Bước ngoặt 1972: Thành công của sự chỉ đạo chiến lược

Ngay từ đầu năm 1972, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã đề ra chủ trương kiên quyết đánh bại địch bằng kết hợp ba đòn chiến lược: Đẩy mạnh tiến công của bộ đội chủ lực ở những hướng và chiến trường có lợi, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng; đẩy mạnh đòn tiến công và nổi dậy ở các vùng nông thôn đồng bằng quan trọng, kết hợp tiến công quân sự, chính trị và binh vận; đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân ở thành thị. Ba đòn chiến lược này cũng chính là ‘bàn đạp” giúp chúng ta khẳng định vị trí của mình tại bàn đám phán Paris.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình
trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Paris

Đồng loạt tấn công

Thông tri của Ban Bí thư số 287, ngày 27-11-1972 về cuộc gặp giữa ta và Mỹ ở Paris

“Cuộc đấu tranh của ta trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao còn quyết liệt. Nhiệm vụ của ta là phải giữ vững và mở rộng thắng lợi trong đàm phán, phải giữ vững nội dung bản Hiệp định. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết chiến đấu đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn mới của địch để giành thắng lợi hoàn toàn, chứ nhất định không chịu khuất phục”

Sau hơn 2 tháng (kể từ tháng 3) mở cuộc tiến công chiến lược, quân và dân ta ở Trị Thiên, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã vượt qua khó khăn gian khổ, hy sinh, chiến đấu ngoan cường, giành được những thắng lợi có ý nghĩa, đánh dấu sự phát triển mới cả về thế và lực của cách mạng miền Nam, tác động mạnh mẽ đến cục diện chiến trường, làm thất bại thêm một bước nghiêm trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Mặc dù sau đó, trong trận chiến khốc liệt, bi hùng để giữ Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm (từ 25-6 đến 16-9-1972) không thành công và bộ đội ta bị tổn thất nặng phải lui vào thế phòng ngự, nhưng đánh giá một cách tổng thể, cuộc chiến đấu trên mặt trận Trị Thiên và Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đã tạo ra bước chuyển biến căn bản tình hình chiến trường có lợi cho ta. Đây chính là lợi thế quân sự trên chiến trường, hỗ trợ hiệu quả và trực tiếp cho cuộc đấu tranh của ta trên bàn đàm phán ở Paris.

Trả lời nhận xét của Kissinger – Cố vấn của phái đoàn Mỹ sau khi kết thúc trận chiến ác liệt ở Quảng Trị, khi Kissinger cho rằng đứng về mặt quân sự mà nói, để giữ một cái Thành cổ, thì không ai lại đánh như thế cả – Cố vấn đặc biệt của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) tại Hội nghị Paris Lê Đức Thọ cho rằng “Đó là vấn đề chính trị, đánh để giành thế mạnh chính trị trong đàm phán thôi chứ còn đứng về quân sự thì không một ai vì một mảnh đất nhỏ đổ nát mà đánh như thế”.

Mặt khác, do quân và dân ta đánh mạnh ở các chiến trường miền Nam nên để hỗ trợ chính quyền và quân đội Sài Gòn, cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đang có nguy cơ phá sản, Tổng thống Mỹ Nixon đã quyết định “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh, huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân ngăn chặn cuộc tiến công của ta đồng thời đánh phá trở lại miền Bắc. Trong bối cảnh ấy, phía Mỹ tiến hành chuyến thăm hai nước lớn trong phe XHCN là Trung Quốc (2-1972) và Liên Xô (5-1972) nhằm gây chia rẽ, cô lập, ngăn chặn, hạn chế sự chi viện to lớn của hai nước này đối với chúng ta.

Những chỉ đạo chiến lược

Năm 1972 là năm nhạy cảm trong nền chính trị Mỹ vì diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống và Nixon có ý định tái tranh cử nhiệm kỳ hai. Việc giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam là liều thuốc thử, là thước đo sự tín nhiệm của người Mỹ đối với chiếc ghế của Nixon. Vì thế, đây là điều kiện thuận lợi để ta mở cuộc tiến công về ngoại giao, phối hợp với tiến công quân sự, nhằm đạt tới kết quả có lợi nhất. Trong tình hình ấy, đầu tháng 9, trong lúc chiến sự đang diễn ra ác liệt ở Quảng Trị, Đảng ta chủ trương trên bàn đàm phán: Đưa Mỹ đi dần vào thương lượng thật sự căn cứ vào bối cảnh tình hình quốc tế lúc đó, thế của ta và thế của địch, tình hình Mỹ trong năm bầu cử, cơ hội giải quyết hòa bình đã hé mở. Cần đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao; tranh thủ giải quyết các nội dung đàm phán với Nixon trước ngày bầu cử ở Mỹ, đồng thời tích cực đề phòng khả năng tiếp tục chiến đấu sau kỳ bầu cử Tổng thống ở Mỹ.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Bộ Ngoại giao đã soạn dự thảo Hiệp định và một số nghị định thư kèm theo. Ngày 4-10, Bộ Chính trị điện thông báo cho Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ VNDCCH Xuân Thủy chủ trương: Cần tranh thủ khả năng chấm dứt chiến tranh trước ngày bầu cử ở Mỹ, đánh bại âm mưu của Nixon kéo dài đàm phán để vượt qua tuyển cử… Ta cần ép Mỹ ký một hiệp định chính thức, có ngừng bắn tại chỗ, rút quân Mỹ và thả tù binh. Việc chấm dứt sự dính líu về quân sự của Mỹ ở miền Nam và ngừng bắn ở miền Nam đưa đến việc thừa nhận trên thực tế hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng ở miền Nam…là một thắng lợi có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai miền trong điều kiện so sánh lực lượng hiện nay…ta cần gác lại một số yêu cầu khác của vấn đề nội bộ miền Nam.

