Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử – Tập 10 (Năm 1969 – Tháng 4)

VN-HCM

Tháng 4, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 60-LCT, thưởng:

– 6 Huân chương Quân công hạng Ba,

– 4 Huân chương Chiến công hạng Nhất,

– 20 Huân chương Chiến công hạng Nhì,

– 83 Huân chương Chiến công hạng Ba,

cho 79 đơn vị, 34 cán bộ và chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam và dân quân, tự vệ đã có thành tích trong chiến đấu và phục vụchiến đấu.

–   Bản gốc Lệnh lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 4, ngày 2

Buổi sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe và điện tâm đồ.

Buổi chiều, Người nghe đồng chí Lê Duẩn Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng báo cáo một số vấn đề về công tác đảng.

– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Hunggari nhân dịp kỷ niệm lần thứ 24 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Hunggari.

– Báo Nhân dân, số 5469, ngày 4-4-1969.

Tháng 4, trước ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu của Người cho những cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng công an nhân dân vũ trang hết lòng vì an ninh Tổ quốc17).

– Báo Nhân dân, số 5469, ngày 4-4-1969.

Tháng 4, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh được các bác sĩ đến thăm và kiểm tra sức khỏe.

– Báo Nhân dân, số 5469, ngày 4-4-1969.

Tháng 4, ngày 5

Buổi sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh được các bác sĩ đến thăm và kiểm tra sức khỏe.

15 giờ, Người nghe đồng chí Chu Huy Mân báo cáo.

– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh mời các đồng chí trong Bộ Chính trị đến họp tại Nhà sàn và sau đó ở lại cùng ăn cơm với Người18).

– Tư liệu lưu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Hà Nội.

Tháng 4, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương Lào XriXavang Vátthana, nhân dịp Tết “Bunpimay”, Tết cổ truyền của nhân dân Lào.

14 giờ, Người được các bác sĩ đến thăm và kiểm tra
sức khỏe.

– Báo Nhân dân, số 5507, ngày 13-5-1969.

– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Xămđéc Nôrôđôm Xihanúc, nhân dịp Tết cổ truyền của nhân dân Khơme (13-4-1969).

– Báo Nhân dân, số 5504, ngày 10-5-1969.

Tháng 4, ngày 13

14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với đồng chí Nguyễn Duy Trinh về một số vấn đề quốc tế.

– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 14

Từ 7 giờ 30 đến 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với đồng chí Đỗ Mười.

14 giờ, các bác sĩ đến kiểm tra sức khỏe và làm điện tâm đồ cho Người

– Tư liệu lưu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Hà Nội.

– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 15

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về tình hình chiến trường miền Nam.

– Biên bản Họp Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa III.

– Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr.401.

Tháng 4, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi:

– Điện mừng tới bác sĩ Nurétđin Atátxi, Quốc trưởng kiêm Thủ tướng nước Cộng hòa Arập Xiri nhân dịp kỷ niệm lần thứ 23 Quốc khánh nước Cộng hòa Arập Xiri.

– Điện mừng tới Tổng thống nước Cộng hòa Cuba Ôxvanđô Đoócticốt Tôrađô, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày sinh của Tổng thống.

– 14 giờ, các bác sĩ đến thăm và kiểm tra sức khỏe
cho Người.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

– Lệnh số 67-LCT, cử bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng làm Bộ trưởng Bộ Y tế.

– Báo Nhân dân, số 5482, ngày 17-4-1969.

– Bản gốc Lệnh lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, trước ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thi đua19) luân lưu cho đơn vị sản xuất khá nhất của ngành than là Xí nghiệp cơ khí Cẩm Phả, đơn vị tiêu biểu của ngành.

– Báo Nhân dân, số 5483, ngày 14-8-1969.

Tháng 4, ngày 18

14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh để các bác sĩ đến kiểm tra sức khỏe và làm điện tâm đồ.

– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, trước ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giấy khen cho 115 cô giáo, thầy giáo và 861 học sinh giỏi toàn diện trong năm học 1968 – 1969 ở các địa phương.

– Báo Nhân dân, số 5485, ngày 20-4-1969.

Tháng 4, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Ngài Mơonlimu Duyliút K.Niêrêrê, Tổng thống nước Cộng hòa thống nhất Tandania, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 5 Quốc khánh nước Cộng hòa thống nhất Tandania.

14 giờ, các bác sĩ vào thăm và kiểm tra sức khỏe cho Người.

