“Bình thường ai cũng sợ chết cả. Nhưng lúc đó thật sự chúng tôi không sợ chết. Đó là điều rất lạ” – nhà báo Chu Chí Thành vừa lật mở những tấm ảnh mình đã chụp trong 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vừa nói. Những bức ảnh chớp ghi khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội một thời bom rơi đạn lạc, không bao giờ chúng ta mong phải chứng kiến một lần nữa.
Máy bay B-52 của Mỹ rơi ở cánh đồng
làng Định Công (Hà Nội) ngày 26-12
Tháng 12-1972, khi đó Chu Chí Thành mới 28 tuổi, chưa vợ, là phóng viên của tổ ảnh quân sự – TTXVN. Trong khi cả Hà Nội phải đi sơ tán, thì các phóng viên ảnh của TTXVN được ở lại để làm nhiệm vụ, chụp ảnh chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta. “Ông Đỗ Phượng khi đó là Phó tổng biên tập TTX bảo chúng tôi: Các đồng chí ở lại làm nhiệm vụ nếu hi sinh sẽ được phong là liệt sĩ”. Chúng tôi cũng chỉ nghe để biết thế, còn có thể nói phóng viên ảnh rất lạc quan, không hề sợ bom Mỹ, không hề sợ hi sinh”, nhà báo Chu Chí Thành kể lại.
Cùng với các tay máy đàn anh như Văn Bảo, Lâm Hồng Long, Minh Trường, Minh Lộc,… Chu Chí Thành đã có những ngày đối mặt với thần chết để có được những khoảnh khắc quý giá để đời. Bởi, ngày ấy, khắp phố phường Hà Nội khi còi báo động hú lên, tiếng loa “Đồng báo chú ý! Đồng báo chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội ba mươi cây số” người dân chạy xuống các hầm để trú bom thì các phóng viên ảnh nhao ra trận địa để chụp ản. Nhà báo Chu Chí Thành nhớ lại: “Tôi vọt lên tầng thượng các tọa nhà, trèo lên các điểm cao để chờ chụp các máy bay rơi hay các cảnh chiến đấu của bộ đội cao xạ, dân quân tự vệ,… trên các trận địa. Chính trong đêm 26-12, nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đã chụp được bức ảnh B-52 cháy trên bầu trời Hà Nội, ngay trên nóc nhà 18 Trần Hưng Đạo. Hồi đó chúng tôi chỉ chú trọng chụp cảnh đổ nát, tình quân dân, những sinh hoạt của người dân… chứ ít khi chụp những hình ảnh về người bị thương, bị chết. Những bức ảnh về mất mát, hi sinh cũng có nhưng chủ yếu để lưu, để tham khảo, để cung cấp cho Ủy ban điều tra tội ác đế quốc Mỹ ở Việt Nam làm việc”.
Các bác sĩ, y tá Bệnh viện Bạch Mai bàn cách
cứu người bị kẹt trong hầm sau trận bom B-52
Giờ đây, mỗi bức ảnh với ông vẫn là một câu chuyện găm sâu vào kí ức. Đó là bức ảnh chụp khẩu đội pháo bên hồ Trúc Bạch ông vừa thực hiện được mấy ngày, khi quay lại thì toàn bộ những chiến sĩ chiến đấu ở đó và những kĩ sư Bách khoa vừa mới ra trường đã không còn một ai. Sự khốc liệt của cuộc chiến hiện ra cả ở những bức ảnh chụp B-52 tan xác ở cánh đồng Định Công cùng với viên phi công Mỹ, trong túi còn bức ảnh vợ và con gái chừng hơn 1 tuổi tươi cười. Hay cảnh bệnh viện Bạch Mai bị tàn phá sau đêm ném bom kinh hoàng 22-12 và đặc biệt là ở Khâm Thiên đêm 26-12, làm chết 287 người trong đó có 40 cụ già và 55 em nhỏ của 6 khối phố Khâm Thiên. Tờ mờ sáng ngày 27-12, Chu Chí Thành đã có mặt và ghi lại được nhiều hình ảnh nhà cửa đổ nát, những người về tìm lại người thân, lật bê tông tìm lại đồ vật gia đình: túi gáo, bức ảnh, cái mâm nhôm bẹp… Đặc biệt, có nhiều hình ảnh ngày nay các báo vẫn dùng nhưng thường “quên” đi tác giả, đó là hình ảnh một cụ già tóc bạc phơ chìm lút sau đống đồ đạc lỉnh kỉnh những chăn chiếu, nón lá, bu gà và mấy bó củi…
Đường phố Khâm Thiên sáng 27-12-1972
Bên cạnh đó, Chu Chí Thành còn chụp được những bức ảnh bạn bè quốc tế đã đến thăm và chia sẻ những đau thương mất mát của Việt Nam trong những ngày bom Mỹ tàn phá miền Bắc. Đó là các bức “Đứng trước nỗi đau” chụp bà Phanien Đenman Tổng thư ký Liên hiệp phụ nữ dân chủ quốc tế thăm Bệnh viện Bạch Mai, đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Úc Giêm Kensơ thăm bệnh viện Bạch Mai sau trận bom ngày 10-12-1972 và ảnh một sinh viên Mỹ muốn trở thành pháo thủ Việt Nam…
Nhất là Jane Fonda, một minh tinh màn bạc, “trái tim của nước Mỹ” hiện lên trong ảnh của ông như một sứ giả của hòa bình khi chị đến thăm những thương binh Việt Nam, cầm tay họ, an ủi họ, chị gặp gỡ những tù binh Mỹ, gặp gỡ những nghệ sĩ của Đoàn Văn công Hà Nội, và chị cũng đã trực tiếp cầm máy quay, máy ghi âm để ghi lại tội ác của giặc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam. Những bức ảnh này nói lên một điều rằng ngay cả nhân dân Mỹ cũng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa này.
Người Hà Nội đi sơ tán (Khâm Thiên 27-12)
Ảnh Chu Chí Thành
“Pháo hoa” B-52 rơi trên bầu trời Thủ đô Trong số những bức ảnh quân dân ta bắn rơi B-52, có một bức ảnh của phóng viên ảnh báo Phòng Không – Không quân Nguyễn Xuân Át. Đó là bức ảnh B-52 cháy rơi trên bầu trời Hà Nội như một rải pháo hoa. Ông Nguyễn Xuân Át sinh năm 1942, vẫn còn nhớ rất rõ: Nhà tôi ở phố Khâm Thiên, phía bên kia rạp Dân Chủ bây giờ. Đêm 26-12, khoảng 22h15 phút thì có báo động… Lúc nghe loa báo, tôi đang ở giữa phố, chạy về nhà, xách máy ảnh ra sân đứng “trực chiến”. Rồi thấy bừng sáng, tôi chụp được 2 kiểu B-52 cháy. Trong hai tấm ảnh đó, có một kiểu trông như pháo hoa. Đây là một ảnh ghi nhận về 12 ngày đêm mà tôi thích nhất, và cũng là tài liệu chứng minh chiến thắng của quân dân ta, bắn rơi pháo đài bay ngay trên bầu trời Hà Nội. |
Hoàng Thu Phố
daidoanket.vn