Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử – Tập 10 (Năm 1969 – Tháng 7)

VN-HCM

Tháng 6, ngày 30

Chiều tối, nghe tin đoàn thầy thuốc Trung Quốc đã trở lại Việt Nam để tiếp tục chữa bệnh cho Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển lời hỏi thăm và cảm ơn các thầy thuốc Trung Quốc.

– Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr.248 (bản Trung văn).

Tháng 7, ngày 1

Chiều tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mời Đại sứ và Tham tán của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam vào Phủ Chủ tịch dùng cơm thân mật mừng ngày kỷ niệm 48 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội Ba Lan nhân dịp các đồng chí nhận chức.

–   Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 249 (bản Trung văn).

–   Báo Nhân dân, số 5557, ngày 2-7-1969.

Tháng 7, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới ông Huari Bumêđiên, Chủ tịch Hội đồng cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Angiêri Dân chủ và nhân dân, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 7 ngày Tuyên bố độc lập của Angiêri.

– Báo Nhân dân, số 5560, ngày 5-7-1969.

Tháng 7, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Hoàng thân Xuphanuvông.

– Tư liệu lưu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Hà Nội.

Tháng 7, trước ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu của Người cho tám cán bộ, chiến sĩ có tinh thần dũng cảm khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắcnhiệm vụ 5).

– Báo Nhân dân, số 5565, ngày 10-7-1969.

Tháng 7, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo, Đảng, Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 48 Quốc khánh Mông Cổ.

Cùng ngày, Người và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng gửi điện mừng tới Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội J.Xămbu, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ I.U.Xêđenban nhân dịp các đồng chí được bầu giữ chức vụ trên.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem báo Quảng Ninh trong chuyên mục “Người mới, việc mới” có đăng tin hai vợ chồng cụ Khiêm (60 tuổi) có nhiều thành tích trong chăn nuôi gia súc, làm phân bón phục vụ cây trồng, Người đã đề nghị thưởng hai cụ “Huy hiệu Bác Hồ”.

– Báo Nhân dân, số 5566, ngày 11-7-1969.

– Bản bút tích lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 7, trước ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu của Người cho sáu cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang luôn luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 6).

– Báo Nhân dân, số 5568, ngày 13-7-1969.

Tháng 7, trước ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi điện mừng tới Tổng thống kiêm Thủ tướng nước Cộng hòa Irắc Ácmét Hátxan En Bacơ, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 11 Quốc khánh nước Cộng hòa Irắc.

– Báo Nhân dân, số 5569, ngày 14-7-1969.

Tháng 7, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phóng viên báo Granma (CubaMácta Rôhát. Về tình cảm của Người đối với miền Nam, Người nói: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi.

Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”.

Trả lời câu hỏi về sức mạnh của nhân dân Việt Nam là ở chỗ nào, Người khẳng định: “Sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của nhân dân thế giới”.

Sau khi trả lời những câu hỏi về ý nghĩa của sự đoàn kết quốc tế, mà đặc biệt là của nhân dân Cuba, về những tiến bộ của Việt Nam trên các lĩnh vực trong điều kiện chiến tranh ác liệt… Người nói: “Tôi muốn đồng chí chuyển về Cuba những lời sau đây: Tôi vô cùng yêu mến nhân dân Cuba. Tôi xin gửi lời chào đến toàn thể nhân dân Cuba, từ các đồng chí lãnh đạo đến các cháu thiếu nhi. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe và thu được những thắng lợi ngày càng to lớn. Chúc các bạn thu được nhiều thành tựu trong mùa mía mười triệu tấn. Cho tôi gửi những cái hôn nồng nhiệt đến các cháu thiếu nhi và thanh niên. Đồng thời, tôi cũng chúc nhân dân các nước khác ở châu Mỹ Latinh tựgiải phóng khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc Yăngki. Về phần mình, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh và quyết chiến thắng. Chúng tôi đã nói như vậy và chúng tôi khẳng định lại như vậy”.

Trong ngày, Người gửi điện mừng tới Tổng thống nước Cộng hòa Pháp Gioócgiơ Pôngpiđu nhân dịp kỷ niệm Đại Cách mạng Pháp (14-7-1789).

–   Sách Từ bến Nhà Rồng đến đền Long Đức, Nxb. Cửu Long, 1990, tr.143-144.

–   Báo Nhân dân, số 5569, ngày 14-7-1969.