– Báo Nhân dân, số 5491, ngày 26-4-1969.

Tháng 4, trước ngày 25

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vòng hoa viếng bác sĩ Lê Đình Thám, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới của Việt Nam, Phó Hội trưởng Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, vừa từ trần ngày 23-4-1969.

– Báo Nhân dân, số 5490, ngày 25-4-1969.

Tháng 4, ngày 25

Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe đồng chí Lê Đức Thọ báo cáo trước khi đi Pari.

14 giờ, các bác sĩ đến thăm và kiểm tra sức khỏe cho Người.

– Tư liệu lưu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Hà Nội.

– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị bàn về việc đánh cho Mỹ rút quân và tổ chức Đại hội tuyên dương anh hùng và chiến sĩ thi đua. Về vấn đề đấu tranh quân sự, Người nói: trong cuộc chiến tranh này Mỹ sẽ bị thua thiệt nhiều và phải rút hết quân, “ta sẵn sàng cho nó rút có thể diện”.

– Biên bản Họp Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa III.

Tháng 4, ngày 27

7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bỏ phiếu bầu Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã và tương đương. Người bỏ phiếu tại địa điểm hòm phiếu số 6, đơn vị 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội, đặt tại nhà thuyền Hồ Tây.

Sau khi bỏ phiếu, Người tiếp xúc với đồng bào cử tri ở khu vực hòm phiếu số 6, sau đó đi thăm một số khu vực bỏ phiếu trong thành phố.

19 giờ, Người xem triển lãm Mỹ thuật tranh sơn mài cổ tổ chức tại Hà Nội.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe đồng chí Lê Đức Anh và Chu Huy Mân báo cáo công việc và sau đó cùng ăn cơm với Người.

– Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 401.

– Báo Nhân dân, số 5493, ngày 28-4-1969.

– Tư liệu lưu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Hà Nội.

Tháng 4, ngày 28

14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh để các bác sĩ đến thăm và kiểm tra sức khỏe.

15 giờ, Người cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Tố Hữu gặp đoàn đại biểu các lực lượng vũ trang Quân khu IV. Người khen ngợi các chiến công và thành tích vẻ vang của quân và dân Quân khu IV và căn dặn: Các đơn vị, địa phương, các chiến sĩ phải luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết, ra sức chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần xứng đáng cùng quân và dân cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Người nói: “Quân khu IV phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng”.

Sau đó, Người tặng huy hiệu cho các thành viên trong đoàn.

–   Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 401.

–   Báo Nhân dân, số 5495, ngày 30-4-1969.

–  Lịch sử Quảng Bình chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Bình, 1994.

Tháng 4, ngày 29

Buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với đồng chí Lê Duẩn Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về một số công việc trước mắt của Đảng.

– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 30

14 giờ, các bác sĩ đến thăm và kiểm tra sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

19 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Hội trường Ba Đình dự mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5.

Chủ tịch cùng tất cả những người dự mít tinh đã thông qua bản nghị quyết: Chào mừng giai cấp công nhân Việt Nam và toàn thể những người lao động trên thế giới nhân ngày Quốc tế Lao động; tố cáo và lên án đế quốc Mỹ không chịu từ bỏ âm mưu xâm lược Việt Nam; ủng hộ lập trường của Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pari, v.v..

Kết thúc cuộc mít tinh, trong không khí phấn khởi, Người cùng toàn thể đồng bào hát vang bài “Giải phóng miền Nam”.

– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

– Báo Nhân dân, số 5497, ngày 3-5-1969.

Tháng 4

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu của Người cho những công nhân có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất20).

– Báo Nhân dân, số 5496, ngày 1-5-1969.

Tháng 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen, cổ vũ cán bộ và chiến sĩ đang chiến đấu ở các chiến trường miền Nam.

Trong thư, Người viết:

“Bác gửi lời vào thăm và khen quân dân miền Nam về thành tích trong đợt Xuân 1969.

Bác đặc biệt khen các lực lượng vũ trang miền Đông trong đó Người chú trọng khen riêng các lực lượng pháo binh và đặc công của miền Đông Nam Bộ.

Tháng 4 năm 1969

Bác Hồ”.

– Pháo binh nhân dân Việt Nam – Những chặng đường chiến đấu, Bộ Tư lệnh pháo binh, 1986, t.2.

