QĐND – Tìm đến nhà Đại tá Hoàng Bình bây giờ không còn vất vả như những năm trước kia nữa, cho dù chỗ ở của ông không hề thay đổi suốt mấy chục năm qua. Vẫn ở khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội nhưng nhờ quy hoạch của thành phố mà tự nhiên cái tòa nhà ông nằm tít tận cuối khu tập thể ẩm thấp nay lại ngoi ra mặt phố Hồ Đắc Di, nhìn thẳng xuống hồ Xã Đàn nước trong xanh dìu dịu. Căn hộ của ông được cấp ở tầng 1, ngày xưa chưa mưa đã lụt nhưng nay hóa may, bước vài bước là xuống tới đường.
Lâu lâu tôi không đến thăm nên hôm nay ông hỏi đủ thứ chuyện, nào là tình hình quân đội hiện nay ra sao, ta có thêm được những vũ khí hiện đại gì, anh em mình hiện nay có ra nước ngoài học tập nhiều không? Lựa lúc ông đang hào hứng sau câu chuyện vui, tôi đặt vấn đề:
– Bác ạ, hôm nay đến thăm bác nhưng cũng có việc cháu muốn hỏi bác kỹ hơn về lá thư Hoàng Hà gửi cho bác và những món quà bác nhận được trong thời gian chiến đấu ở chiến trường miền Trung 40 năm trước đây.
– Chuyện đó thì mọi người đều rõ cả rồi, mà đó cũng là việc làm bình thường thôi. Hà làm việc đó khi còn là học sinh, bây giờ đã là anh sĩ quan cấp tá, có hơn ba chục năm phục vụ trong quân ngũ rồi còn gì?
– Gần hai chục năm qua, kể từ khi Bảo tàng Quân chủng Phòng không – Không quân trưng bày những kỷ vật bác tặng có rất nhiều khách đến tham quan quan tâm tìm hiểu về việc này. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, anh em chúng cháu muốn nhấn mạnh thêm về mối quan hệ giữa hậu phương và tiền tuyến mà câu chuyện của gia đình ta là một trong những câu chuyện rất có ý nghĩa đối với sự kiện lịch sử quan trọng này.
– Ừ! Mà nói cho đúng thì miền Bắc lúc đó cũng là mặt trận chứ! Không những thế còn là mặt trận, là chiến trường vô cùng ác liệt và nóng bỏng nữa.
Rồi ông kể.
Hồi đó ông đang chiến đấu ở mặt trận Quảng Đà, Quân khu 5 với cương vị là Tham mưu trưởng Sư đoàn 711, sau là Sư đoàn 2. Giữa lúc đơn vị ông đang phải đối phó quyết liệt với âm mưu “Mỹ hóa” trở lại thì được thông báo Mỹ đang ráo riết chuẩn bị dùng B-52 đánh phá Hà Nội. Nghe tin mà lo đến nao lòng. Cái gì chứ B-52 thì cánh lính chiến trong chiến trường miền Trung, miền Nam chẳng ai lạ lẫm gì. Bom B-52 như cơm bữa, bom ném bất cứ lúc nào, có trận kéo dài hàng giờ. Sau mỗi đợt bom B-52, mặt bằng chiến trường như thay đổi, sự tan hoang đổ nát đã làm biến dạng cả địa hình, thậm chí san phẳng cả một khu vực gò, đồi hoặc biến cả đoạn đường dài thành một chuỗi ao chuôm xếp gối nhau như dòng sông nham nhở, nhiều trận bị địch đánh bất ngờ đã gây cho ta tổn thất không nhỏ về người và vũ khí trang bị. Nhưng dù sao ngoài chiến trường, không gian còn rộng lớn, còn có núi, rừng, sông, suối chứ Hà Nội, một thành phố nhà cửa san sát, người chen chúc như nêm, khi phải hứng chịu những loạt bom rải thảm của B-52 thì hậu quả sẽ khủng khiếp thế nào? Hà Nội là nơi Trung ương và các cơ quan trọng yếu của cả nước đang lãnh đạo, điều hành cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc, khi kẻ thù liều lĩnh dùng B-52 đánh hủy diệt thì tình hình sẽ ra sao? Không hiểu ta có thể đánh thắng được loại máy bay ném bom khổng lồ B-52 này hay không? Chỉ nghĩ tới đó đã rùng mình, càng lo cho Thủ đô trước trận cuồng phong của bom, đạn…
