Tháng 8, ngày 1
Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Ban Tuyên huấn Trung ương và Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp về việc xuất bản sách Người tốt, việc tốt. Người khen sách của một số nhà xuất bản đẹp và nhắc cần giữ phong trào cho đều và thường xuyên, Người căn dặn: “Đào tạo con người là vấn đề chiến lược, phong trào “Người tốt, việc tốt” chính là một biện pháp quan trọng của chiến lược đào tạo con người đó”.
16 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và làm việc với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh từ chiến trường miền Nam ra báo cáo. Người lắng nghe đồng chí Nguyễn Văn Linh báo cáo tình hình miền Nam và đặc biệt quan tâm đến chiến dịch ”Bình định cấp tốc” của Mỹ – ngụy đang xúc tiến trên cả bốn vùng chiến thuật. Người căn dặn đồng chí Nguyễn Văn Linh là bất cứ trong tình huống nào cũng phải bám chắc lấy dân, dựa vào dân để mà tồn tại.
Sau đó, Người mời đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng ăn cơm.
– Vũ Kỳ: Bác Hồ viết Di chúc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1989, tr.97.
– Nguyên Văn Linh: ”Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, Bác Hồ với miền Nam, miền Nam với Bác Hồ, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1986, t.1, tr.29.
– Tư liệu lưu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Hà Nội.
Tháng 8, ngày 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam để nghe báo cáo về quy hoạch xây dựng Thủ đô do đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội trình bày. Sau đó, Người cùng Bộ Chính trị bàn về vấn đề đấu tranh ngoại giao và tình hình miền Nam.
Tối, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cháu thiếu nhi xem bộ phim “Bài ca anh giải phóng quân”. Người vừa xem vừa giải thích cho các cháu về những hình ảnh trên phim.
– Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr.260.
– Vũ Kỳ: Bác Hồ viết Di chúc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1989, tr.98.
Tháng 8, trước ngày 3
Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu của Người cho những chiến sĩ bộ đội dũng cảm, gương mẫu và những cháu thiếu niên mưu trí, thật thà 10).
– Báo Nhân dân, số 5589, ngày 3-8-1969.
Tháng 8, ngày 3
Buổi sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh để các bác sĩ vào kiểm tra và chăm sóc sức khoẻ.
– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 8, ngày 4
Buổi sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh để các bác sĩ đến thăm và kiểm tra sức khoẻ.
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về công tác ngoại thương và công tác tổ chức.
– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 8, ngày 5
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm ông bà Trịnh Đình Thảo và đoàn cán bộ Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam vừa ra thăm miền Bắc tại nhà nghỉ của đoàn. Người cảm động khi được gặp những người con của miền Nam Thành đồng Tổ quốc, ân cần thăm hỏi sức khỏe của ông bà luật sư và từng thành viên trong đoàn.
17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các cháu con một số đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đến chào Người để sang Liên Xô học tập.
– Vũ Kỳ: Bác Hồ viết Di chúc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1989, tr.98.
Tháng 8, ngày 7
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chào mừng cho Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Đảng Xã hội thống nhất Đức Vante Unbrich, nhân dịp Cộng hòa Dân chủ Đức đặt thêm quan hệ ngoại giao với một số nước khác trên thế giới.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe đồng chí Văn Tiến Dũng báo cáo kết quả chuyến đi ở Hunggari về. Người hỏi thăm tình hình sức khỏe của hai dũng sĩ miền Nam Lâm Văn Tết và Lê Văn Giáp.
Chiều, Người mời cơm Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
– Bản sao bức thư, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
– Văn Tiến Dũng: Sổ tay công tác, quyển số 17, tr.192.
– Tư liệu lưu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Hà Nội.
Tháng 8, ngày 9
Sáng (đến 11 giờ), Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị bàn vấn đề đi dự Quốc khánh Rumani, nghe báo cáo tình hình chiến sự ở miền Nam và đấu tranh ngoại giao với Mỹ.
Trong ngày, Người để các bác sĩ kiểm tra sức khỏe.
– Bản bản họp Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa III.
– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 8, ngày 12
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc trưởng nước Cộng hòa Cônggô Mariêng Nêguabi, nhân dịp kỷ niệm cách mạng Cônggô thành công. Bức điện có đoạn: “Chúc nhân dân Cônggô (Bradavin) thu được nhiều thắng lợi trong cuộc đấu tranh để củng cố độc lập dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới”.
