (NAQ)

————————–

Tài liệu tiếng Anh, lưu tại Viện Hồ Chí Minh
cpv.org.vn

Thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế nông dân (3-12-1925)

Kính gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân,

Các đồng chí thân mến,

1/ Tôi đã hỏi ý kiến C.E.C 1 của C.C.P 2 vấn đề về những quan hệ trực tiếp của tôi với C.E.C của Quốc dân đảng với tư cách là đại diện chính thức của các đồng chí. Các đồng chí của chúng ta nói rằng điều đó là không cần thiết, bởi vì tôi có thể có tất cả mọi thông tin liên quan tới vấn đề nông dân thông qua các đồng chí đảng viên cộng sản Trung Quốc của chúng ta. (Mặc dù Chủ tịch Nông hội ở trong Quốc dân đảng, tất cả mọi công việc – tổ chức cũng như tuyên truyền đều do các đồng chí của chúng ta làm).

2/ Quốc dân đảng đang xuất bản tạp chí “Nông dân” bán nguyệt san, bắt đầu từ tháng này. Số đầu tiên sẽ ra mắt trong vài ngày tới. Tôi sẽ gửi tới các đồng chí.

3/ Tiếp theo là phong trào nông dân diễn ra hằng ngày (trên Nhật báo Quảng Châu) 3 và tranh ảnh đã được xuất bản trong cuộc họp nông dân tháng 5 vừa qua.

4/ Xin gửi cho tôi tư liệu về phong trào nông dân quốc tế (bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh) để dịch và đǎng tải trên tạp chí Quốc dân đảng.

Gửi các đồng chí lời chào cộng sản.

Quảng Châu, ngày 3-12-25. Nilốpxki (naq)

—————————

Tài liệu tiếng Anh, lưu tại Viện Hồ Chí Minh
cpv.org.vn

Thư gửi đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Quốc dân đảng Trung Quốc (1926)

Kính gửi Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Quốc dân đảng Trung Quốc,

Xin thưa, tệ nhân (2) là một người An Nam mất nước phải lưu vong bôn ba đến chốn này. May thay gặp lúc quý Hội họp Đại hội, tuyên bố viện trợ cho công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới, không nén nổi sự vui mừng. Song “muốn bốc thuốc, trước hết phải biết bệnh”. Cho nên, tệ nhân yêu cầu quý Hội cho phép đến Hội nghị để bộc bạch tình cảnh đau khổ của đất nước kém cỏi chúng tôi, mong những người muốn giúp chúng tôi tiện nghiên cứu để tìm phương châm. Nước tôi sẽ may mắn biết bao! Cách mạng sẽ may mắn biết bao! Trước khi ngừng lời, xin kính chúc:

Cách mạng Trung Quốc muôn nǎm!

Quốc dân đảng Trung Quốc muôn nǎm! (1)

Ngày 6 tháng 1 Trung Hoa dân quốc nǎm thứ 15
Lý THỤY

Địa chỉ liên lạc: Sứ quán Bôrôđin, ngài Trương Xuân Mộc 2 chuyển.

————————

Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh và Trung Quốc, tiếng Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr.35
cpv.org.vn

Gửi đoàn chủ tịch quốc tế nông dân (13-1-1926)

Các đồng chí thân mến,

Tôi đã viết thư nhiều lần cho các đồng chí để xin các đồng chí tài liệu về nông dân bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh cho tập san nông dân chúng tôi. Nhưng cho đến nay tôi không nhận được gì cả.

Tôi sẽ rất cảm ơn các đồng chí nếu gửi cho tôi nhật báo của Quốc tế Nông dân từ số 1 cho tới số hiện nay bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh, để tôi có thể dịch sang tiếng Trung Quốc cho việc tuyên truyền của chúng tôi.

Cùng một chuyến thư, các đồng chí sẽ nhận được 2 tấm ảnh to của phong trào nông dân Hải Phòng, và những bài cắt ở báo.

Các đồng chí thân mến, xin nhận những lời chào cộng sản của tôi.

