(ĐCSVN) – Kế thừa kết quả qua 3 năm hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) và Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 01 tháng 7 năm 2011 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí tiếp tục được các cấp ủy chỉ đạo, văn nghệ sĩ, nhà báo cả nước tích cực tham gia.
Sau khi Ban Chỉ đạo Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí viết về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ban hành Quy chế Giải thưởng, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam; các Hội Văn học, Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Xuất bản Việt Nam; Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an và Đảng ủy Ngoài nước đã tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí để tiếp tục cổ vũ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tạo ra các tác phẩm mới, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của xã hội.
Nhân kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay, Ban Bí thư sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Kế hoạch của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó có đánh giá kết quả hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; trao giải thưởng đối với tác phẩm, công trình xuất sắc.
Một cảnh trong vở “Điều ước thiêng liêng”, kịch bản được
Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chọn đầu tư dàn dựng sau khi đoạt giải A
trong Trại sáng tác do Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh tổ chức (Ảnh: sggp.org.vn)
Quá trình triển khai hoạt động sáng tác, quảng bá, nhiều cơ quan, địa phương có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương đã chủ động tổ chức cho đội ngũ sáng tác đi thực tế, mở trại viết, dàn dựng tác phẩm.
Hội Nghệ sỹ Sân khấu dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm: “Lời Người – lời của nước non”, “Lớn lên từ câu hò ví giặm”, “Bác Hồ – Người là niềm tin tất thắng”, “Lời Người sáng mãi lòng ta”; tổ chức Hội đồng sơ khảo, thẩm định, báo cáo và gửi kịch bản có chất lượng tới Ban Tổ chức cuộc thi.
Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nhiệm vụ sáng tác và quảng bá các tác phẩm báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên phạm vi cả nước. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đều mở và duy trì các chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thông tin về các tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu; phản ánh những cách làm hay, có hiệu quả qua việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.
Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho một số biên đạo sáng tác, dàn dựng các tác phẩm có nội dung phản ánh về đề tài chiến tranh cách mạng, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức dàn dựng những tác phẩm có chất lượng: “Đạp bằng sóng gió” (nội dung về bảo vệ chủ quyền biển, đảo); “Lính đảo” (ngợi ca người lính trên đảo Trường Sa); “Mẹ Làng Sen” (ngợi ca những người Mẹ Việt Nam anh hùng)…
Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức nghiên cứu lý luận các công trình kiến trúc có tác dụng định hướng sáng tác kiến trúc và sự phát triển của nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc; khuyến khích các công trình phục vụ dân sinh như: Nhà nông thôn mới; nhà ở công nhân các khu công nghiệp; nhà cho người thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa, vùng lũ; công trình văn hóa giáo dục phục vụ trẻ em…
Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam phát động sáng tác những tác phẩm có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, góp phần nâng cao nhận thức về tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; quảng bá, nâng cao vị thế hình ảnh Việt Nam với thế giới…
Đối với tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, hầu hết các ban sơ khảo đã phổ biến Quy chế của Ban Chỉ đạo, thể lệ giải thưởng, tổ chức đi thực tế, giao lưu với các điển hình tiêu biểu, tuyên truyền các tác phẩm tốt; thẩm định, xét chọn các tác phẩm có chất lượng gửi về Hội đồng Sơ khảo Trung ương. Một số cơ quan, địa phương có sự chủ động, sáng tạo trong triển khai như:
