Tiếng súng tạm ngưng ở miền Bắc, nhưng ở phía Nam, Mỹ gạt Pháp trực tiếp can thiệp vào Việt Nam. Phạm Ngọc Lan cùng đồng đội được giao nhiệm vụ phải học để nắm vững những trang bị mới.
(ĐVO) Kỳ 2: Lối rẽ cuộc đời
“13 tháng 6 lớp”
Tháng 5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, Hiệp định Geneva được ký kết (tháng 7/1954). Phạm Ngọc Lan cùng đơn vị (Sư đoàn 305) nhận lệnh tập kết ra miền Bắc. Anh được cấp trên cử đi học tại Trường Văn Hóa thuộc Bộ Tổng Tham Mưu tại Kiến An, Hải Phòng. Mục đích khi đó nhằm tuyển chọn đào tạo nguồn sĩ quan để xây dựng quân đội cách mạng, từng bước hiện đại, đảm đương nhiệm vụ mới.
Trước khi vào học, các thầy giáo đã kiểm tra trình độ để xếp lớp. Người lính già vẫn còn nhớ như in câu hỏi thú vị hôm đó: “Có bao nhiêu loại hình tam giác”. Tuy không nhớ rõ, nhưng với sự nhanh trí, thông minh ông vẫn hoàn thành câu trả lời. “Ngoài tam giác thường và tam giác cân, còn có tam giác thước thợ (chỉ tam giác vuông),” ông nhớ lại. Còn tam giác đều ông nói bằng…tiếng Pháp. Nhưng chính nhờ những câu trả lời đặc biệt đó mà ông được các thầy đánh giá cao và cho vào học lớp 5/10.
Vào trường, ông chăm chỉ không nghỉ chủ nhật. Ông nói: “Xưa mình không được học, giờ học đâu nhớ đấy, học 13 tháng, không tháng nào là không được biểu dương”. Chẳng thế mà, tháng đầu tiên trường phải phân công một anh học lớp 8 kèm cặp, đến tháng thứ 2 trò đã bắt đầu tranh luận với trợ giáo về bài tập. Đến tháng thứ 3 thì “thầy” nói trò không cần phải học thêm với mình nữa.
Không chỉ có vậy, thời gian học tại Kiến An còn để lại cho ông kỷ niệm sâu sắc về tình thầy trò và học kết hợp với hành rất cụ thể. Một buổi dạy vật lý về máy hơi nước, thầy giáo ông đã dùng một chiếc xe lu (xe lăn đường) – quân Pháp để lại, mô tả nguyên lý hoạt động giúp các trò dễ hiểu hơn.
Nhưng học trò Phạm Ngọc Lan nghĩ xa hơn như thế, anh hỏi “thầy ạ, xe này còn tốt, thầy sửa được không”. Thầy đáp: “sửa thì phải có thợ”. Thế là, buổi chiều, nhà trường mời thợ ở nhà máy điện vào sửa giúp. Và ngay hôm sau, hai thầy trò đã cùng nhau lái chiếc xe lu chạy quanh sân trường.
Mất ba buổi chiều, hai thầy trò lăn đường quanh sân trường và sân bóng đá trở thành nhẵn nhụi, êm bước cho mọi người luyện tập chơi đùa. Kỷ niệm về chiếc xe lu in dấu mãi trong tâm trí anh sau này.
Với tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ, học một cách sáng tạo, có suy nghĩ chặt chẽ, sau 13 tháng học tập ông đã đạt trình độ yêu cầu của khóa học để chuyển sang học chuyên ngành ở bậc cao hơn.
Ước mơ lái xe tăng
Sau khi bổ túc văn hóa, ông cùng nhiều đồng chí trải qua kiểm tra sức khỏe và được phép đề đạt nguyện vọng ngành học. Không ngần ngại, ông quyết địch xin học lái xe tăng. Vì, có lần ông được xem bộ phim công phá Berlin, trong đó có cảnh xe tăng Hồng quân Liên Xô húc đổ cổng tổng hành dinh Hitler và những hình ảnh đó đem lại ấn tượng mạnh cho ông.
Thế nhưng, khi các đồng chí học cùng đều lần lượt lên đường, người học hải quân, người học xe tăng, pháo binh, thông tin,… riêng ông vẫn chưa được gọi đi, tư tưởng có phần lo lắng. Nhưng rồi, mọi việc sớm được giải tỏa khi cấp trên thông báo, ông cùng những đồng đội còn lại được cử đi học lái máy bay.