Buổi chiều, Người lên nhà nghỉ ở Hồ Tây thăm phái đoàn ta mới ở Hội nghị Pari về. Trên đường về, trời mưa dông, gió giật mạnh. Người bị nhiễm lạnh.
– Sách Giữ yên giấc ngủ cho Người, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.18.
– Báo Nhân dân, số 5601, ngày 15-8-1969.
Tháng 8, ngày 13
Chủ tịch Hồ Chí Minh bị nhiễm lạnh và ho, phế quản bị viêm. Hội đồng bác sĩ kiểm tra và hội chẩn bệnh cho Người, thấy bạch cầu tăng so với ngày hôm trước. Các giáo sư, bác sĩ hội chẩn và quyết định: Người phải uống kháng sinh để điều trị.
– Sách Giữ yên giấc ngủ cho Người, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.19.
Tháng 8, ngày 15
Chủ tịch Hồ Chí Minh để các bác sĩ khám và kiểm tra sức khỏe. Tình hình sức khỏe của Người có những diễn biến phức tạp.
– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 8, ngày 17
Chủ tịch Hồ Chí Minh bị mệt, nhưng Người vẫn theo dõi mực nước các triền đê và căn dặn các địa phương phải quyết tâm giữ vững đê, bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất. Người theo lời khuyên của bác sĩ, chuyển từ Nhà sàn xuống nghỉ và chữa bệnh tại ngôi nhà mái bằng, nơi họp Bộ Chính trị, phía sau Nhà sàn.
Tại đây, các bác sĩ tiếp tục theo dõi sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
– Vũ Kỳ: Những bức thư kể chuyện Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.60-61.
Tháng 8, ngày 18
15 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh về việc trả lời bức thư của Tổng thống Mỹ R.Níchxơn.
– Vũ Kỳ: Những bức thư kể chuyện Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.60-61.
Tháng 8, ngày 20
Chủ tịch Hồ Chí Minh mệt, các bác sĩ kiểm tra và hội chẩn, điều trị bệnh cho Người.
Trong ngày, Người ký Lệnh số 123-LCT, quyết định bổ nhiệm:
– Ông Đỗ Mười giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Văn phòng kinh tế Phủ Thủ tướng.
– Ông Trần Danh Tuyên thôi giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng nay giữ chức Bộ trưởng Bộ Vật tư.
– Ông Nguyễn Thanh Bình thôi giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Tài chính – Thương nghiệp Phủ Thủ tướng nay giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.
– Ông Nguyễn Hữu Mai thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, nay giữ chức Bộ trưởng Bộ Điện và Than.
– Ông Đinh Đức Thiện thôi giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng nay giữ chức Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim.
– Ông Ngô Minh Loan thôi giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa nay giữ chức Bộ trưởng Bộ Lương thực và thực phẩm.
– Ông Nguyễn Lam, Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
– Ông Đặng Thí, Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
– Ông Nguyễn Văn Kha, Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
– Ông Hoàng Anh thôi giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Nông nghiệp Phủ Thủ tướng.
– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
– Bản gốc Lệnh lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Tháng 8, ngày 21
Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bị mệt.
Các giáo sư, bác sĩ tiếp tục kiểm tra và chăm sóc sức khỏe cho Người.
Trong ngày, Người ký:
Lệnh số 125-LCT, ân xá và giảm án cho những tù nhân thật thà hối cải, tích cực cải tạo nhân dịp kỷ niệm lần thứ 24 Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
– Bản gốc Lệnh lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
– Báo Nhân dân, số 5617, ngày 31-8-1969.
Tháng 8, ngày 22
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Rumani nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày giải phóng nước Cộng hòa nhân dân Rumani khỏi ách phát xít.
Cùng ngày, Người gửi điện chào mừng các đại biểu tham dự “Cuộc gặp gỡ thế giới của thanh niên và sinh viên vì thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam”, họp tại Henxinhki (Phần Lan). Bức điện có đoạn: “Cuộc họp mặt của các bạn là một biểu hiện rực rỡ của nhiệt tình và quyết tâm của thế hệ trẻ muốn thực hiện những lý tưởng cao đẹp là tự do, độc lập dân tộc và hòa bình. Giữa lúc chính quyền Níchxơn đang ngoan cố tăng cường chiến tranh xâm lược, cố giữ ngụy quyền Sài Gòn và gây thêm nhiều tội ác đối với nhân dân chúng tôi, cuộc họp mặt đó càng cổ vũ mạnh mẽ nhân dân chúng tôi ra sức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng”. Thay mặt nhân dân Việt Nam, Người cảm ơn sự ủng hộ, cổ vũ quý báu của các bạn thanh niên khắp thế giới đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Trong ngày, các bác sĩ kiểm tra và chăm sóc sức khỏe cho Người.
