(ĐCSVN) – Có rất nhiều chuyện kể về đồng bào Nam bộ nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong đêm giao thừa Xuân 1968, vô vàn những câu chuyện ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, in sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Nam bộ, thổi bùng lên trong họ ngọn lửa yêu nước, quyết tâm đánh Mỹ, giành lấy độc lập cho dân tộc, câu chuyện “Giao thừa Tết Mậu Thân đón nghe thơ Bác” ở giữa đồng ấp Lòng Tảo – xã Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu là một trong hàng ngàn câu chuyện như thế .
Vào những ngày cuối năm 1967, giữa lúc phong trào đấu tranh của quân và dân ta diễn ra sôi sục khắp miền Nam thì cũng là thời điểm Mỹ Nguỵ dường như cũng đã nhận thấy dấu hiệu ta có thể đánh lớn. Vì thế, ngày đêm chúng lùng bố gắt gao, tăng cường bố phòng cẩn mật. Chúng cấm nhân dân tụ tập bàn tán, cấm không được nghe Đài phát thanh Hà Nội và Đài phát thanh giải phóng. Nhưng lạ thay, chúng càng cấm đoán, nhân dân ta càng muốn biết tình hình chiến sự và chủ trương của Trung ương. Do đó, có rất nhiều nơi nhân dân đã bí mật, tìm mọi cách để nghe được tin tức từ Đài Giải phóng; họ truyền tai cho nhau nội dung những bản tin vừa nghe được.
Ở xã Hoà Bình- tỉnh Bạc Liêu, Đảng bộ xã đã bàn nhau phương án tổ chức cho nhân dân nghe tin tức và nghe Bác Hồ chúc Tết đêm giao thừa. Ý tưởng trên xuất phát từ việc Đảng bộ xã muốn tập hợp để giác ngộ quần chúng giữ trọn lòng tin vào cách mạng. Và điều kiện lý tưởng nhất là tổ chức cho bà con nòng cốt trực tiếp được nghe tin tức và nghe Bác Hồ chúc Tết.
Sau nhiều ngày chuẩn bị, chiều tối 27 Tết Mậu Thân (1968), đồng chí: Ba Hiếu (tức Lê Văn Năm)- Bí thư Đảng uỷ xã và Mười Châu, Ba Thời là hai đảng viên phụ trách ấp Chùa Phật và Cái Tràm đã giả dạng người đi bắt cá, đuổi trâu chọn đống rơm nhà ông Bảy Dương ở giữa đồng ấp Lòng Tảo làm địa điểm tập hợp bà con trong xã để nghe đài trong đêm giao thừa. Đây là địa điểm vừa cách xa chợ Hoà Bình, vừa xa nhà, xa các đồn bốt xung quanh; từ xa không phát hiện được tiếng ra-đi-ô và ánh đèn chụp vải. Kế hoạch được thống nhất là rạng tối đêm 30 Tết, các ấp đến tập trung tại đây, ấp nào ngồi theo ấp nấy, không được đi lại qua địa phận ấp khác để những người đến dự không nhận được mặt nhau. Tuy không thành tổ chức, cán bộ các ấp cũng không nói trước với bà con nhưng không hiểu do đâu mà bà con kéo đến rất đông và cũng rất bí mật (khoảng 150 người). Các ấp đến đều mang theo trà nước, bánh kẹo, cả rượu và đồ nhấm nữa. Tuy ấp nào cũng biết có người của ấp bạn ngồi kề bên nhưng vì giữ nghiêm kỷ luật nên trà, nước, bánh, rượu và đồ nhắm của ấp nào, ấp nấy dùng, không qua lại mời chúc nhau.
Theo bố trí trước, nhân dân ba ấp: Giồng Giá, Chùa Phật, Cái Tràm ngồi thành ba cánh như thế chân kiềng; ở giữa đồng chí Ban Hiếu bố trí một chiếc bàn, trên để chiếc ra-đi-ô hiệu Philip mượn được của một người dân trong chợ Hoà Bình. Chiếc đài có âm thanh khá tốt và nằm ở vị trí chính giữa nên nhân dân cả ba ấp đều nghe rõ. Kể từ bảy giờ ba mươi phút, các ấp bắt đầu vừa bí mật nghe ca nhạc, tin tức của Đài Tiếng nói Việt Nam, vừa “lai rai” đêm giao thừa. Suốt cả buổi tối, không một ai nói chuyện, tất cả đều đang hướng về Thủ đô Hà Nội như nuốt lấy từng lời của các phát thanh viên loan tin chiến thắng ở các chiến trường Bắc- Trung- Nam càng củng cố thêm niềm tin chiến thắng cho người nghe.
