Sai lầm lớn của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Người Mỹ nhìn về “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”

QĐND – Trước nguy cơ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” sắp hoàn toàn thất bại, Mỹ “dốc túi” vào “canh bạc” cuối cùng, Tổng thống Mỹ Ních-xơn quyết định mở cuộc tập kích đường không (TKĐK) chiến lược mang tên Linebacker-II bằng máy bay B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm tháng 12-1972.

Thất bại thảm hại

Ngay trong đêm 18-12, đế quốc Mỹ đã huy động 129 lần/chiếc B-52 và 135 lần/chiếc máy bay chiến thuật đánh liên tiếp vào thủ đô Hà Nội, tập trung đánh vào các sân bay Kép, Nội Bài, Gia Lâm, Hòa Lạc, Yên Bái và các khu vực Đông Anh, Yên Viên, Đức Giang và Đài Tiếng nói Việt Nam. Cùng thời gian này, Mỹ còn vào đánh phá thành phố Hải Phòng.

Xác máy bay Mỹ bị quân ta bắn rơi trong trận chiến 12 ngày đêm. Ảnh tư liệu

Được chuẩn bị sớm từ trước, quân, dân Hà Nội và các địa phương trên miền Bắc không bị bất ngờ, đã bước vào chiến đấu với tinh thần bình tĩnh, chủ động và tự tin. Bộ đội Phòng không – Không quân (PK-KQ) và dân quân tự vệ hiệp đồng chặt chẽ đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ. Trong đêm 18-12-1972, ta đã bắn rơi 3 máy bay B-52 (có 2 chiếc rơi tại chỗ); 4 máy bay chiến thuật, bắt sống giặc lái. Liên tiếp trong các đêm từ 19 đến 24-12 Mỹ đã huy động hàng trăm lần chiếc B-52 kết hợp với máy bay F-111 bay thấp đánh xen kẽ, ban ngày chúng dùng các máy bay chiến thuật đánh bồi vào các mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Trong đợt một từ ngày 18 đến 24-12-1972, ta bắn rơi 49 máy bay, trong đó có 17 máy bay B-52, 5 máy bay F-111, bắt sống hàng chục giặc lái. Bị tổn thất quá nặng, lấy cớ là nghỉ lễ Giáng sinh, địch phải tạm ngừng ném bom để củng cố lực lượng, rút kinh nghiệm, tìm thủ đoạn đánh phá mới. Đêm 26-12-1972, địch huy động 120 lần chiếc máy bay B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên nhằm bảo đảm mật độ bay lớn hơn mật độ hỏa lực, nhất là hỏa lực tên lửa, hòng gây quá tải, làm rối loạn hệ thống phòng không của ta. Nhưng trong trận này ta đã bắn rơi 18 máy bay các loại, trong đó có 8 máy bay B-52 (4 chiếc rơi tại chỗ), bắt sống nhiều giặc lái. Trong các ngày 27, 28 và 29-12, ta đã bắn rơi thêm 8 máy bay B-52.

Cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng đã thất bại thảm hại. Ý đồ thương lượng trên thế mạnh chính quyền Ních-xơn đã thất bại. Quân và dân miền Bắc đã lập công xuất sắc: Bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111, bắt sống nhiều giặc lái. Dư luận phương Tây đã ví trận thắng này như một trận “Điện Biên Phủ trên không”.

Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa vô cùng to lớn cả về sức mạnh quân sự, chính trị, ngoại giao buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Thực chất là chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, rút toàn bộ lực lượng quân viễn chinh Mỹ về nước. Đây là đòn cuối cùng, kết thúc thắng lợi giòn giã của cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta năm 1972; là đòn đánh bại một cố gắng quân sự cao nhất, thủ đoạn chính trị, ngoại giao lật lọng xảo quyệt nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Chiến thắng đó còn mang ý nghĩa quốc tế to lớn, có tác dụng cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới.

Bài học đắt giá

“Chiến dịch LineBacker II” không chỉ là nỗi ám ảnh đối với các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự và các cựu chiến binh Mỹ mà còn là đề tài bình luận của các nhà phân tích, các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ và nước ngoài.