Ông kể tiếp, ngày ấy ở chiến trường, thường thì khi B-52 chuẩn bị đánh, cấp trên đều thông báo sớm để sơ tán, phòng tránh nên cũng hạn chế được thương vong, thế nhưng mỗi lần nhìn thấy chúng ngang nhiên hoành hành mà uất ức đến tận cổ. Chúng biết ta chưa có hỏa lực gì chống trả được nên bay tương đối thấp, những ngày trời quang mây nhìn thấy rõ mồn một. Những lúc như thế chỉ mong có thứ vũ khí gì bắn tan thây chúng nó cho hả giận. Hy sinh, mất mát thì nhiều nhưng ông không bao giờ quên được cái trận bom B-52 đã cướp đi sinh mạng những đồng đội của mình mà vừa mới vài chục phút trước đó họ còn trò chuyện vui vẻ với ông.
Hôm ấy, ông và ông Củng, Phó chủ nhiệm Chính trị sư đoàn cùng một số anh em đang làm nhiệm vụ ở chân núi Chôm, lợi dụng công sự cũ để tổ chức chiến đấu. Tang tảng sáng, ông Củng tới mời ông đến chỗ anh em cơ quan chính trị uống trà do mấy anh em tuyên huấn của sư đoàn mang xuống. Ông hẹn một lúc nữa sẽ qua nhưng đúng lúc đó thì ba chiếc B-52 từ phía nam bay rất thấp về phía trận địa, tất cả anh em xuống hầm ẩn nấp. Bỗng một loạt tiếng nổ dài, vang lên dữ dội. Biết địch ném bom ở khu vực của mình, ông đã lao khỏi hầm chạy lại nơi khói bụi đang mịt mù.
Trước mắt ông là cảnh tan hoang không còn nhận ra hầm hào gì nữa. Phán đoán vị trí cái hầm trú ẩn của anh em cơ quan chính trị, ông đã dùng tay ra sức moi đất đá hy vọng sẽ cứu được anh em. Nhưng khi moi tới hầm thì cả bốn đồng chí đã hy sinh, trong đó có Phó chủ nhiệm Chính trị và Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn. Thời điểm này đã chuẩn bị ký kết Hiệp định Pa-ri, Tâm – Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn xuống Sở chỉ huy phía trước để phổ biến tình hình cho bộ đội nhưng chưa kịp làm thì đã bị hy sinh vì bom B-52. Đơn vị ông phải di chuyển trận địa. Vừa đến trận địa mới, ông lại nhận được tin có thư và quà từ miền Bắc gửi vào. Ông không biết quà của vợ con hay cơ quan nào hoặc ai đó gửi cho mình. Ông chợt lo lắng không biết liệu có chuyện gì đã xảy ra với gia đình vì đã rất lâu kể từ khi nhận được cuốn băng ghi âm, ông không hề nhận được tin tức gì ở nhà. Vừa qua Hà Nội lại bị ném bom dữ dội như vậy… Tự nhiên ông phát run lên. Sống trong bom B-52 đã bao năm nay, nhiều trận cái chết đã cận kề gang tấc mà không có cảm giác sợ, nhưng không hiểu sao cứ khi nào nghĩ đến cảnh hậu phương bị “con quái vật” ấy mò ra gây tội ác, ông lại thấy lo lắng, bồn chồn không yên.