Ngày 8-10, bản dự thảo Hiệp định được Đoàn đàm phán của ta đưa ra trong cuộc gặp riêng với phía Mỹ, với những nhân nhượng có tính đột phá. Sau khi nắm được các nội dung chủ yếu và hỏi rõ thêm những vấn đề sẽ tiếp tục thỏa thuận sau khi ký Hiệp định, Henri Kissinger đánh giá đây là “một văn kiện thật là quan trọng và rất cơ bản”. Hai bên đã thỏa thuận lịch làm việc chi tiết cho việc ký Hiệp định dự kiến vào 30 hoặc 31-10.

Sự lật lọng có chủ đích của Mỹ

Mặc dù Việt Nam đã có những nhân nhượng cơ bản, song phía Mỹ đã có mưu đồ mới, bắt đầu đưa ra những đòi hỏi, những yêu cầu mới, cụ thể có lợi cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Sở dĩ Mỹ có hành động như vậy vì qua thăm dò dư luận trước bầu cử, Nixon được cử tri Mỹ ủng hộ nhiều hơn ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Mark Gaven, chắc chắn sẽ vượt qua tuyển cử. Bên cạnh đó, sự phản ứng quyết liệt của chính quyền Sài Gòn về nội dung dự thảo Hiệp định đã làm Nixon lo ngại sẽ khó vượt qua cuộc bầu cử nếu không lưu tâm đến thái độ của Nguyễn Văn Thiệu và bỏ rơi chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Sự tráo trở của Mỹ là điều ta hoàn toàn không bất ngờ. Ngày 23-10, Chính phủ ta gửi công hàm cho Mỹ: “Nếu phía Hoa Kỳ cứ viện cớ này, cớ khác để kéo dài đàm phán, trì hoãn việc ký kết thì nhất định chiến tranh Việt Nam sẽ tiếp tục và phía Hoa Kỳ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Tiếp đó, ngày 26-10, Chính phủ ta ra tuyên bố về tình hình cuộc đàm phán về vấn đề Việt Nam hiện nay, yêu cầu Mỹ phải giữ đúng cam kết ký bản Hiệp định vào ngày 31-10 như đã thỏa thuận. Ngay sau khi Nixon đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2. Mỹ đề nghị họp lại vào ngày 20-11 và đưa ra 69 điểm trong nội dung Hiệp định đề nghị sửa đổi theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn và 16 vấn đề về thực chất nội dung Hiệp định mà Kissinger yêu cầu xem xét lại, mâu thuẫn hoàn toàn với công hàm của Nixon gửi Chính phủ ta ngày 20-10: “Hiệp định bây giờ có thể coi là hoàn thành”.

Đáp lại thái độ lật lọng và đe dọa ném bom của Tổng thống Mỹ được thể hiện rõ trong cuộc gặp ngày 23-11, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã đanh thép trình bày quan điểm của Việt Nam và quan điểm ấy sau đó cũng đã được thể hiện rõ trong Thông tri của Ban Bí thư số 287, ngày 27-11về cuộc gặp giữa ta và Mỹ ở Paris. Chính vì thái độ kẻ cả của Mỹ mà cuộc đàm phán đã trở nên bế tắc vào ngày 13-12 ngay trước cuộc tập kích B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng.

Đàm phán Paris cuối 1972 – quan điểm từ hai phía”

Tôi thấy bực mình về giọng nói và thực chất trong phiên họp vừa qua. Trong hoàn cảnh như vậy, trừ phi phía bên kia tỏ ra sẵn sàng chú ý tới sự quan tâm hợp lý của chúng ta, tôi chỉ thị cho ông ngừng đàm phán và chúng ta sẽ phải tiếp tục lại các hoạt động quân sự cho đến khi phía bên kia sẵn sàng đàm phán theo điều kiện có danh dự. Phải làm cho phía bên kia từ bỏ những ý nghĩ của họ là chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải giải quyết theo như điều kiện hiện nay. Ông phải trực tiếp báo cho họ là chúng ta có cách khác…chúng ta bây giờ sẽ tiến hành mọi hành động cần thiết để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ”

(Trích thư của Nixon gửi Kissinger được Kissinger đọc công khai trong cuộc gặp của hai đoàn Lê Đức Thọ-Kissinger ngày 23-11-1972)

“Chúng tôi muốn hòa bình, nhưng thiện chí của chúng tôi cũng có mức độ. Nhân nhượng quá mức chỉ là đầu hàng trá hình. Nhân dân chúng tôi không bao giờ đầu hàng”

(Trả lời của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ ngay tại cuộc gặp ngày 23-11-1972)

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà
Viện Lịch sử Đảng
Học viện CT – HC Quốc gia Hồ Chí Minh

daidoanket.vn

Advertisement