Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử – Tập 10 (Chú thích và Bản chỉ dẫn tên người)

VN-HCM

CHÚ THÍCH

1. Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ ngày 23 đến ngày 26-1-1967): Đầu năm 1967, những thắng lợi mới của nhân dân ta ở trên cả hai miền đất nước đã tạo ra những khả năng mới để đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao. Tình thế đã đến lúc cho phép ta mở mặt trận đấu tranh ngoại giao để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới và nhân dân tiến bộ Mỹ, cô lập hơn nữa đế quốc Mỹ. Từ ngày 23 đến ngày 26-1-1967, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 13, chủ trương đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Hội nghị chủ trương: “Để thực hiện quyết tâm chiến lược của ta, trên cơ sở tiếp tục phát huy những thắng lợi đã giành được, chúng ta phải ra sức đẩy mạnh đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam. Đi đôi với đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam, ta cần tiến công địch về mặt ngoại giao, phối hợp với hai mặt trận đấu tranh đó để giành thắng lợi to lớn hơn nữa”1. Hội nghị đã vạch rõ vị trí của đấu tranh ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong giai đoạn trước mắt: Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động2.

Hội nghị vạch ra ba phương châm của đấu tranh ngoại giao là phát huy thế thắng, thế mạnh của ta; chủ động tiến công địch; giữ vững tính độc lập, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Tr.21.

2. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam: Tổ chức mặt trận dân tộc thống nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam trong những năm chống Mỹ, cứu nước, do Đảng ta, trực tiếp là Đảng bộ miền Nam lãnh đạo. Mặt trận được chính thức thành lập ngày 20-12-1960 theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) và là thành quả của phong trào Đồng khởi ở miền Nam những năm 1959-1960.

Tham gia Mặt trận gồm đông đảo các giai cấp, tầng lớp quần chúng, các đảng phái yêu nước, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, xu hướng chính trị. Tuyên ngôn và Chương trình hành động được công bố ngay từ những ngày đầu thành lập nêu rõ: Mục tiêu đấu tranh là đánh đổ ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ và tay sai, xây dựng miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, trung lập; tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, tổ chức các tầng lớp nhân dân trong cả nước, đoàn kết chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, giành toàn thắng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất Tổ quốc.

Năm 1976, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc đã hợp nhất các tổ chức Mặt trận trong cả nước thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tr.32.

3. Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương: Hiệp định được ký kết tại Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương, họp tại Giơnevơ (Thụy Sĩ), từ ngày 8-5 đến ngày 21-7-1954.

Nội dung cơ bản của các văn kiện được ký kết tại Hội nghị (các Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia; các phụ bản Hiệp định;Tuyên bố chung của Hội nghị) như sau:

– Các nước tham gia Hội nghị cam kết: tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

– Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương; quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương. Mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước.

– Vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai miền; sau hai năm (7-1956) sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam.

– Ở Lào, các lực lượng kháng chiến tập kết tại hai tỉnh Sầm Nưa và Phongxalì. Ở Campuchia, lực lượng kháng chiến phục viên tại chỗ.

Bản Tuyên bố chung ghi rõ: “Ở Việt Nam, đường ranh giới về quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi như là một biên giới chính trị hoặc lãnh thổ”.

Nhưng ngay từ đầu, đế quốc Mỹ đã ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Năm 1955, Mỹ hất cẳng Pháp, xây dựng bộ máy ngụy quyền ở miền Nam, tiến hành đàn áp dã man những người kháng chiến và cự tuyệt Tổng tuyển cử tự do trên cả nước. Nhân dân cả nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã anh dũng tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước. Tr.36.

4. Tòa án Quốc tế Béctơrăng Rútxen: Tòa án Quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, thành lập ngày 15-11-1966, theo sáng kiến và mang tên của nhà bác học Anh Béctơrăng Rútxen.

Tòa án đã có kỳ họp chính thức thứ nhất từ ngày 2 đến ngày 13-5-1967, tại Xtốckhôm (Thụy Điển) và kỳ họp thứ hai từ ngày 20-11 đến ngày 1-12-1967, tại Côpenhaghen (Đan Mạch). Với các bằng chứng thực tế, Tòa án Béctơrăng Rútxen kết luận giới cầm quyền Mỹ là thủ phạm chính và chính giới một số nước đồng lõa đã phạm những tội ác man rợ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, vi phạm nhiều điều mà luật pháp quốc tế đã ngăn cấm.

Tòa án Béctơrăng Rútxen không quy định những hình phạt cụ thể vì nó không đại diện cho một nhà nước cụ thể nào. Những kết luận của Tòa án là một bản án có ý nghĩa về mặt chính trị, tinh thần và có ảnh hưởng rộng rãi trong việc thức tỉnh lương tri của nhân loại tiến bộ đấu tranh chống lại những tội ác của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Tr.69.

5. Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam: Sau thắng lợi của gần bảy năm hoạt động theo chương trình 10 điểm công bố khi thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960), theo chủ trương của Đảng, ngày 1-9-1967, Mặt trận đã họp Đại hội bất thường để thông qua Cương lĩnh Chính trị. Nội dung chủ yếu của Cương lĩnh gồm 4 phần:

1- Toàn dân đoàn kết, chống Mỹ, cứu nước.

2- Xây dựng miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập và phồn vinh.

3- Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền Nam – Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước Việt Nam.

4- Thi hành chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập.

Đại hội còn đề ra 14 chính sách lớn, thể hiện đầy đủ và triệt để những nhiệm vụ lịch sử của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Mục đích của việc công bố bản Cương lĩnh Chính trị là nhằm củng cố và mở rộng hơn nữa khối đoàn kết dân tộc, động viên quân và dân miền Nam phát huy thắng lợi, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và đồng thời công bố với nhân dân thế giới về đường lối, chính sách của Mặt trận nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Tr.120.

6. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968): Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, đêm 30-1-1968, các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam đã mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở 64 thành phố, thị xã, các sào huyệt và các cơ quan đầu não của địch. Tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), nhiều mục tiêu quan trọng như Dinh Tổng thống ngụy quyền, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Đài Phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ, v.v. đều bị tấn công. Tại thành phố Huế, quân ta đánh chiếm 39 mục tiêu quan trọng, giải phóng thành phố và chiếm giữ suốt 25 ngày đêm. Tính đến ngày 31-3, 150.000 tên địch (có 43.000 tên Mỹ) đã bị loại khỏi vòng chiến; 2.370 máy bay, 1.700 xe tăng, xe bọc thép, 350 khẩu pháo lớn, 280 tàu xuồng cùng 34% vật tư dự trữ chiến tranh của địch bị phá hủy.

Thắng lợi oanh liệt của cuộc tiến công và nổi dậy Mậu Thân đã giáng đòn bất ngờ vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm đảo lộn thế chiến lược trong cuộc chiến tranh cục bộ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari sau đó. Tr.155.

7. Lập trường bốn điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh và tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ xâm lược miền Nam, tăng cường cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đồng thời ra sức tuyên truyền giả dối về “thiện chí hòa bình” của họ. Ngày 8-4-1965, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa III, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tuyên bố rõ lập trường của Chính phủ và nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm bốn điểm như sau:

1- Xác nhận những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam: hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Theo đúng Hiệp định Giơnevơ, Chính phủ Mỹ phải rút quân đội, nhân viên quân sự và các loại vũ khí Mỹ ra khỏi miền Nam, xóa bỏ liên minh quân sự với miền Nam; Chính phủ Mỹ phải đình chỉ chính sách can thiệp và xâm lược đối với miền Nam; phải đình chỉ hành động chiến tranh đối với miền Bắc, hoàn toàn chấm dứt mọi hành động xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

2- Trong lúc chờ đợi thực hiện hòa bình thống nhất nước Việt Nam, trong lúc nước Việt Nam còn tạm thời bị chia làm hai miền thì phải triệt để tôn trọng những điều khoản quân sự của Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam như: Hai miền đều không có liên minh quân sự với nước ngoài, không có căn cứ quân sự, quân đội và nhân viên quân sự nước ngoài trên đất mình.

3- Công việc miền Nam do nhân dân miền Nam tự giải quyết theo Cương lĩnh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài.

4- Việc thực hiện hòa bình thống nhất nước Việt Nam do nhân dân Việt Nam ở hai miền tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài. Tr.199.

8. Hội nghị Pari về Việt Nam: Hội nghị bàn về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, họp tại Pari (Pháp). Hội nghị có hai giai đoạn: Hội nghị hai bên và Hội nghị bốn bên.

Hội nghị hai bên mở phiên họp đầu tiên vào ngày 13-5-1968. Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Xuân Thủy dẫn đầu và Phái đoàn Chính phủ Mỹ do Hariman dẫn đầu.

Tuy chưa giải quyết được vấn đề gì cơ bản, nhưng Hội nghị hai bên là một diễn đàn quan trọng để ta vạch rõ dã tâm xâm lược và thái độ ngoan cố, thiếu thiện chí của giới cầm quyền Mỹ trong việc giải quyết vấn đề lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Hội nghị bốn bên mở phiên họp đầu tiên ngày 18-1-1969, Trưởng đoàn Chính phủ ta và Chính phủ Mỹ vẫn như Hội nghị hai bên, phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do ông Trần Bửu Kiếm dẫn đầu; phái đoàn Chính quyền Sài Gòn do Nguyễn Cao Kỳ và Phạm Đăng Lâm dẫn đầu.

Hội nghị kéo dài hơn bốn năm với 202 phiên họp công khai, 24 phiên họp kín. Với ý đồ thương lượng trên thế mạnh nên thái độ của phía Mỹ rất ngoan cố. Nhưng trước những thắng lợi của quân và dân ta, đặc biệt là thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công Xuân – Hè 1972 ở miền Nam và đòn giáng trả đích đáng đập tan cuộc tập kích bằng không quân chiến lược B.52 vào Hà Nội và Hải Phòng, với sức ép của dư luận tiến bộ Mỹ và thế giới, ngày 27-1-1973, phía Mỹ buộc phải ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Tr. 233.

9. Chiến thắng Khe Sanh: Trước những đòn tiến công của các lực lượng vũ trang ta trên mặt trận Đường số 9 – Bắc Quảng Trị, từ giữa năm 1966 đến cuối năm 1967 đế quốc Mỹ và ngụy quyền đã tăng cường lực lượng xây dựng một tập đoàn cứ điểm tại Khe Sanh (thuộc huyện Hướng Hóa – Quảng Trị) để án ngữ phía tây tỉnh Quảng Trị. Lực lượng lúc cao nhất lên tới 1 vạn tên, gồm 32 tiểu đoàn (có 26 tiểu đoàn lính Mỹ) với sự yểm trợ mạnh mẽ của pháo binh và không quân – nhất là máy bay chiến lược B.52.

Thực hiện ý đồ chiến lược thu hút và kìm chân một bộ phận lực lượng địch tại đây, các lực lượng vũ trang ta đã mở chiến dịch vây hãm tiến công dài ngày và tiêu diệt địch tại Khe Sanh. Chiến dịch diễn ra từ ngày 21-1 đến ngày 9-7-1968 và chia làm bốn đợt.

Trước sức mạnh tiến công của ta, ngày 26-6-1968, quân địch buộc phải rút khỏi Khe Sanh và bị các lực lượng vũ trang ta chặn đánh quyết liệt 17 ngày liền. Ngày 9-7-1968, quân ta hoàn toàn giải phóng Khe Sanh.

Sau hơn 170 ngày đêm chiến đấu, các lực lượng vũ trang ta đã loại khỏi vòng chiến 17.000 tên địch (có 13.000 tên Mỹ), bắn rơi và phá hủy 480 máy bay, 120 xe quân sự, 65 khẩu pháo lớn cùng nhiều vật tư và đồ dùng quân sự khác; một địa bàn chiến lược với hơn một vạn dân tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Tr.234.

10. Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Từ ngày 29 đến ngày 31-8-1968): Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, quân và dân miền Nam đã tấn công vào hầu hết các thành phố, thị xã và thị trấn, quận lỵ trên khắp miền Nam. Lần đầu tiên ta đưa chiến tranh đến tận hang ổ của kẻ thù, trên quy mô rộng lớn từ Quảng Trị đến Cà Mau. Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy là rất lớn và toàn diện, tạo nên bước ngoặt lớn trong cục diện chiến tranh. Phát huy khí thế chiến thắng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân miền Nam tiếp tục phát triển tiến công toàn diện trên chiến trường miền Nam nhằm giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn nữa, nhanh chóng mở rộng lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị của cách mạng, đẩy kẻ địch vào thế thất bại, đi tới giành thắng lợi quyết định. Trước yêu cầu mới của cách mạng, tháng 8-1968, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 để bàn về chủ trương củng cố và phát triển thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Hội nghị đã đánh giá tình hình trên chiến trường miền Nam, quyết định tiếp tục đẩy mạnh tổng công kích, tiến lên giành thắng lợi quan trọng hơn nữa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tr.245.

11. Tết trồng cây: Ngày 28-11-1959 bài Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Trần Lực đăng trên báo Nhân dân số 2082. Bài báo phân tích ý nghĩa của việc trồng cây đối với mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Cuối năm 1959, Người kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây (từ ngày 6-1 đến ngày 6-2-1960) gọi là Tết trồng cây.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, toàn dân ta đã tổ chức Tết trồng cây đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (1960). Kể từ đó tới nay, mỗi khi xuân đến, nhân dân các địa phương lại tổ chức “Tết trồng cây làm theo lời Bác” và “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”. Tết trồng cây đã trở thành một tập quán tốt đẹp của toàn dân ta trong những dịp vui Tết đón xuân. Tr.294.

12. Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam: Liên minh thành lập ngày 21-4-1968, theo chủ trương của Đảng ta nhằm tập hợp đông đảo quần chúng trí thức yêu nước, các công chức trong bộ máy ngụy quyền có tinh thần dân tộc vì những lý do khác nhau chưa tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Bản Tuyên ngôn cứu nước của Liên minh nêu rõ mục tiêu là đoàn kết mọi lực lượng và cá nhân yêu nước, kiên quyết chống ngoại xâm, đánh đổ chế độ ngụy quyền, thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc, giành độc lập, dân chủ và hòa bình.

Tháng 6-1969, Trung ương Liên minh tham dự Hội nghị đại biểu Quốc dân miền Nam để thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau tám năm hoạt động (1968-1976), Liên minh đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình.

Năm 1976, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đã hợp nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện sứ mệnh đoàn kết toàn dân trong mặt trận dân tộc thống nhất, tiến hành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tr.331.

13. Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5-1969): Sau hơn một năm mở các đợt tiến công và nổi dậy, kể từ mùa Xuân 1968, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn, nhất là về mặt quân sự. Đế quốc Mỹ và tay sai đã bị những đòn tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, do bản chất ngoan cố và xảo quyệt, chúng cố gắng tìm mọi cách để phản kích hòng đẩy lực lượng chủ lực của ta ra khỏi các thành phố, thị xã và đường giao thông chiến lược; ráo riết thực hiện chính sách “Việt Nam hóa” chiến tranh bằng những thủ đoạn hết sức tàn bạo và thâm độc. Trước tình hình đó, tháng 5-1969, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 16 xác định tình hình và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng, đề ra phương hướng cho quân và dân ta tiến lên đánh bại chủ trương chiến tranh mới của đế quốc Mỹ.

Hội nghị phân tích âm mưu, nội dung chiến lược “Việt Nam hóa” chiến tranh của Níchxơn, khẳng định đó là một chủ trương chiến lược được đề ra trong thế thất bại và bế tắc, chứa đựng nhiều mâu thuẫn giữa xuống thang chiến tranh nhưng lại muốn xuống thang trên thế mạnh; phải rút quân Mỹ mà lại muốn cho quân ngụy mạnh lên… Qua sự nhận định tình hình ta và địch, Hội nghị đề ra nhiệm vụ trước mắt cho toàn quân và dân ta là: “Động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trên cả hai miền, phát huy thắng lợi đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa; đẩy mạnh ba mũi giáp công, kết hợp với tiến công ngoại giao; ra sức xây dựng lực lượng quân sự và chính trị; phát triển chiến lược tiến công một cách toàn diện, liên tục và mạnh mẽ, làm thất bại các mục tiêu và biện pháp chiến lược phòng ngự của địch” nhằm đạt được mục tiêu là “đánh cho Mỹ phải rút hết quân, đánh cho ngụy phải suy sụp và ta giành thắng lợi quyết định, tạo điều kiện cơ bản để thực hiện một miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà”3Tr.351.

14. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam: Sau những thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường trong năm 1968 và đầu năm 1969, vùng giải phóng đã được mở rộng, vấn đề thành lập chính quyền cách mạng Trung ương lúc này là một đòi hỏi rất cấp bách, cả về đối nội cũng như đối ngoại.

Trước yêu cầu đó, Đại hội đại biểu quốc dân toàn miền Nam, họp từ ngày 6 đến ngày 8-6-1969 đã ra Nghị quyết thành lập chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nhất trí bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do ông Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch và Hội đồng cố vấn Chính phủ do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch. Đại hội đã kêu gọi quân và dân miền Nam đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng. Ngay trong tháng 6-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước chính thức đặt quan hệ ngoại giao. Trong suốt những năm tồn tại, Chính phủ luôn nhận được sự cổ vũ và nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước anh em, bầu bạn.

Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời là một thắng lợi có ý nghĩa to lớn trong cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.

Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kết thúc hoạt động và hoàn thành vai trò lịch sử của mình năm 1976, khi nhân dân hai miền Nam – Bắc tiến hành Tổng tuyển cử tự do bầu Quốc hội của cả nước. Tr.367.

15. Các bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc đầu tiên gồm ba trang, do tự tay Người đánh máy, ở cuối đề ngày 15-5-1965. Năm 1968, Người viết bổ sung thêm một số đoạn gồm sáu trang viết tay. Ngày 10-5-1969, Người viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc gồm một trang viết tay (những năm 1966, 1967 không có bản viết riêng).

Bản Di chúc công bố năm 1969 chủ yếu dựa vào bản Người viết năm 1965 (trong đó đoạn Mở đầu là bản viết năm 1969, đoạn Về việc riênglà phần đầu bản viết năm 1968). Bản Di chúc Người viết năm 1965 là bản duy nhất hoàn chỉnh, dưới có chữ ký của Người và bên cạnh có chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ.

