LTS: Ngày 27-1-2013, chúng ta kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris mở đường cho việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên toàn cõi Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ ấy, có nhiều mốc son; một trong những mốc son đáng được ngợi ca chính là cuộc đối đầu giữa hai nền ngoại giao: Một của Mỹ với dầy dạn kinh nghiệm và một là của Việt Nam còn rất non trẻ. Thế nhưng, cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử ngoại giao Mỹ và Việt Nam trong thế kỷ XX lại ghi danh người chiến thắng là Việt Nam. Từ số báo này, chúng tôi khởi đăng loạt bài viết nhân 40 năm Hiệp định Paris.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam Xuân Mậu Thân 1968, Tổng thống Mỹ L. Johnson buộc phải xuống thang cuộc chiến tranh phá hoại bằng hải quân và không quân ở Miền Bắc và đề nghị tiến hành đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH). “Ngày mồng 2 Tết Mậu Thân sau một hôm nghỉ lễ, vừa tới cơ quan, mấy anh em chúng tôi được Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh triệu tập và cho biết: Các cậu phải chuẩn bị tính chuyện đàm phán đi!” – ông Nguyễn Khắc Huỳnh, thành viên của đoàn đàm phán VNDCCH nhớ lại.
Toàn cảnh Hội nghị Paris
Lập các tổ công tác, chuẩn bị đàm phán
Thực ra, trước đó, ngay từ cuối năm 1967, đón trước cục diện này, tại Bộ Ngoại giao ta có một tổ chức mới được thành lập gọi là Vụ II. Vụ này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị Đảng ta lúc bấy giờ. Vụ II do Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chuyên trách, ông Phan Hiền làm Vụ trưởng. Đây là một đơn vị đặc biệt có nhiệm vụ nghiên cứu đưa ra lộ trình đấu tranh ngoại giao với Mỹ và chuẩn bị các giải pháp chính trị để kết thúc cuộc chiến tranh. Trong Vụ II có hai tổ công tác là tổ “Giải pháp” và tổ “Bước đi”. Tổ “Giải pháp” do ông Đinh Nho Liêm làm Tổ trưởng chuẩn bị các kịch bản từ cao đến thấp có thể sử dụng vào thời điểm ký kết Hiệp định tùy sự so sánh lực lượng lúc ấy. Còn tổ “Bước đi” do ông Võ Văn Sung làm Tổ trưởng. Tổ này chịu trách nhiệm nghiên cứu lộ trình kết hợp đàm phán ngoại giao với các bước đấu tranh quân sự trên chiến trường trong những năm 1968 – 1970. Tổ “Bước đi” là đầu mối tập trung nhiều điều cơ mật từ chiến lược đến cụ thể, cả về quân sự, chính trị và ngoại giao, vì vậy chúng tôi làm việc theo một quy chế giữ bí mật nghiêm ngặt nhất, nhằm đảm bảo tính chất bất ngờ và hiệu quả cao trong các đợt “Tấn công ngoại giao” của ta.” – ông Võ Văn Sung kể lại những ngày tháng ấy.
Lại nói về những ngày Tết Mậu Thân năm ấy, ông Huỳnh cho biết, ngay trong ngày 31-3-1968, sau khi Mỹ tuyên bố đơn phương ngừng ném bom, Bộ Chính trị Đảng ta họp để bàn, cân nhắc giữa 3 vấn đề. Nhận, không nhận, nhận thế nào? Sau đó, Bộ Chính trị quyết định không bác, không nhận nhưng nhận mức trung bình tức là nhận tiếp xúc. Cụ thể, nhân dịp Mỹ hạn chế ném bom miền Bắc ta nhận cử đại diện tiếp xúc với phía Mỹ để bàn chuyện xác nhận việc Mỹ hạn chế ném bom miền Bắc. Mấy ngày sau đó, nhóm công tác gồm các ông Phan Hiền, Trần Hoàn, Nguyễn Khắc Huỳnh đã thảo luận suốt 1 ngày 1 đêm để có bài trả lời hay nói cách khác là Tuyên bố của VNDCCH. Tuyên bố nói rõ, dù Mỹ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Việt Nam nhưng vì thiện chí hòa bình, Việt Nam sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với phía Mỹ. “Tiếp xúc để xác định việc Mỹ hoàn toàn chấm dứt ném bom miền Bắc trên cơ sở đó bàn các vấn đề liên quan. Chỉ riêng chữ “xác định” chúng tôi cũng mất đứt 3 tiếng để bàn cuối cùng thì tìm ra chữ này. Tức là anh phải chấm dứt ném bom miền Bắc tôi mới bàn chuyện khác lúc đó mới đi vào đàm phán thực sự.” – ông Huỳnh nói.