Đảng ủy Ngoài nước đã sưu tầm được 160 tư liệu, hiện vật gồm thơ, văn xuôi, ca khúc, ký sự, phóng sự, bài viết, sách, báo, hội họa, phù điêu…, sách của tác giả người Nga, Arập, Trung Quốc, Hàn Quốc và Xrilanca viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân xác định tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên, phóng viên tu dưỡng phẩm chất, nhân cách, đạo đức cách mạng, đạo đức người làm báo; rèn luyện tay nghề thông qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức trong sáng của Bác Hồ; thường xuyên tổ chức chuyên trang, mục đăng bài viết về các điển hình tiêu biểu của tập thể, cá nhân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Báo Nhân dân, “Những tấm gương bình dị mà cao quý” của Báo Quân đội nhân dân đã thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, sự chú ý của dư luận xã hội.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai triển khai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên hệ thống phát thanh – truyền hình, cổng thông tin điện tử; thường xuyên duy trì chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “gương người tốt, việc tốt”, đăng tải nội dung và các văn bản của cấp trên tới các đảng bộ, chi bộ trực thuộc; tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi xây dựng kế hoạch tổ chức phát động trong đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo, các đoàn nghệ thuật, quần chúng nhân dân trong tỉnh sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tiếp nhận hàng trăm tác phẩm (truyện ngắn, thơ, phim tài liệu, âm nhạc, phóng sự, mẩu truyện, tranh cổ động), tin bài, chương trình truyền hình, giao lưu với các điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo và tạo điều kiện để văn nghệ sỹ đi thực tế, gặp gỡ các điển hình tiêu biểu, các nhân tố mới, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức các đoàn kiểm tra về thực hiện Chỉ thị 03 tại thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các huyện, thị gắn với kiểm tra chuyên đề của Tỉnh ủy, kiểm tra công tác Tuyên giáo; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với việc giới thiệu, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đề án số 09 – ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc nâng cao chất lượng thực hiện Chỉ thị 03; thường xuyên đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị ở địa phương, đơn vị; chỉ đạo giới thiệu, tuyên truyền một số chương trình, tác phẩm có chất lượng như: Chương trình nghệ thuật tại lễ Kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ về ATK Thái Nguyên; biểu diễn, công chiếu vở kịch “Bác không phải là vua”, bộ phim “Bác Hồ với ATK Thái Nguyên” phục vụ nhân dân trong tỉnh…
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định quan tâm công tác tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác. Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh tổ chức cho các bộ môn chuyên ngành sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức 3 trại sáng tác với 50 hội viên tham gia. Một số kịch bản văn học được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao: Vở “Một lần được ở bên Người”; “Lời Bác dặn”; “Quê nghèo đón Bác”; “Một bữa ăn tối của Bác”; “Điều thiêng liêng nhất”.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh duy trì các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó tập trung tuyên truyền về những tấm gương tiêu biểu trong việc thực hiện học tập và làm theo Bác. Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh phát động cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật; tổ chức 02 đoàn gồm 30 thành viên đi nghiên cứu sáng tác tại các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng về đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau chủ động chỉ đạo các cơ quan báo chí mở chuyên trang, chuyên mục đăng phát toàn bộ quy chế, thể loại cuộc thi để mọi người tìm hiểu, tham gia sáng tác.
Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Tiền Giang tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Báo, đài phát thanh – truyền hình tỉnh, đài truyền thanh các huyện, thị xã, website các sở, ngành đã tập trung tuyên truyền, đưa tin phát động cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, rộng rãi trong toàn tỉnh.
Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tham mưu cho Thành ủy chỉ đạo toàn diện, đồng bộ các hoạt động: Hội Mỹ thuật mở trại sáng tác, thu được 40 tác phẩm mỹ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” qua 8 đợt trại. Hội Sân khấu tổ chức trại sáng tác chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đã nghiệm thu 14 kịch bản, trong đó 2 kịch bản sân khấu “Cây bàng vuông”, “Nơi tình yêu bắt đầu” đã đưa vào kế hoạch hỗ trợ đầu tư dàn dựng. Riêng vở kịch “Điều ước thiêng liêng” (đề tài Bác Hồ với thiếu nhi miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ) đến cuối năm 2011 đã biểu diễn lưu động thêm 20 suất từ kinh phí hỗ trợ của ngân sách thành phố. Hội Âm nhạc tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác, giáo dục truyền thống kết hợp biểu diễn chương trình nghệ thuật tại Quân đoàn 4 với chủ đề “Bộ đội Cụ Hồ”; tại Bến Tre với chủ đề “Nông thôn mới và Bến Tre ngày mới”; tại Côn Đảo với chủ đề “Xanh xanh Côn Đảo”; tại Cần Giờ với chủ đề “Màu xanh Cần Giờ”; tại Củ Chi với chủ đề “Tình đất Củ Chi”. Qua đó, các hội viên có nhiều sáng tác mới về lao động, sản xuất và những nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới của con người và quê hương, đất nước. Lĩnh vực sáng tác văn học có tác phẩm: “Hồ Chí Minh – Xin nhớ mãi ơn Người” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2012. Hãng phim Hội Điện ảnh thành phố đã thực hiện xong phim tài liệu “Những đêm chiến khu chờ nghe thơ Bác”. Hội Nhiếp ảnh thành phố tổ chức thi và triển lãm tập thể 10 cuộc với trên 830 tác phẩm nhiếp ảnh, trong đó có nhiều tác phẩm thể hiện tinh thần lao động, học tập, sáng tạo theo chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tham mưu cho Thành ủy chỉ đạo Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật thành phố tổ chức sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho các cá nhân và nhóm tác giả nghiên cứu các tài liệu về Bác Hồ; tổ chức nhiều chuyến đi thực tế về thăm quê Bác tại Nghệ An; thăm di tích lịch sử tại An Toàn Khu tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn… Đặc biệt, trong 2 năm (2011 – 2012), Liên Hiệp hội đã tổ chức hai chuyến đi thực tế trên địa bàn tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cho hơn 30 văn nghệ sĩ với chủ đề “Hành trình theo chân Bác”…
Nét mới của các sáng tác đợt này là có nhiều tác phẩm viết về điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như: “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ: (tác phẩm văn học, báo chí của Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam); “Vũ Văn Tinh – tấm gương người thương binh học tập và làm theo Bác” (Báo nói của Trung tâm phát thanh, Truyền hình quân đội); “Làng Chăm làm theo lời Bác” (tác phẩm Mỹ thuật của Chế Thị Kim Chung, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam); “La Thanh Sơn, Bí thư Chi bộ trẻ nói đi đôi với làm” (ghi chép của Quang Lâm, tỉnh Phú Yên); “Người Thày mẫu mực về sáng tạo” (bút ký văn học nghệ thuật của Hoàng Giá, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh)…
Một số tác phẩm chất lượng tốt và tâm huyết của tác giả là người nước ngoài như: Tranh “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” của Ghihan Thennakoo công dân Xrilanca; “Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Việt Nam” (văn xuôi của Ivo Vasilje, Cộng hòa Séc, Tiến sỹ ngôn ngữ học); “Gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm không bao giờ quên” (văn xuôi của Almási Alfréd, nguyên Tham tán công sứ Hungary tại Việt Nam) …
Một số tác giả có nhiều đóng góp đối với đất nước trên lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật, tuổi đã cao nhưng vẫn sáng tác, gửi tác phẩm tham gia Giải thưởng: Sách “Hồ Chí Minh, ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam” của Giáo sư Vũ Khiêu; sách “Hồ Chí Minh chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại” của cố Giáo sư Trần Văn Giầu do Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh xuất bản.
Tính đến hết tháng 2 năm 2013, Bộ phận Chuyên trách Chỉ thị 03 của Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhận được 296 tác phẩm (219 tác phẩm của địa phương; 77 tác phẩm của cơ quan Trung ương) gồm đủ các thể loại từ các Ban Sơ khảo gửi về. Tiểu ban chuyên ngành đã chấm và đề nghị Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo thẩm định, đề nghị Ban Chỉ đạo Giải thưởng, Hội đồng Giải thưởng xem xét quyết định.
Nhân kỷ niệm 123 năm Ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 – 19/5/2013), Ban Chỉ đạo Giải thưởng sẽ tổ chức trao giải thưởng đối với các tác phẩm, công trình, xuất bản phẩm xuất sắc, các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”./.
Nhạc sĩ Vũ Việt Hùng
dangcongsan.vn