—————–

Chú thích: Từ tháng 1 đến tháng 4 (Năm 1969)

1. Danh sách những người được thưởng huy hiệu:

–    Bùi Ngọc Dậu và Mai Công Thành, chiến sĩ lái xe thuộc Đoàn vận tải Quang Trung.

–    Trần Chí Thành, lái xe tuyến đường Quảng Bình – Vĩnh Linh.

–    Lê Đình Phùng, lái xe kéo pháo Đại đội 1, pháo cao xạ Quảng Bình.

–    Vũ Văn Bính, lái xe Đội xe 802, Đoàn 8, Quảng Bình.

2. Danh sách những người được thưởng huy hiệu:

– Bác sĩ Tô Văn Thư, Bệnh viện Bắc Thái.

– Y tá Diệp, Xí nghiệp gỗ Hà Nội.

– Bác sĩ Vượng, Trạm da liễu Nam Hà.

– Bác sĩ Vinh, Bệnh viện tỉnh Tuyên Quang.

– Y tá hải quân Đỗ Thị Hợi.

– Y tá Lý Thị Tanh ở xã Nguyễn Phúc, Bắc Thái.

– Y tá Nguyễn Thị Hoa, Đội cấp cứu phòng không thị xã Hà Tĩnh.

– Y tá Mạnh và nữ hộ sinh Vui, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.

– Bác sĩ Nguyễn Văn Tiệp và y tá Nguyễn Thị Chinh ở Hải Phòng.

3. Danh sách những người được thưởng huy hiệu:

–    Nguyễn Ngọc Tính, học sinh Trường cấp II Hải Tiến, Hải Hậu, Nam Hà.

–    Bùi Văn Tam, bộ đội xăng dầu.

–    Chiến sĩ Tác, bộ đội biên phòng.

–    Chiến sĩ Liễu, Bảy cảnh sát giao thông huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

–    Các ông, bà: PhạmTiên, Nguyễn Nghĩa, Nguyễn Văn Thưởng, Trịnh Văn Ấm, Vũ Đức Hiền, Nguyễn Thanh Chiến, Nguyễn Thị Phòng, Nguyễn Thị Vân, khu phố Lê Chân, Hải Phòng.

–    Nguyễn Huy Hiệu, y tá, công an vũ trang Hải Phòng và một số người khác.

4. Báo Hà Nội mới ra ngày chủ nhật 11-1-1969, đưa tin và đăng ảnh Hợp tác xã cơ khí Trúc Sơn, Ngũ Xá, Ba Đình, đúc thành công tượng đồng Bác Hồ nặng 70 kg. Đọc báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết được tin này và không hài lòng.

5. Nhân dịp bộ đội thông tin mở Đại hội thi đua lập công quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

6. Danh sách những người được thưởng huy hiệu:

–    Phạm Văn Quý, xã Đức Sơn, Hà Tĩnh.

–    Đào Huân, xã Đức Dũng, Hà Tĩnh.

–    Lê Xuân Liệu, bộ đội thuộc đơn vị C3 Thông tin, Quân khu IV.

–    Đào Ngọc Tân, bộ đội thuộc phân đội 8, Đoàn 7 Thông tin.

–    Nguyễn Xuân Úc, lái xe thuộc Công ty ô tô Tuyên Quang.

–    Lê Văn My, lái xe Đội xe 5, Công ty vận tải hàng hóa Hà Nội.

–    Nguyễn Thị Dung, thợ máy thuộc Đội xe 282.

–    Cao Tưởng, thuyền trưởng vận tải, xã Diễn Trang, Nghệ An.

–    Nguyễn Thị Ngọc Anh, kỹ sư Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

–    Vũ Thị Tấm, xã An Lâm, huyện Nam Sách, Hải Hưng.

7. Danh sách những người được thưởng huy hiệu:

– Nguyễn Văn Quắc, xã Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình.

– Nông Quang Liêm, xã Hữu Khánh, Lộc Bình, Lạng Sơn.

– Nguyễn Văn An, xã Úc Sơn, Phú Bình, Bắc Thái.

– Nguyễn Văn Tịch, Đường Lâm, Ba Vì, Hà Tây.

– Cụ Điền, Hợp tác xã Sơn Hà, xã Hòa Bình, Lục Nam, Hà Bắc.

8. Danh sách những người được tặng huy hiệu:

– Chị Nguyễn Thị Cẩm, đảng viên thuộc chi bộ Hợp tác xã Nghiêm Xá, huyện Thường Tín có thành tích chăm sóc đàn lợn của tập thể.

