THƯ GỬI TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN PHÁP
Các đồng chí,
Những nghị quyết của Đại hội lần thứ II của Quốc tế về vấn đề thuộc địa đã mang lại hai tác dụng đồng thời nhưng lại hoàn toàn trái ngược nhau. Một mặt, chủ nghĩa đế quốc đi áp bức – ngừa trước những kết quả có thể xảy ra của chính sách đó nếu nó được thi hành nghiêm túc – đã đề phòng và tăng gấp bội những hoạt động tuyên truyền, ngu dân và đàn áp. Mặt khác, nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa, được tiếng vang của cách mạng thức tỉnh, đã hướng theo bản năng của họ về Quốc tế của chúng ta, một chính đảng duy nhất mà họ hy vọng là sẽ quan tâm đến họ một cách thân thiết, mà họ hoàn toàn mong mỏi là sẽ mang lại cho họ sự giải phóng. Như vậy, chúng ta sẽ có thể không những đánh đổ uy thế của chủ nghĩa thực dân bóc lột và lay chuyển vị trí của chúng, mà còn có thể biến mối cảm tình thuần tuý tình cảm và thụ động của các dân tộc thuộc địa đối với chúng ta thành mối cảm tình hành động, nếu những nghị quyết của Quốc tế được chấp hành. Khốn nỗi cho đến nay, những nghị quyết ấy chỉ được dùng để tô điểm mặt giấy! Phân bộ Pháp, phân bộ Anh và những phân bộ các nước thực dân khác đã làm gì cho các thuộc địa của chủ nghĩa tư bản nước họ? Những phân bộ ấy đã có một chính sách thuộc địa và một cương lĩnh rõ rệt về thuộc địa, chính xác và liên tục chưa? Những chiến sĩ của các phân bộ ấy có hiểu thuộc địa là gì và tầm quan trọng của thuộc địa là như thế nào không? Người ta có thể trả lời là không.
Đối với các thuộc địa Pháp,
a) một ban nghiên cứu thuộc địa đã được thành lập;
b) một mục viết về thuộc địa đã được mở ra trên báo L’Humanité;
c) những lời tuyên bố ủng hộ dân chúng thuộc địa đã được phát biểu trong các đại hội toàn quốc;
d) hai cuộc hành trình tuyên truyền đã được các đại biểu của Đảng tiến hành.
Sau khi được thành lập ít lâu và khi đã giành được không phải là không chật vật những cột báo trên tờ L’Humanité, Ban nghiên cứu thuộc địa đã hoạt động khá tốt. Những tài liệu và tin tức có giá trị đã bắt đầu được gửi từ các thuộc địa đến Ban. Chiến dịch mà Ban tiến hành trên báo Đảng nhằm chống những nhũng lạm và tội ác của bè lũ thực dân, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dân chúng các thuộc địa và mang lại nỗi lo lắng cho chủ nghĩa đế quốc thực dân và báo chí của nó. Nhưng diễn đàn ấy đột nhiên đã bị báo L’Humanitébỏ đi. Bị tước mất phương tiện công tác và hoạt động, Ban lâm vào tình trạng hoàn toàn bị tê liệt. Điều đó đã làm cho giới báo chí to lớn của giai cấp tư sản rất hài lòng, những báo chí này đã dành rất đều đặn hàng bao nhiêu trang cho công tác tuyên truyền thực dân và luôn luôn sợ bị cải chính và lật mặt nạ.