– Báo Nhân dân, số 5609, ngày 23-8-1969.
– Báo Nhân dân, số 5611, ngày 25-8-1969.
– Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr.408.
Tháng 8, trước ngày 23
Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu của Người cho các cháu thiếu niên thật thà, dũng cảm 11).
– Báo Nhân dân, số 5609, ngày 23-8-1969.
Tháng 8, ngày 23
Sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến triển không được tốt. Các giáo sư, bác sĩ hội chẩn và quyết định: Người phải dùng thuốc kháng sinh – bác sĩ đã tiêm Pênixilin cho Người.
9 giờ tối, Người có hiện tượng đau lồng ngực. Các bác sĩ ngừng tiêm và hội chẩn. Sau đó quyết định lại tiêm cho Người.
– Sách Giữ yên giấc ngủ cho Người, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.19.
Tháng 8, ngày 24
Sức khỏe của Người có diễn biến phức tạp. Các bác sĩ và giáo sư tiếp tục chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài diễn ca về Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp, Người căn dặn các nhân viên phục vụ nhắc nhở cơ quan Tuyên huấn phổ biến rộng rãi hình thức diễn ca này để bà con nông dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm, thực hiện tốt Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp.
– Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr.408.
Tháng 8, ngày 25
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời Tổng thống Mỹ Risớt M.Níchxơn. Trong thư, Người vạch trần tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, chỉ rõ quyết tâm của nhân dân Việt Nam là “quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình”. Sau khi chỉ rõ giải pháp để giải quyết vấn đề Việt Nam, Người viết:
“Trong thư, Ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hoà bình công bằng. Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hoà bình của nhân dân thế giới…
Với thiện chí của phía Ngài và phía chúng tôi, chúng ta có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam”.
– Báo Nhân dân, số 5684, ngày 7-11-1969.
Tháng 8, ngày 26
Sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp.
Hội đồng giáo sư, bác sĩ và các hộ lý của Viện Quân y l08 thường xuyên túc trực bên Người để chăm sóc, theo dõi diễn biến sức khỏe. Khi tỉnh dậy, Người nói muốn được nghe một khúc dân ca. Cô y tá chăm sóc sức khỏe cho Người cố gắng hát một bài dân ca quan họ. Nghe xong, Người tặng cô một bông hồng 12).
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên đến thăm và theo dõi diễn biến tình hình sức khỏe của Người.
– Tư liệu lưu tại Viện Quân y 108.
Tháng 8, ngày 28
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu có dấu hiệu rối loạn nhịp tim và rối loạn phần truyền nhĩ thất – Tình hình sức khỏe của Người có nhiều diễn biến rất phức tạp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe các đồng chí trong Bộ Chính trị báo cáo về tình hình chiến sự ở hai miền Nam – Bắc, đặc biệt là tình hình chiến sự ở Nam Bộ và Liên khu V. Người hỏi: “Miền Nam chiến sự thế nào?” và thường nói: “Hôm nay Bác khỏe hơn hôm qua” để động viên mọi người khỏi lo lắng.
– Sách Giữ yên giấc ngủ cho Người, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.19
– Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.230.
Tháng 8, ngày 29
Tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn biến xấu. Người ốm nặng. Các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thường xuyên đến thăm Người. Hội đồng giáo sư, bác sĩ ngày đêm túc trực bên Người để theo dõi bệnh tình và kịp thời điều trị.
Buổi chiều, Người rất mệt, lúc tỉnh dậy nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người lại hỏi về tình hình chiến sự ở miền Nam.
– Tư liệu Viện Quân y 108.
– Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Những sự kiện, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr.409.
Tháng 8, trước ngày 30
Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu của Người cho những người lao động xuất sắc, có nhiều thành tích trong công tác phục vụ nhân dân13).