Cậu chiến sĩ thông tin rất mau mồm mau miệng, chưa về đến nơi đã oang oang thông báo rằng thủ trưởng Hoàng Bình có thư và quà của con trai gửi vào, lúc đó ông mới thở phào nhẹ nhõm. Bỗng mặt ông biến sắc, tim đập thình thịch khi thoáng nghĩ bà ấy đâu mà lại để con trai ông gửi thư cho bố? Cả ba đứa con của ông đều còn nhỏ, đứa lớn mới vào tuổi mười lăm. Từ trước tới giờ thư vẫn do bà ấy viết, mấy đứa có viết thư cho bố thì cũng để chung trong phong bì của mẹ. Nghĩ vậy ông đã giật ngay gói quà từ tay cậu chiến sĩ thông tin rồi vội vã xé toạc tờ giấy bọc, lấy lá thư. Thấy ông đọc đến đâu mặt giãn ra đến đấy, có lúc bất chợt còn thốt lên: “Thế chứ! Cho đáng đời chúng mày. Giỏi lắm, con trai của bố giỏi lắm!”, anh em đứng xung quanh mới thở phào. Thì ra lá thư là của Hoàng Hà – cậu con trai thứ hai. Khi ông vào Nam thì Hà chưa đi học, mấy năm sau ông ra Bắc lại không gặp vì Hà được sang Quế Lâm, Trung Quốc học cấp I. Hà báo tin đợt B-52 đánh vào Hà Nội, ba anh em đều đi sơ tán, chỉ có mẹ ở lại nhà máy, cả nhà đều an toàn. Phần lớn bức thư Hà dành để kể cho bố nghe chuyện các chú bộ đội chiến đấu bắn rơi máy bay B-52 ở Hà Nội. Thấy ông đang bị hút hồn vào lá thư và dường như lá thư đã thôi miên, làm cho ông ngây ngất nên anh em cứ đứng xung quanh chờ đợi, không ai nỡ làm gián đoạn cái giây phút sung sướng hiếm hoi của ông…
Đợi ông bớt xúc động, anh em mới đưa món quà đặc biệt mà do vui quá ông quên không đả động gì đến. Đó chính là một mảnh nhỏ xác máy bay B-52, Hà đã gửi vào cùng với lá thư. Ông sực tỉnh, trong thư Hà đã nói qua về “xuất xứ” những “chiến lợi phẩm” này. Hà kể, mảnh xác B-52 và mấy mảnh tài liệu tiếng Anh cháy nham nhở do chính Hà nhặt từ đống xác chiếc B-52 rơi ở nơi ba anh em sơ tán, (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ) rạng sáng ngày 19-12. Đã biết tin quân và dân Hà Nội chiến đấu rất kiên cường, bắn rơi hàng chục “pháo đài bay” B-52 nhưng không ngờ ở tận trong này ông và anh em lại được cầm trên tay cái mảnh xác của “con quái vật” B-52 mới bị đền tội. Những năm tháng ở chiến trường chứng kiến B-52 tung hoành gieo rắc tội ác, gây cho ta biết bao tổn thất, hy sinh, giờ cầm mảnh xác nó trên tay mới thấy hả lòng, hả dạ… Ông Bình nhớ ra là chưa đọc thư cho anh em nghe như những lần trước. Mà cũng lạ, lần này không thấy đứa nào đòi xem thư mà đều dán mắt vào mảnh xác máy bay B-52…
– Thế sau chiến thắng của quân và dân miền Bắc, ở trong đó các bác có còn bị B-52 gây khó dễ nữa không? Tôi hỏi Đại tá Hoàng Bình.