Điều đó đã đặc biệt gây những ấn tượng rất nặng nề cho dân bản xứ. Mặc dầu là hão huyền, những lời tuyên bố trong các đại hội toàn quốc ủng hộ dân chúng các thuộc địa cũng đã góp phần củng cố mối cảm tình mà họ đã có đối với Đảng. Tuy nhiên thật là không thích đáng nếu cứ lắp đi lắp lại mãi một điều mà không làm gì cả. Và những người bị áp bức khốn khổ thấy chúng ta chỉ luôn luôn hứa hẹn nhưng cũng luôn luôn không hành động gì thì bắt đầu tự hỏi rằng không biết thực ra chúng ta là những người đứng đắn hay là những kẻ lừa phỉnh. Cuộc hành trình của các đồng chí Vayăng Cutuyariê và Ăngđrê Béctông qua Angiêri và Tuynidi, tiến hành hầu như cùng một lúc với các cuộc dạo chơi đế vương của bọn đại biểu tư sản, đã được dân chúng châu Phi rất hoan nghênh. Nếu những cuộc hành trình cùng một tính chất như thế được tiếp tục trong tất cả các thuộc địa thì chắc chắn là kết quả sẽ đáng mừng.
Nhưng, đáng lẽ phải tăng cường tuyên truyền thì chúng ta lại đã bỏ dở cái việc đã được bắt đầu, và bỏ mất những cơ hội tốt. Bởi thế, chúng ta đã làm rất ít trong khi xảy ra cuộc bãi công đẫm máu ở Máctiních, cảnh chết đói ở Bắc Phi và cuộc nổi dậy ở Đahômây.
Trong trường hợp sau chót này, chúng ta đã có một bộ mặt thiểu não. Nhiều ngày sau tất cả các báo tư sản và mười ngày sau báoL’Oeuvre, báo Đảng mới đăng tin về cuộc nổi dậy. Trong lúc chính phủ thuộc địa đã thiết quân luật, tập trung quân đội, huy động chiến hạm, huy động các bộ máy đàn áp, bắt bớ và kết án các nhà hoạt động từ 5 đến 10 năm tù; trong lúc các báo chí viết thuê đã tiến hành một cách có hệ thống một chiến dịch lừa dối và bưng bít dư luận thì chúng ta chỉ viết có hai hay ba bài báo ngắn, rồi thôi. Không phải là không mỉa mai và không đáng buồn khi trong bóng tối của những ngục tù có tính chất khai hoá, những người anh em Đahômây đau khổ của tôi đọc điều thứ 8, trong số 21 điều kiện, nói rằng: “Mỗi đảng cam đoan tiến hành một công tác cổ động có hệ thống trong quân đội nước mình nhằm chống mọi ách áp bức dân chúng thuộc địa; và mỗi đảng phải ủng hộ, không những bằng lời nói mà cả bằng hành động, phong trào giải phóng của các thuộc địa“.
Nhưng thật là vô ích nếu buộc tội quá khứ và tiếc rẻ thì giờ đã mất. Tốt nhất là biết sử dụng tốt thì giờ trong tương lai. Vậy chúng tôi yêu cầu Đảng:
1) Chính thức thừa nhận Liên đoàn Máctiních (nhóm Giăng Giôrét);
2) Mở lại mục viết về thuộc địa trong báo L’Humanité;
3) Yêu cầu Ban nghiên cứu thuộc địa cung cấp tài liệu cho phân bộ thuộc địa và cứ hai hoặc ba tháng một, báo cáo công tác của mình với phân bộ;
4) Ở những nơi đã thành lập phân bộ thuộc địa thì khuyến khích các phân bộ này tăng cường công tác tuyên truyền và tuyển thêm người bản xứ;
5) Trên tất cả báo chí của Đảng, mở một mục viết về thuộc địa để làm cho độc giả làm quen với các vấn đề thuộc địa;
6) Nói đến các thuộc địa trong hết thảy các đại hội, mít tinh hoặc hội nghị của Đảng;
7) Cử các nghị sĩ đi thăm các thuộc địa, mỗi khi nền tài chính của Đảng cho phép;
8) Tổ chức những nghiệp đoàn hoặc thành lập các nhóm tương tự ở các thuộc địa.
Mátxcơva, tháng 7 năm 1923
NGUYỄN ÁI QUỐC
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.1, tr. 194 – 197.
