Tháng 7, ngày 1
15 giờ 30, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An, gồm 36 thành viên, qua Hà Nội để đi tham quan tỉnh Thái Bình.
Người thăm hỏi tình hình từng huyện trong tỉnh về các mặt sản xuất, phục vụ chiến đấu, đời sống đồng bào miền núi….
Người dặn các đại biểu năm điều:
– Phải nâng cao cảnh giác.
– Phải cố gắng hơn nữa trong công tác giao thông vận tải ở Nghệ An, vì đó là một công tác rất quan trọng để làm tròn nhiệm vụ của hậu phương với tiền tuyến.
– Phải làm tốt hơn nữa cuộc vận động dân chủ.
– Cán bộ lãnh đạo phải đi sát huyện, xã.
– Đi học Thái Bình là học tinh thần Thái Bình chứ không nên bắt chước y như họ.
– Nghệ An trong lòng Bác, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghệ An, 1975, tr.77-79.
– Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 7, ngày 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe Bộ trưởng Bộ Thủy lợi báo cáo về tình hình đê điều.
– Tư liệu lưu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Hà Nội.
Tháng 7, ngày 4
Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Phải làm tốt công tác phòng và chống lụt, bão năm 1968, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân,số 5196, nhắc nhở các ngành các địa phương cần chú trọng hơn nữa việc phòng và chống lụt, bão, chống địch đánh phá đê điều, kè, chuẩn bị lực lượng và nguyên vật liệu sẵn sàng ứng phó với các tình huống bão lụt….
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Ngài Huari Bumêđiên, Chủ tịch Hội đồng cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Angiêri Dân chủ và Nhân dân, nhân dịp kỷ niệm lần thứ sáu ngày Độc lập Angiêri.
– Báo Nhân dân, số 5196, ngày 4-7-1968.
Tháng 7, ngày 6
15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị nghe đồng chí Võ Chí Công báo cáo về tình hình ở Khu V.
– Biên bản Họp Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa III.
Tháng 7, trước ngày 7
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi huy hiệu của Người tặng tám cán bộ, bộ đội, công nhân, xã viên và học sinh tỉnh Quảng Bình đã có nhiều thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu10).
– Báo Nhân dân, số 5199, ngày 7-7-1968.
Tháng 7, ngày 7
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Đại đội 9 nữ công nhân cầu đường, đơn vị anh hùng thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
– Hồ Chí Minh: Về giao thông vận tải, Nxb. Giao thông vận tải, Hà Nội, 1994, tr.205.
Tháng 7, ngày 9
Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình đàm phán ở Hội nghị Pari8. Người nhắc: “Cần nghiên cứu kỹ xem ở Hội nghị Pari địch được cái gì, mất cái gì? Ta được gì, thiệt gì”?
– Biên bản họp Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa III.
Tháng 7, ngày 10
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp Đoàn đại biểu nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ do ông J.Giamian làm trưởng đoàn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân Mông Cổ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dânViệt Nam.
– Báo Nhân dân, số 5204, ngày12-7-1968.
Tháng 7, ngày 11
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn Điện ảnh Bungari đến quay phim.
– Tư liệu lưu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Hà Nội.
Tháng 7, ngày 13
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, các vị trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam, khen ngợi quân và dân Trị – Thiên – Huế đã đánh đuổi hàng vạn quân tinh nhuệ nhất của Mỹ phải rút chạy khỏi Khe Sanh9.
Cuối bức điện, Người viết:
“Nam Bắc một nhà, ra sức đánh giặc
Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.
Người nhờ Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và các vị chuyển đến đồng bào, chiến sĩ và cán bộ toàn miền Nam, đặc biệt là cán bộ chiến sĩ và cán bộ mặt trận Khe Sanh lời khen ngợi nhiệt liệt nhất.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thượng tọa Thích Đôn Hậu, Phó Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam, Việt Nam, cụ Nguyễn Đóa, Ủy viên Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình thành phố Huế, bà Đào Xuân Yến (tức bà Nguyễn Đình Chi), Phó Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình thành phố Huế.
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi:
– Điện mừng tới Tổng thống nước Cộng hòa Pháp Đờ Gôn, nhân dịp kỷ niệm Đại Cách mạng Pháp 1789.
– Điện mừng tới các vị lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa Irắc, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 10 Quốc khánh Irắc.
– Báo Nhân dân, số 5206, ngày 14-7-1968
– Tư liệu lưu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Hà Nội.