Tháng 8, ngày 30
Tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn biến xấu. Các bác sĩ thường xuyên túc trực bên Người để xoa bóp và điều trị kịp thời. Các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương thay nhau đến thăm và chỉ đạo việc chữa bệnh cho Người.
Buồi chiều, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Người. Vừa tỉnh lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi: “Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm Quốc khánh đến đâu rồi”. Nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo, Người dặn: “Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân”. Người hỏi tình hình nước sông Hồng như thế nào và nhắc phải chú ý đề phòng lụt.
– Sách Giữ yên giấc ngủ cho Người, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.19.
Tháng 8, ngày 31
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lẵng hoa tặng các chiến sĩ tên lửa Sư đoàn 361 khi được nghe báo cáo các chiến sĩ tên lửa Hà Nội đã bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ ngày 30-8-1969.
Tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn biến xấu. Các giáo sư, bác sĩ tập trung chữa bệnh cho Người. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương thường xuyên đến thăm và theo dõi sức khỏe của Người.
Người rất mệt, khi tỉnh dậy, Người lại hỏi tình hình chiến sự ở miền Nam.
Buổi chiều, khi tỉnh dậy, Người muốn ăn một bát cháo. Các đồng chí phục vụ nấu bát cháo ngon, Người ăn hết.
Buổi tối, tại Hội trường Ba Đình, Lễ kỷ niệm mừng Quốc khánh được tổ chức long trọng. Vì mệt, Người không đến dự được nhưng Người hỏi về việc tổ chức Lễ kỷ niệm này. Người cảm thấy khoẻ hơn và nhìn Người tỉnh táo hơn.
– Sách Giữ yên giấc ngủ cho Người, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.19.
Tháng 9, ngày 1
Sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh giảm sút nghiêm trọng. Các giáo sư, bác sĩ tập trung chữa bệnh cho Người. Các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương hết sức lo lắng, tập trung mọi phương tiện và khả năng để chữa bệnh cho Người.
Người rất mệt, cũng có lúc tỉnh táo và nhanh nhẹn hơn, tự tay bưng và ăn được chén con long nhãn.
Cùng ngày, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vòng hoa tới viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội.
Người còn gửi tặng lẵng hoa cho:
– Đội Cảnh sát khu vực 4, khu phố Ba Đình.
– Đội Bảo đảm giao thông đường bộ I.
Buổi chiều, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nghe Hội đồng giáo sư, bác sĩ báo cáo về diễn biến sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
– Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Những sự kiện, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr.409.
– Báo Nhân dân, số 5619, ngày 2-9-1969.
Tháng 9, ngày 2
Bệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn biến rất xấu và mỗi lúc một trầm trọng. Hội đồng giáo sư, bác sĩ trong nước và nước ngoài dốc toàn tâm, toàn lực để chữa cho Người. Đảng và Nhà nước ta coi việc chữa cho Người khỏi bệnh là một nhiệm vụ trọng đại và khẩn cấp lúc này.
Mặc dù đã được các thầy thuốc tập trung mọi khả năng, phương tiện cứu chữa, nhưng vì tuổi cao, bệnh nặng, Người đã không qua khỏi.
9 giờ 47 ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần sau một cơn đau tim đột ngột rất nặng, thọ 79 tuổi.
– Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr.409.
———
Chú thích: Từ tháng 5 đến tháng 8 (Năm 1969)
1) Danh sách những người được thưởng huy hiệu:
– Lê Thanh Sơn, công an vũ trang Vĩnh Linh.
– Nguyễn Đăng Quảng, bác sĩ Bệnh viện Vĩnh Linh.
– Lê Thị Mỹ Trạch, Nhà y tế Vĩnh Linh.
– Ngô Đình Phương, Lâm trường gỗ Như Xuân, Thanh Hóa.
– Nguyễn Văn Tương, Ty giao thông Hải Hưng.
– Dương Văn Thành, Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô số 1 Hà Nội.
– Nguyễn Văn Mai, Nhà máy bưu điện Hà Nội.
– Vương Đình Độ, Tổng cục đường sắt.
– Đặng Ngọc Hách, chiến sĩ cảnh sát bến phà Chèm Hà Nội.
– Phùng Ngọc Hoàn, Trường phổ thông cấp I Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội.
2) Danh sách những người được thưởng huy hiệu:
– Nguyễn Văn An, xã Hương Sơn, huyện Phú Bình, Bắc Thái.