ÁCH ÁP BỨC KHÔNG TỪ MỘT CHỦNG TỘC NÀO
Vôrốpxki, phái viên của nước Nga công nông đã bị bọn phát xít ám sát ở Thuỵ Sĩ. Không một phái viên nào của các cường quốc rất văn minh và rất sùng đạo Thiên chúa đang họp ở Lôdannơ hạ cố đi đưa đám. Chỉ có phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ do Ixmết Pasa dẫn đầu đã đến nghiêng mình trước thi hài người bị sát hại.
Ben Rađia, một công nhân, quê ở Tuynidi đã bị cảnh sát giết ở Pari ngày 1 tháng 5. Các tổ chức công nhân ở Pari đã tổ chức một đám tang lớn. Hàng mấy nghìn công nhân đã nghỉ việc ngày hôm đó để đi đưa người đồng chí bản xứ của mình tới nơi an nghỉ cuối cùng.
Tất cả những liệt sĩ của giai cấp công nhân, người ở Lôdannơ cũng như ở Pari, những người Havrơ cũng như những người ở Máctiních, đều là những nạn nhân của một kẻ giết người: chủ nghĩa tư bản quốc tế. Và hương hồn của những người bị hy sinh này luôn tìm thấy nguồn an ủi cao cả nhất ở lòng tin vào sự nghiệp giải phóng những anh em của họ bị áp bức – không phân biệt chủng tộc hay xứ sở.
Sau những bài học đau đớn này, những người bị áp bức ở tất cả các nước hẳn phải hiểu đâu là những người anh em thật sự và đâu là kẻ thù của họ.
NGUYỄN ÁI QUỐC
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.1, tr.200.
BÁO CÁO GỬI QUỐC TẾ CỘNG SẢN (1)
ĐÔNG DƯƠNG, TÓM TẮT
Chính trị
Không có chính đảng: Đất nước bị cai trị theo cách như sau:
Nam Kỳ và Bắc Kỳ bị cai trị trực tiếp bởi các nhà cầm quyền Pháp với những thuộc hạ người bản xứ.
Trung Kỳ và Campuchia có chính phủ bản xứ của mình mà thực tế chỉ là thực hành các mệnh lệnh của các nhà cai trị Pháp.
Kinh tế
Xí nghiệp, đồn điền, hầm mỏ, giao thông vận tải và thương nghiệp lớn, tất cả đều ở trong tay người Pháp. Thương nghiệp hạng vừa có thể nói là người Trung Quốc nắm độc quyền. Người bản xứ chỉ có thương nghiệp địa phương nhỏ.
Xã hội
Dân cư hợp thành xã, những xã hợp thành tổng, những tổng thành huyện, những huyện thành tỉnh.
Dân cư bầu lấy lý trưởng, những lý trưởng bầu lấy chánh tổng. Cuộc bầu cử của nhân dân dừng lại ở đấy.
Những huyện và những tỉnh thì các quan cai trị do chính phủ chỉ định.
Triều đình và quan chức lệ thuộc tuyệt đối vào chính quyền Pháp. Họ bị chủ Pháp của họ khinh bỉ và nhân dân An Nam ghét.
Thiểu số các nhà nho hay là các nhà trí thức là các nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa. Chính họ đã khích động mọi cuộc nổi dậy trong quá khứ.
Công nhân có thể là 2% trong dân số, không được học hành, không được tổ chức. Do vậy họ không có một lực lượng chính trị nào.
Tiểu tư sản không nhiều, là một phần tử bấp bênh. Nó chịu sự chi phối bởi nhiều thứ triết lý, như là nó hướng vào phong trào dân tộc rất vội vã. Nó nhút nhát.
Quần chúng nông dân bị bóc lột nhất và cùng khổ nhất, rất yêu nước.
