(ĐCSVN) – Ngày Tết ở nước ta có nhiều phong tục đẹp, nhưng có lẽ đẹp nhất là một phong tục mới ra đời cách đây hơn 50 năm, phong tục Tết trồng cây do Bác Hồ khởi xướng.

Ngày 16/2/1969 (mồng 1 Tết Kỷ Dậu), Bác Hồ trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). (Ảnh tư liệu).
Đi thăm quốc gia nào, dù châu Á như Ấn Độ, châu Âu như Nga, Bác đều trồng cây lưu niệm. Nguyên thủ quốc gia nào đến thăm Việt Nam, Bác đều mời trồng cây. Nhớ miền Nam, Bác trồng dừa, vú sữa quanh nơi ở. Riêng với Hà Nội, Bác trồng nhiều cây nhất. Cây đa Bác trồng ở Đông Anh, ở xã Vật Lại (Ba Vì), ở công viên Thống Nhất giờ đã tỏa bóng mát xùm xòa. Cây đa ở công viên Thống Nhất, sau mấy chục năm đã tỏa bóng che mát một vùng bán đảo, tương lai không xa sẽ trở thành một cây đa đẹp vào loại nhất của Hà Nội.
Không chỉ trồng cây và vận động những người quanh mình trồng cây, ngay vào giữa thế kỷ XX, khi thế giới còn chưa thật chú ý tới lợi ích của cây xanh với bảo vệ môi trường và đời sống con người, Bác Hồ đã phát động Tết trồng cây trong toàn dân. Trong bài báo đăng trên báo Nhân Dân ngày 28-11-1959, chuẩn bị cho Tết trồng cây đầu tiên – Tết Nguyên đán năm 1960, Bác tính, miền Bắc (lúc đó) có 14 triệu người, trừ trẻ em dưới 8 tuổi, mỗi người ít nhất trồng một cây, sau năm năm có 90 triệu cây, nếu trồng cây nào tốt cây ấy, 5 năm sau là có cây ăn quả, cây có hoa, cây làm nhà. Với cách tính toán vừa thực tế vừa nhìn xa trông rộng đó, Bác đã tạo một phong tục mới, phong tục trồng cây ngày Tết mà chỉ Việt Nam mới có trong số hơn 200 quốc gia trên trái đất này.
Thực hiện lời Bác, cả miền Bắc và sau đó là cả nước năm nào cũng tổ chức Tết trồng cây. Đầu tiên chỉ là trồng cây lấy gỗ theo phương thức phân tán nhưng càng ngày, phong trào trồng cây càng đi vào chiều sâu. Trồng tập trung thành rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây bóng mát giao thông, cây đô thị. Liên tục nửa thế kỷ, phong trào trồng cây nhân dân được khởi đầu vào mỗi dịp Tết mỗi năm đã trồng được hàng trăm triệu cây phân tán, hàng chục nghìn héc ta rừng, hình thành nên những vùng cây ăn quả như mận tam hoa ở Lào Cai, Sơn La; vải đường ở Hải Dương, Hưng Yên; cà phê ở Tây Nguyên; rừng ngập mặn ở miền tây Nam Bộ. Trong phong trào đó, năm nào Hà Nội cũng phát động Tết trồng cây làm theo lời Bác, nâng diện tích cây xanh trên đầu người tăng lên, chất lượng cây trồng tốt hơn, chủng loại cây cũng khoa học, hợp lý hơn. Cho đến nay, trừ những khu phố cổ, khu phố cũ cây trồng đã lâu năm, bắt dầu giai đoạn lão hóa nhanh, hầu hết các khu mới mở rộng đều có diện tích cho cây xanh tập trung, cây hè phố. Những đảo cây xanh và hồ nước quí giá như công viên Thống Nhất, công viên Thanh Nhàn, công viên Thủ Lệ, công viên Hòa Bình, công viên Mễ Trì ngày một nhiều. Thành phố cũng kiên quyết dành diện tích đáng kể cho cây xanh trong qui hoạch dài hạn. Nhiều khu nghỉ cuối tuần, khu sinh thái có cây xanh, hồ nước ở Ba Vì, Sóc Sơn cũng đang được xây dựng.
Nhưng do dân số tăng quá nhanh, công tác quản lý cây xanh còn thiếu người, thiếu thiết bị, thiếu vốn… nên áp lực về cây xanh của thành phố không ngừng tăng. Năm nay, chỉ riêng thành phố Hà Nội đã có kế hoạch trồng 1,2 triệu cây xanh, phấn đấu mỗi huyện, thị trồng từ 5 vạn đến 6 vạn cây, chủ yếu là cây bóng mát, cây ăn quả và 300 héc ta rừng, chăm sóc 9.000 héc ta rừng. Với số lượng cây xanh đô thị và cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây cảnh đó, sau một vài thập kỷ, Hà Nội sẽ là một thủ đô xanh mát, sạch đẹp. Để có điều đó, Tết năm nay, mỗi người dân thủ đô, nhất là những người dân xa trung tâm hãy trồng ít nhất một cây và bảo đảm “trồng cây nào sống cây đó” như lời khuyên của Bác Hồ./.
Duy Vũ
Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)