Tháng 7, ngày 15

7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn phóng viên báo Nhân đạo (Pháp) Sáclơ Phuốcniô. Sau khi nói về con đường của Người đi đến tư tưởng Lênin, tán thành Quốc tế thứ ba, việc rời nước Pháp và tới hoạt động ở nước Nga như thế nào, Người trả lời về vai trò của Lênin và chủ nghĩa Lênin đối với Người: “Lúc đầu, chính là do chủ nghĩa yêu nước mà tôi tin theo Lênin. Rồi, từng bước một, tôi đi đến kết luận là chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới. Và Lênin đã vạch con đường cho chúng tôi một cách cụ thể: năm 1919, tại Đại hội những người cộng sản Phương Đông”, Người nói: “Những kinh nghiệm của chúng tôi chứng tỏ rằng muốn đưa cuộc cách mạng dân chủ đến thắng lợi và mở ra những giai đoạn nối tiếp nhau cho sự phát triển của một nhà nước dân tộc dân chủ, giai cấp công nhân và đảng của nó phải lãnh đạo cuộc cách mạng”.

Người kết luận: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng – mà không phải chỉ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lênin – chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác – Lênin”.

– Báo Nhân dân, số 5801, ngày 5-3-1970.

Tháng 7, ngày 16

Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn nghệ thuật Trung ương mới kết thúc chuyến biểu diễn tại Pari (Pháp). Người đã nghe Trưởng đoàn Cù Huy Cận báo cáo về chuyến thăm, biểu diễn tại Pháp. Người đã khen ngợi các nghệ sĩ và tặng huy hiệu của Người cho một số nghệ sĩ của đoàn.

–   Viện Sân khấu: Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu, Viện Sân khấu, Hà Nội, 1990, tr.81.

Tháng 7, trước ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng các cháu sinh ba 7), mỗi cháu hai mét lụa.

– Báo Nhân dân, số 5573, ngày 18-7-1969.

Tháng 7, ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam. Sau khi nói đến nhiệm vụ của công đoàn trong sự nghiệp xây dựng kinh tế và đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, phê bình những việc biểu hiện chưa tốt trong công đoàn, Người chỉ rõ: “Công đoàn cần tập trung vào việc phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong việc tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước để thực hiện tốt ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật và cách mạng tư tưởng văn hóa.

Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân có quyền thực sự trong xí nghiệp, có quyền phê bình tất cả mọi việc và mọi người trong xí nghiệp. Họ có quyền phát biểu về mọi vấn đề quản lý xí nghiệp, sản xuất, đời sống…”.

Người còn nhấn mạnh đến vai trò tổ chức của công đoàn, những yêu cầu đối với cán bộ công đoàn. “Chẳng những phải giỏi về chính trị, mà còn phải thạo về kinh tế, không thể lãnh đạo chung chung” và phải hiểu được việc công nhân làm; nếu không, không thể lãnh đạo được. Người cũng nhấn mạnh đến vấn đề đoàn kết vì: “Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn phải đoàn kết nhất trí. Phải kiên quyết xây dựng cho được sự đoàn kết nhất trí trong các hệ thống công đoàn…” và “phải phát huy dân chủ nội bộ”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe đồng chí Lê Quảng Ba báo cáo về vấn đề định canh, định cư của đồng bào miền núi.

– Tư liệu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch Hà Nội

Tháng 7, ngày 20

 Nhân kỷ niệm 15 năm ngày ký Hiệp định Giơnevơ, báo Nhân dân, số 5575, đăng toàn văn Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày 20-7-1969.

Trong Lời kêu gọi, Người tố cáo đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, xâm lược nước ta, gây ra cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng những thủ đoạn chiến tranh tinh vi và dã man của chúng không khuất phục được ý chí kiên cường của nhân dân ta. Các kế hoạch xâm lược của đế quốc Mỹ đã lần lượt bị phá sản. Người vạch rõ mưu đồ lừa bịp và hiểm độc của Mỹ trong chiến lược “Việt Nam hóa” chiến tranh. Và khẳng định một lần nữa lập trường của nhân dân ta là: Kiên quyết đòi Mỹ rút toàn bộ quân đội và quân chư hầu ra khỏi miền Nam, để nhân dân Việt Nam tự quyết định vận mạng của mình.

Người kêu gọi quân và dân cả nước hãy nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, triệu người như một quyết chiến quyết thắng: “Đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân và ngụy quyền sụp đổ hết, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”. Nhân dịp này, thay mặt nhân dân Việt Nam, Người chân thành cảm ơn sự giúp đỡ và ủng hộ quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới và bầu bạn khắp năm châu.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 Quốc khánh nước Ba Lan.

– Báo Nhân dân, số 5575, ngày 20-7-1969.

– Báo Nhân dân, số 5577, ngày 22-7-1969.

Tháng 7, ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An thông báo đã nhận được báo cáo của tỉnh về thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Người căn dặn cán bộ trong tỉnh phải chú ý thực hiện dân chủ, khôi phục và phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, phấn đấu xây dựng tỉnh Nghệ An ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống quê hương Xôviết. Thư có đoạn: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.

–   Bản gốc bức thư lưu tại Bảo tàng Kim Liên, Nghệ An.