Đang mải mê nghe đài, bỗng tiếng pháo giao thừa đã kéo mọi người về với thực tại. Giao thừa rồi- có nhiều tiếng xì xào. Mọi người đứng bật dậy, nghiêm trang, hướng về nơi xa xăm mà gần gũi- Thủ đô Hà Nội. Từ ra-đi-ô, vang lên nhạc Quốc thiều chào mừng năm mới ! Tiếng nhạc thật thiêng liêng, khiến lòng mỗi người đều như bắt đầu khởi động. Xa xa, từ phía Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, nhiều ánh chớp xé màn đêm và từng loạt các cỡ súng nổ rộ. Nghe tiếng súng nổ, đồng bào tưởng ở thị xã Bạc Liêu bọn giặc cũng đang đón giao thừa; chỉ có các đồng chí Ba Hiếu, Mười Châu, Ba Thời mới biết chuyện gì đang xẩy ra. Các đồng chí đứng đó mà lòng như lửa cháy ….
Mọi người đứng vẫn nghiêm trang. Giọng Bác Hồ từ chiếc ra-đi-ô vang to và đầm ấm: “Đồng bào và chiến sỹ yêu quý…Nhân dịp năm mới, tôi thay mặt đồng bào và chiến sĩ ta, gửi lời chúc mừng đến các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bầu bạn và nhân dân toàn thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, đã nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.
Tôi chúc kiều bào ta ở nước ngoài, năm mới cố gắng mới, tiến bộ mới!
Với đồng bào và chiến sĩ cả nước ta, tôi chúc mừng năm mới như sau:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!”.
… Mọi người vẫn đứng nghiêm trang giữa khoảng đồng trống mặc dù Bác đã chúc Tết xong từ lâu; ra-đi-ô chỉ còn tiếng nhạc hành khúc thôi thúc, họ say sưa không hề để ý tới tiếng súng, tiếng nổ lớn âm vang từ xa dội tới… Chỉ đến lúc ra-đi-ô phát thanh buổi ca nhạc tổng hợp mừng Xuân, mọi người mới tự động ngồi xuống chỗ cũ, đúng vị trí của mình. Và lại như lúc mới tới, đoàn người lại âm thầm nghe nhạc, rót rựơu mời nhau mà không hề phát ra một tiếng động. Cho đến hết buổi ca nhạc mừng Xuân họ mới lẳng lặng ra về. Trên đường về, lúc này mọi người mới chú ý đến ánh chớp sáng và nhiều tiếng nổ khác lạ dội vang từ khắp phía. Người tinh ý nghĩ tới sự khác thường của đêm nay mà náo nức trong lòng. Đêm đó bà con không ngủ mà nhóm năm, nhóm bảy bàn luận về thơ Bác, giảng giải cho nhau tin tức vừa nghe. Nhiều người tiếc nuối trách sao không ai rủ, hờn giận anh em, con cháu sao không tin mình…Còn những người được đi dự cứ đùn đẩy, ai cũng viện lý do trên đường đi gặp người A, người B rủ rê là đi liền không biết nội dung là vậy mà cũng chẳng biết ai đứng ra tổ chức cả.
Sáng đến, mọi nhà đều tổ chức ăn Tết đón Xuân. Những chỗ tụ tập đông người đều đưa câu chuyện đêm hôm ra bàn tán. Cũng mãi tới sáng, mọi người mới biết tiếng nổ hồi đêm chính là sự mở đầu cho mùa Xuân tổng tấn công. Ai cũng tiếc không có thời gian để được nghe Bác nói nhiều hơn, không có máy ghi âm để lưu lại lời Bác. Ở nhà ông Sơn Sóc đầu xóm Chùa Phật, có người đưa ra ý kiến: Đêm hôm đã nghe được giọng Bác Hồ, nhưng người Bác ra sao thì chưa ai được biết. Mọi người ước ao được có tấm hình của Bác để được trông thấy mặt Người. May mà người em thứ Tư của ông Sơn Sóc có tấm hình Bác. Anh Tư đưa cho mọi người xem, ai cũng khen Bác đẹp, hiền như ông Tiên và thoả lòng như đã được gặp Bác vậy. Tin đồn lan nhanh người này mượn coi hình Bác, người kia mượn coi hình Bác. Suốt ba ngày Tết, hình Bác Hồ đến với tất cả mọi nhà trong ba ấp Giồng Giá, Chùa Phật, Cái Tràm và sang cả chợ Hoà Bình. Sau Tết, đồng chí Ba Hiếu phải nhờ cơ sở thu về mới giữ lại được.
Tết Mậu Thân ta đánh lớn, buộc địch phải co vào thế thủ. Nhưng rồi ta lại phải rút ra khỏi các thành phố, thị xã, các trọng điểm quân sự quan trọng. Địch trở lại ruồng bố gắt gao nhưng đồng bào ở Hoà Bình, ở ba ấp Giồng Giá, Chùa Phật, Cái Tràm vẫn vững vàng tin tưởng vào cách mạng, tin tưởng vào Bác Hồ kính yêu, không một ai làm tay sai cho địch phản bội lại đồng bào./.
Đình Tăng (CTV)
Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.