Tuyên truyền tốt trong nông dân và tổ chức tốt trong công nhân nếu chúng ta làm tới được điều đó thì tương lai thuộc về chúng ta.
CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG
1/ Xuất bản một tờ báo nhỏ tiếng Việt.
2/ Tập hợp những phần tử dân tộc cách mạng.
3/ Cố gắng đưa những thanh niên người bản xứ đi Mátxcơva.
4/ Xây dựng dây liên lạc Mátxcơva – Đông Dương – Pari.
HỢP TÁC
a/ Điều gì mà Đảng có thể làm thì đã liệt kê trong thư gửi cho nó do Ban phương Đông chuyển.
b/ Tổng công hội thống nhất đã hứa làm hết sức mình để 2 hoặc 3 đồng chí người Pháp có thể sang Đông Dương để tổ chức công nhân.
c/ Thanh niên cộng sản Pháp phải lợi dụng chủ nghĩa quân phiệt để đưa những thành viên chắc chắn nhất đăng lính vào đội quân thuộc địa để dắt dẫn sự tuyên truyền trong những người bản xứ.
2/ Sự giúp đỡ của Thanh niên cộng sản Trung Quốc là tuyệt đối cần thiết cho sự hoạt động ở Đông Dương.
Một cuộc thảo luận giữa những đại biểu của Đảng, của Tổng công hội thống nhất, của Thanh niên và của Ban phương Đông có thể ló ra nhiều ánh sáng khác.
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.1, tr.203-205.
____________
1) Đầu bài do BBT đặt. Trên đầu tài liệu ghi 21/IX/23. Mật.
PHÁT BIỂU TẠI HỘI NGHỊ LẦN THỨ NHẤT QUỐC TẾ NÔNG DÂN
Nông dân trong các thuộc địa của Pháp bị hai tầng bóc lột: vừa như những người vô sản, vừa như những người bị mất nước. Ở Angiêri, những đất đai màu mỡ được dành cho người Pháp; còn những người nông dân thì bị dồn vào sống trong vùng núi là nơi đất đai cằn cỗi và không thể canh tác được. Ở Đông Dương, hễ người Pháp đến là chính phủ cấp cho anh ta cả nhiều làng trọn vẹn. Nhưng người nông dân, không chỉ bần nông mà cả trung nông đều bị bắt buộc phải rời bỏ quê hương của mình hoặc làm đày tớ cho ông chủ người nước ngoài.
Thưa các đồng chí, khi các đồng chí được tổ chức lại, các đồng chí cần phải nêu gương cho chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi, dang rộng cánh tay anh em đón chúng tôi để chúng tôi cũng có thể bước vào gia đình vô sản quốc tế.
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.1, tr.208.
NHẬT BẢN
HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
Những biến cố gần đây đã làm cho cả thế giới chú ý đến Nhật Bản. Người ta nói nhiều về sức mạnh công nghiệp của Nhật, về việc phát triển kinh tế trước kia và sau này của nó. Mọi người biết rằng chủ nghĩa tư bản Nhật đạt được mức phát triển như vậy trong vòng 20-25 năm; để đạt được mức phát triển ấy, các bạn đồng nghiệp của nước Nhật ở phương Tây đã mất tới trên 100 năm.
Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nhật, các tổ chức công nhân cũng phát triển với những nhịp độ nhanh chóng. Bên cạnh phong trào vô sản, các phong trào khác có tính chất cách mạng cũng lan rộng. Đó là phong trào Eta. Ở đế quốc Mặt trời mọc có một loại dân nổi tiếng dưới cái tên Eta. Về bề ngoài thì Eta không khác gì những người Nhật khác. Nhưng có một câu chuyện hoang đường là người Eta xuất thân từ những bộ lạc nô lệ xưa kia từ nước ngoài kéo vào. Vì vậy, cho nên hiện nay người ta lại đối xử với họ giống như đối xử với tổ tiên họ. Họ buộc phải sống trong những vùng dành riêng cho họ, nơi mà không bao giờ người Nhật được lui tới. Họ không có quyền giao thiệp với nhân dân Nhật. Họ chỉ có quyền quan hệ với người Nhật với tư cách là những người hầu hạ. Họ nhận làm những công việc nặng nhọc và bẩn thỉu nhất. Bẩn thỉu, thấp hèn – đó là người Eta. Người Nhật không được lấy phụ nữ người Eta. Nói tóm lại là họ không có một chút quyền hạn xã hội gì, và số phận của họ làm cho người ta nhớ đến số phận của những đám người “Suđra” ở Ấn Độ hay những người da đen ở châu Phi. Người Eta có 3 triệu người. Do ảnh hưởng của những người vô sản đã giác ngộ, những người Eta bắt đầu được thức tỉnh và có tổ chức. Họ thành lập một hội lấy tên là “Xuikhây” (“Bình đẳng”). Mọi người nhiệt tình xin vào hội và năm ngoái hội nghị toàn quốc đầu tiên của hội này được triệu tập. Có 2.500 đại biểu từ khắp nơi trong nước về dự hội nghị. Hội nghị đã nêu khẩu hiệu: “Hoàn toàn bình đẳng”. Phương châm của hội nghị: “Việc giải phóng Eta là sự nghiệp của chính người Eta“. Những tổ chức tự do và của chính phủ lo lắng trước việc xuất hiện một lực lượng mới nên định nắm lấy nó dưới sự bảo hộ của mình. Nhưng họ đã không thành công.
Trong khi tất cả các cánh cửa đều đóng chặt trước mắt họ, thì những người công nhân Eta lại được những người công nhân Nhật có tổ chức đón tiếp một cách hết sức thân tình dựa trên sự bình đẳng hoàn toàn. Họ đã hiểu rõ được sự đón tiếp đó. Vì vậy ngày nay, khi từ chối mọi sự quan tâm giúp đỡ của những người tự do và của chính phủ, những người Eta thực hiện sự nghiệp chung cùng với giai cấp công nhân Nhật Bản. Phong trào lúc đầu với tư cách là cuộc đấu tranh của lớp người riêng lẻ thì hiện nay đã trở thành cuộc đấu tranh giai cấp.
Trước khi khai mạc đại hội trong năm nay, những người Eta đã ra một bản kêu gọi “Gửi tất cả những dân tộc ít người, tất cả những người lao động – nạn nhân của tư bản thế giới và chủ nghĩa đế quốc”. Trong lời kêu gọi có nói về những nỗi đau khổ đã trải qua và về sự viển vông của những cải cách mà chính phủ đã đưa ra, có nhấn mạnh việc “những người Eta sẵn sàng sát cánh cùng giai cấp công nhân Nhật làm cách mạng xã hội và giải phóng tất cả những người bị bóc lột”. Trong cương lĩnh hành động của họ có những điểm đặc trưng chứng tỏ hội có nghị lực và tính kiên quyết:
A. Từ chối sự giúp đỡ từ thiện trong đó có sự giúp đỡ của chính phủ.
B. Đào tạo cán bộ cho những hoạt động tích cực.
C. Thành lập các công đoàn của nông dân.
D. Thành lập các chi bộ của hội cho phụ nữ và thanh niên.
E. Thành lập các thư viện, báo chí và các cơ quan báo chí khác để phổbiến giáo dục và tuyên truyền tư tưởng bảo vệ quyền lợi của những người Eta.
G. Đòi tự do hoàn toàn về chính trị và kinh tế cho những người Eta.
Bây giờ chúng ta chuyển sang một lực lượng cách mạng khác – nông dân Nhật.
CÔNG NHÂN NÔNG NGHIỆP
Khi nói về công nhân nông nghiệp ở Nhật Bản thì cần phải nghiên cứu các tổ chức công nhân nông nghiệp ở phương Tây để so sánh.