– Đỡ nhiều chứ, cũng chỉ một thời gian ngắn là chấm dứt ngay, nó còn hơi sức đâu nữa mà đánh với đấm. Với lại B-52 là của Mỹ, Mỹ buộc phải rút thì “con ngáo ộp” cũng phải “cuốn gói” theo. Thế mới biết trận thắng B-52 ở Hà Nội quan trọng thật, quật cổ được lũ B-52 là cục diện chiến trường cả nước thay đổi ngay… Sau chiến thắng của ta ở miền Bắc, đơn vị tôi tiếp tục chiến đấu đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhiều đồng chí được thấy món quà quý báu của tôi ngày đó đã ngã xuống trên đường tiến về Sài Gòn, một số sau khi trở về hậu phương già yếu và đã qua đời khá nhiều…
Nói xong ông rút khăn chấm chấm vào đôi mắt đã đỏ hoe từ lúc nào. Nhìn về xa xăm, giọng ông khẽ khàng như nói với đồng đội cũ của mình:
– Đã mấy chục năm xa nhau, nay người còn người mất nhưng với người lính chúng ta cái còn lại vẫn là nghĩa tình đồng đội. Thỉnh thoảng gặp nhau ôn lại những kỷ niệm một thời trận mạc càng thấm thía sự chia ngọt sẻ bùi có giá trị thế nào. Bây giờ người ta có thể tặng nhau những món quà đắt tiền nhưng nó không thể thiêng liêng như những lá thư, gói quà nhỏ bé của hậu phương gửi vào tiền tuyến hồi chiến tranh. Những thứ đó bình thường nó là của riêng, chỉ có chủ nhân mới được sở hữu, nhưng trong chiến tranh, nó là của chung. Chính sự sẻ chia ấy đã gắn kết người lính lại thành một khối vững chắc để vượt qua gian khổ, hy sinh.
– Có phải vì vậy mà bác đã quyết định tặng lại bảo tàng toàn bộ những kỷ vật mà bác đã nâng niu, giữ gìn trong suốt hơn hai mươi năm?
– Món quà của tôi đã là của anh em đồng đội từ khi tôi nhận nó rồi. Năm 1995, khi gặp lại đồng đội cũ, anh em khuyên tôi nên tặng lại bảo tàng để mọi người biết được phần nào nghĩa tình của hậu phương với tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc nên tôi đã quyết định tặng cho Bảo tàng Quân chủng Phòng không – Không quân.
Ông tỏ ra mãn nguyện. Tôi hiểu tâm trạng của ông. Đã 40 năm trôi qua, kể từ khi cậu bé mười ba tuổi Hoàng Hà đến tận nơi máy bay rơi, lửa khói còn đang ngùn ngụt, chờ cho lửa tắt rồi nhanh tay lượm một mảnh xác nhỏ và mấy miếng tài liệu cháy dở gửi cho bố nơi chiến trường ác liệt chỉ với suy nghĩ giản đơn là báo tin cho bố: Hà Nội đã bắn rơi máy bay B-52. Hẳn lúc đó cậu chưa đủ khôn để hiểu rằng món quà nhỏ bé đó đã có một ý nghĩa lớn lao, nó đã tiếp sức cho bố mình và đồng đội trong những trận đánh cuối cùng. Cậu bé Hoàng Hà ngày nào, nay đã mang trên vai quân hàm Đại tá. Tiếp bước cha anh, Hà đã toại nguyện ước mơ là vào bộ đội tên lửa và công tác liên tục trong Quân chủng Phòng không – Không quân cho đến nay, trải qua nhiều cương vị khác nhau, trong đó có vị trí từ khi còn nhỏ, anh đã từng mơ ước là chỉ huy một đơn vị hỏa lực tên lửa. Chỉ có khác với bố là Hoàng Hà không phải ra trận. Ông Bình nói đó là điều ông mong ước không chỉ cho Hà mà cho cả con cháu của Hà. Ông kể, năm 1975, ông được sang Cộng hòa dân chủ Đức chữa bệnh, đón ông tại sân bay, một nữ cán bộ của bạn đã làm cho ông ngạc nhiên. Bà ta nói: “Chào Đại tá thất nghiệp Hoàng Bình”, rồi giải thích: “Ông đã đánh thắng Mỹ thì còn ai dám đến nữa mà đánh nên ông là Đại tá thất nghiệp”…
Trải lòng xong, ông cười sảng khoái, cái cười của vị Đại tá già cứ văng vẳng mãi bên tai làm cho tôi hào hứng viết ra những dòng gan ruột này.
NGUYỄN PHƯƠNG DIỆN
qdnd.vn