Bộ đồ bay của Trung tướng Phạm Tuân

Đã 40 năm, nhưng Trung tướng Phạm Tuân vẫn nhớ như in trận đánh B-52 đêm 27/12/1972.

Sau khi cất cánh trong đêm tối, ông bay giữa các lớp mây ở độ cao 500m, khoảng cách đến mục tiêu là 10km. Đúng lúc đó ông nhận được lệnh tấn công. Vì muốn tiếp cận mục tiêu gần hơn nữa để ăn chắc, ông đã thực hiện mệnh lệnh đó chậm lại. Sau khi phóng 2 quả tên lửa, cho máy bay bổ nhào xuống, ông đưa máy bay xuống độ cao an toàn và hạ cánh. Mấy giờ sau có tin thông báo chính thức Không quân Việt Nam đã bắn rơi B52 của Mỹ. Cái tên Phạm Tuân luôn được nhắc tới với thành tích là phi công đầu tiên của Việt Nam bắn rơi B52, phi công đầu tiên của Việt Nam bay vào vũ trụ…

Nhưng ít ai biết, để có những chiến công vang dội ấy, ông đã phải trải qua bao gian khổ hiểm nguy. Một trong những tình huống hiểm nghèo đối với Anh hùng phạm Tuân là ngày 18/12/1972, máy bay Mỹ bất ngờ tấn công sân bay của ta. Đường băng cất cánh, đài chỉ huy phá hủy, liên lạc bị cắt. Phạm Tuân là phi công đầu tiên cất cánh lên bầu trời sau khi có báo động.

Bộ đồ bay của Trung tướng Phạm Tuân.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhiên liệu trên máy bay sắp cạn, cần hạ cánh khẩn cấp, Phạm Tuân đã quyết định hạ cánh ở sân bay vừa bị đánh bom. Đêm tối, không hề có đèn pha trên sân bay, máy bay hạ cánh chỉ nhờ ánh sáng phát ra từ chiếc đèn pha. Khi máy bay vừa chạm đất thì lập tức bị tụt xuống hố bom. Tốc độ hạ cánh của MIG – 21 khá cao và chiếc máy bay đã lộn nhào rồi trượt đi khoảng 300m, bụng hướng lên trời và quay trở lại 180 độ. Chiếc máy bay gần như đã bị phá hủy, may mắn là nó nhanh chóng dừng lại và không bốc cháy. Phạm Tuân bị va đập rất mạnh trong buồng lái, nhưng nhờ bộ đồ bay ông đã thoát chết.

Nhiều năm sau khi đất nước thống nhất, Trung tướng Phạm Tuân vẫn cất giữ bộ đồ bay và chiếc mũ phi công ở nơi trang trọng nhất trong nhà mình, như một lời nhắc nhở về một thời gian khổ và hào hùng. Hiện nay chiếc mũ đã cũ đi rất nhiều, những móc khóa không còn nguyên vẹn, ngay cả tấm kính chắn trước mặt cũng ố mờ với vài vệt xước, bộ quần áo sờn bạc, dù được sản xuất tại Liên xô bằng thứ vải khá đặc biệt… Ông nâng niu kỉ vật này không chỉ vì những chiến công lừng lẫy mà một phần bởi nó gắn với những kỷ niệm sinh tử.

Phạm Cường
baodatviet.vn

Advertisement