Quảng Châu 13-1-1926 NILỐPXKI
N.A.Q

———————–

Tài liệu tiếng Pháp, lưu tại Viện Hồ Chí Minh
cpv.org.vn

Gửi đoàn chủ tịch Quốc tế nông dân (8-3-1926)

Các đồng chí thân mến,

Tôi muốn biết tại sao tất cả những thư mà tôi đã gửi đến các đồng chí đều không được trả lời, và nhất là những yêu cầu của tôi về báo cáo và tài liệu khác dùng cho tuyên truyền.

Tất cả những thư mà các đồng chí giao cho tôi để gửi đi Giava, Manila, ấn Độ và những nơi khác đã được gửi đi. Chỉ có một thư quay trả lại tôi, vì không có người nhận, đó là thư gửi Ban biên tập Petir, Langiơ, átgét – Xumatơra 1 .

Tôi gửi đến các đồng chí những bài cắt ở báo có liên quan đến phong trào nông dân (tháng 2 và tháng 3), và một số báo nông dân của Quốc dân đảng.

Tôi vẫn hy vọng các đồng chí vui lòng gửi cho tôi tài liệu để tuyên truyền. Xin gửi các đồng chí lời chào anh em.

Quảng Châu, ngày 8-3-1926. NILỐPXKI (N.A.Q)

——————–

Thư đánh máy bằng tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh
cpv.org.vn

Gửi uỷ ban trung ương thiếu nhi (22 – 7- 1926)

Các đồng chí thân mến,

Chúng tôi có tại đây (Quảng Châu, Trung Quốc) một nhóm thiếu nhi An Nam 44 . Các em đều từ 12 đến 15 tuổi. Đó là những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước An Nam, bị chủ nghĩa đế quốc Pháp áp bức, và ở đó mọi việc giáo dục đều bị cấm. Các em còn nhỏ nhưng các em đã đau khổ nhiều. Các em đã để cha mẹ ở nhà cách hàng nghìn kilômét để bí mật đến Trung Quốc. Nhiều em có cha mẹ bị người Pháp bắt giam vì các em đã bỏ gia đình đi ra nước ngoài, như những người cách mạng!

Khi chúng tôi nói với các em về Cách mạng Nga, về Lênin và về các bạn, – những chiến sĩ lêninnít Nga nhỏ tuổi – thì các em rất sung sướng và đòi sang với các bạn, để thǎm các bạn, ở với các bạn, học tập với các bạn, và để trở thành như các bạn – những chiến sĩ lêninnít chân chính nhỏ tuổi.

Chúng tôi đã hứa với các em là sẽ viết thư cho các bạn về vấn đề đó. Và giờ đây tôi đã làm việc ấy. Chúng tôi hy vọng rằng các bạn sẽ không từ chối tiếp nhận 3 hay 4 bạn nhỏ An Nam của các bạn, có phải không? Nếu các bạn đồng ý cho các em đến thì các bạn sẽ làm những việc sau đây:

1. Uỷ nhiệm cho đồng chí Bôrôđin, đại diện của Liên Xô tại Quảng Châu, làm mọi điều cần thiết cho hành trình của các em (gửi thư của các bạn cho Quốc tế Cộng sản hay cho Bộ Dân uỷ ngoại giao) .

2. Nói rõ các bạn có thể tiếp nhận bao nhiêu thiếu nhi An Nam.

3. Đến tháng nào thì ở Mátxcơva bắt đầu rét? (Vì các em thiếu nhi đó đến từ một nước rất nóng, phải chọn thời gian cho các em đi).

4. Tới Mátxcơva thì các em sẽ đến địa chỉ nào?

Tôi đợi các bạn trả lời và gửi đến các bạn lời chào cộng sản.

Ngày 22 tháng 7 nǎm 1926
NGUYỄN ÁI QUỐC

Địa chỉ của tôi: Nilốpxki,
Hãng thông tấn Rôxta,
Quảng Châu, Trung Quốc.

————————-

Tài liệu tiếng Pháp (1) , lưu tại Cục lưu trữ Vǎn phòng Trung ương Đảng
cpv.org.vn