QĐND-Để có được chiến thắng trong Chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, từ 5 năm trước, có một đơn vị tên lửa đã hành quân vào tuyến lửa Vĩnh Linh để tìm cách hạ B-52.
“Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên lời động viên của Đại tá Đặng Tính, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân chủng PK-KQ khi ông vào thăm trận địa của Trung đoàn 238 tại Vĩnh Linh: Đưa được cả trung đoàn vào tới chiến trường an toàn là một huyền thoại. Triển khai chiến đấu, đem được cả khối binh khí, khí tài xuống lòng đất mà kẻ thù không hay biết là hai huyền thoại. Giấu được quân, giấu được binh khí, khí tài, xe cộ là ba huyền thoại. Chỉ còn một huyền thoại nữa là chờ các đồng chí bắn rơi B-52 trên đất lửa!”, Đại tá Nguyễn Văn Hội, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tên lửa 238 (Quân chủng PK-KQ) mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Hơn 45 năm đã trôi qua, ký ức về những tháng ngày cùng đồng đội hành quân vào tuyến lửa để tìm cách tiêu diệt B-52 vẫn sống động trong ông. Vào giữa năm 1966, ta thực hiện chủ trương “Sớm đưa tên lửa vào nam Quân khu 4 để nghiên cứu đánh B-52”. Trung đoàn Tên lửa 238 đang bảo vệ Hà Nội, được lệnh lên đường vào tuyến lửa Vĩnh Linh.
Tại thời điểm bấy giờ, tên lửa SAM-2 vốn là loại vũ khí nặng nề, cồng kềnh. Để tránh tai mắt cú vọ của kẻ thù, cả khối xe cộ, binh khí, kỹ thuật khổng lồ lặng lẽ cơ động trong đêm. Đơn vị hành quân qua Hà Tĩnh, Quảng Bình vào Vĩnh Linh trong sự chở che, cưu mang của bộ đội và nhân dân Quân khu 4. Không thể đo đếm được sự hy sinh thầm lặng của hàng chục ngàn thanh niên xung phong, bộ đội công binh đã ngày đêm lo ngụy trang, đào công sự, làm cọc tiêu sống, chống lầy, hộ tống “rồng lửa” qua sông, qua những chặng đường địch đánh phá ác liệt. Dọc đường hành quân, đã có hàng trăm người thương vong để đưa Trung đoàn 238 và 9 tiểu đoàn cao xạ đến đích. Khi triển khai trận địa, khó khăn và gian nan vẫn chồng chất. Trong cái nắng nóng gắt gao của miền Trung, lá ngụy trang vừa thay đã héo quắt. Để giữ được bí mật tuyệt đối, bộ đội và nhân dân Vĩnh Linh phải vào rừng cách xa hàng chục cây số chặt cây đem về ngụy trang trận địa cao xạ, tên lửa. Tiếp đó là những ngày đọ trí, đọ sức quyết liệt. Vĩnh Linh là dải đất hẹp, địch lại thường xuyên thay đổi trang bị vũ khí gây cho ta khá nhiều khó khăn. Chúng dùng một máy bay từ xa lượn vòng chiếu la-de để nhiều chiếc khác tiếp cận phóng tên lửa. Ta chưa phát hiện máy bay địch, tên lửa đã nổ khiến đơn vị thương vong rất lớn. Tiểu đoàn 5 lắp ráp tên lửa cũng bị địch oanh kích.
Đại tá Nguyễn Văn Hội.
Trung đoàn 238 quyết định dồn sức, dồn người cho Tiểu đoàn 84. Vũ khí, khí tài được gom về, lắp ráp thành một bộ hoàn chỉnh. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên cùng sĩ quan điều khiển Lê Hỷ thuộc Tiểu đoàn 82 và một số đồng chí khác của Tiểu đoàn 81, 83 cũng được điều về bổ sung cho Tiểu đoàn 84. Khi khí tài và quân số đã ổn định, Tiểu đoàn 84 (ghép) được lệnh cơ động về trận địa T5 (Nông trường Quyết Thắng, Vĩnh Linh) chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Ngày 15-9-1967, vì trời mưa lớn, trận địa bị ngập nước nên các chiến sĩ tên lửa thấy địch mà không thể đánh được. Hôm sau, B-52 lại xuất hiện nhưng ta không bắt được mục tiêu. Vào cuối buổi chiều ngày 17-9-1967, khi bọn địch ngỡ rằng đã đè bẹp được lực lượng tên lửa của ta thì bất ngờ “rồng lửa” xuất hiện. Kíp chiến đấu gồm sĩ quan điều khiển Lê Hỷ và ba trắc thủ là Phạm Văn Ngoạn, Trần Mạnh Hiển và Nguyễn Văn Ngận dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên đã tách được nhiễu, nhận dạng mục tiêu và chiến đấu một cách bình tĩnh.
17 giờ 03 phút, 2 quả đạn tên lửa của Tiểu đoàn 84 từ trận địa T5 thuộc Nông trường Quyết Thắng bay lên hướng về tốp B-52. Sau 2 tiếng nổ, mục tiêu bị xóa nhòa trên màn hiện sóng.
Vậy là từ khi có mặt ở tuyến lửa, phải mất 5 tháng trời ròng rã với bao mồ hôi, công sức và xương máu ta mới bắn rơi được chiếc B-52 đầu tiên.
Kể đến đây, Đại tá Nguyễn Văn Hội cười sảng khoái: “Vậy là chúng tôi đã thực hiện được ý nguyện của Bác Hồ: “Muốn bắt cọp, phải vào hang”.
Trong Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, bao gồm: 34 chiếc B-52, 5 chiếc F111A, 21 chiếc F4C-E, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7, 1 chiếc F105D, 2 chiếc RA5C, 1 chiếc trực thăng HH53, 1 chiếc trinh sát không người lái 147SC. ST. |
Bài và ảnh: QUỲNH VÂN – ĐỖ HÙNG
qdnd.vn