Các bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VI) công bố năm 1989, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Người.

Lần xuất bản này, chúng tôi căn cứ theo tài liệu công bố trên đây của Bộ Chính trị. Các bản thảo Di chúc được sắp xếp theo thứ tự thời gian Người viết, các bản bút tích trước, các bản in sau. Cuối cùng là bản Di chúc công bố chính thức năm 1969. Tr.405. (Những đầu đề lớn trong phần này là của chúng tôi. B.T).

BẢN CHỈ DẪN TÊN NGƯỜI

C

CAXTƠRÔ, PH. (Phiđen Caxtơrô): Luật sư, nhà hoạt động của Đảng và Nhà nước Cuba, sinh năm 1927. Năm 1952, ông là một trong những người lãnh đạo phong trào đấu tranh bí mật chống chế độ độc tài thân Mỹ ở Cuba. Năm 1956, ông dẫn đầu 80 thanh niên yêu nước đổ bộ vào miền Nam tỉnh Ôriêngtê và lập căn cứ cách mạng trong miền rừng núi Xiera Maextơra. Từ sau cách mạng Cuba thành công (1959), ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng: Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Thủ tướng nước Cộng hoà Cuba.

CÂYTA, M. (Môđibô Câyta) (1915-1977): Nhà hoạt động chính trị của châu Phi, chiến sĩ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Mali. Năm 1945, ông là một trong những người sáng lập Đảng Liên minh Xuđăng, từng là Tổng Bí thư của Đảng này (1958). Tháng 4-1959, ông tham gia thành lập Liên bang Xênêgan – Mali và là Tổng thống Liên bang, Chủ tịch Hội đồng Chính phủ. Sau đó, được bầu làm Tổng thống Cộng hoà Mali.

CHU ÂN LAI (1898-1976): Người huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Năm 1917, ông du học ở Nhật; năm 1919, về nước, tham gia phong trào Ngũ Tứ; năm 1920, sang Pháp học; năm 1922, tham gia Đảng Cộng sản trẻ Trung Quốc ở nước ngoài, rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp qua sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc.

Từ năm 1924 sau khi về nước đến năm 1949 thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, ông được giao nhiều chức vụ quan trọng: Uỷ viên trưởng Khu uỷ Lưỡng Quảng Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Quân uỷ Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Trung ương cục Xôviết, Tổng Chính uỷ Hồng quân công nông Trung Quốc kiêm Tổng Chính uỷ Đệ nhất phương diện quân, Phó Chủ tịch Quân uỷ kiêm Tổng Tham mưu trưởng. Thời kỳ Quốc – Cộng hợp tác, ông là đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong Chính phủ Quốc dân Đảng.

Sau khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thành lập, ông liên tục được bầu làm Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc và giữ chức vụ này tới khi qua đời.

Tại các Đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khoá V đến khoá X, ông đều được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là Uỷ viên Thường vụ của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chu Ân Lai là người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cùng với Người xây đắp nên tình đồng chí, tình bạn vĩ đại và cảm động, tình hữu nghị giữa hai Đảng và nhân dân hai nước.

ĐẶNG DĨNH SIÊU (1904-1992): Nguyên quán tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, sinh tại Nam Ninh (Quảng Tây). Năm 1919, bà tham gia phong trào Ngũ Tứ, là một trong những người sáng lập tổ chức “Nữ giới ái quốc đồng chí hội” ở Thiên Tân, cùng với Chu Ân Lai, v.v. thành lập một đoàn thể tiến bộ có tên là “Giác ngộ xã”. Năm 1924, bà tham gia Đoàn Thanh niên xã hội chủ nghĩa Trung Quốc; năm 1925, vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng năm kết hôn với Chu Ân Lai. Năm 1926, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Quốc dân Đảng, bà được bầu là Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng này; năm 1932, trở về căn cứ địa Trung ương ở Giang Tây, tham gia Ban Bí thư Trung ương Cục; tháng 10-1934, tham gia Vạn lý trường chinh.

Trong thời kỳ kháng chiến, bà tham gia công tác trong Mặt trận Thống nhất dân tộc chống Nhật ở Vũ Hán, là Uỷ viên Uỷ ban Phụ vận Cục Trường Giang, Đảng uỷ viên Cục Phương Nam.

Sau ngày thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, bà là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc khoá II và khoá III; Chủ tịch danh dự khoá IV; Phó Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ nhi đồng toàn quốc; Hội trưởng danh dự Hội Hữu nghị với các nước của Trung Quốc; là Uỷ viên Thường vụ Quốc hội các khoá I, II, III, Phó Trưởng ban Thường vụ Quốc hội các khoá IV, V; là Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khoá VIII đến khoá XII; năm 1978, được bầu vào Bộ Chính trị, là Bí thư thứ hai Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Bà là người bạn lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

HOÀNG VĂN THÁI (1915-1986): Tên thật là Hoàng Văn Xiêm, quê Thái Bình. Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam; tham gia cách mạng từ hồi còn trẻ, vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1938; năm 1941 có thời gian là Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn; năm 1945, phụ trách Trường Quân chính kháng Nhật.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông lần lượt giữ các chức vụ: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại đoàn trưởng Đại đoàn Độc lập, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Phó Bí thư Quân uỷ Miền, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Miền, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. Các Đại hội III, IV, V, ông liên tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội nhiều khoá.

K

KENNƠĐI, G.P. (Giôn Phitơgheran) (1917-1963): Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ, xuất thân từ một gia đình triệu phú bang Mátxachuxét; được bầu vào Thượng nghị viện năm 1952; năm 1960, là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ, đã thắng đối thủ Níchxơn, nhận chức Tổng thống Mỹ tháng 1-1961.

Năm 1961, Kennơđi triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam, dùng lực lượng quân nguỵ cộng vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ và do Mỹ chỉ huy. Tháng 11-1963, Kennơđi bị ám sát.