– Dương Thị Na, xã Hương Sơn, huyện Phú Bình, Bắc Thái.
– Lê Vĩnh Luyện, Vĩnh Linh.
– Đặng Tiếp, Trường Xứ, Hòn Gai, Quảng Ninh.
– Trần Văn Ba, thị trấn Lai Châu, tỉnh Lai Châu.
– Lê Văn Sinh, xã Thống Nhất, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.
– Trần Hữu Hùng, khu Vĩnh Linh.
– Bùi Đức Phương, mỏ Hà Tu, Quảng Ninh.
– Nguyễn Văn Khoản, Hợp tác xã Vạn Thắng, huyện Chương Mỹ, Hà Tây.
– Hồ Thị Cam, xã Hướng Lập, Vĩnh Linh.
– Nguyễn Thái Học, xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
3) Danh sách những người được thưởng huy hiệu:
– Nguyễn Văn Thống, xã Dân chủ, huyện Duyên Hà, Thái Bình.
– Vị Văn Yến, xóm Hạ Long, Lục Ngạn, Hà Bắc.
– Đồng chí Xiêm, Văn phòng huyện Phổ Yên, Bắc Thái.
– Trần Văn Khế, thị trấn Quảng Yên, Quảng Ninh.
– Phạm Thị Văn, thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh.
– Nguyễn Thị Thường, thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh.
– Ông, bà Trần Văn Đức, Bệnh viện Phát Diệm, Ninh Bình.
– Thái Thị Lan Như, Bệnh viện Mai Hương, Hà Nội
4) Danh sách những người được tặng huy hiệu:
– Nguyễn Đức Thơn, cảnh sát khu vực Cầu Họ, Hà Tĩnh.
– Trần Quý, công an tỉnh Nghệ An.
– Đồng chí Thảo, công an vũ trang Vĩnh Linh.
– Trần Văn Đấu, Cửa hàng thực phẩm Ngọc Hà, Hà Nội.
– Nguyễn Hiệu, Kho bông vải sợi cấp I, Hải Phòng.
– Trần Thị Lương, Đội vận tải đường sông xã Gia Trung, huyện Gia Viễn, Ninh Bình.
– Trần Thị Khoa, Hợp tác xã Đồng Thành, xã Phú Lễ, Hưng Nhân, Thái Bình.
– Trần Văn Huê, xã Tân Hưng Hòa, Kiên Xương, Thái Bình.
– Quan Nhiệm, Quảng Bình
– Đồng chí Nga, Ty Thủy sản Sơn La.
– Giàng Thị Pàng, giáo viên cấp I, bản Cao Lù, Bảo Lạc, Lào Cai.
– Lê Hữu Chỉnh, Trạm bưu điện xã Thái Long, huỵên Yên Sơn, Tuyên Quang.
5) Danh sách những người được thưởng huy hiệu:
– Hoàng Minh Tuất, tiểu đội phó, bộ đội công binh bến phà L.
– Trịnh Thị Nông, công nhân quốc phòng, Yên Định, Thanh Hóa.
– Lý Văn Mèn, thượng sĩ, lái xe thuộc bộ đội công binh.
– Nguyễn Ngọc Sâm, trung sĩ, thuộc bộ đội công binh.
– Phùng Văn Thang, binh nhất, thuộc bộ đội công binh.
– Tào Hữu Long, thượng sĩ, bộ đội công binh.
– Khuất Duy Tạ, binh nhất, thuộc bộ đội công binh.
– Bùi Thị Thiêm, y tá Quân khu IV.
6) Danh sách những người được thưởng huy hiệu:
– Phạm Văn Kện, trung sĩ , thuộc bộ đội thông tin.
– Mai Thị Hiện, hạ sĩ, thợ sửa chữa pháo.
– Nguyễn Hữu Đĩnh, thượng sĩ, Bộ Tổng tham mưu.
– Vi Thanh Tâm, thượng sĩ, bộ đội thông tin.
– Đặng Xuân Đẩu, thượng sĩ, bộ đội hải quân.
– Phạm Bỉ, chiến sĩ, công an vũ trang Quảng Bình.
7) Các cháu sinh ba được tặng quà lần này là con của các bà mẹ sau đây:
– Chị Phạm Thị Lan, ở xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, sinh hai cháu trai, một cháu gái.
