Gặp phi công đầu tiên bắn rơi máy bay phản lực Mỹ (kỳ 1)

Thế hệ phi công đầu đàn của Việt Nam đều trưởng thành từ lính bộ binh, Phạm Ngọc Lan cũng vậy, ông đã gắn bó với đơn vị bộ binh trước khi lên “buồng lái máy bay”.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thiếu tướng Phạm Ngọc Lan là phi công đầu tiên của Quân đội ta bắn rơi máy bay phản lực Mỹ F-8U trên bầu trời Hàm Rồng – Thanh Hóa, ngày 3/4/1965.

Để có chiến công đầu, cũng như các phi công Việt Nam ông đã trải qua quá trình học, làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự trong hoàn cảnh bền bỉ, gian khổ.

(ĐVO) Kỳ 1: Trưởng thành từ người lính bộ binh

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thiếu tướng Phạm Ngọc Lan.

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Quê Phạm Ngọc Lan ở xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Sinh năm 1934, bố mẹ của Phạm Ngọc Lan đều làm nghề y, theo công việc đi khắp các tỉnh miền trung. Vì vậy, ngay từ nhỏ ông theo gia đình đi nhiều nơi, qua các miền đất lịch sử.

Cách mạng tháng Tám thành công, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Hình bóng các anh bộ đội trong đoàn quân Nam tiến dưới sự chỉ huy của Đàm Quang Trung, Đoàn Khuê (sau này trở thành những tướng lĩnh cốt cán trong Quân đội Nhân dân Việt Nam) đã gọi thế hệ Phạm Ngọc Lan nối bước.

14 tuổi, Phạm Ngọc Lan xin vào lực lượng công an xung phong. Trong đơn vị, ông không nề hà mọi việc từ nấu cơm, văn thư và làm liên lạc. Để đảm bảo bí mật, ông thuộc lòng tài liệu dưới dạng tiếng lóng, mã đơn giản hoặc ghi vào bàn tay để kịp xóa đi nếu bị bắt giữ.

Ngay trong giai đoạn kháng chiến ác liệt, ông vẫn cố gắng tận dụng thời gian để học vì khi thoát ly mới qua lớp 3. Nhờ vốn tiếng Pháp ít ỏi học từ cha, ông giao tiếp và học thêm với một hàng binh người Pháp. Đổi lại ông dạy người này tiếng Việt.

Ngoài ra, Phạm Ngọc Lan còn tự học tiếng Ê đê  để phục vụ công việc làm liên lạc. Có lần bị lính Pháp bắt, ông nhanh trí trả lời bằng tiếng Ê đê. Bà con người Ê đê cũng nói anh là người cùng bản. Vì thế, quân địch đã thả anh.

Trở thành bộ đội

Trong 4 năm từ 1948-1952, là khoảng thời gian Phạm Ngọc Lan vừa làm việc, vừa học nhưng khát vọng muốn ra chiến truờng trực tiếp chiến đấu vẫn luôn cháy bỏng.

Năm 18 tuổi, anh chính thức trở thành anh “bộ đội cụ Hồ” thuộc biên chế trung đoàn bộ đội địa phương 84 – mang tên người anh hùng các dân tộc Tây Nguyên N’Trang Lơng. Dù rất nóng lòng tham gia chiến đấu, nhưng ông lại được giao nhiệm vụ làm văn thư.

Tới năm 1953, khi Liên khu 5 quyết định thành lập tiểu đoàn 30, nằm trong đội hình trung đoàn 96, sư đoàn 305 (*), Phạm Ngọc Lan mới chính thức tham gia chiến đấu. Ba tháng bám trụ ở chiến khu Hòn Hèo, (Khánh Hòa) thâm nhập nắm vững địa hình.

Có lúc nằm trên núi nhìn thấy biển, ngửi mùi gió mặn, trông thấy hàng đống muối trắng trong khi bộ đội vẫn thiếu muối do địch vây hãm gắt gao. Những đợt hoạt động đầu tiên chính là tìm cách vận chuyển muối an toàn lên chiến khu.

Giai đoạn 1953-1954, Liên khu 5 triển khai nhiều chiến dịch phối hợp với chiến cuộc Đông Xuân trên toàn quốc và nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Trong những ngày tháng chiến đấu đó, anh đã bắt sống được 6 tù binh. Đặc biệt, trận đèo Măng Giang tiêu diệt binh đoàn cơ động GM-100, Phạm Ngọc Lan bắt sống được 1 lính Pháp.

Nhớ lại trận chiến hôm đó ông kể, sau khi trận đánh kết thúc ông cùng tổ 2 người ở lại với nhiệm vụ tìm kiếm đồng đội. “Trong lúc đi dọc đường 19 quan sát thì phát hiện ở hầm ta luy có gì đó động đậy, tôi liền lệnh cho anh em nằm xuống, bò đến tiếp cận thì phát hiện ra một lính Pháp”.

Ông nói bằng tiếng Pháp “hô lê măng” (giơ tay lên). Sau đó, ông cùng anh em bắt trói tên lính để giải về sở chỉ huy trung đoàn. Ban đầu, ông lệnh hai chiến sĩ đi trước về căn cứ đề nghị thêm người tới hỗ trợ giải tù binh.

Nhưng, hai đồng chí đi mãi không thấy quay lại, ông đành tự dẫn tên lính Pháp về. Do trời tối thay vì dẫn về căn cứ ông lại dẫn ngược về vùng quê nơi gia đình ông sơ tán. Tới sáng mới nhận ra, vậy nên ông đành ở lại đó nghỉ ngơi và nhờ Ủy ban kháng chiến giúp đỡ giải tù binh về sở chỉ huy liên khu V.

Chia sẻ với chúng tôi, ông nói chính việc cố gắng học tiếng Pháp, tiếng Ê Đê và nắm vững địa hình của mấy tỉnh miền trung, sau này đã giúp ông rất nhiều cho những chuyến bay chỉ huy và huấn luyện từ 1975.

Ông nhấn mạnh dù nhiều khó khăn nhưng bố mẹ và các anh chị đã đi cùng cuộc kháng chiến, được nhân dân đùm bọc trong mọi hoàn cảnh. Năm 1954, ông cùng đơn vị tập kết ra miền bắc. Một chặng đường mới bắt đầu.

(*) Sư đoàn bộ binh 305 khi tập kết ra bắc, một bộ phận đưa đi làm kinh tế còn lại được huấn luyện và chuyển thành lữ đoàn dù 305 – lực lượng lính dù đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Và sau này trở thành lực lượng Đặc công 305 của Binh chủng đặc công ngày nay.

Lê Văn
baodatviet.vn

Advertisement