Ngày 18-12-1972, đế quốc Mỹ dùng máy bay B-52 ném bom hủy diệt thủ đô Hà Nội, mở đầu cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn đối với miền Bắc nước ta. Trong 12 ngày đêm đó, Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh cho toàn bộ máy bay chiến lược B-52 và các loại máy bay chiến thuật ở khu vực Ðông – Nam Á tiến công, trút xuống miền Bắc nước ta khối lượng bom đạn khổng lồ, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường, quả cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của Mỹ, làm nên chiến thắng lẫy lừng “Hà Nội – Ðiện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, tạo bước ngoặt lịch sử cho cuộc cách mạng giành thắng lợi hoàn toàn. Đóng góp vào thắng lợi này là tâm sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong đó, có không ít những cá nhân trực tiếp tham gia và sau này đã là những nhân chứng của lịch sử. Một trong những người đó là Thượng tướng Phùng Thế Tài.
Thượng tướng Phùng Thế Tài
Thượng tướng Phùng Thế Tài năm nay đã 93 tuổi. Trời cho ông một sức khỏe hiếm thấy và sự minh mẫn, tinh tường cũng vào loại hiếm. Ngay năm 1944, khi ấy, chàng thanh niên họ Phùng vừa tốt nghiệp trường Sĩ quan Hoàng Phố với quân hàm trung úy đã nhận nhiệm vụ tháp tùng Hồ Chủ tịch sang thăm và làm việc tại Trung Quốc với cương vị bảo vệ. Nhắc đến Bác Hồ, đôi mắt “Phùng tướng quân” linh động hẳn. Ông là người có thời gian làm công tác bảo vệ Hồ Chủ tịch. Cái tên Phùng Thế Tài cũng là do Bác đặt. Ông tên thật là Phùng Văn Thụ, quê gốc tại xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (cũ). Nhà nghèo, thuở nhỏ cậu bé Phùng Văn Thụ đã sớm lưu lạc sang tận Vân Nam (Trung Quốc) mưu sinh rồi được vận động tham gia tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh hội ở hải ngoại. Chính tổ chức này cử ông đi học trường Sĩ quan Hoàng Phố và ông đã sớm bộc lộ một thiên hướng quân sự bẩm sinh. Thông minh đĩnh ngộ, đặc biệt là có sức khỏe dẻo dai nên tổ chức phân công ông làm công tác bảo vệ Bác những năm cách mạng còn trứng nước.
Thượng tướng Phùng Thế Tài cho biết: Trong cuộc đời ông có rất nhiều sự kiện đáng nhớ liên quan tới Hồ Chủ tịch. Trong ấy phải kể đến sự nhìn xa trông rộng của Bác Hồ trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.
Trận “Ðiện Biên Phủ trên không” là chiến thắng có ý nghĩa quân sự, chính trị lịch sử. Chiến thắng đã làm sụp đổ sức mạnh vô địch của “không lực Hoa Kỳ”, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và âm mưu “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” của Tổng thống Mỹ Nixon, tạo cục diện mới để quân và dân cả nước ta thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Ðánh cho Mỹ cút”, làm cơ sở để “đánh cho ngụy nhào”, tiến tới giành thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại.
40 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng “Hà Nội – Ðiện Biên Phủ trên không” những ngày cuối tháng 12-1972 mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc, của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Ngay từ năm 1962, khi Đại tá Phùng Thế Tài vừa nhận chức vụ Tư lệnh Phòng không, Bác Hồ đã gọi ông lên và hỏi, đại ý: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa?”.
Bộ đội tên lửa chuẩn bị chiến đấu
Ảnh: T.L
Đầu năm 1968, Bác gọi Phùng Thế Tài – lúc đó trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và đồng chí Đặng Tính – Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân đến báo cáo tình hình. Bác đã nói lời tiên tri mà sau này đã trở thành sự thật: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Tháng 9-1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhận định: “Năm 1972 hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp, nếu chưa được có thể tập trung không quân đánh phá. Ta cần có biện pháp đề phòng”. Ngày hôm sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “B-52 không chỉ đánh ở miền Nam. Đến mức độ nào đó cũng có thể đánh vào Thủ đô Hà Nội. Quân chủng Phòng không – Không quân phải nghiên cứu kỹ đối tượng này”. Đến 5-4-1972 khi tình hình chiến sự ở miền Nam đang diễn ra sôi sục, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không – Không quân và các Quân khu: “Phải sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc”. Trong một buổi họp quan trọng của Bộ Quốc phòng tháng 11 năm 1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh đã khẳng định: “Âm mưu của Mỹ cho B-52 đánh Thủ đô Hà Nội, linh hồn của cuộc kháng chiến sẽ là hành động gây sức ép cuối cùng để buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô”.
Tháng 11 năm 1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng các Tổng tham mưu phó Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài đã thông qua và phê chuẩn kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng Phòng không – Không quân. Đây là kế hoạch mang tầm vóc chiến dịch, một chiến dịch phòng không được tiến hành chủ yếu bằng lực lượng phòng không ba thứ quân trên miền Bắc, lấy Quân chủng Phòng không – Không quân làm nòng cốt. Sau khi ký duyệt, Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp ra lệnh: “Phải hoàn thành nhiệm vụ công tác chuẩn bị trước ngày 3-12-1972” và còn dặn thêm: “Trước ngày Ních-xơn nhậm chức, Mỹ có thể mở đợt tập kích bằng không quân chiến lược ra Hà Nội, Hải Phòng, các đồng chí phải nắm địch thật chắc. Tuyệt đối không để bị bất ngờ… phải tập trung mọi khả năng nhằm đúng đối tượng B-52 mà tiêu diệt”.
Đầu tháng 12-1972, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xuống Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không – Không quân, trực tiếp nghe Tư lệnh Lê Văn Tri trình bày kế hoạch đánh B-52 của Quân chủng. Đồng chí đã nhấn mạnh: “Để gây sức ép với ta trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng Không – Không quân, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”.
Vị tướng ngồi trầm ngâm một lúc sau những hồi nhớ xúc động một thời như vẫn còn quá gần gũi. Bác Hồ cũng là người rất yêu mến Phùng Thế Tài và phải nói là đã tạo nhiều điều kiện để ông trở thành vị tướng giữ các trọng trách trong quân đội. Được đánh giặc, được lập công cũng là chí nguyện của vị tướng họ Phùng.
Chúng tôi ngồi lặng trước ký ức xúc động của vị tướng trận một thời từng là cận vệ của Bác Hồ. Nhắc đến Bác, lão tướng quân vẫn nhớ được từng chi tiết nhỏ dù câu chuyện xảy ra cách đây đã mấy chục năm. Người cận vệ của Bác Hồ ngồi đó, thâm trầm như một trái núi mà ẩn chứa những tâm tư, kỷ niệm, niềm tin và lẽ sống đã lặng lẽ ngấm sang từ một con người vĩ đại – Hồ Chí Minh.
Phùng Văn Khai
daidoanket.vn