KIM NHẬT THÀNH (1912-1994): Lãnh tụ của Đảng và Nhà nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Ông tham gia cách mạng thời còn niên thiếu; gia nhập Đảng Cộng sản Triều Tiên năm 1931. Năm 1934, ông tổ chức các đội du kích Triều Tiên tại Mãn Châu (Trung Quốc), sau đó, là người chỉ huy quân đội cách mạng Triều Tiên và tham gia cuộc chiến tranh giải phóng đất nước khỏi ách chiếm đóng của phát xít Nhật.

Từ năm 1946, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất Bộ Tổ chức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Triều Tiên và làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân lâm thời Bắc Triều Tiên, sau đó làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Trong những năm chống Mỹ (1950-1953). Kim Nhật Thành được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Quân sự nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Triều Tiên.

L

LÊ DUẨN (1907-1986): Nhà hoạt động xuất sắc của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, chiến sĩ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; quê làng Bích La Đông, xã Triều Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Ông đã tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu (1925) và các hoạt động yêu nước những năm 1926-1927; gia nhập Đảng Tân Việt (1928), hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội (1929), đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) và hoạt động tại Hà Nội. Tháng 4-1931, ông bị Pháp bắt, kết án 20 năm tù cầm cố, giam ở các nhà tù Hoả Lò, Sơn La; năm 1933, bị đày ra Côn Đảo; cuối năm 1936, được trả lại tự do, hoạt động cách mạng ở Quảng Trị. Cuối năm 1937, ông là Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ, Uỷ viên Trung ương Đảng (1939); bị Pháp bắt lại (1940) và đày ra Côn Đảo; tháng 8-1945, trở về hoạt động ở Nam Bộ; đầu năm 1946, được điều ra Trung ương; cuối năm 1946, trở lại Nam Bộ; Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ (1947-1951); Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1951), Uỷ viên Bộ Chính trị (liên tục từ tháng 2-1951).

Sau năm 1954, ông trở lại Nam Bộ để lãnh đạo cách mạng, trực tiếp dự thảo “Đề cương cách mạng miền Nam” (1956). Từ tháng 2-1957, ông được uỷ nhiệm lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ năm 1960 là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Từ tháng 12-1976, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá IV, V), đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII.

Được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, giải thưởng “Vì sự nghiệp củng cố hoà bình giữa các dân tộc” của Uỷ ban Giải thưởng quốc tế Lênin và nhiều huân chương của Liên Xô, Lào, Campuchia, Ba Lan, Bungari, Cuba, Cộng hoà Dân chủ Đức, Hunggari, Mông Cổ, Tiệp Khắc.

LÊNIN, V.I. (Vlađimia Ilích) (1870-1924): Lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới, người sáng lập Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử loài người, người sáng lập Quốc tế Cộng sản. Là học trò trung thành và xuất sắc của Mác và Ăngghen, Lênin đã bảo vệ tinh thần cách mạng của chủ nghĩa Mác, chống lại mọi sự xuyên tạc của bọn cơ hội chủ nghĩa, phát triển chủ nghĩa Mác, giải quyết đúng đắn về lý luận và thực tiễn các vấn đề đặt ra cho cách mạng vô sản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa.

LÊ THANH NGHỊ (1911-1989): Tên thật là Nguyễn Khắc Xướng; nhà hoạt động Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Quê làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Xuất thân là công nhân ngành điện, ông hoạt động trong phong trào đấu tranh của công nhân mỏ Vàng Danh, Cọc Năm, Hòn Gai (1928); gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930).

Tháng 5-1930, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án tù chung thân đày ra Côn Đảo. Năm 1936, ra tù ông trở về Hà Nội hoạt động trong phong trào công nhân, xây dựng các hội ái hữu, nghiệp đoàn, tổ chức cơ sở Đảng và tham gia Thành uỷ Hà Nội. Cuối năm 1937, ông về hoạt động cách mạng ở Hải Dương; năm 1940, bị bắt, đày tại Nhà tù Sơn La; đầu năm 1945, ra tù trở về Hà Nội, được chỉ định vào Xứ uỷ Bắc Kỳ, chỉ đạo phong trào cách mạng Chiến khu Hoàng Hoa Thám, Uỷ viên Uỷ ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ; tháng 8-1945, là Uỷ viên phụ trách miền Duyên hải, Thường vụ Xứ uỷ (1946).

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), ông là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (cuối năm 1948), Bí thư Liên khu uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến, Chính uỷ Bộ Tư lệnh Liên khu III, Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khoá II đến khoá V (1951-1986); Uỷ viên Bộ Chính trị (1956-1982); Thường trực Ban Bí thư (1980-1982); Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (1955-1960); Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Trưởng ban Công nghiệp Trung ương Đảng (1970-1974). Những năm 1974-1980, ông là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1981); những năm 1982 – 1986, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước. Đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII. Ông được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương cao quý khác.

LƯU THIẾU KỲ (1898-1969): Người tỉnh Hồ Nam, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc.

Năm 1921, ông sang Liên Xô và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại đây; năm 1922, sau khi về nước, là Uỷ viên Khu uỷ Hồ Nam, Chủ tịch Tổng Công hội toàn quốc (1932), tham gia Vạn lý trường chinh (1934-1935), Chính uỷ Tân Tứ quân (1941), Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (1927), Uỷ viên Bộ Chính trị (1931), Bí thư Trung ương Đảng (1943-1956), Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (1958-1968). Trong thời “Cách mạng văn hoá”, ông bị xử trí oan sai (1968) và bị cách chức, chết trong tù (1969); năm 1980, được khôi phục danh dự.

M

MAO TRẠCH ĐÔNG (1893-1976): Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, quê Hồ Nam; tốt nghiệp trung học sư phạm.

Tháng 8-1918, làm nhân viên Thư viện Đại học Bắc Kinh; năm 1919 về Hồ Nam, xuất bản Tạp chí Tương giang bình luận; năm 1920 lập nhóm cộng sản ở Hồ Nam; tháng 7-1921 tham gia Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc; Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản từ Đại hội III (6-1923).