Tháng 7, ngày 20
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu anh hùng chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ và ăn cơm với đồng chí Phạm Hùng, Lê Trọng Tấn, nhân hai đồng chí vào Nam công tác.
Cùng ngày, báo Nhân dân đăng Lời kêu gọi nhân ngày 20 tháng 7 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 14 năm ngày ký Hiệp định Giơnevơ. Sau khi lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ trên đất nước ta là một cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử loài người, điểm lại những thắng lợi của nhân dân hai miền, Người nêu rõ lập trường của nhân dân ta: “Nhân dân ta rất yêu chuộng hoà bình nhưng phải có độc lập, tự do thật sự thì mới có hoà bình chân chính. Lập trường của ta rất chính đáng, rõ ràng: ngày nào đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược nước ta, chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, để dân ta tự do giải quyết công việc nội bộ của mình, thì ngày đó hoà bình sẽ lập lại ngay… Cách duy nhất để lập lại hoà bình là quân Mỹ và quân chư hầu phải rút hết về nước! Nước Việt Nam của người Việt Nam!”
Lời kêu gọi có đoạn: “Trên đất nước ta đang diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa văn minh và bạo tàn. Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ toàn thế giới đang hàng ngày nhìn về Việt Nam ta, nhiệt liệt khen ngợi đồng bào và chiến sĩ ta”. Nhân dịp này, thay mặt nhân dân Việt Nam, Người cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân toàn thế giới đối với sự nghiệp của dân tộc ta.
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Nhà nước ta gửi điện mừng nhân kỷ niệm lần thứ 24 ngày Quốc khánh nước Cộng hoà nhân dân Ba Lan.
– Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
– Sách Bác Hồ của chúng ta, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr.41.
– Báo Nhân dân, số 5212, ngày 20-7-1968.
Tháng 7, ngày 22
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen quân và dân Nghệ An bắn rơi 400 máy bay Mỹ. Người viết: “ Bác rất vui lòng được tin quân và dân tỉnh nhà đã bắn rơi chiếc máy bay giặc Mỹ thứ 400…. Đồng bào, bộ đội và cán bộ Nghệ An hãy nêu cao truyền thống anh dũng của Xôviết Nghệ Tĩnh… giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa”.
– Báo Nhân dân, số 5215, ngày 23-7-1968.
Tháng 7, trước ngày 23
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 16 ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Arậpthống nhất.
– Báo Nhân dân, số 5215, ngày 23-7-1968.
Tháng 7, ngày 25
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Nhà nước ta gửi điện mừng các vị lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 ngày Khởi nghĩa vũ trang của nhân dân Cuba.
– Báo Nhân dân, số 5218, ngày 26-7-1968.
Tháng 7, trước ngày 26
Nhân Ngày thương binh liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu của Người cho một số thương binh. Gia đình liệt sĩ đã hăng hái tham gia sản xuất, công tác, chiến đấu, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược11).
– Báo Nhân dân, số 5218, ngày 26-7-1968.
Tháng 7 ngày 26
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi điện mừng tới Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Thủ tướng nội các nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Nguyên soái Kim Nhật Thành, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 ngày nhân dân Triều Tiên chiến thắng Mỹ xâm lược.
– Báo Nhân dân, số 5219, ngày 27-7-1968.
Tháng 7, trước ngày 27
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu của Người cho chị Bùi Thị Kim, y tá Bệnh viện Hòn Gai, Quảng Ninh và anh Nguyễn Đức Di công tác tại Ty Thương binh xã hội Hải Hưng, vì đã hết lòng chăm sóc cứu chữa cho thương, bệnh binh.
– Báo Nhân dân, số 5219, ngày 27-7-1968.
Tháng 7, trước ngày 31
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Hội nghị thế giới lần thứ 14 chống bom nguyên tử và bom khinh khí họp tại Nhật Bản12) nêu rõ lập trường của nhân dân ta là: Nhân dân Việt Nam hoàn toàn đồng tình và ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Nhật Bản anh em đòi triệt để cấm bom nguyên tử và bom khinh khí, đòi hủy bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ trên đất Nhật, đòi xóa bỏ “Hiệp ước an ninh” Nhật – Mỹ, đòi trả lại Ôkinaoa cho Nhật, chống việc phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Nhật.
Nhân dịp khai mạc Hội nghị, Người bày tỏ lời cảm ơn nhân dân Nhật, Hội đồng Nhật Bản chống bom nguyên tử và bom khinh khí đã ủng hộ cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân Việt Nam.
– Báo Nhân dân, số 5223, ngày 31-7-1968.
Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.