Các đồng chí,
Những nghị quyết của Đại hội lần thứ II của Quốc tế (35) về vấn đề thuộc địa đã mang lại hai tác dụng đồng thời nhưng lại hoàn toàn trái ngược nhau. Một mặt, chủ nghĩa đế quốc đi áp bức – ngừa trước những kết quả có thể xảy ra của chính sách đó nếu nó được thi hành nghiêm túc – đã đề phòng và tăng gấp bội những hoạt động tuyên truyền, ngu dân và đàn áp. Mặt khác, nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa, được tiếng vang của cách mạng thức tỉnh, đã hướng theo bản năng của họ về Quốc tế của chúng ta, một chính đảng duy nhất mà họ hy vọng là sẽ quan tâm đến họ một cách thân thiết, mà họ hoàn toàn mong mỏi là sẽ mang lại cho họ sự giải phóng. Như vậy, chúng ta sẽ có thể không những đánh đổ uy thế của chủ nghĩa thực dân bóc lột và lay chuyển vị trí của chúng, mà còn có thể biến mối cảm tình thuần tuý tình cảm và thụ động của các dân tộc thuộc địa đối với chúng ta thành mối cảm tình hành động, nếu những nghị quyết của Quốc tế được chấp hành. Khốn nỗi cho đến nay, những nghị quyết ấy chỉ được dùng để tô điểm mặt giấy! Phân bộ Pháp, phân bộ Anh và những phân bộ các nước thực dân khác đã làm gì cho các thuộc địa của chủ nghĩa tư bản nước họ? Những phân bộ ấy đã có một chính sách thuộc địa và một cương lĩnh rõ rệt về thuộc địa, chính xác và liên tục chưa? Những chiến sĩ của các phân bộ ấy có hiểu thuộc địa là gì và tầm quan trọng của thuộc địa là như thế nào không? Người ta có thể trả lời là không.
Đối với các thuộc địa Pháp,
a) một ban nghiên cứu thuộc địa đã được thành lập;
b) một mục viết về thuộc địa đã được mở ra trên báo L’Humanité;
c) những lời tuyên bố ủng hộ dân chúng thuộc địa đã được phát biểu trong các đại hội toàn quốc;
d) hai cuộc hành trình tuyên truyền đã được các đại biểu của Đảng tiến hành.
Sau khi được thành lập ít lâu và khi đã giành được không phải là không chật vật những cột báo trên tờ L’Humanité, Ban nghiên cứu thuộc địa đã hoạt động khá tốt. Những tài liệu và tin tức có giá trị đã bắt đầu được gửi từ các thuộc địa đến Ban. Chiến dịch mà Ban tiến hành trên báo Đảng nhằm chống những nhũng lạm và tội ác của bè lũ thực dân, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dân chúng các thuộc địa và mang lại nỗi lo lắng cho chủ nghĩa đế quốc thực dân và báo chí của nó. Nhưng diễn đàn ấy đột nhiên đã bị báo L’Humanité bỏ đi. Bị tước mất phương tiện công tác và hoạt động, Ban lâm vào tình trạng hoàn toàn bị tê liệt. Điều đó đã làm cho giới báo chí to lớn của giai cấp tư sản rất hài lòng, những báo chí này đã dành rất đều đặn hàng bao nhiêu trang cho công tác tuyên truyền thực dân và luôn luôn sợ bị cải chính và lật mặt nạ.
Điều đó đã đặc biệt gây những ấn tượng rất nặng nề cho dân bản xứ. Mặc dầu là hão huyền, những lời tuyên bố trong các đại hội toàn quốc ủng hộ dân chúng các thuộc địa cũng đã góp phần củng cố mối cảm tình mà họ đã có đối với Đảng. Tuy nhiên thật là không thích đáng nếu cứ lắp đi lắp lại mãi một điều mà không làm gì cả. Và những người bị áp bức khốn khổ thấy chúng ta chỉ luôn luôn hứa hẹn nhưng cũng luôn luôn không hành động gì thì bắt đầu tự hỏi rằng không biết thực ra chúng ta là những người đứng đắn hay là những kẻ lừa phỉnh. Cuộc hành trình của các đồng chí Vayăng Cutuyariê và ăngđrê Béctông qua Angiêri và Tuynidi, tiến hành hầu như cùng một lúc với các cuộc dạo chơi đế vương của bọn đại biểu tư sản, đã được dân chúng châu Phi rất hoan nghênh. Nếu những cuộc hành trình cùng một tính chất như thế được tiếp tục trong tất cả các thuộc địa thì chắc chắn là kết quả sẽ đáng mừng.