Trước ngày lên đường, đồng chí Nguyễn Chí Thanh – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã gặp và dặn dò: “các đồng chí đi học thì 60 người vì 1 người, 1 người vì 60 người, phải học hành thật tốt để góp phần xây dựng quân đội chính quy hiện đại và tiếp tục công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”. Lời dặn đó đã đi theo Phạm Ngọc Lan suốt cả thời gian học tập khi xa đất nước.
“8 môn 80 điểm”
Trong thời gian học tập ở nước ngoài, tiếp tục phát huy tinh thần tự học, Phạm Ngọc Lan cùng các đồng chí khác vượt qua rất nhiều thử thách, khó khăn, đạt được thành tích cao. Ban đầu, ông và đồng đội trải qua 1 năm học lý thuyết. Đặc biệt, trong bài kiểm tra lý luận 8 môn (khí động lực học, động cơ, địa hình, khí hậu…) kết thúc khóa học, riêng ông làm bài thi bằng tiếng sở tại. Kết quả, 8 môn ông đều đạt điểm 10.
Trung đoàn không quân tiêm kích 921 (Sao Đỏ) được thành lập ngày 3/2/1964.
Sang phần học bay, ông được học lái trên 4 loại phi cơ từ máy bay Yak-18, Yak-11 tới tiêm kích đánh chặn phản lực MiG-15 và MiG-17F. Ở mỗi loại ông đều đạt kết quả xuất sắc. Không những thế, Phạm Ngọc Lan nằm trong tốp đầu được bay đơn (một mình cất cánh bay đi và hạ cánh an toàn). Lần đó, ông đã hoàn thành xuất sắc bài tập. Nhớ lại, ông kể đối với phi công bay đơn đầu tiên trong bữa ăn sẽ được chúc mừng bằng bánh ga tô. Và ông còn được 2-3 chiếc khác trong những lần tiếp theo.
Sau 6 năm miệt mài học tập, tới năm thứ 7 cũng là lúc xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ hôm 5/8/1964. Ngày 6/8, 36 chiếc tiêm kích MiG-17F do đồng chí Đào Đình Luyện làm trung đoàn trưởng cất cánh trở về nước chuẩn bị cho cuộc chiến bảo vệ vùng trời tổ quốc. Ngày hôm đó, phi công Phạm Ngọc Lan là một trong những phi công đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Nội Bài – căn cứ Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 mang tên Sao Đỏ.
– Máy bay huấn luyện sơ cấp 2 chỗ ngồi Yak-18 do Liên Xô thiết kế sản xuất, chính thức đi vào phục vụ năm 1946. Yak-18 trang bị một động cơ cánh quạt Ivchenko AI-14RF cho phép đạt tốc độ tối đa 300km/h, bán kính hoạt động 350km, trần bay 5.000m. – Máy bay huấn luyện sơ cấp 2 chỗ ngồi Yak-11 do Liên Xô chế tạo và đi vào phục vụ năm 1946. Yak-11 trang bị một động cơ cánh quạt Shvetsov Ash-21 cho phép đạt tốc độ tối đa 460km/h, bán kính hoạt động hơn 600km, trần bay 7.100m. Máy bay thiết kế với 1 súng máy cỡ 7,62 hoặc 12,7mm cùng 2 giá treo dưới cánh mang 200kg bom. – Tiêm kích đánh chặn cận âm MiG-15 do Liên Xô phát triển, đưa vào trang bị năm 1949. Đây là một trong những thiết kế thành công nhất của Liên Xô, với 18.000 chiếc được sản xuất. MiG-15 trang bị một động cơ tuốc bin phản lực Klimov VK-1 cho phép đạt tốc độ bay 1.075km/h, bán kính bay 600km, trần bay 15.000m. Tiêm kích MiG-15 lắp 2 pháo 23mm (160 viên đạn) và 1 pháo 37mm (40 viên đạn). – Tiêm kích đánh chặn cận âm MiG-17 được phát triển từ MiG-15, đi vào hoạt động năm 1952. MiG-17 sử dụng một động cơ tuốc bin phản lực Klimov VK-1F cho phép đạt tốc độ 1.145km/h, bán kính bay 1.000km (với thùng dầu phụ), trần bay 15.000m. MiG-17 lắp 2 pháo 23mm (160 viên đạn) và 1 pháo 37mm (80 viên) hoặc mang được 500kg bom trên hai giá treo dưới cánh. MiG-17 một thời gian dài là lực lượng chủ lực của Không quân Nhân dân Việt Nam. |
Lê Văn
baodatviet.vn