– Chị Nguyễn Thị Vượng, Đội trưởng đội thủy lợi Hợp tác xã Liên Thông, huyện Thạch Thất đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

– Cụ Nguyễn Văn Tịch, xã viên Hợp tác xã Cam Toàn, xã Đường Lâm, Ba Vì đã có thành tích trồng 30.000 cây các loại và động viên hai con đi nhập ngũ.

9. Danh sách những người được thưởng huy hiệu:

–    Cụ Trần Văn Cựu, xã Đức Lập, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

–    Cụ Kiều, xã Tứ Mỹ, Quảng Bình.

–    Cụ Trường Đình Gióng, xã Yên Tiến, Ý Yên, Nam Hà.

–    Cụ Dương Thị Na, Hợp tác xã Úc Sơn, xã Hương Sơn, huyện Phú Bình, Bắc Thái.

10. Danh sách những người được thưởng huy hiệu:

–    Cụ Tô Ngọc  Ngô, ở Mỹ Tú, xã Vĩnh Phú, Vĩnh Linh.

–    Bà Phạm Thị Thục, Hợp tác xã Thống nhất, Quảng Bình.

–    Em Nguyễn Phi Văn, xã Thạch Long, Thạch Hà, Hà Tĩnh.

–    Đồng chí Đinh Văn Hường, Xí nghiệp vận tải Hòn Gai.

–    Lê Văn Sách, lực lượng Công an vũ trang.

–    An Ánh Sâm, khoa Nội, Quân y viện T.L.B.

–    Nguyễn Văn Mùi, đoàn vận tải ô tô.

–    Nguyễn Thanh Hưng, bộ binh.

–    Nguyễn Đức Minh, Đội 25, Thanh niên xung phong.

–    Lê Thị Tuyết Bình và Nguyễn Thị Phương, khu phố 5, thành phố Vinh, Nghệ An.

11. Danh sách những người được thưởng huy hiệu:

–    Y sĩ Nguyễn Văn Chon, xã Trung Kênh, Gia Lương, Hà Bắc.

–    Thượng sĩ Trần Văn Thao, Công an vũ trang Vĩnh Linh.

–    Em Bùi Văn Điệp, xã Yên Thọ, Đông Triều, Quảng Ninh.

–    Đồng chí Phạm Văn Thìn, Đội xe 808, Hà Tĩnh.

–    Đồng chí Hoàng Ngọc Lan, Công an vũ trang Thanh Hóa.

12. Danh sách những người được thưởng huy hiệu:

–    Trần Thị Tốt, thôn Yên Thư, Yên Lạc, Vĩnh Phú.

–    Cụ Lệ, thôn Duyệt Lễ, xã Minh Tân, huyện Phù Cừ, Hải Hưng.

–    Bác sĩ Lưu.

–    Trần Mùi Xiết, xã Tảo Ngáo, huyện Bát Xát, Lao Cai.

–    Nguyễn Thị Kim Thử, Hợp tác xã Tân Lý, xã Lý Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

–    Nguyễn Thị An, khối 8, quận Ba Đình, Hà Nội.

–    Nguyễn Thị Thục, xã Phú Thịnh, huyện Lâm Thao, Vĩnh Phú.

–    Đỗ Thị Thìn, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, Hải Hưng.

13. Danh sách những người được thưởng huy hiệu:

–    Mẹ Trực, ở xã Thạch Hưng, huyện Thạnh Hà, Hà Tĩnh.

–    Phạm Minh Huy, thành phố Vinh, Nghệ An.

–    Phún Sập Múi, xã Hồng Kỳ, Móng Cái, Quảng Ninh.

–    Bùi Thị A, Nhà máy xi măng Hải Phòng.

–    Cụ Hộ, ở xã Đoài, Nghệ An.

–    Đặng Thị Hiền, hiệu trưởng trường cấp I

–    On Mưu Phương, Xí nghiệp giày vải Văn Hưng, Hà Nội.

–    Đinh Thị Lượt, Đại học Thủy lợi.

–    Chị Mùi, ga Hà Nội.

14. Danh sách những người được thưởng huy hiệu:

– Phùng Tô Muội, Đội công trình giao thông đường biển Hải Phòng.

– Bùi Xuân Khẩu, Nông trường ở Vĩnh Linh.

– Bùi Thị Lý, Nông trường Tây Hiếu, Nghệ An.