– Chị Nguyễn Thị Cảo, ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, sinh hai cháu gái, một cháu trai.
– Chị Nguyễn Thị Hiếng, ở xã Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, sinh một cháu gái, hai cháu trai.
8) Danh sách những người được thưởng huy hiệu:
– Nguyễn Văn Bằng, Vĩnh Linh.
– Nguyễn Thành Sang, Xí nghiệp vận tải Sơn La.
– Trịnh Hùng Sâm, xã Nghĩa Hưng, Xuân Thủy, Nam Hà.
– Trần Văn Kiền, mỏ than Mạo Khê, Quảng Ninh.
– Trần Viết Tiếp, Nhà máy cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng.
– Lê Thế Trung, bác sĩ quân y.
9) Danh sách những người được thưởng huy hiệu:
– Đào Văn Vọng, xã Tân Đức, huyện Phú Bình, Bắc Thái.
– Đinh Văn Quảng, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, Hà Bắc.
– Nguyễn Văn Hạnh, Hợp tác xã hữu nghị Việt – Trung, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
– Trương Nam Sơn, Công trường xà lan, Hà Nội.
– Hồ Văn The, Trường cấp I-II Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ (nay là Phù Tiên), Hải Hưng.
– Trần Văn Doãn, thương binh, trại an dưỡng quân đội.
– Nguyễn Huy Đức, xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Hưng.
– Trịnh Đăng Vị, xã Xuân Yên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
– Chu Viết Nhường, xã Vạn Xuân, huyện Móng Cái, Quảng Ninh.
– Dương Văn Tân, Bộ Tài chính.
10) Danh sách những người được thưởng huy hiệu:
– Người Hữu Đỉnh, chiến sĩ tiếp phẩm.
– Vi Thanh Tâm, chiến sĩ thông tin.
– Đặng Xuân Đầu, y tá.
– Phạm Bỉ, chiến sĩ công binh.
– Vi Văn Hướng, thiếu niên ở tỉnh Hà Tĩnh.
– Nguyễn Thị Thọ, học sinh Trường cấp I Quỳnh Hà, huyện Quỳnh Côi, Thái Bình.
– Nguyễn Văn Nho, học sinh Trường cấp II An Ninh, huyện Kiến Xương, Thái Bình.
11) Danh sách các cháu thiếu niên được thưởng huy hiệu:
– Hoàng Thị Đoàn, học sinh Trường cấp I Long Biên, Gia Lâm, Hà Nội.
– Hoàng Văn Nhu, học sinh Trường cấp II Đống Đa, xã Ngọc Động, Quảng Hòa, Cao Bằng.
– Hoàng Văn Việt, học sinh Trường Quất Thượng Việt Trì, Vĩnh Phú.
– Hà Văn Yên, học sinh Trường Nà Qua, xã Quy Hưởng, Mộc Châu, Sơn La.
– Nguyễn Văn Triệu, học sinh Trường cấp I Tiên Sinh, Sơn Dương, Tuyên Quang.
– Nông Văn Như, học sinh Trường cấp II Chu Túc, huyện Văn Quang, Lạng Sơn.
– Lương Thị Bượt, học sinh Trường cấp II Hải Quang, Hải Hậu, Nam Hà.
12) Đó là y tá Viện Quân y 108 Nguyễn Thị Oanh, nay là thiếu tá quân y.
13) Danh sách những người được thưởng huy hiệu:
– Đoàn Châu, xã Nghĩa Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình.
– Cụ Lưu, xã Quảng Phương, Quảng Trạch, Quảng Bình.
– Lê Thị Minh, Xí nghiệp cơ khí Trần Phú, Hà Nội.
– Nguyền Thị Đa, thôn Yên Nội, Yên Lãng, Vĩnh Phú.
– Hoàng Thị Mai, Cửa hàng ăn uống Hưng Yên, Hải Hưng.
– Vũ Thị Tấm, Hợp tác xã An Lâm, Nam Sách, Hải Hưng.
– Cẩm Thị Lợi, Ty Y tế Sơn La.
– Nguyễn Thị Út, Trạm vật tư Sở Giao thông vận tải Hà Nội.
– Trần Văn Địch, xã Tiêu Động, Bình Lục, Nam Hà.
– Bùi Hữu Ứng, xã viên Hợp tác xã đánh cá Sông Diêm, Thái Bình.
Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.