Trong thời kỳ Quốc – Cộng hợp tác, ông là Uỷ viên dự khuyết Trung ương Quốc dân Đảng từ Đại hội I (1-1924); Bí thư Ban Nông vận của Đảng Cộng sản (1926); lãnh đạo Khởi nghĩa Vụ mùa (9-1927); lập căn cứ địa cách mạng ở núi Tỉnh Cương (1928); Chủ tịch Chính phủ Cộng hoà Xôviết Trung Hoa (chính quyền cách mạng thành lập ở khu giải phóng năm 1931); Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản (1933); tham gia lãnh đạo Vạn lý trường chinh. Tại Hội nghị Tuân Nghĩa (1-1935); được bầu làm Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Lãnh đạo Quân sự của Trung ương Đảng. Từ đó, trên thực tế ông là người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản; Chủ tịch Bộ Chính trị và Chủ tịch Ban Bí thư Trung ương Đảng (3-1943); Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng (4-1945); Chủ tịch Chính phủ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (1954-1959). Năm 1958, ông phát động phong trào “Đại nhảy vọt và Công xã nhân dân”; năm 1966, phát động “Đại cách mạng văn hoá vô sản”; năm 1974, đề xướng thuyết “Ba thế giới”.

Ông mất ngày 9-9-1976 ở Bắc Kinh. Ông đã viết nhiều tác phẩm về triết học, quân sự, chính trị nhằm phục vụ cách mạng và xây dựng nước Trung Hoa mới. Các tác phẩm chính: Bàn về mâu thuẫn, Bàn về thực tiễn, Vấn đề chiến lược của chiến tranh cách mạng Trung Quốc, Bàn về đánh lâu dài, Bàn về chủ nghĩa dân chủ mới; các bài nói: “Hội nghị toạ đàm về văn nghệ tại Diên An”, “Vấn đề giải quyết đúng đắn những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”. Đảng Cộng sản Trung Quốc coi tư tưởng Mao Trạch Đông là cơ sở tư tưởng đầu tiên của cách mạng Trung Quốc.

N

NÁTXE, G.A. (Gaman Ápđen) (1918-1970): Nhà hoạt động chính trị Ai Cập, xuất thân từ một gia đình công chức. Những năm 1945-1948, Nátxe Gama Ápđen học ở Học viện Tham mưu lục quân Lơke. Năm 1945, ông là một trong những người khởi xướng thành lập “Tổ chức sĩ quan tự do”. Tháng 7-1952, tổ chức này với sự ủng hộ của quân đội đã làm cuộc cách mạng thủ tiêu chế độ quân chủ, thành lập nước Cộng hoà Ai Cập do ông làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội chính. Tháng 4-1954, ông lên làm Thủ tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng cách mạng; tháng 6-1956, là Tổng thống Cộng hoà Ai Cập.

Tháng 2-1958, sau khi Ai Cập và Xyri hợp nhất thành nước Cộng hoà Ảrập thống nhất, ông được cử làm Tổng thống. Tháng 9-1961, khi Xyri tách khỏi liên minh, ông vẫn là Tổng thống kiêm Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng của Ai Cập.

Ông là một trong những người sáng lập Phong trào Không liên kết.

NGUYỄN CHÍ THANH (1914-1967): Người Niêm Phò, Quảng Điền, Thừa Thiên (này thuộc Thừa Thiên – Huế). Gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (1937), Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên (1938), hai lần bị bắt, lần thứ hai (1931) bị đày lên Lao Bảo, Ban Mê Thuột; năm 1941, vượt ngục về Thừa Thiên xây dựng cơ sở. Tháng 8-1945, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ, là Bí thư Phân khu uỷ Bình Trị Thiên (1947), Bí thư Liên khu uỷ Liên khu IV (1948), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng quân uỷ (1950). Ông là Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá II, III, được phong hàm Đại tướng năm 1959, là Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Năm 1961, ông phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng, sau đó được điều trở lại quân đội, phụ trách Trung ương Cục miền Nam (1964).

NGUYỄN DUY TRINH (1910-1985): Quê ở Nghi Lộc (Nghệ An), tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1925; gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng năm 1926. Đầu năm 1932, ông bị kết án tù khổ sai, đày đi Côn Đảo, rồi Kon Tum (1935-1945).

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), ông lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước: Uỷ viên Trung ương Đảng (1951), Bí thư Trung ương Đảng (1955); Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng (1956); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao (1965-1980); là đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VII.

NGUYỄN HỮU THỌ (1910-1996): Luật sư, nhà hoạt động chính trị và nhà nước nổi tiếng của Việt Nam; quê ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Ông tham gia phong trào yêu nước của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn (1947); gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (1949); tham gia thành lập Đoàn đại biểu các giới ở Sài Gòn đấu tranh đòi các quyền dân chủ, dân sinh; tham gia cuộc biểu tình chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ tại Sài Gòn (1950); bị bắt và đày đi Lai Châu (đến 11-1952); tham gia phong trào bảo vệ hoà bình ở Sài Gòn, đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ (1954); lại bị bắt và quản thúc tại Tuy Hoà, Phú Yên (1954-1955); được giải thoát (10-1961). Ông là Chủ tịch Uỷ ban Trung ương của Mặt trận (1-1964); Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (9-1969).

Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (7-1976 – 1980); quyền Chủ tịch nước (4-1980); Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (7-1981); Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (11-1988); Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (8-1994); đại biểu Quốc hội các khoá VI, VII, VIII. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương cao quý khác.

NGUYỄN LƯƠNG BẰNG (1904-1979): Nguyễn Lương Bằng (1904-1979), tức Sao Đỏ: Quê ở xã Thanh Tùng, Thanh Miện, Hải Dương: khi lớn lên, làm công nhân tàu biển; năm 1925, được gặp Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu (Trung Quốc) và bắt đầu hoạt động cách mạng, được tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cử về nước hoạt động. Năm 1928, từ Hải Phòng, ông được tổ chức phái đi công tác tại Hồng Kông, Quảng Châu, Thượng Hải. Ông gia nhập nhóm cộng sản đầu tiên của người Việt Nam ở Trung Quốc.