Trong hồi ký của mình, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mác-na-ma-ra cho rằng: “Mỹ đã phạm sai lầm lớn trong chiến tranh Việt Nam-những sai lầm cơ bản có tính chiến lược. Mỹ đã không đo lường hết được ý thức dân tộc của con người Việt Nam khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam, ném bom miền Bắc lần này, phiêu lưu đến mức tung một không lực khổng lồ đánh thẳng vào các thành phố miền Bắc, đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Mỹ cũng không nghĩ đến, về mặt khí tài và kỹ thuật quân sự, Quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể trừng trị được các “chủ bài” trên không của Mỹ và cuối cùng Mỹ đã không hiểu lịch sử Việt Nam xa và hiện tại…”.

Trong cuốn sách “Lời phán quyết về Việt Nam”, Giô-dép Am-tơ viết: “Trong 12 ngày tiếp theo, Mỹ ném xuống Hà Nội, Hải Phòng hơn 35.000 tấn bom đạn. Lầu Năm Góc cho rằng, các trung tâm dân cư cũng như các mục tiêu quân sự sẽ bị quét sạch chỉ còn là những đống gạch vụn. Toàn bộ các vùng lân cận đã bị xóa sạch, các phương tiện vận tải hoàn toàn bị phá hủy và những bệnh viện quan trọng bị tàn phá. Bệnh viện Bạch mai, cơ sở y tế hiện đại nhất của Hà Nội với hơn 900 giường bệnh đã bị biến thành nơi đổ nát…Tổng thống Ních-xơn đã đánh giá thấp quyết tâm của nhân dân Bắc Việt Nam… Khoảng 33 đến 35 chiếc máy bay B-52 chở gần 100 phi công Mỹ đã bị bắn rơi trong 12 ngày đêm. Con số chính thức được thừa nhận, chỉ 15 máy bay bị mất hầu như chắc chắn.

Đại tá Săm-mơ trong cuốn “An-ma-nach về chiến tranh Việt Nam”, năm 1985 đã viết: “Bắc Việt Nam là một trong các hệ thống phòng không có hiệu quả nhất trong lịch sử. Hệ thống này gồm máy bay tiêm kích MiG-17 và MiG-21, các tên lửa đất đối không SAM-2 cùng hàng nghìn vũ khí khác, từ súng phòng không 12,7mm đến pháo 100mm. Pháo cao xạ buộc máy bay tiến công phải bay cao, dễ bị SAM và MiG đánh. Ngược lại nếu bay thấp để tránh SAM và MiG thì máy bay dễ bị sát thương bởi hỏa lực PPK. Các kíp bay chiến đấu của không lực Mỹ vào miền Bắc Việt Nam có cảm giác như lao vào lưới lửa phòng không”.

Đa-na Đren-cô-xki trong bài “Thảm kịch của cuộc hành quân Linebacker II” đăng trên tạp chí “Không quân” viết “Chiến dịch Linebacker II hầu như hoàn toàn do bộ chỉ huy không quân chiến lược Hoa Kỳ đảm nhiệm, là một thảm họa cho phi công và là một tiền lệ nguy hiểm cho tương lai. Hậu quả của cuộc hành quân này là một số lớn máy bay B-52 bị bắn hạ một cách không thương tiếc và nhiều phi công bị thương tật, chết hoặc bị bắt sống”.

Tuần báo Mỹ “AW&ST”, ngày 12-2-1973 đã viết về chiến dịch Linebacker II như sau: “Đây là một cuộc chiến tranh nhiễu điện tử quy mô lớn đầu tiên giữa hai phe tiến công và phòng thủ đều mạnh. Chiến tranh điện tử đòi hỏi có chiến thuật linh hoạt, khôn khéo và trang bị hiện đại. Những trận đánh ở Hà Nội đã chứng minh điều đó… Hà Nội theo dõi các tín hiệu nhiễu trên màn ra-đa do máy gây nhiễu trên máy bay B-52 phát ra, giao hội các nguồn nhiễu, tính toán đường bay rồi phóng hàng loạt tên lửa dọc theo đường bay phán đoán… thiệt hại máy bay B-52 lên đến đỉnh cao”.

J. Fi-sơ đã viết bài đăng trên tạp chí “Không quân” tháng 2-1973, về thảm họa của không quân Mỹ ở miền Bắc Việt Nam như sau: Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tổn thất máy bay ném bom bị bắn hạ ước tính trung bình là một chiếc/64 phi đội xuất kích… trên không phận Hà Nội, Hải Phòng, cứ 49 phi đội xuất kích thì lại có một máy bay B-52 bị SAM bắn hạ”.

Đại tá, PGS, TS Trần Nam Chuân – Viện CLQP/BQP
qdnd.vn

————–

(Còn nữa)