Hiệp định Pa-ri và sự vớt vát danh dự của Mỹ
QĐND – Giá trị và ý nghĩa của Hiệp định Pa-ri đã được cả thế giới công nhận, trong đó bao gồm đánh dấu sự thất bại của chủ nghĩa đế quốc. Vậy nhưng, phía Mỹ vẫn tìm cách vớt vát danh dự bằng nhiều cách. Trả lời phỏng vấn các báo vào những ngày sau khi Hiệp định được ký kết, Cố vấn Mỹ Kít-xinh-giơ vẫn cố tình bào chữa cho lỗi lầm của người Mỹ và vờ tỏ ra thông cảm đối với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Đông Dương nói riêng. Kít-xinh-giơ cho rằng: “Đến giờ phút này, một thế hệ người dân ở Đông Dương và đặc biệt là nhân dân Việt Nam đã phải hứng chịu cảnh chiến tranh. Nỗ lực lớn nhất của chúng tôi là chấm dứt nỗi đau của họ và khôi phục hòa bình”. Nhưng trước đó, ngay trong buổi tối ngày 23-1-1973, ngày Hiệp định Pa-ri được ký tắt, chính Tổng thống Mỹ Ních-xơn đã phát biểu trên truyền hình nhấn mạnh: “Tôi muốn thông báo rằng, chúng ta đã ký kết được một thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh và mang lại “Hòa bình trong danh dự” ở Việt Nam và Đông Nam Á”.
Thực hiện Hiệp định Hòa bình Pa-ri, trong hai ngày 28 và 29-3-1973, tại sân bay Gia Lâm, 107 nhân viên quân sự Mỹ (đợt cuối cùng) được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao trả cho Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN
Và chính quyền Ních-xơn cũng từng thừa nhận: “Hiệp định Pa-ri là một thành công của Dự án “Hòa bình trong danh dự”. Bởi chính Ních-xơn tuyên bố muốn ký kết một Hiệp định hòa bình, trong đó Mỹ sẽ chấp nhận rút hết quân, lấy được hết tù binh Mỹ mà không thừa nhận thất bại, mặt khác vẫn giữ được chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên. Sau này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố một cách bao biện rằng: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành công trong quá trình thương lượng chủ yếu vì Mỹ đã cơ bản thay đổi các mục tiêu của mình và rất muốn thoát ra khỏi Việt Nam nếu tù binh Mỹ được trao trả về, và Nam Việt Nam có cơ hội đứng vững trong một thời gian đáng kể”.
Thực tế trong những năm tháng diễn ra đàm phán, Mỹ càng chịu thêm những thất bại nặng nề về cả quân sự và chính trị tại chính quốc cũng như Việt Nam. Từ đó, buộc Mỹ và chính quyền Ních-xơn nhanh chóng tìm giải pháp đi đến ký kết một Hiệp định hòa bình, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: “Tổng thống Ních-xơn và ông Kít-xinh-giơ thừa nhận là không thể có một giải pháp quân sự cho cuộc chiến tranh. Vì vậy, họ cố gắng đạt tới một trạng thái không phân thắng bại trên chiến trường, cô lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các nước Cộng sản vẫn viện trợ cho họ; và đi đến một giải pháp chính trị qua thương lượng”.
Sau này, trong cuốn hồi ký của mình, Kít-xinh-giơ đã viết: “Hầu hết các đồng sự của tôi và tôi hiểu ngay tầm cỡ của những điều mà chúng tôi vừa nghe. Tôi yêu cầu ngừng phiên họp ngay. Lót (C. Lord) – Trưởng đoàn đàm phán Mỹ, và tôi nắm tay nhau tuyên bố: Chúng ta đã thành công! Tướng Hai-gơ (Haig), người đã từng chỉ huy ở miền Nam Việt Nam xúc động tuyên bố: “Chúng ta đã cứu vớt danh dự cho bao người đã chiến đấu, đau khổ, bỏ mạng ở đó… Chúng ta sẽ đạt được điều mà chúng ta tìm kiếm: “Một nền hòa bình phù hợp với danh dự và trách nhiệm quốc tế của chúng ta”.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử của Mỹ và phương Tây lại tỏ ra nghi ngờ về cái gọi là “Hòa bình trong danh dự” mà chính quyền Mỹ rêu rao. Họ cho rằng, nước Mỹ đưa một đội quân thiện chiến hơn nửa triệu người được trang bị đến tận răng sang trực tiếp tham gia cuộc chiến vốn được điều hành bởi những chiến lược gia quân sự, “bộ óc điện tử” có hàng chục năm kinh nghiệm ở nhiều chiến trường nóng bỏng trên thế giới. Chi phí trực tiếp cho cuộc chiến tranh hơn 150 tỷ đô-la, có gần 60.000 lính chết, hàng trăm nghìn người bị thương… nhưng việc Mỹ buộc phải ký vào Hiệp định để kết thúc một cuộc chiến tranh với mục tiêu hạn chế, mà không giành được thắng lợi, là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ. Nhà sử học Mỹ Ga-bri-en Côn-cô (Gabriel Kolko), trong cuốn “Giải phẫu một cuộc chiến tranh” bình luận thêm: “Việc Mỹ rút quân mà không phải thừa nhận thất bại quân sự sau gần hai thập kỷ nỗ lực bất thành là một thắng lợi cay đắng của một siêu cường quốc tế”. Còn nhà sử học Mỹ Gioóc-giơ C. Hơ-rinh (George C. Herring), trong cuốn “Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ” đánh giá, kết quả đạt được của Hiệp định Pa-ri đó quả thực là một sự trả giá quá đắt đối với Mỹ, ảnh hưởng to lớn đến uy tín, sức mạnh của siêu cường này, và “Ních-xơn đã kiên quyết tìm đến một nền “Hòa bình trong danh dự” để duy trì địa vị của Mỹ trên thế giới. Nhưng Mỹ đã ra khỏi cuộc chiến tranh với hình ảnh rất nhem nhuốc trong con mắt của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ vốn đã chán ngấy việc dính líu vào chiến tranh”.
Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, nhiều nhà phân tích chính trị, quân sự phương Tây đã có những đánh giá và nhận định rất chính xác về khả năng Mỹ sẽ tìm cách phá hoại việc thực thi Hiệp định. Giáo sư lịch sử Oét-đơn Ây Brao (Weddon A Brown) thuộc Viện Bách khoa Virginia (Mỹ), trong cuốn sách “Chiếc trực thăng cuối cùng kết thúc vai trò của Mỹ ở Việt Nam”, viết rằng: “Bất cứ một đánh giá nào về bản Hiệp định này cũng chỉ nhận xét rằng bản Hiệp định đã chỉ làm người ta lo sợ nhiều hơn là hy vọng”. Những người theo quan điểm này cho rằng với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, chính quyền Ních-xơn sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh. Do đó, “những thỏa thuận hòa bình tháng 1-1973 chỉ tạo dựng một khuôn khổ để tiếp tục cuộc chiến tranh mà không có Mỹ trực tiếp tham gia”.
Nhà sử học Mỹ Giô-dép Am-tơ (Joseph A. Amter) cũng cho rằng, việc ký Hiệp định thực chất chỉ là sản phẩm của luận điệu giả dối, những trò lừa bịp dư luận của chính quyền Ních-xơn… Và với khát vọng độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, tinh thần đấu tranh kiên cường, bền bỉ của người Việt Nam, chắc cuộc chiến sẽ còn tiếp diễn.
Mai Hương – Minh Nam
qdnd.vn
(Hết)