Năm 1931, ông bị mật thám Pháp bắt đưa về nước và bị kết án 20 năm tù khổ sai; năm 1932, vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng; năm 1933, lại bị thực dân Pháp bắt, bị kết án tù chung thân và đày đi Sơn La; năm 1943, lại vượt ngục và trở về hoạt động cách mạng. Năm 1944, ông được Đảng chỉ định làm Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác tài chính và binh vận. Năm 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, ông được bầu làm Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, ông được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc; sau Cách mạng Tháng Tám, liên tục là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; từ Đại hội lần thứ III đến Đại hội lần thứ IV, là Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Về mặt chính quyền, ông đã lần lượt giữ các chức vụ: Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô; Tổng thanh tra của Chính phủ. Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa III, ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi nước nhà thống nhất, Quốc hội khóa VI đã bầu ông làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

P

PHẠM HÙNG (1912-1988): Tên thật là Phạm Văn Thiện, quê Long Hồ, Châu Thành, Trà Vinh.

Những năm 1928-1929, ông là thành viên của tổ chức “Nam Kỳ học sinh Liên hiệp Hội” và “Thanh niên Cộng sản Đoàn”; năm 1930, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; năm 1931, bị bắt, chịu án tử hình, sau giảm xuống tù chung thân đày ra Côn Đảo. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia Xứ ủy Nam Bộ, rồi Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ. Năm 1951, là Uỷ viên Trung ương Đảng, tham gia Trung ương Cục miền Nam; năm 1952, là Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính Phân Liên khu miền Đông Nam Bộ; năm 1954, là Trưởng phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Uỷ ban Liên hiệp đình chiến Quốc tế tại Sài Gòn; từ năm 1956, là Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Ông đã từng giữ các chức vụ: Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Phó Thủ tướng (1958), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1980), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1987).

PHẠM VĂN ĐỒNG (1906-2000): Nguyên quán làng Cây Gạo, xã Đức Tây, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 1925, ông tham gia phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên tại Hà Nội, để tang chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh và bị đuổi học; năm 1926, dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu; năm 1927, về hoạt động ở Nam Kỳ và được cử vào Kỳ bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, ông bị bắt và kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo; năm 1936, được trả lại tự do, ra hoạt động công khai tại Hà Nội; Những năm 1940-1941, ông hoạt động tại miền Nam Trung Quốc, sau đó, trở về nước tham gia tổ chức xây dựng căn cứ địa cách mạng Cao – Bắc – Lạng.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông được cử vào Chính phủ lâm thời, làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, được bầu vào Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa VII.

Từ năm 1947, ông được cử giữ nhiều trọng trách như: Đại diện Chính phủ tại Nam Trung Bộ, Phó Thủ tướng Chính phủ (1949), rồi Thủ tướng Chính phủ (1955). Sau đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến năm 1987. Ông là Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ ta tham gia các Hội nghị Phôngtennơblô (1946), Hội nghị Giơnevơ (1954), Hội nghị Băngđung (1955) và nhiều hội nghị quốc tế khác.

Ông là Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng (1947), Uỷ viên chính thức (1949). Từ năm 1951, ông liên tục được bầu là Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, cho đến năm 1986; sau đó, là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

T

TÔN ĐỨC THẮNG (1888-1980): Người xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh Long Xuyên. Năm 1910, ông làm thợ trong xưởng máy của hải quân Pháp tại Sài Gòn. Năm 1912, ông tổ chức cuộc bãi công ở Nhà máy sửa chữa tàu thủy Ba Son; sau đó, bị lùng bắt phải trốn sang Pháp, làm thợ máy trong hải quân Pháp.

Năm 1919, ông tham gia cuộc binh biến của công nhân và thủy thủ Pháp tại Biển Đen nhằm chống lại cuộc chiến tranh can thiệp phản cách mạng của bọn đế quốc vào nước Cộng hòa Xôviết Nga. Năm 1920, ông trở về nước, xây dựng công hội bí mật tại Sài Gòn – Chợ Lớn và lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son tháng 8-1925 thắng lợi. Năm 1927, ông được cử vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; cuối năm 1929, bị thực dân Pháp bắt, kết án 20 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo.

Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, được chính quyền cách mạng đón về, ông tham gia ngay vào cuộc chiến đấu của đồng bào Nam Bộ chống thực dân Pháp.

Từ năm 1955, ông là Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ năm 1960, ông là Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tạ thế, ông được cử làm Chủ tịch nước và giữ chức vụ đó cho tới khi qua đời.

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương cao quý khác.

TÔN THẤT TÙNG (1912-1982): Trí thức yêu nước, người tỉnh Thừa Thiên (Huế). Năm 1931, học Trường Bưởi (Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp xuất sắc Đại học Y khoa (1939), ông được giữ lại làm bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức).

Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã hăng say nghiên cứu khoa học. Luận án “Các tĩnh mạch trong gan” của ông được Đại học Tổng hợp Pari tặng Huân chương Bạc. Viện Hàn lâm phẫu thuật Pháp đánh giá cao phương pháp cắt gan của ông.

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), ông được cử làm Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn. Trong kháng chiến chống Pháp, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm cố vấn phẫu thuật cho Bộ Quốc phòng, đồng thời góp sức xây dựng Đại học Y khoa. Hoà bình lập lại, ông được cử làm Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức, kiêm Chủ nhiệm Khoa ngoại Đại học Y khoa Hà Nội. Ông là tác giả của nhiều công trình khoa học về phẫu thuật có giá trị, là viện sĩ của nhiều nước như Pháp, Angiêri, Liên Xô và Cộng hoà Dân chủ Đức.

Ông được bầu làm đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII, là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng Nhất; truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

 TRẦN DUY HƯNG (1912-1988): Bác sĩ, tham gia cách mạng từ năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông được cử giữ nhiều chức vụ của Nhà nước: Chủ tịch Uỷ ban hành chính Thành phố Hà Nội (8-1945); Thứ trưởng Bộ Nội vụ (1947); Thứ trưởng Bộ Y tế (6-1954). Những năm 1954-1977, được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính (sau này là Uỷ ban Nhân dân) Thành phố Hà Nội. Ông là đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VII.

TRẦN TỬ BÌNH (1907-1967): Xuất thân trong một gia đình cố nông ở xã Tiên Động Thượng, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Học ở Trường dòng Công giáo. Vì năm 1925, tham gia cuộc để tang Phan Chu Trinh nên bị đuổi học; về quê một thời gian rồi đi phu đồn điền cao su Nam Bộ. Được giác ngộ cách mạng khi đang làm phu Đồn điền cao su Phú Riềng. Năm 1928, ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; năm 1929 vào Đảng Cộng sản, ba lần bị đế quốc Pháp bắt đày đi Côn Đảo và nhiều nhà tù khác. Tháng 3-1945, ông vượt ngục tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1945, là Uỷ viên Ban Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ, tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội.