Bộ trưởng Xuân Thủy phát biểu tại một cuộc họp báo
ở Paris trong thời gian đàm phán
Hai giai đoạn của đàm phán
Đàm phán Paris diễn ra trong 4 năm 8 tháng 16 ngày; đã có tổng cộng 202 phiên họp công khai tại Trung tâm Hội nghị Kleber và 36 phiên họp riêng cấp cao tại nhiều địa điểm khác nhau ở Paris. Trong đó, giai đoạn thứ nhất (còn gọi là diễn đàn thứ nhất) là giữa h ai bên Việt Nam – Hoa Kỳ. Bộ trưởng Xuân Thủy dẫn đầu đoàn VNDCCH và Cố vấn đặc biệt là UV BCT Lê Đức Thọ. Đại sứ Harriman dẫn đầu đoàn Hoa Kỳ. Giai đoạn đầu kéo dài suốt năm 1968 (từ 13-5 đến tháng 10-1968) với 28 phiên họp công khai và 12 cuộc gặp riêng. Tại diễn đàn này, hai bên bàn việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc. Giai đoạn hai kéo dài hơn 3 năm (25-1-1969 đến 27-1-1973). Đây là giai đoạn giằng co với 174 phiên công khai và 24 phiên họp bí mật; là diễn đàn 4 bên gồm VNDCCH, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; còn bên kia là Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Từ cuối năm 1970 đến năm 1973, ông Võ Văn Sung được điều động sang Paris. Cũng từ năm 1971, Vụ II đổi tên thành CP50. Công khai về mặt ngoại giao, ông Võ Văn Sung là Tổng Đại diện Chính phủ VNDCCH tại Pháp, nhưng nhiệm vụ chính là tham gia vào nhóm do Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ lãnh đạo đàm phán bí mật với đối tác phía Mỹ là ông Henri Kissinger. Ông Lê Đức Thọ là đại diện toàn quyền của lãnh đạo Việt Nam đối với tất cả các cơ quan và các phái đoàn chính thức, các tổ chức thuộc lực lượng kháng chiến hai miền Nam – Bắc Việt Nam tham gia đấu tranh ngoại giao tại Paris. Từ đầu năm 1971 đến cuối Hè năm 1972, nhóm “đàm phán bí mật” do ông Lê Đức Thọ lãnh đạo gồm có ông Xuân Thuỷ – Trưởng đoàn đàm phán VNDCCH tại Hội nghị bốn bên; các ông Phan Hiền và Võ Văn Sung được giao trách nhiệm theo sát nắm bắt tình hình trong quá trình thảo luận; ngoài ra có ông Nguyễn Đình Phương là phiên dịch cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Cuối năm 1972 có thêm một số nhân sự của CP50 từ Hà Nội sang tham gia vào công việc dự thảo văn bản Hiệp định.
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Có thể nói đây là một mốc son chói lọi nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước; tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Về mặt ngoại giao, Hiệp định Paris đã kết thúc thắng lợi cuộc thương lượng kéo dài giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau gần 5 năm Hội nghị bốn bên công khai và sau hơn hai năm (1971 – 1973) tiến hành thảo luận thực chất trong cuộc “đàm phán bí mật” giữa đoàn Lê Đức Thọ và đoàn Henri Kissinger. Đây thực sự là việc chưa từng có trong lịch sử thế giới mà ta gọi là “vừa đánh, vừa đàm”. Kết quả cuộc thương lượng đã đáp ứng mong đợi của mọi người; nó làm cho toàn thế giới trút được gánh nặng tinh thần và tâm lý đè trĩu hàng chục năm.
P.V
(Ghi theo lời kể của các ông Võ Văn Sung
và Nguyễn Khắc Huỳnh -Thành viên đoàn
đàm phán VNDCCH)