– Nguyễn Thị Khoa, Nông trường Tân Trào, Tuyên Quang.

– Nguyễn Thị Tuất, Nông trường Chí Linh, Hải Hưng.

– Phạm Thị Thanh, Nông trường Tô Hiệu, Sơn La.

– Nguyễn Văn Chiến, Nông trường Tô Hiệu, Sơn La.

– Nguyễn Thị Liễu, Hợp tác xã Tây Giang, Tiền Hải, Thái Bình.

– Liềng Nhục Kín, Hợp tác xã Hồng Kỳ, Đoan Tĩnh, Quảng Ninh.

– Nguyễn Thị Lan, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Nghệ Tĩnh.

– Vũ Thị Mến, Yên Vân, Ninh Bình.

– Chị Chiêm, chị Thà, Kho lương thực Vĩnh Linh, Quảng Bình.

– Hoàng Phong Thụ, học sinh Trường cấp III Xuân Đỉnh, Hà Nội.

15. Danh sách những người được thưởng huy hiệu:

– Cụ Đường Văn Tài, ở xã Trung Giáp, huyện Phú Ninh, Vĩnh Phú.

– Cụ Bùi Văn Tinh, xã Đồng Lâm, Tiền Hải, Thái Bình.

– Nguyễn Văn Tiến, lái xe, Công ty vận tải Hà Tĩnh.

– Phạm Xuân Cư, bộ đội công binh.

– Lê Tráng Hưng, xã Tiên Nguyên, Bắc Quang, Hà Giang.

– Nguyễn Thị Hằng, Trường trung học Giao thông vận tải.

– Em Thắng, học sinh Trường Gia Phủ, Bảo Thắng, Lao Cai.

16. Danh sách những người được thưởng huy hiệu:

– Trần Thị Loan, Nhà máy dệt Nam Định.

– Vũ Thị Lương, Nhà máy dệt Nam Lý.

– Nguyễn Thị Phiên, Nhà máy dệt Nam Hà.

– Nguyễn Thị Tuyết, Nhà máy dệt Vĩnh Phúc.

– Trương Thị Keo, Nhà máy dệt Lạng Sơn.

– Đoàn Thị Hợi, Nhà máy dệt kim Đông Xuân, Hà Nội.

– Nguyễn Ngọc Lan, Nhà máy dệt 8-3, Hà Nội.

17. Danh sách những người được thưởng huy hiệu:

– Thiếu úy Hoàng Minh Phương.

– Thượng sĩ Trần Đình Kinh, Công an vũ trang Vĩnh Linh.

– Thượng sĩ Trần Văn Thao, Công an vũ trang Vĩnh Linh.

– Thượng  sĩ Lê Duy Cận, Đoàn xe 22.

– Thiếu úy Trần Văn Nguyên, Công an vũ trang Nghệ An.

– Trung sĩ Trần Minh Dệt, Công an vũ trang Nghệ An.

– Chuẩn úy Hoàng Bằng, Công an vũ trang Quảng Bình.

– Hạ sĩ Bế Thành Cảm, Công an vũ trang Lai Châu.

– Thượng sĩ Nguyễn Hữu Nhiên, Công an vũ trang Lai Châu.

– Hạ sĩ Sùng Séo Kinh, Công an vũ trang Lai Châu.

18. Đây là phiên họp Bộ Chính trị cuối cùng ở Nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

19. Đầu năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho ngành than lá cờ làm giải thưởng thi đua luân lưu cho đơn vị nào sản xuất khá nhất. Hết quý I năm 1969, Xí nghiệp cơ khí Cẩm Phả là xí nghiệp đầu tiên của ngành than được nhận phần thưởng này.

20. Danh sách những người được thưởng huy hiệu:

–    Nguyễn Văn Hàn, lái xe, Xí nghiệp vận tải ô tô.

–    Trần Đình Tâm, cán bộ kỹ thuật Trại nghiên cứu giống lúa Ỷ La, Tuyên Quang.

–    Sầm Viết Phin, cán bộ kỹ thuật ngành địa chất thăm dò.

–    Đỗ Ngọc Hải, thợ điện Nhà máy cơ khí nông nghiệp.

–    Nguyễn Văn Mộc, Nhà máy cao su Sao Vàng.

–    Nguyễn Bá Tiến, Nhà máy sửa chữa ô tô Thanh Hóa.

–    Đồng Xuân Tấu, Lâm trường gỗ Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)

Advertisement