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), ông được giao nhiều trọng trách: Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương (1947), Chính uỷ Trường Sĩ quan lục quân (1950), Tổng Thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam (1958). Từ năm 1959, ông được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông là đại biểu Quốc hội trong nhiều khoá.

Ông đã được Quốc hội và Chính phủ tặng nhiều huân chương cao quý và phong quân hàm Thiếu tướng.

TRƯỜNG-CHINH (1907-1988): Tên thật là Đặng Xuân Khu, nhà hoạt động chính trị, nhà thơ (bút danh Sóng Hồng), nhà báo, quê Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1925, gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1927. Từ năm 1936 đến năm 1939, ông là Uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ, đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương trong Uỷ ban Mặt trận Dân chủ Bắc Kỳ; năm 1940, là quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; năm 1941, là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương và năm 1951 được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam. Năm 1958, ông là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Tại Đại hội III (1960), Đại hội IV (1978), Đại hội V (1982), ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, là Uỷ viên Bộ Chính trị. Những năm 1960 – 1981, là Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Năm 1981, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ tháng 7-1986 đến trước Đại hội VI của Đảng, lần thứ ba ông được bầu vào cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

U

UNBRÍCH, V. (Vante Unbrích) (1893-1973): Nhà hoạt động chính trị Đức, một trong những người sáng lập Đảng Xã hội thống nhất Đức (1946). Những năm 1946-1949, ông là Phó Chủ tịch Đảng Xã hội Thống nhất Đức; từ 1950-1953, được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Xã hội thống nhất Đức; những năm 1953-1971, là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội thống nhất Đức; năm 1971, là Chủ tịch Đảng Xã hội thống nhất Đức; những năm 1960 – 1972, là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng Cộng hoà dân chủ Đức.

V

VÕ NGUYÊN GIÁP: Sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình; sớm tham gia phong trào yêu nước và gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng. Thời kỳ những năm 1936-1939, hoạt động công khai tại Hà Nội; năm 1940, ông sang Trung Quốc, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau đó cùng Người trở về tham gia xây dựng căn cứ địa ở Cao – Bắc – Lạng. Võ Nguyên Giáp là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tháng 12-1944, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng năm 1945 ở Tân Trào, ông được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông được cử giữ nhiều trọng trách trong bộ máy nhà nước: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Quân sự uỷ viên hội, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị trù bị Đà Lạt. Năm 1948, ông được phong quân hàm Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ông được giao nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy quân đội qua nhiều chiến dịch từ Việt Bắc Thu Đông 1947 đến Biên giới 1950, Điện Biên Phủ 1954, và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975.

Từ Đại hội II (1951) đến Đại hội IV (1976) liên tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông là Đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I đến khoá VII. Từ năm 1955, ông được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ (sau này là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) liên tục cho đến năm 1991. Hiện là Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

X

XÊĐENBAN, J. (Giumhadin Xêđenban) (1916-1991): Nhà hoạt động Đảng và Nhà nước Mông Cổ; gia nhập Đảng Nhân dân cách mạng Mông Cổ từ năm 1939; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Mông Cổ (1940-1954 và 1981-1984), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ (1952-1974), Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội (1974-1984); Nguyên soái (1979).

XIHANÚC, X.N. (Xămđéc Nôrôđôm Xihanúc): Quốc vương Campuchia, sinh năm 1922. Những năm 1930-1940, ông theo học các trường tiểu học, trung học và cao đẳng tại Phnôm Pênh và Sài Gòn.

Tháng 4-1941, Nôrôđôm Xihanúc được Hội đồng ngôi Vua bầu làm Vua. Những năm 1946-1948, ông học ở Trường Huấn luyện kỵ binh và thiết giáp tại Pháp. Tháng 4-1955, ông được vua cha cho thoái vị. Sau đó, ông thành lập Cộng đồng xã hội bình dân và trở thành Thủ tướng sau cuộc bầu cử hiến pháp.

Tại Hội nghị cấp cao Á – Phi lần thứ nhất ở Băngđung (Inđônêxia), ông tuyên bố Campuchia trung lập. Năm 1956, ông tham gia ký “Hiến chương Phong trào Không liên kết” và trở thành người sáng lập thứ 5 của Phong trào. Năm 1960, sau khi vua Suramarít băng hà, ông được bầu làm Quốc trưởng.

Sau đảo chính của Lon Non (tháng 3-1970), ông trở thành Chủ tịch Mặt trận Thống nhất dân tộc Campuchia; tháng 4-1970, ông tham gia Hội nghị cấp cao nhân dân Đông Dương họp tại Quảng Đông (Trung Quốc). Sau chiến thắng tháng 4-1975, ông trở thành Chủ tịch Nhà nước Campuchia dân chủ, đến tháng 4-1976, ông từ chức.

Tháng 6-1991, ông được cử làm Chủ tịch Hội đồng dân tộc tối cao. Từ tháng 11-1991, ông là Quốc trưởng Campuchia cho đến khi Hội đồng Hiến pháp được thành lập sau cuộc Tổng tuyển cử tháng 5-1993. Tháng 9-1993, ông được Hội đồng ngôi Vua bầu là Quốc vương và là người đứng đầu Nhà nước suốt đời của Campuchia. Tháng 10-2004, ông nhường ngôi cho Thái tử Ranarít Xmôni.

XUPHANUVÔNG (1909-1995): Hoàng thân, nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng và Nhà nước Lào, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông đã giữ nhiều trọng trách: Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước (Neo Lào Hắcxạt). Ông là đại biểu các lực lượng cách mạng Lào tham gia các Chính phủ liên hiệp Lào lần thứ nhất (1957-1958), lần thứ hai (1962-1964) và lần thứ ba (1974-1975). Ông đã nhiều lần sang thăm Việt Nam và là người có nhiều đóng góp vào sự củng cố và phát triển tình hữu nghị Lào – Việt.

————————–

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t.28, tr.174.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.28, tr.174.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.30, tr.132.

Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)

Advertisement