Ở châu Âu có 1.517.000 công nhân nông nghiệp có tổ chức, trong đó 919.000 người tham gia Quốc tế Amxtécđam39 và 598.000 người tham gia Quốc tế đỏ của các công đoàn. Ở nước Nga có 270.000 công nhân nông nghiệp có tổ chức được thống nhất trong 8.000 nhóm công đoàn, tham gia vào trong 87 tổ chức công đoàn.
Nông dân Nhật chia làm bốn loại:
1. Dixacunô hay những người sở hữu, loại này có 172.241 hộ.
2. Dixacunô loại hai, hay những người sở hữu nhỏ, – 1.507.341 hộ.
3. Khandixacunô: nửa chủ, nửa thợ, – 2.244.126 hộ.
4. Côxacunin, hoặc những người tá điền, – 1.557.847 hộ.
Từ năm 1916 đến năm 1922 số lượng Dixacunô đã tăng thêm 7.035 hộ, còn Côxacunin, – thêm 32.858 hộ do sự phân hoá hai nhóm trung gian. Điều đó khẳng định lại một lần nữa tính chất đúng đắn của học thuyết Mác về sự thu hút và vô sản hoá các tầng lớp trung gian.
Tổ chức công nhân nông nghiệp của Nhật được thành lập cách đây mới được ba năm, nhưng nó phát triển nhanh và được củng cố. Có hai công đoàn: công đoàn phía Đông và công đoàn phía Tây. Công đoàn phía Đông có trung tâm của mình là Tôkiô, còn phía Tây là Ôxaca và Côbê. Tất cả có 85 chi nhánh các công đoàn, 196 nhóm, tổng cộng tất cả 120 nghìn đoàn viên. Năm 1922 ở công đoàn phía Đông có 15 nghìn đoàn viên, còn công đoàn phía Tây 91 nghìn. Năm nay họ có 18 nghìn đoàn viên công đoàn phía Đông và 102 nghìn đoàn viên công đoàn phía Tây, có nghĩa là số lượng của họ tăng lên 14 nghìn trong một năm. Điều đó có nghĩa là ở Nhật Bản đang xảy ra một quá trình phát triển ngược lại với quá trình phát triển của các tổ chức công nhân nông nghiệp ở các nước châu Âu (trừ Đức và Nga), nơi có số lượng hội viên đang giảm xuống chứ không tăng lên.
Như chúng ta đã thấy ở trên, công đoàn phía Tây có số lượng nhiều hơn nhiều công đoàn phía Đông, nhưng nhờ tinh thần tiên tiến của các đoàn viên của mình và nhờ họ có nghị lực nên công đoàn phía Đông có ảnh hưởng lớn hơn công đoàn phía Tây. Hầu như công đoàn phía Đông bao giờ cũng là người đề xướng ra cuộc đấu tranh chống lại chủ.
Đặc điểm “chính trị – địa lý” ấy có thể thấy cả trong những công nhân công nghiệp. Công đoàn phía Tây ôn hoà, có số lượng đông bị lôi kéo theo đuôi công đoàn phía Đông tiên tiến có số lượng ít.
Những yêu sách cơ bản của công nhân nông nghiệp là xã hội hoá tất cả đất đai canh tác, sách lược phổ biến nhất của cuộc đấu tranh là không đi làm trong thời gian thu hoạch mùa màng. Năm 1920 đã ghi nhận lại được 408 cuộc đình công, và năm 1922 – lên tới 1.398.
Vào tháng 1 đã có quyết định thống nhất hai công đoàn này, Công đoàn mới được gọi là “Nikhơnnôminkhai”. Việc thống nhất này làm cho giai cấp vô sản nông nghiệp ở Nhật Bản tăng thêm sức mạnh và là một mối lo ngại lớn đối với bọn chủ.
N.A.Q.
Dịch theo bài in trong sách những bài viết và nói chọn lọc
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.