Nhưng, đáng lẽ phải tăng cường tuyên truyền thì chúng ta lại đã bỏ dở cái việc đã được bắt đầu, và bỏ mất những cơ hội tốt. Bởi thế, chúng ta đã làm rất ít trong khi xảy ra cuộc bãi công đẫm máu ở Máctiních, cảnh chết đói ở Bắc Phi và cuộc nổi dậy ở Đahômây.
Trong trường hợp sau chót này, chúng ta đã có một bộ mặt thiểu não. Nhiều ngày sau tất cả các báo tư sản và mười ngày sau báo L’Oeuvre, báo Đảng mới đăng tin về cuộc nổi dậy. Trong lúc chính phủ thuộc địa đã thiết quân luật, tập trung quân đội, huy động chiến hạm, huy động các bộ máy đàn áp, bắt bớ và kết án các nhà hoạt động từ 5 đến 10 năm tù; trong lúc các báo chí viết thuê đã tiến hành một cách có hệ thống một chiến dịch lừa dối và bưng bít dư luận thì chúng ta chỉ viết có hai hay ba bài báo ngắn, rồi thôi. Không phải là không mỉa mai và không đáng buồn khi trong bóng tối của những ngục tù có tính chất khai hoá, những người anh em Đahômây đau khổ của tôi đọc điều thứ 8, trong số 21 điều kiện, nói rằng: “Mỗi đảng cam đoan tiến hành một công tác cổ động có hệ thống trong quân đội nước mình nhằm chống mọi ách áp bức dân chúng thuộc địa; và mỗi đảng phải ủng hộ, không những bằng lời nói mà cả bằng hành động, phong trào giải phóng của các thuộc địa”.
Nhưng thật là vô ích nếu buộc tội quá khứ và tiếc rẻ thì giờ đã mất. Tốt nhất là biết sử dụng tốt thì giờ trong tương lai. Vậy chúng tôi yêu cầu Đảng:
1) chính thức thừa nhận Liên đoàn Máctiních (nhóm Giăng Giôrét);
2) mở lại mục viết về thuộc địa trong báo L’Humanité;
3) yêu cầu Ban nghiên cứu thuộc địa cung cấp tài liệu cho phân bộ thuộc địa và cứ hai hoặc ba tháng một, báo cáo công tác của
mình với phân bộ;
4) ở những nơi đã thành lập phân bộ thuộc địa thì khuyến khích các phân bộ này tăng cường công tác tuyên truyền và tuyển thêm người bản xứ;
5) trên tất cả báo chí của Đảng, mở một mục viết về thuộc địa để làm cho độc giả làm quen với các vấn đề thuộc địa;
6) nói đến các thuộc địa trong hết thảy các đại hội, mít tinh hoặc hội nghị của Đảng;
7) cử các nghị sĩ đi thăm các thuộc địa, mỗi khi nền tài chính của Đảng cho phép;
8) tổ chức những nghiệp đoàn hoặc thành lập các nhóm tương tự ở các thuộc địa.
Mátxcơva, tháng 7 năm 1923
NGUYỄN ÁI QUỐC
Tài liệu viết tay, tiếng Pháp, lưu tại Cục lưu trữ Vǎn phòng Trung ương Đảng.
cpv.org.vn
——————————————-
(35) Đại hội lần thứ II Quốc tế Cộng sản họp vào tháng 8-1920. Tại Đại hội này, Lênin đã nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong phong trào công nhân để giữ vững nguyên tắc mácxít trong các đảng cộng sản. Đại hội đã thông qua 21 điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản và thông qua bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa do Lênin dự thảo, nhằm vạch ra đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc cho nhân dân các dân tộc bị áp bức. Tr.194.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.