–   Hồ Chủ tịch với quê hương, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An, 1970, tr. 41-44.

Tháng 7, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi điện mừng tới Tổng thống nước Cộng hòa Arập thống nhất Gaman Ápđen Nátxe, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 17 Quốc khánh nước Cộng hòa Arập thống nhất.

– Báo Nhân dân, số 5578, ngày 23-7-1969.

Tháng 7, ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho Hợp tác xã Ngọc Sơn, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa vì có nhiều thành tích trong sản xuất. Người viết: “Thân ái khen đồng bào và cán bộ Ngọc Sơn đoàn kết tốt, sản xuất tốt, hoàn thành nghĩa vụ của công dân. Mong các nơi khác thi đua làm tốt như Ngọc Sơn”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 118-LCT, bổ nhiệm một số đại sứ Việt Nam ở các nước:

– Ông Lê Trang làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan, thay ông Đỗ Phát Quang về nước nhận công tác khác.

– Ông Nguyễn Hữu Ngô làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, thay ông Phan Văn Sử về nước nhận công tác khác.

– Ông Nguyễn Đăng Hành làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa nhân dân Rumani, thay ông Hoàng Tú về nước nhận công tác khác.

– Ông Nguyễn Xuân làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Vương Quốc Campuchia thay ông Nguyễn Thương về nước nhận công tác khác.

– Ông Trần Văn Sớ làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa Arập thống nhất, thay ông Nguyễn Xuân.

– Ông Nguyễn Đức Thiệng làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại nước Cộng hoà Angiêri Dân chủ và nhân dân, thay ông Nguyễn Văn Phát về nước nhận công tác khác.

– Ông Vũ Hắc Bồng làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại nước Cộng hoà Ghinê, thay ông Nguyễn Đức Thiệng.

– Ông Lê Thanh Tâm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa thống nhất Tandania.

– Ông Nguyễn Thành Vân làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa Cônggô (Brazavin) thay ông Nguyễn Đức Thiệng lâu nay kiêm nhiệm.

–   Bản đánh máy nội dung Bằng khen, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

–   Bản gốc lệnh lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia l.

Tháng 7, ngày 25

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam gửi điện mừng tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nước Cộng hòa Cuba nhân dịp kỷ niệm lần thứ 16 ngày Khởi nghĩa vũ trang Môncađa của Cuba.

Trong ngày, Người nghe đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo về Hội nghị công đoàn.

–   Báo Nhân dân, số 5581, ngày 26-7-1969.

–   Tư liệu lưu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Hà Nội.

Tháng 7, ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại diện Cuba.

–   Tư liệu lưu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Hà Nội.

Tháng 7, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu của Người cho những thương binh gương mẫu, đạt được nhiều thành tích trên mặt trận mới, và những người tận tụy chăm sóc thương binh 8).

– Báo Nhân dân, số 5583, ngày 28-7-1969.

Tháng 7, ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Hội nghị thế giới chống bom nguyên tử và bom khinh khí lần thứ 15, họp ở Nhật Bản.

Bức điện của Người nêu rõ lập trường của nhân dân Việt Nam, hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh đòi cấm phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới; đồng thời cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân Nhật đã giành cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

– Báo Nhân dân, số 5586, ngày 31-7-1969.

Tháng 7, trước ngày 30

Được tin ông Trần Huy Liệu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam vừa từ trần, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vòng hoa tới viếng. Vòng hoa của Người mang dòng chữ: ”Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Huy Liệu”.

– Báo Nhân dân, số 5585, ngày 30-7-1969.

Tháng 7, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà toán học Hoàng Tụy nghe báo cáo dự án vận trù học phân phối hàng hóa để góp phần giải quyết tình trạng xếp hàng rồng rắn trước các cửa hàng.

Người nói:

– Nên tìm chữ gì dễ hiểu hơn, chữ “vận trù học” thì Chủ tịch nước cũng không hiểu nổi. “Vận trù” là câu của Trương Lương “Vận trù ư duy ác chi trung, quyết thắng ư thiên lý chi ngoại”. Vận trù cũng là tham mưu. Bộ đội ta có nhiều người không học tính toán được nhiều mà làm “vận trù” cũng khá là nhờ cái này…

Rồi Người chỉ vào trái tim mình.

–   Hoàng Tụy: Một giờ bên Bác, bản đánh máy ngày 20-5-1970.

–   Sách Bác Hồ, con người và phong cách, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1993, t.3, tr.19.

–   Tư liệu lưu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Hà Nội.

Tháng 7, trước ngày 31

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu của Người cho những thương binh gương mẫu, tận tuỵ với công tác sản xuất, lập nhiều thành tích trên mặt trận mới 9).

– Báo Nhân dân, số 5586, ngày 31-7-1969.

Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)

Advertisement