Kính gửi: Hoàng thượng Khải Định An Nam Hoàng đế
Vĩnh biệt V.V.C.
Ngài đã đến – hay nói cho đúng hơn là người ta đã đưa Ngài đến, coi như một món hàng thuộc địa và có thể trưng bày ở Hội chợ. Người ta định đem Ngài bày ít nhất là vài ba tháng trong tủ kính xinh xẻo, nhưng mỏng manh và có thể bị huỷ hoại. Thế mà Ngài lại ra đi, hay nói cho đúng hơn, là người ta đã buộc Ngài phải cuốn gói ra đi. Được ǎn ở sang trọng tại phố Uđinô, được ru êm ấm trong tay của điện hạ Xarô – ông Hoàng An Nam và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa- như trên tay một người cha, thế mà Ngài vẫn kêu là còn rét. Nếu tất cả đồng bào của Ngài – những người đã từng dấn thân trong bùn lầy, sương tuyết và dưới làn mưa đạn trên chiến trường ở nước Pháp, những người đã và đang bị đày đoạ dưới tiết trời rét như cắt da cắt thịt, đã và đang bị đe doạ bởi những kẻ mà họ tấn công, – nếu tất cả những người đó đều nói như Ngài đã vội ch…uồn ngay, chớ chẳng chịu liều mạng – cố nhiên là liều cái mạng không đế vương bằng, nhưng dẫu sao cũng quý báu – thì Ngài có thể lấy đâu ra được để tỏ cái lòng trung quân dễ kiếm và lòng trung thành rẻ rúng để làm vừa ý cái ông chủ của Ngài, như Ngài đã từng tỏ ra ở Nôgiǎng hay ở những nơi khác?
Ngoài vấn đề tình cảm ra, và ngoài mấy con ngựa cái ở trường đua Lôngsǎng cùng những vẻ đẹp cổ đại ở nhà hát Ôpera ra thì Ngài đã thấy gì trong suốt thời gian “tham quan” của Ngài ở cái nước Pháp lạc thú này?
Ngài có thấy được nguyện vọng thiết tha mong muốn công lý, tự do và lao động của quần chúng rộng rãi của dân tộc Pháp này không? Ngài có thấy được tình cảm cao cả yêu chuộng hoà bình và hữu nghị đang làm rung động trái tim của quần chúng đó, – số quần chúng mà, qua những cuộc cách mạng giải phóng, giờ đây đã giải phóng mình khỏi ách của bọn vua chúa, để trở thành kẻ tự mình làm chủ mình đó không?
Qua những lời tán tụng hèn hạ trong những bài diễn vǎn của mấy nhà đương cục và trong những bài báo được trợ cấp tiền của mấy tờ báo “lương thiện” ra, Ngài còn có nghe thấy gì nữa không? Ngài có được nghe người ta nói đến Paxtơ hay Vônte, Víchto Huygô hay Annatôn Phrǎngxơ không? Ngài có được nghe người ta nói đến bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền không? Ngài có được nghe người ta kể lại lịch sử của cuộc cách mạng bất diệt không?
Sau những xúc động mạnh mẽ khi xem những đại bác, xe tǎng hoà bình diễu qua, thì trong cái đầu chít khǎn của Ngài đã vội chớm nở nỗi nhớ nhà, thế là Ngài vội vã cuốn gói ra đi! Ngày mai đây, Ngài sẽ xuống tàu, và Ngài sẽ lại trông thấy những biển cả ven theo đất nước của người Ai Cập và người ấn Độ. Hoà lẫn với tiếng sóng gầm vang, những tiếng thét dữ dội của nhân dân bị áp bức ở các nước này, cũng như của nhân dân nước Ngài, sẽ xé tan bầu không khí yên tĩnh bên tai Ngài. Và nếu như Ngài có đôi chút óc tưởng tượng, Ngài sẽ thấy rằng ý chí của nhân dân – một ý chí đã được hun đúc trong nghèo đói và khổ cực – một ý chí còn mạnh hơn và dẻo dai hơn sóng cả, cuối cùng sẽ khoét hổng dần và đánh bật cái tảng đá bề ngoài có vẻ vững chắc là sự áp bức và bóc lột kia đi. Có thể Ngài sẽ tự nhủ rằng cái mà Ngài trông thấy đấy là một chút của nước Pháp đó.
Vĩnh biệt… người đồng hương! Một khi mà những đợt sóng biển vô tình đã lấp kín vết đi của con tàu Ngài ngồi thì nước Pháp sẽ quên Ngài, cũng như Ngài sẽ không còn nhớ chút gì về những người Pháp nữa.
Để giữ kỷ niệm của một nền vǎn minh hiện đại và lớn lao, Ngài mang theo về cung điện của Ngài một chiếc dương cầm, vài cái nhẫn và cả mấy chiếc bật lửa mà Ngài đã đổi được bằng chút ít uy tín mà Ngài để mất mát đi trong trái tim nhân dân của Ngài. Và khi Ngài lại trở về sống giữa đám phi tần và nội thị của Ngài, giữa những sọt giấy lộn và tẩu thuốc phiện của Ngài, thì một vài tên ký lục già sẽ thêu dệt thay Ngài và hộ Ngài để gửi cho nước Pháp mà Ngài không hề hiểu biết một vài câu nịnh hót hay một vài vần thơ lủng củng, dưới đó, những ngón tay đầy nhẫn của Ngài sẽ cầm bút ký cái chữ ký của một vị đế vương là nghệ sĩ và vǎn nhân (!).
Thế là cái ý nguyện bình sinh lớn của Ngài đã được thoả mãn. Và như vậy là hạnh phúc và ấm no của nhân dân An Nam cũng sẽ được xây dựng và củng cố rồi đấy!
NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo Le Journal du Peuple, ngày 9-8-1922.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.